21 Tháng Mười Hai Thánh Phêrô Canisius (1521- 1597)

21 Tháng Mười Hai
Thánh Phêrô Canisius
(1521- 1597)
21 Tháng Mười Hai Thánh Phêrô Canisius (1521- 1597)

Cuộc đời đầy năng lực của Thánh Phêrô Canisius phải đánh đổ bất cứ ấn tượng nào cho rằng cuộc đời của các thánh thì nhàm chán. Thánh nhân đã sống 76 năm với một nhịp độ không thể nói gì khác hơn là phi thường, ngay cả trong thời đại thay đổi mau chóng của chúng ta. Là một người được Thiên Chúa ban cho nhiều tài năng, thánh nhân là gương mẫu tuyệt hảo của một người sống cho Phúc Âm, đã phát triển tài năng vì Thiên Chúa.

Ngài là một trong những khuôn mặt quan trọng, trong giai đoạn cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở nước Ðức. Vai trò của ngài thật quan trọng đến nỗi, ngài thường được gọi là “Vị tông đồ thứ hai của nước Ðức”, mà cuộc đời của ngài thường được sánh với cuộc đời của Thánh Boniface trước đây.

Mặc dù thánh nhân thường cho mình là lười biếng khi còn trẻ, nhưng sự biếng nhác đó không được lâu, vì khi 19 tuổi ngài đã lấy bằng cử nhân của một đại học ở Cologne. Sau đó không lâu, ngài gặp Cha Peter Faber, người môn đệ đầu tiên của Thánh Ignatius Loyola (Y Nhã), và cha đã ảnh hưởng ngài nhiều đến nỗi, ngài đã gia nhập Dòng Tên khi vừa mới được thành lập.

Trong giai đoạn này, ngài đã tập luyện được một thói quen mà sau này trở thành nếp sống của cuộc đời ngài – không ngừng học hỏi, suy niệm, cầu nguyện và sáng tác. Sau khi thụ phong linh mục năm 1546, ngài nổi tiếng qua công trình soạn thảo các văn bản của Thánh Cyril Alexandria và Thánh Leo Cả. Ngoài khuynh hướng suy tư về văn chương, thánh nhân còn hăng say trong việc tông đồ. Người ta thường thấy ngài đi thăm bệnh nhân và người bị tù đầy, ngay cả khi ngài được giao cho các trách nhiệm khác, mà đối với nhiều người để chu toàn công việc ấy cũng đã hết thì giờ.

Năm 1547, thánh nhân được tham dự vài khoá họp của Công Ðồng Triđentinô, mà sau này các sắc lệnh của công đồng ấy được giao cho ngài hiện thực hóa. Sau một thời gian, được bài sai việc giảng dạy ở trường Messina của Dòng Tên, thánh nhân được giao cho sứ vụ truyền giáo ở Ðức – cho đến mãn đời. Ngài dạy tại một vài trường đại học, và góp phần chính yếu trong việc thiết lập nhiều trường học và chủng viện. Ngài viết sách giáo lý giải thích đức tin Công Giáo cho những người bình dân để họ dễ hiểu – một công việc rất cần thiết trong thời ấy.

Nổi tiếng là vị rao giảng, thánh nhân thường lôi cuốn giáo dân đến chật cả nhà thờ qua tài hùng biện của ngài về Phúc Âm. Ngài còn có tài ngoại giao, và thường làm người hòa giải giữa các bè phái tranh chấp. Trong các thư từ ngài để lại (tất cả đến tám bộ), người ta thấy các lời lẽ khôn ngoan của ngài, khi khuyên nhủ người dân thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội.

Trong thời gian ấy, ngài cũng viết các lá thư bất thường, chỉ trích các vị lãnh đạo trong Giáo Hội – tuy nhiên luôn luôn với một tâm tình đầy yêu thương và thông cảm.

Năm 70 tuổi, thánh nhân bị liệt, nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng và viết lách với sự trợ giúp của một thư ký, cho đến khi ngài từ trần vào sáu năm sau đó, ngày 21.12.1597.

Lời Bàn

Nỗ lực không mệt mỏi của Thánh Phêrô Canisius, là một gương mẫu thích hợp cho những ai muốn góp phần canh tân Giáo Hội, hay cho sự thăng tiến ý thức luân lý trong chính phủ, hay trong thương trường. Ngài được coi là một trong các vị sáng lập ngành báo chí Công Giáo, và rất có thể là gương mẫu cho các ký giả hay thông tín viên Công Giáo. Các người trong lãnh vực sư phạm, có thể nhìn thấy ngài như một đam mê muốn truyền lại chân lý cho thế hệ mai sau. Dù chúng ta có nhiều khả năng để cho đi, như Thánh Phêrô Canisius đã từng làm, hoặc không có tài cán gì để đóng góp, như bà goá trong Phúc Âm (x. Luca 21:1-4), điều quan trọng là cho đi tất cả những gì chúng ta có. Chính trong phương cách ấy, mà thánh nhân đã trở nên gương mẫu cho mọi Kitô hữu trong thời đại thay đổi nhanh chóng này, mà chúng ta được kêu gọi đến trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Lời Trích

Khi được hỏi là ngài có làm việc quá sức hay không, Thánh Phêrô Canisius trả lời, “Nếu bạn có nhiều việc phải làm, thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa, bạn sẽ có thì giờ để thi hành tất cả những điều ấy”.



http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm