Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Is 7,10-14, Lc 1,26-38
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 1,26-38)
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Mầu nhiệm Truyền tin (20.12.2024)
Có một câu chuyện cổ tích kể rằng: vì Thượng Đế quá bận rộn, Người chẳng có thời gian để chăm sóc, lắng nghe từng nguyện vọng của mỗi người. Thế nên, Thượng Đế đã tạo ra người mẹ để luôn che chở và bao dung cho những đứa con nhỏ dại.
Vì thế, Ngài đã làm việc cật lực trong nhiều ngày liền. Vào ngày thứ sáu, một Thiên Thần xuất hiện và hỏi:
-“Tại sao Ngài lại dành quá nhiều thời gian cho tạo vật này như vậy?”
Thượng Đế trả lời:
-“Người mẹ này sẽ rất đặc biệt: Lòng mẹ phải bao la để có thể chứa nhiều người con cùng một lúc, để bao dung tha thứ cho biết bao lầm lỗi. Mẹ phải sở hữu chiếc hôn có thể chữa lành mọi vết thương, từ những vết trầy xước trên đầu gối cho đến một trái tim tan vỡ!”
Hình như Thiên Thần thấy điều gì đó là lạ, liền vươn tay chạm vào má người mẹ:
-“Ôi, có vẻ người mẹ này đã bị cái gì rồi, con thấy bà ấy bị chảy nước!
-“Không phải đâu.” Thượng Đế phủ nhận. “Là nước mắt đấy.”
-“Nước mắt? Để làm gì?” Thiên Thần tò mò.
Thượng Đế nói,
– “Nước mắt chính là cách mẹ thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng, đau đớn, cô đơn, sầu khổ và cả niềm kiêu hãnh của mình.”…
Như vậy đó, câu chuyện trên gợi cho chúng ta thấy Chúa rất chú trọng đến vai trò của người mẹ khi tạo dựng nên nhân loại. Vậy thì khi Chúa muốn chọn một người mẹ cho Con Một của mình khi xuống trần gian thực hiện công trình cứu chuộc thì người mẹ ấy sẽ tuyệt vời như thế nào! Mẹ là một kiệt tác như được uốn nắn, gọt giũa, tô điểm, và trân quý nhất trong bàn tay Thiên Chúa, một thụ tạo thấp hèn, nhưng chiếm được “Thánh Ý “, nói cách khác là đẹp lòng Thiên Chúa.
Vì vậy, khi sứ thần Gabriel đến truyền tin đã phải trân trọng cúi đầu chào và tôn vinh Mẹ là Đấng Đầy Ơn Phúc. Đúng thế, Mẹ Maria được Chúa chọn vì:
- Mẹ có lòng khiêm nhường thẳm sâu.
Mẹ thưa “xin vâng” trong sự đơn sơ khiêm tốn. Mẹ đón nhận thiên chức làm mẹ trong cái nhìn của đức tin để vượt qua mọi sợ hãi mà sinh Con Chúa Trời làm người. Nếu không có lòng quảng đại Mẹ đã khước từ gánh nặng của bóng thập giá ngay từ lúc truyền tin. Nếu không có đức tin Mẹ sẽ không đủ can đảm đón nhận thiên chức làm Mẹ vượt qua trí hiểu của con người. Mẹ Maria đã đón nhận mang trong mình một mầm sống trong niềm tín thác xin vâng.
- Mẹ mau mắn tín trung vào Mầu Nhiệm Truyền Tin .
Do nhận được một đăc ân trọng đại là sự khiêm nhường thẳm sâu, Đức Trinh Nữ Maria như ngập tràn ân sủng bởi Trời cao. Linh hồn và thể xác của Mẹ hoàn toàn thánh thiện như pha lê trong suốt, và từ tận sâu thẳm tâm hồn Mẹ, Mẹ đã cất lên bài ca Ngợi Khen ( Magnificat) tuyệt vời vô song. Mẹ xin vâng dầu Mẹ chưa hiểu hết. Mẹ xin vâng dầu phải đối diện với nguy nan, vì sinh con mà không qua người đàn ông, chắc chắn theo luật Do Thái Mẹ phải chết . . . Thế nhưng, Mẹ vẫn tin vào quyền năng của Chúa sẽ bao phủ trên cuộc đời của Mẹ. Mẹ đón nhận tất cả với niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
- Mẹ đáp lại và cộng tác vào công trình Cứu Chuộc nhân loại của Thiên Chúa.
Vâng, Mẹ đã gánh vác trọng trách là Mẹ Đấng Cứu Chuộc, có nghĩa là Mẹ cưu mang và ôm trọn mầu nhiệm làm Người, đau khổ, Tử nạn và Phục Sinh của Con của Mẹ, đồng thời là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì vậy, Mẹ đã được kêu mời để trở nên một “thụ tạo” tuyệt hảo, tham dự vào công cuộc “khổ hình sinh ơn cứu độ” của Đức Kitô.
Như vậy, Mẹ mang lấy cuộc đời của Chúa Cứu Thế không những phần nhân tính mà còn phần siêu nhiên của Chúa Giêsu, nếu không mầu nhiệm cứu độ không hoàn tất được.
Vâng, Mẹ được diễm phúc vì Mẹ được đi trọn cuộc hành trình cứu độ tại thế trần của Ngôi Hai Thiên Chúa. Rõ ràng, từ giây phút nhập thể, là ngày Mẹ nhận ơn truyền tin, đến hành trình Nhập Thế, và kết thúc ngày Chúa Phục Sinh.
Có thể nói, ngày Mẹ nhận được ơn Truyền Tin, sứ thần đã gọi Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc” không những chỉ hiểu như thế gian, mà còn là được gắn liền với mầu nhiệm Làm Người, rao giảng, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô…
Lạy Thiên Chúa toàn năng và đầy lòng thương xót, xin cám tạ Chúa đã ban cho nhân loại một người nữ tuyệt vời là Đức Maria để làm Mẹ của ngôi Hai Thiên Chúa. Khi thưa tiếng xin vâng, Đức Maria phải từ bỏ chính mình, từ bỏ ý riêng, từ bỏ những chương trình mà Đức Maria đã dự định từ trước, từ bỏ cả sự an toàn của bản thân, thậm chí từ bỏ cả sự sống của mình. Giờ đây Thiên Chúa cũng ngỏ lời với mỗi người chúng con rằng hãy mở tâm hồn của mình ra để cho Thiên Chúa ngự vào. Và cũng giống như Đức Maria, muốn cưu mang Thiên Chúa trong cuộc sống, muốn để cho Thiên Chúa ngự vào tâm hồn của mình thì chúng con phải biết từ bỏ mình, từ bỏ ý riêng để cho ý Chúa được lớn lên, được thể hiện trong cuộc sống của mình.
Lạy Mẹ Maria, chúng con cám ơn Mẹ đã quảng đại đảm nhận vai trò làm Mẹ của Con Chúa Trời. Chúng con cũng cám ơn Mẹ đã quảng đại tiếp tục đón nhận chúng con làm con của Mẹ. Chúng con xin dâng hồn xác chúng con trong sự che chở, gìn giữ của Mẹ. Xin Mẹ xưa đã cưu mang, gìn giữ, nuôi nấng Con Chúa Trời thì xin Mẹ cũng che chở nâng đỡ từng cuộc đời chúng con. Và xin cho các bà mẹ trên thế gian biết vượt qua nỗi sợ hãi để sinh con ra trong cuộc đời. Xin đừng vì một chút sợ hãi của đói nghèo, của bệnh tật, của danh dự mà cướp đi sự sống của các thai nhi. Xin cho các bà mẹ luôn giầu lòng quảng đại để chấp nhận mọi đứa con theo thánh ý Chúa. Amen
Têrêsa Hảo
Triều Đại Người sẽ vô cùng, vô tận (20.12.2023)
“Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai”.
Không có dân tộc, quốc gia nào tồn tại đến muôn đời, bởi, dân tộc nào, quốc gia nào, con người nào, và kể cả nhân loại này, đều có cái hạn kỳ chóng vánh của nó. Vua chúa thế gian, đảng phái chính trị nào đi nữa, thì rồi cũng tiêu tan không mấy chốc. Tình đời trần gian cũng dừng lại, cũng ly tan, cũng đổi thay tan tác không một chút tiếc thương, lưu luyến. Không có một thực tại trần gian nào lâu dài tới vĩnh cửu.
Thế nhưng, chính vì chuyện chóng vánh của đời người, của tình đời, của vật chất, của mọi sự trên thế gian này, mà con người ta luôn phải khao khát cho được, ngộ cho ra, tìm cho thấy sự sống vĩnh cửu vững bền chỉ có nơi Thiên Chúa. Con Thiên Chúa Giáng Sinh, là mầu nhiệm của tình thương Thiên Chúa.
Tình thương của Thiên Chúa tồn tại đến muôn đời. Và Thiên Chúa đã trao ban tình thương muôn đời ấy cho nhân loại, để cái hạn kỳ chóng vánh của nhân loại sẽ được kéo dài tới vĩnh cửu, tới thiên thu. Sự sống của nhân loại, giờ đây, không còn là mối lo “nay còn, mai mất”, nhưng tin chắc rằng: “nay còn, mai vĩnh cửu, và vĩnh cửu trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Ước gì tất cả chúng ta vững tin như thế, vì triều đại của Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại đến muôn đời, trong Đức Giê-su Ki-tô. Sách Samuel nói: “ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. Thánh Phao-lô dạy: “Lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày”. Và trong lời truyền tin, sứ thần nói: “Maria đừng sợ! Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Chúng ta hãy vững tin và nguyện xin Chúa Giáng Sinh trong tâm hồn mình, trong nhà mình, để Người thắp lên trong nhà mình niềm hy vọng vĩnh cửu.
Lạy Chúa, xin cho mọi tín hữu cũng như tất cả các gia đình Công giáo chúng con, biết dọn lòng sốt sắng đón Chúa Giáng Sinh, với niềm vui được sống đời đời trong Nước Chúa. Amen.
BCT
Chương trình cứu độ (20.12.2022)
Tin mừng theo thánh Lu-ca hôm nay mở đầu bằng lời truyền tin của Thiên sứ Gáp-ri-en cho Mẹ Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Đối với Thiên Chúa,
Cuộc đời Mẹ đã được bao trùm ân sủng của Người; Chúa đã gìn giữ Mẹ để Mẹ không vướng phải tội đời, không bị hoen ố trong xác phàm yếu đuối; Chúa đặt để cung lòng Mẹ trở thành đền thờ cho Ngôi Hai Con Chúa xuống thế làm người.
Đối với Mẹ Ma-ri-a,
Mẹ bị đánh động bởi lời chào của sứ thần Gáp-ri-en, Mẹ suy nghĩ, xin được nghe một lời giải thích, rồi chấp nhận nhiệm vụ với một niềm tin tuyệt đối.
Mẹ đã chấp nhận và sẵn sàng phó thác tất cả cuộc đời của Mẹ vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa (x. Lc. 1,38).
Từ đó, chương trình Cứu Độ đã cho nhân loại đang triền miên bước đi trong u tối được nhìn thấy sự sáng ân sủng chứa chan. Sự sáng Ơn Cứu Độ đã bừng lên trên những người đang cư ngụ giữa miền thâm u của sự chết.
Hài nhi Giê-su đã được sinh ra để ban tặng cho nhân loại. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”.
Đức Giê-su sẽ mở rộng vương quyền, cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đa-vít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.
Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó (x. Is. 9,1; 5-6)
Lạy Chúa, xin cho con thêm tin yêu tình thương của Chúa qua mầu nhiệm Giáng Sinh. Amen.
CÁT BIỂN
Mừng vui lên (20.12.2021)
Mừng vui lên hỡi toàn thể nhân loại, vì niềm vui ơn cứu độ giải thoát khỏi mọi xiềng xích tội lỗi đã bắt đầu. Niềm vui ấy như thế này,
Đêm đen tăm tối đã bừng lên ánh sáng
Ách xiềng xích tù đày vì tội lỗi đã được cởi ra
Ai đang trong ngục tù đã được ơn giải thoát
Ai lần mò sợ hãi đã được dẫn đi trên con đường công chính
Ai đói khát đau khổ đã được sống trên đồng cỏ xanh rì bên dòng suối nước ngọt lành.
Như người thợ đã hoàn thành công trình
Như đàn chiên đã đi qua sa mạc khô cằn
Như ngày mùa gặt lúa về sân
Như niềm vui ngày chiến thắng khải hoàn
Mừng vui lên, vì đây chính là nguồn ơn cứu Chúa đã bắt đầu.
Lời Thiên Chúa đã được thực hiện bởi lòng Trinh Nữ Maria.
Tất cả là niềm vui, niềm vui bắt đầu từ những tâm hồn thánh thiện, vì sự bình an chỉ ở lại trong lòng người thiện tâm. Qua bao nhiêu đời người, qua bao năm trông đợi, qua bao nhiêu lời tiên báo, hôm nay thiên sứ đã đến báo tin cho nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa của Người. Có ai không vui mừng khi biết mình đã được giải thoát, khi biết mình đã được no thoả dư đầy, khi biết mình đã hoàn toàn mới.
Mừng vui lên, đó là một thông báo từ trời xuống cho Đức Mẹ, cũng chính là thông báo từ trời xuống cho nhân loại một tin vui chưa có bao giờ. Từ nay trời với đất giao hoà, từ nay con người được hoà giải với Thiên Chúa, còn gì vui hơn khi Cha trên trời tìm thấy con, còn gì vui và hạnh phúc cho bằng từ nay con được vào ở trong Nhà Cha.
Mừng vui lên, trời cũ đã qua đi trời mới đã bắt đầu
Mừng vui lên, con người đã có sức mạnh của Thiên Chúa chiến thắng sự dữ ma quỷ.
Mừng vui lên, lòng người đã trở về với thiện tâm
Mừng vui lên, nhân loại đã được Chúa yêu thương qua Trinh Nữ Maria.
Mừng vui lên, đêm Hồng phúc trần gian.
Cầu nguyện
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được Chúa chọn làm cầu giao hoà giữa trời với đất, giữa con người với Thiên Chúa, xin Mẹ dậy cho con biết sống theo gương Mẹ, đơn sơ, thánh thiện, và tận hiến cho Chúa trọn đời con trong niềm vui ơn cứu độ. Xin cho con luôn biết giao hoà yêu thương với mọi người, biết mừng vui trong mọi sự gian nan của cuộc đời.
Hư Vô
Lời Chứng Của Thiên Chúa (20.12.2019)
Ghi nhớ:
“Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga.5, 36).
Suy niệm:
Ông và cháu tuy là hai thế hệ nhưng khắng khít với nhau như hình với bóng! Ông thì quý cháu, ngược lại cháu thấy thích ông vì chỉ có ông mới thỏa mãn cho nó những câu hỏi mà cháu thắc mắc trong đầu mà thôi. Thấy những sự việc tự nhiên xảy ra hàng ngày chung quanh, cháu thường ngạc nhiên và hay thắc mắc. Vì vậy cháu đi hỏi ông. Chẳng hạn như;
– Ông ơi. Tại sao lại có nước từ trên trời rơi xuống? Tại sao con chim lại bay được? Tại sao lại có sấm chớp khi trời chuyển mưa? Ông nó đóng vai trò là một vị thầy nhẩn nha trả lời, phân tích cho nó hiểu. Hôm nay nó lại hỏi ông:
– Ông ơi. Làm sao chúng ta biết được có Thiên Chúa. Khi mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy Ngài.
– Đây nhé, ông trả lời. Ông hỏi cháu câu này; Tại sao lại có cái bàn, cái ghế?
– Thì nó được người thợ mộc làm ra để bán cho người ta dùng.
– Đấy, cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta ngắm nhìn trời đất bao la và những trật tự lạ lùng được xếp đặt, thì qua đó gián tiếp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng tạo thành và an bài mọi sự. Sẵn tiện ông dạy cháu bài hát của thiếu nhi sau đây: Bây giờ bắt đầu ông hát trước, cháu hát lập lại sau nhé:
Ai cho hoa trái chín mọng trên cành cây?
Ai cho tinh tú sáng soi trên vòm trời?
Chính Chúa dựng nên trời, trăng, sao, lấp lánh.
Chính Chúa ban ngọt chín thơm trên cành!
Thằng bé hát nhại lại sau ông và hai ông cháu cảm thấy rất vui. Rồi ông âu yếm xoa đầu cháu và bảo.
-Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Ngài làm.
Như vậy vũ trụ này đã làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa đấy cháu ạ!
Bài Tin Mừng hôm nay, phần mở đầu nói về nhân vật Gioan người đã đến để làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Kế đến Chúa Giê-su muốn hướng lòng của dân chúng thời đó đến một Lời Chứng còn mạnh mẽ và cao trọng hơn lời chứng của ông Gioan, một phàm nhân. Đó là Lời Chứng của Thiên Chúa Cha. Đấng đã trao cho Đức Giê-su sứ mạng cứu độ nhân loại. Lời Chứng ấy đã được loan báo lúc Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng khi Người chịu phép rửa tại sông Jordan, khi ấy có tiếng từ trời phán: “ Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người”( Mt,3.17). Sau này trong một lần khác , khi Đức Giê-su dẫn theo ba môn đệ lên núi. Lúc đó Người hiển dung thì có tiếng từ đám mây trên trời phán rằng: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”(Mt.17,5). Và lời chứng đó đã được xác thực qua những công việc mà Đức Giê-su đã thực hiện trong hành trình đi loan báo Tin Mừng; Đó là chữa lành những kẻ đau yếu tật nguyền, làm cho kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người mù được thấy và kẻ chết sống lại.
Như vậy chúng ta thấy. Chính Thiên Chúa Cha đã giới thiệu và chứng nhận cho nhân loại biết Đức Ky-Tô là Con của Ngài và Người đến thế gian để giải thoát, cứu chữa nhân loại thoát khỏi ách nô lệ của ma quỷ, ác thần. Vì vậy, bổn phận chúng ta là phải tin yêu và luôn nghe theo lời Người chỉ dạy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Cha nhân từ, Đấng đầy lòng thương xót, chúng con xin được chúc tụng, ngợi khen và cảm ta Cha vì đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một đến để cứu độ chúng con. Xin cho mọi người cảm nhận được ân tình bao la và cao cả. để biết đón nhận Chúa Cứu Thế và ra sức thực thi những điều Người dạy bảo. Như vậy chúng con mới xứng đáng đáp lại lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài. Amen.
Sống lời Chúa:
Giữ lòng tôn thờ và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Đaminh Trần Văn Chính.
Đức vâng lời trọng hơn của lễ (20.12.2018)
Ghi nhớ:
“Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1, 38).
Suy niệm:
Em gái định cư ở nước ngoài, sau nhiều năm xa cách nay mới về thăm gia quyến. Có dịp gặp gỡ nên anh hai tâm sự:
- Cô biết không? Ở đây nhiều lúc anh giận ba lắm! Cô xem anh luôn cung phụng, chăm lo cho ba từng ly từng tý! Ấy vậy mà ba lại lạnh nhạt với anh. Ba không công bằng, ba luôn coi chú út hơn anh, cái gì cũng để phần cho thằng út! Cái gì cũng\để cho thằng út nó làm. Vì thế đôi khi anh tự hỏi; Không biết mình có phải là con của ba không?
Cô em khuyên:
- Anh đừng nói vậy kẻo mà lỗi với ba, có lần ba than phiền cho em biết về anh. Nay anh đã chia sẻ thì em cũng sẽ nói những suy nghĩ của em, xin anh đừng giận, anh hãy nên tự kiểm điểm lại mình xem vì sao ba lại có thái độ đó với mình? Ba nói rằng mặc dầu anh vẫn quan tâm lo lắng cho ba nhiều, song anh lại có thái độ không tôn trọng ba mà cụ thể là hầu như ba nói gì anh cũng chẳng thèm nghe, anh bỏ ngoài tai! Ba bảo là anh không vâng lời ba. Anh hai à, tuy rằng về kiến thức, học vấn có thể anh đã hơn ba. Tuy nhiên người xưa có câu: “Ông bảy mươi con phải hỏi ông bảy mươi mốt ”. Nữa mà, thế nên em chân thành khuyên anh nếu muốn được ba yêu, hay nói cách khác nếu muốn thảo hiếu làm cho ba vui, thì xin anh hãy cứ vâng lời người đi nhé. Tục ngữ có câu: “Cá không ăn muối cá ươn…” Em tin chắc rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hơn thôi!
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố trọng đại là Thiên Chúa bắt đầu thực hiện công trình Cứu Chuộc nhân loại, bằng việc báo tin cho Đức Maria sẽ thụ thai Hài Nhi Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ \xuống thế làm Người. Lúc đầu Đức Mẹ không hiểu! Nhưng sau khi nghe những lời giải thích của sứ thần thì Trinh nữ Maria đã thưa lên hai tiếng “Xin Vâng”. Và từ lời nói đó công trình Cứu Độ nhân loại mới được thực hiện.
Khi chiêm ngắm những vẻ đẹp thánh thiện của Đức Mẹ Maria, người ta thấy nổi bật nơi Ngài hai nhân đức “Vâng lời” và “khiêm nhường”. Khi xưa chỉ vì không vâng lời Thiên Chúa nên Eva đã ăn trái cấm, để rồi không những đánh mất ân sủng của Thiên Chúa và sự sống cho chính mình và còn “di truyền” lại cho đời con đời cháu, thì nay nhờ đức vâng lời của Maria mà nhân loại nhận được ơn cứu độ và sự sống. Vì thế Đức Maria còn được gọi là một Eva mới.
Nói đến đức vâng lời và khiêm nhường thì chính Chúa Giê-su con Mẹ cũng đã thực hiện một cách trọn vẹn: “ Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén đắng này cho Con. Nhưng một theo ý Cha, đừng theo ý Con!” (Mt 26, 39). Trong Kinh Thánh có lần Người kêu gọi: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiện hậu và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Thánh Phalo có lời ca bất bất hủ về Người: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-11).
Bài học mà chúng ta có thể rút ra hôm nay là hãy noi gương Đức Kitô và Mẹ Maria mà thực thi hai nhân đức vâng lời và khiêm nhường trong cuộc sống đạo hàng ngày.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn ý thức thân phận yếu đuối, hèn mọn của mình, để từ đó mỗi ngày chúng con biết nhìn lên Mẹ xin Mẹ phụ giúp để chúng con có thể thi hành thánh ý Chúa, trở nên giống Mẹ hầu xứng đáng được nhận làm con cái của Mẹ. Amen.
Sống lời Chúa:
Luôn sông trong tinh thần vâng phục Hội Thánh và khiêm tốn với mọi người.
Đaminh Trần văn Chính.
Vâng theo thánh ý của Thiên Chúa (20.12.2017)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nói về việc Sứ thần Gáprien loan báo truyền tin cho Trinh nữ Maria, một thôn nữ đoan trang, duyên dáng, nết na và thùy mị.
Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một chính nhân là Giuse, thuộc dòng dõi Hoàng tộc Đavít. Đó là trinh nữ Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Thôn nữ Maria rất khiêm nhường, thế nên tỏ ra e ngại khi được người khác đề cao mình, nói mình là người nhân đức.
Thành Na-da-rét năm xưa
Có người Trinh Nữ mới vừa đính hôn
Thiên Chúa ban phúc muôn ơn
Đức hạnh, thánh thiện, đẹp hơn nhiều người
*
Công trình Cứu chuộc cao vời
Sứ Thần hiện đến nói lời truyền tin:
“Bà được Thiên Chúa giữ gìn
Tràn đầy ơn phúc quang minh tuyệt trần”
Đáp lại lời chào của Sứ thần, Mẹ “rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Những danh hiệu “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” là để dành cho những người đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn. Cho nên Mẹ bối rối là phải, vì lúc nào Mẹ cũng chỉ khiêm nhường coi mình là nữ tỳ của Chúa, không xứng đáng lãnh nhận những danh hiệu cao quý như vậy. Nhưng chính lòng khiêm nhường ấy lại làm cho Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa”, vì Thiên Chúa luôn chống lại kẻ kiêu căng.
Trinh Nữ bối rối phân vân
Hiểu được điều đó, Sứ Thần liền thưa
Bà được Thiên Chúa chuộng ưa
Thụ thai sinh hạ Vị Vua cứu đời
*
Trinh Nữ khiêm hạ thêm lời
Làm sao có thể nơi người đồng trinh
Sứ Thần giải thích phân minh
Thánh Thần thực hiện công trình thánh thiêng
Sứ thần nói với Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ sứ mệnh sinh ra cho nhân loại Chúa Giêsu là “Con Đấng Tối Cao”. Mẹ không phản đối hoặc từ chối Thánh ý của Thiên Chúa, nhưng chỉ muốn bày tỏ cho Sứ thần thấy rằng việc ấy ở ngoài khả năng của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ lại hoàn toàn tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa và lắng nghe lời giải thích của Sứ thần. Đức khiêm nhường đã giúp Mẹ có được thái độ tín thác ấy. “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Mẹ tin vào chân lý này nên đã phó thác đời mình cho kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ.
Trinh Nữ vui vẻ nói liền
“Xin Vâng – chấp nhận” lời truyền Thiên sai
Thực thi Thánh ý của Ngài
Chu toàn nhiệm vụ mãi hoài hân hoan
*
“Xin vâng”: hớn hở đầy tràn
Ngợi khen Thiên Chúa vô vàn thiết tha
Phúc thay! Mẹ Maria
Magnificat: bài ca tuyệt vời
Lạy Chúa! Chúng con xin cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con một Người Mẹ tuyệt vời là Đức Trinh Nữ Maria. Xin giúp chúng con luôn biết noi gương Mẹ mà tuân phục Thánh Ý Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và với mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin biến đổi tâm hồn chúng con, để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa đang kêu gọi chúng con bước đi cùng Chúa. Amen.
HOÀI THANH
Mầu nhiệm Nhập thể (20.12.2016)
Lịch sử nhân loại là một “giao ước yêu thương” được cam kết và thực hiện giữa Thiên Chúa và con người.
Thật vậy, yêu thương chính là thuộc tính của Thiên Chúa; là một tiến trình bí nhiệm căn bản và thâm sâu nhất của Thiên Chúa dành cho con người.
Trong tiếng Hán, yêu thương gọi là ái (愛). Chữ “ái” thuộc bộ “tâm” (心) là một hợp từ gồm:
Phía trên cùng là chữ trảo (爪) nghĩa là móng vuốt; bên dưới là chữ mịch (冖) nghĩa là chở che.
Dưới chữ mịch là chữ tâm (心) và dưới nữa là biến thể của chữ tòng (從) tượng hình hai người đi với nhau (hai chữ nhân – 从).
Ái (愛) là từ dùng để diễn tả các điều xấu (hình ảnh móng vuốt) ập xuống, hay là những gian khó trong cuộc đời của những người có mối liên hệ với nhau (hình tượng hai chữ nhân) thì ta luôn lấy tâm lòng (chữ tâm) che chở cho người đi theo ta, sống với ta. Nói cách khác đó là yêu thương.
Có yêu thương mới không quản ngại gian khổ, hoạn nạn trong cuộc đời đưa đến; để mà che chở bảo bọc cho người mình thương mến !
Có yêu thương con người mới sống gần nhau, đi vào cuộc đời của nhau… để chấp nhận liên lụy đời nhau; chấp nhận chia cơm sẻ áo cho nhau; chia sẻ tâm tình ý tưởng của nhau; cùng vui, cùng khổ, cùng làm, cùng sống chung với nhau..
Yêu thương là động lực thúc đẩy con người đến với nhau, gắn bó với nhau, để tất cả nên một lòng, một ý, một cuộc đời với nhau.
Thánh Kinh luôn khẳng định Thiên Chúa thương yêu con người cách đặc biệt. Tình yêu ấy khiến Thiên Chúa có sáng kiến đến với con người, trước khi con người đến gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng lịch sử con người làm nên lịch sử Cứu Độ Nhân Loại; làm nên lịch sử Gặp Gỡ Giữa Thiên Chúa Với Con Người.
Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trong lịch sử con người, biến lịch sử con người thành môi trường cứu độ, và thành nơi gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa.
Mầu Nhiệm Nhập Thể được hoàn tất qua lời “xin vâng” của Đức Maria sau khi gặp gỡ sứ thần Gáp-ri-en. Thiên Chúa trở thành người phàm như mọi phàm nhân.
Ngài cũng chịu ràng buộc bởi lề luật, thời gian và không gian.
Ngài cũng phải đối diện với những khắc khoải lo âu, và khổ ải của cuộc sống.
Ngài cũng ăn, uống, lao động, phấn đấu cho đời sống vật chất như mọi người.
Ngài cũng vui, cười và than khóc như mọi người khác.
Ngài chấp nhận mọi giới hạn và ngay cả cái chết là giới hạn sau cùng và quan trọng nhất của con người; để rồi trong cái chết Ngài đã sống lại và cho những ai hễ tin vào Ngài thì cũng được sống đời đời.
Mầu Nhiệm Nhập Thể làm cho đời sống con người thật đáng sống và thật sự có ý nghĩa.
Lạy Chúa, xin cho con được vững tin vào Chúa; xin cho con dám buông tay con trong tay Chúa, để Chúa dẫn con đi trong đêm tối của lòng tin như mẹ Maria, để được cùng Mẹ chung hưởng sự sống đờ đời. Amen.
CÁT BIỂN
Bước nhảy vọt trong đức tin
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31)
Suy niệm: Thử đặt mình vào trong khung cảnh của buổi truyền tin hôm nay, chúng ta mới thấy rằng, đón nhận lời thiên sứ chẳng phải là chuyện dễ dàng. Một thiếu nữ được một người lạ mặt đón gặp và đề nghị một việc ‘động trời’: mang thai. Nếu là chúng ta, có lẽ sẽ từ chối và xin hai chữ bình an thôi. Nhưng đối với Mẹ, khi nhận ra rằng lời truyền tin là lời mời gọi của Thiên Chúa và cũng là sứ mạng của mình, Mẹ đã can đảm đón nhận, vượt qua những suy tính bình thường, mạo hiểm chấp nhận những hệ lụy của ơn gọi. Niềm tin vào Thiên Chúa là câu trả lời cho lý do Mẹ dám tham dự vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ không biết rõ điều gì sẽ xảy ra, nhưng chỉ như người môn đệ của Chúa, Mẹ nghe Lời Chúa và thực hiện, bởi lịch sử dân Chúa và kinh nghiệm đức tin cho Mẹ hiểu thế nào là người được ân nghĩa với Chúa. Những suy tính tầm thường nhường bước cho niềm tin yêu phó thác.
Mời Bạn: Thiên Chúa vẫn hằng mời gọi bạn tham dự vào công cuộc truyền giáo của Ngài, vậy bạn dám chấp nhận hệ luỵ để nhập cuộc cùng với Ngài và với các anh chị em khác không?
Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm về những ‘thiệt thòi’ và hạnh phúc khi cố gắng sống theo Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Hướng lòng về Chúa và thân thưa cách chậm rãi, đầy ý thức: Vâng, con đây là tôi tớ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như Chúa muốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, để làm môn đệ Chúa, con cần tăng thêm lòng cam đảm. Xin gia tăng trong con lòng quả cảm để dám đảm nhận sứ mạng Chúa trao như Đức Maria hôm nay vậy. Amen.
Dacaria không sánh bằng…
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).
Suy niệm: Nhìn ngắm mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta nhận ra Chúa Con cũng thưa xin vâng chứ không riêng chi Đức Maria. Và mọi sự không bắt đầu từ tiếng xin vâng của Đức Mẹ Maria cho bằng từ tiếng xin vâng của Chúa Con: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thi hành ý Ngài” (Dt 10,7). Con đến vì “máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi.” Con đến vì “Chúa không ưa hy lễ và hiến tế, không thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.” Con đến để “hiến dâng thân mình làm lễ tế xóa tội.” Đức Mẹ Maria cũng đã hiến dâng chính mình như thế, trong tiếng xin vâng của Mẹ: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa xin Ngài cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền.” Với tiếng xin vâng này, Mẹ họa lại cách tuyệt vời tiếng xin vâng của Chúa con. Với tiếng xin vâng, Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa vì ơn cứu độ của con người.
Mời Bạn: Đón mừng Con Chúa giáng trần là chúng ta mừng Con Chúa đến hiến mình cho ta được sống và sống dồi dào. Là người đang được nếm cảm sự sống dồi dào của Thiên Chúa, bạn cũng hãy noi gương Chúa Giêsu và Đức Maria, sẵn sàng nói tiếng xin vâng với lời mời gọi của Thiên Chúa vì ơn cứu độ cho những người chung quanh.
Sống Lời Chúa: Khi an vui cũng như lúc sầu khổ hãy để thánh ý Chúa được thực hiện nơi chúng ta bằng cách thưa như Đức Mẹ: “Con đây là tôi tớ Chúa, xin Chúa cứ thực hiện ý Ngài”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin đến và sống trong con, để con trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, sẵn sàng thưa với Chúa Cha: Lạy Cha, này con đây, con đến để thi hành ý Ngài. Amen.
Quảng đại dấn thân vì hạnh phúc cho nhân loại (20.12.2015)
1. Ghi nhớ:“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
2. Suy niệm: Maria lên đường thăm viếng bà Isave. Một điều chắc chắn mà ai cũng có thể nhận ra mục đích của chuyến đi này không phải nhằm xác minh lời của Thiên Thần, vì nếu như nghi ngờ thì Mẹ đã không nhận lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta thấy được một đức tính cao đẹp nơi Mẹ Maria là biết quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Nét đẹp này phải chăng là kết quả của một niềm tin sâu sắc, một lòng trông cậy phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chính cái nhìn đức tin giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi mọi người xung quanh, nhờ đó, ta sẵn sàng quảng đại dấn thân vì hạnh phúc cho nhân loại.
3. Sống Lời Chúa: Tập biết quan tâm giúp đỡ người khác.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được cuộc sống vì con chỉ thực sự hạnh phúc khi con biết đặt niềm tin tưởng, phó thác vào Chúa. Amen.