Yêu Thương là Cho Đi

 

 – “Chị ơi, bữa nào mình đi làm bác ái chỗ thầy Đàm đi”. Một em trong nhóm ngước đôi mắt hiền lên nhìn lên tôi mời gọi.

Được em gợi ý, tôi tán thành ngay. Sau khi lên kế hoạch cộng với nhiều lời cầu nguyện. Ngày 23/12/2018 nhóm chúng tôi lên đường đến thăm một mái ấm tại Giáo xứ Bùi Chu – Hố Nai, nơi đang chăm sóc những người bệnh tâm thần, thiểu năng và trẻ mồ côi. Sau khi chào hỏi vị phụ trách, mọi người mau chóng tỏa đi thăm hỏi từng bệnh nhân. Có thể do chưa quen với người lạ nên họ rất ngại giao tiếp, thậm chí có người còn tỏ ra giận dữ và bỏ đi nơi khác. Điều này khiến chúng tôi hơi hoảng vì chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với người có vấn đề về thần kinh. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, anh chị em lôi bánh kẹo ra, rủ họ vừa ăn vừa chơi… đồ hàng, cùng đếm số từng viên kẹo cái bánh, dùng lời nói dịu dàng dỗ dành họ như những đứa trẻ.

Khi đã quen hơn, tôi bắt đầu sinh hoạt vòng tròn để gắn kết các thành viên và bệnh nhân với nhau. Cứ một bạn đứng xen kẽ với một người bệnh, cùng hát và làm những động tác đơn giản theo bài ca Múa vui:” Cùng nhau múa xung quanh vòng, cùng nhau múa cùng vui. Cùng nhau hát xung quanh vòng, vui cùng vui múa đều. Nắm tay nhau, bắt tay nhau, vui cùng vui múa vui. Nắm tay nhau, bắt tay nhau, vui cùng vui múa đều”. Cứ thế những trò chơi sinh hoạt đơn giản cùng những bài hát thiếu nhi quen thuộc được cả người khỏe lẫn người bệnh nhiệt tình tham gia giúp mọi người xích lại gần nhau, xóa tan cảm giác ngại ngùng của những phút ban đầu bỡ ngỡ. Những gương mặt cau có dần giãn ra, những giọng nói lí nhí đã tự tin, mạnh dạn hơn, nỗi sợ hãi không còn hiện hữu mà thay vào đó là những tiếng cười giòn tan.Trong giờ phút ấy, khoảng cách về trình độ, tuổi tác, hoàn cảnh hoàn toàn bị xóa nhòa, chúng tôi ngồi sát bên nhau, vai kề vai, tay nắm tay cùng múa, cùng hát, cùng chơi những trò tưởng chừng như chỉ dành cho trẻ thơ nhưng mang lại niềm vui bất tận.

Không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng: Người tâm thần, thiểu năng, trẻ mồ côi và chúng tôi có thể sinh hoạt được với nhau như vậy. Có thể đó là lần đầu tiên trong đời, họ biết thế nào là sinh hoạt vòng tròn, được thoải mái nói cười mà quên đi thực trạng của bản thân. Cứ thế, chúng tôi bị cuốn vào niềm vui ấy, bỏ lại sau lưng những lo toan bộn bề của cuộc sống, lắng nghe những âm thanh trong trẻo và hồn nhiên này để thấy  cuộc đời mình hạnh phúc hơn, ấm áp hơn.

Trong những chuyến bác ái, tôi luôn tâm niệm rằng: Mình không chỉ  dừng lại ở việc chia sẻ vật chất mà phải gặp gỡ, tiếp xúc để hiểu thế nào là tổn thương, mất mát để có thể  cảm thông với những phận người. Đây là bé Th, khi mẹ bé sinh ra biết con mình bị bệnh, đã trao bé cho người khác nuôi, nhưng chính người mẹ nuôi ấy một lần nữa lại vứt đứa trẻ ở một gốc cây bên đường. Người ta tìm thấy Th khi thân hình đã bầm tím những vết thương do bị kiến cắn khắp người. Kia là chị Tr, chị D bị tâm thần, người nhà chở đến mái ấm, bỏ họ lại rồi đi mất không một lần liên lạc hay ghé thăm. Đó là bé M, bị cha ruột suốt ngày uống rượu rồi đánh con một cách tàn nhẫn…Những cuộc đời bị bỏ rơi, nhưng may mắn thay đã được sơ Dâng đón nhận, yêu thương và chăm sóc như chính con của mình.

Điều đặc biệt hơn nữa trong chuyến đi này là chúng tôi gặp Trang, cô gái mới 22 tuổi với ngoại hình dễ nhìn. Cách đây 4 năm, em đã chấp nhận rời xa cha mẹ đến ở trong mái ấm này. Là người  xuất thân từ gia đình khá giả, em có thể đi làm một công việc gì đó với mức lương ổn định và nhẹ nhàng hơn, lúc rảnh cũng có thể đi chơi, gặp gỡ bạn bè, yêu một chàng trai nào đó rồi tạo dựng tổ ấm riêng của mình. Nhưng sau một lần cùng bạn đến đây làm bác ái, em đã quyết định ở lại để chăm sóc những con người có hoàn cảnh “đặc biệt” này vì với em, đó như một sự đáp trả trước lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Qua lối sống đẹp ấy, tôi phải nhìn lại chính mình. Đôi khi cũng nhỏ nhen, ích kỷ, chỉ biết vun vén  cho bản thân mà thiếu quảng đại với tha nhân. Giờ đây tôi biết mình phải cố gắng thật nhiều, phải sống khác đi để xứng đáng với những ân huệ Chúa ban.

Trước khi ra về, chúng tôi và các bệnh nhân cùng quy tụ trong nhà nguyện đơn sơ của mái ấm để hiệp ý dâng lên Chúa những câu kinh, những lời cầu nguyện, xin lòng thương xót của Chúa đoái thương đến những người đau khổ, bệnh tật trên khắp thế giới. Với riêng tôi đây là giờ chầu thật ý nghĩa vì có sự hiện diện của những người “đặc biệt”cùng hiệp lòng hiệp ý nguyện xin, và tôi tin Chúa sẽ nhận lời chúng tôi theo cách thức nào đó.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương, biết ra khỏi cái tôi ích kỷ, hẹp hòi của mình để hăng say lên đường, đem niềm vui và hạnh phúc của Chúa đến cho những người mà chúng con gặp gỡ. Amen.

 KimMary

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *