Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có từ thế kỷ 11, nhưng đến thế kỷ 16, đó vẫn là lòng sùng kính riêng tư, thường liên kết với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của Lm. Jean Eudes (1602-1680). Tại Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan rộng, nhờ thị kiến của Thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1690) mà lòng sùng kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu.
Trong những lần thị kiến, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Margaret Maria, Thánh Tâm Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Lần hiện ra “quan trọng” nhất xảy ra vào ngày 16-6-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh (the octave of the Feast of Corpus Christi), là nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong lần thị kiến đó, Chúa Kitô yêu cầu Thánh nữ Margaret Mary xin được mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, để đền tạ những sự xúc phạm của con người đối với sự hy sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu không đơn giản là trái tim bình thường mà còn là Tình yêu Ngài dành cho nhân loại.
Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trở nên phổ biến sau khi Thánh nữ Margaret Mary qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo Hội còn nghi ngờ tính hợp lệ đối với thị kiến của Thánh nữ Margaret Mary, mãi đến năm 1765 thì lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới chính thức được cử hành ở Pháp. Gần 100 năm sau, tức năm 1856, ĐGH Piô IX yêu cầu các giám mục Pháp mở rộng lễ này ở mức toàn cầu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành vào thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, hoặc 19 ngày sau Chúa Nhật Hiện Xuống, như Chúa Giêsu mong muốn.
Đôi nét về tiểu sử Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690)
Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.
Ngài sinh trưởng ở L’Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.
Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng “không cần phải trở nên phi thường,” nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.
Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải. Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình, thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian — qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.
Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.
Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.
Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là “Các Thánh của Thánh Tâm”; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.
Lời Bàn
Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể “chứng minh” những thụ khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.
Lời Trích
Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: “Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này… Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể” (lần thụ khải thứ ba).
(Tổng hợp từ TTCG & nguoitinhuu)