BẢN PDF – 40 CÂU HỎI TÌM HIỂU & SỐNG NĂM THÁNH 2025
Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, Năm Thánh là một sự kiện lớn thu hút nhiều tín hữu ở khắp năm châu, vì Năm Thánh luôn khắc ghi sâu đậm lòng thương xót của Chúa. Truyền thống này bắt nguồn từ thời Cựu Ước, theo đó Năm Thánh là một thời kỳ hồng ân mà Thiên Chúa ban ơn đặc biệt hơn khi con người mở lòng để canh tân và thống hối.
Dưới đây là một cố gắng nhỏ bé qua hình thức 40 câu hỏi giúp tìm hiểu và sống năm thánh 2025, cùng các câu trả lời dựa trên các tài liệu của Hội Thánh và của nhiều tác giả đăng bài trên Internet.
Cụ thể có hai phần:
(1) Từ câu 1 đến câu 16: nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thần học của năm thánh.
(2) Từ câu 17 đến câu 40: Về năm thánh 2025.
Ngoài ra, có thể xem phần tham khảo ở cuối.
Xin cám ơn các tác giả về các bài viết.
Xin gởi đến mọi người cố gắng nhỏ bé này, như là chút đóng góp cho việc chuẩn bị năm thánh 2025, năm hồng ân của Chúa và Hội Thánh dành cho nhân loại.
Tất cả chúng ta đều là những người lữ hành trên đường hy vọng. Xin Chúa chúc lành cho hành trình chúng ta tiến bước, và xin Chúa là mục tử nhân lành luôn ở cùng, đồng hành, chở che và đỡ nâng mỗi người chúng ta.
Xin tín thác hành trình sống năm thánh 2025 của mỗi người cho Mẹ Maria nhân hiền, cho các thánh tử đạo nước Việt Nam, đặc biệt cho hai chân phước trẻ Pier Giorgio Frasatti và Carlo Acutis sẽ được phong hiển thánh trong năm thánh 2025.
Chúng ta cũng xin vị linh mục tốt lành mới được toà thánh công nhận cuộc tử đạo của ngài là cha Trương Bửu Diệp cầu cho chúng ta.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
1. Năm Thánh có nguồn gốc từ đâu?
Trong tài liệu của Bộ Loan Báo Tin Mừng về “Sống năm cầu nguyện để chuẩn bị cho năm thánh 2025” có viết: “Việc cử hành Năm Thánh có nguồn gốc xa xưa nhất trong truyền thống năm thánh (yobel) của Do thái, là thời gian của tha thứ và hòa giải.
Kể từ thế kỷ 14, đây là thời gian đặc biệt để suy ngẫm về ân ban lớn lao của lòng Chúa thương xót vốn luôn chờ đợi chúng ta, cũng như tầm quan trọng của việc hoán cải nội tâm. Cả hai đều cần thiết để có thể sống các ân ban thiêng liêng tuôn đổ trên những người hành hương trong Năm Thánh, và để canh tân mối gắn kết tất cả những người đã lãnh Phép Rửa thành anh chị em trong Chúa Kitô, với toàn thể nhân loại, trong đó mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương”.
2. Bao lâu một lần dân Do Thái có năm thánh và dựa vào đoạn Lời Chúa nào?
Chúa nói với Môsê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ 50 là Năm thánh, và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ 50 sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một Năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25,8-13. Xem thêm Lv 25,1-28; 27,16-24. Xh 23,10-11 ; Ds 36,4; Ðnl 15,1-6).
Tất cả những việc làm trên là nhằm tôn vinh Thiên Chúa. Cứ sau 49 năm thì toàn dân Do Thái phải mừng năm thứ 50 một cách trọng thể. Rõ ràng, truyền thống Năm Hồng Ân này là sự mở rộng luật Sabát của người Do thái là trong một tuần 7 ngày, sau 6 ngày làm việc phải có 1 ngày nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa.
3. Năm toàn xá được sống dưới ánh sáng của ba nguyên tắc.
Ba nguyên tắc đó là gì?
Việc đầu tiên liên quan đến sự nghỉ ngơi của đất đai: Đồng ruộng phải bỏ hoang (Lv 25, 11). Nguyên tắc thứ hai liên quan xoá nợ và thu hồi đất (Lv 25,23-34). Cuối cùng, điều thứ ba liên quan đến tự do và giải phóng nô lệ: mọi người Israel – nếu là nô lệ – phải được tự do (Lv 25, 35-55).
4. Xin cho biết nguyên tắc thứ nhất “kỳ nghỉ của đất đai”có ý nghĩa như thế nào?
Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm nguồn gốc của Năm Thánh từ Cựu Ước đến các Tin Mừng đã giải thích như sau:
Theo bản văn Kinh thánh, chủ đề khá nguyên thuỷ là “kỳ nghỉ ngơi của đất đai”. Với lịch trình nghỉ, thời gian được đo theo truyền thống Kinh thánh, đất đai được phép nghỉ ngơi bảy năm một lần. Từ những chỉ dẫn của chương 25, sách Lêvi: đất đai cũng phải nghỉ ngơi trong Năm Thánh, kéo dài bảy tuần trong năm, tức là vào năm thứ năm mươi. Cam kết này có vẻ khá phi thực tế và khó áp dụng. Có thể để đất đai nghỉ ngơi trong một năm, đặc biệt là trong một nền văn minh như vùng Cận Đông cổ đại, nơi nhu cầu ít hơn nhiều so với chúng ta và cuộc sống đơn giản hơn nhiều. Nhưng để đất đai nghỉ trong hai năm liên tiếp (năm nghỉ thứ 49 và năm thánh – năm thứ 50), trong một nền kinh tế thuần nông sẽ làm cho cuộc sống của họ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, hoặc Năm thánh được thực hiện trùng với năm thứ bảy của tuần thứ bảy, hoặc Năm thánh là một sự thực thi cụ thể – trên hết là một cột mốc, hơn là một dấu chỉ không tưởng, một cái nhìn vượt ra ngoài lối sống thông thường. Để đất đai được nghỉ có nghĩa là sẽ không gieo hạt và không gặt hái. Một mặt, sự lựa chọn này khiến chúng ta khám phá ra rằng, đất đai là một món quà, bởi vì, ngay cả khi với diện tích nhỏ hẹp, đất đai vẫn có thể tạo ra một thứ gì đó. Hoa trái của nó sẽ ít hơn nhưng sẽ không thiếu.
Do đó, nên nhớ rằng các chu kỳ của tự nhiên không chỉ phụ thuộc vào công việc của con người mà còn phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Điều này nhắc nhớ chúng ta về một Đấng tối thượng, Đấng Siêu việt. Mặt khác, trong thời kỳ này đã có nỗ lực nhằm vượt qua quyền sở hữu tư nhân và bộ lạc, vì mọi người đều có thể thu lấy những gì mảnh đất đó tạo ra mà không cần lưu tâm tới ranh giới và hàng rào đã được đăng ký trong sổ sách. Trên thực tế, điều này cho thấy sự thừa nhận mục đích chung của của cải, theo đó mọi thứ đều dành sẵn cho mọi người. Chủ đề này cũng có thể có ý nghĩa to lớn trong xã hội ngày nay. Trong đó, nhân loại có thể được minh hoạ như một chiếc bàn bày sẵn, trong đó một bên là những người tích lũy của cải quá mức, còn bên kia là những người còn lại, một đám đông đứng nhìn và chỉ có thể tận hưởng những thứ vụn vặt, vụn bánh. Không gì hơn là ý tưởng: của cải dành cho tất cả mọi người đi trước sự sở hữu của bất kỳ cá nhân nào.
5. Nguyên tắc thứ hai là “xoá nợ và thu hồi đất” có ý nghĩa gì?
Đức hồng y Ravasi giải thích: Chủ đề thứ hai, không kém phần nguyên thuỷ, là việc xóa nợ và hoàn trả nguyên vẹn (cho chủ sở hữu ban đầu) những mảnh đất bị chuyển nhượng và bán đi. Theo lối nhìn của Kinh thánh, đất đai là tài sản không phải của cá nhân mà của các bộ lạc và gia đình thị tộc, mỗi bộ tộc đều có lãnh thổ riêng của mình. Nó đã được tặng hiến trong quá trình phân chia đất đai nổi tiếng sau cuộc chinh phục Canaan, như chúng ta đọc trong sách Giôsuê (cc.13-21). Vì nhiều lý do khác nhau, mỗi lần gia tộc bị mất đất sở hữu của mình, theo nghĩa nào đó sự phân chia đất đai thất bại theo ý muốn của Thiên Chúa. Với Năm thánh, tức là cứ nửa thế kỷ một lần, bản đồ miền đất hứa lại được vẽ lại theo Ý của Thiên Chúa, thông qua món quà thiêng liêng, đất đai được chia cho các bộ tộc Israel. Khi đó, mọi bộ tộc đều nhận được phần đất của mình, ngoại trừ bộ tộc Lêvi, những người sống nhờ vào sự đóng góp của các bộ tộc khác để phục vụ Đền thờ. Đối với các khoản nợ, về cơ bản cũng diễn ra tương tự như vậy. Vào đầu Năm Thánh, mọi người đều bình đẳng, có cùng một ít của cải như nhau. Tuy nhiên sau đó, một số người mất đi tài sản của mình do bất hạnh, số khác là do lười biếng hoặc không có khả năng. Sau năm mươi năm, người ta quyết định quay trở lại điểm xuất phát, đảm bảo rằng mọi người đều được chia sẻ của cải tương tự nhau tuyệt đối. Tất cả tài sản trở thành của chung và được phân phối theo các bộ tộc khác nhau.
Như vậy, mỗi gia đình đã lấy lại được tài sản, đất đai và tất cả con cái của mình. Theo lời kêu gọi từ sách Đệ Nhị luật, sự đổi mới xã hội này liên tục được đưa ra với người Do Thái để họ có thể coi đó là mô hình xã hội để sống theo, bất chấp ý thức rằng, đó là một dự án lý tưởng không bao giờ có thể đạt được một cách trọn vẹn. Thật vậy, trong sách Đệ nhị luật, chúng ta đọc: “Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo […] và nếu trong anh em có người nào đang túng thiếu, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng” (15,4.7 ). Một sự lựa chọn không chỉ là sự gắn bó lý tưởng với tình huynh đệ và tình liên đới mà còn bao hàm cụ thể của “bàn tay”, tức là hành động, sự dấn thân xã hội cụ thể. Chúng ta hãy nhớ lại chân dung của cộng đoàn Kitô giáo ở Giêrusalem, nơi đó – như thánh Luca nhắc lại nhiều lần trong sách Công vụ Tông đồ – “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (4,32).
6. Nguyên tắc thứ ba nói về tự do và việc giải phóng nô lệ.
Xin cho biết ý nghĩa của nguyên tắc này!
Đức hồng y Ravasi giải thích: Chủ đề thứ ba của Năm Thánh theo Kinh Thánh cũng là lời kêu gọi mạnh mẽ và đầy thách đố. Năm Thánh là năm không những xóa bỏ các khoản nợ mà còn là năm giải phóng nô lệ. Sách Êdêkien (46,17) nói về Năm Thánh là năm giải phóng, năm cứu chuộc, năm mà những người đã ra đi làm nô lệ để sống sót trong cảnh nghèo khó được trở về nhà, được tha nợ và được hoàn lại đất đai và phục hồi sự tự do của họ. Họ lần nữa trở về tình trạng của một dân tộc từ trong cuộc lưu đày, những người thoát khỏi tấm áo choàng sắt của chế độ nô lệ và phân biệt đối xử. Cũng nằm trong dòng ý nghĩa ấy, đó là đưa ra lý tưởng kiến tạo một cộng đồng không còn có ràng buộc mang tính nô lệ, chân tay không còn bị xiềng xích và có thể đoàn kết hướng tới một mục đích chung. Rõ ràng là tính chất của nó cũng có thể áp dụng cho lịch sử của chúng ta, trong đó vô số hình thức nô lệ được ghi lại: nghiện ma túy, buôn bán gái mại dâm, bóc lột trẻ em ở nơi làm việc hoặc tình dục, khiêu dâm trẻ em và nhiều hình thức nô lệ tàn bạo khác. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến tất cả những dân tộc, trên thực tế, họ là nô lệ của các siêu cường bởi vì với những khoản nợ của mình, họ hoàn toàn không có khả năng trở thành người quyết định cho vận mệnh của chính mình; hoạt động của một số công ty đa quốc gia thường là một hình thức chuyên chế kinh tế thực sự nhằm đàn áp một số quốc gia và xã hội khác.
Do đó, âm vang chủ đề Năm Thánh của sự giải thoát cũng có ý nghĩa lớn lao trong thời đại chúng ta, và điều này cũng đúng khi xét đến lời kêu gọi giải phóng để có được sự tự do nội tâm. Thật vậy, một người có thể tự do bên ngoài nhưng lại là nô lệ bên trong với những sợi xích vô hình nhất định, chẳng hạn như chịu sự chi phối xã hội của truyền thông đại chúng, sự hời hợt, thô bạo, sự lệ thuộc vào thế giới thông tin. Trong đoạn Kinh thánh Giêrêmia 34,14-17, vị ngôn sứ giải thích một cách mạnh mẽ về sự sụp đổ và trở thành nô lệ của Giêrusalem và Giuđê đối với người Babylon vào năm 586 tCN. Đó chính là sự phán xét của Thiên Chúa về việc người Do Thái đã không giải phóng nô lệ nhân dịp Năm Thánh. Tính ích kỷ trở thành điều chi phối toàn bộ, trong khi sự giải phóng đã không được thực hiện, và kết quả là Israel trở thành nô lệ như một loại hình phạt từ Thiên Chúa.
7. Năm Thánh có một giá trị ngôn sứ như thế nào?
Đức hồng y Ravasi giải thích: Năm toàn xá có thể có một giá trị ngôn sứ sâu sắc: sẽ có một thời điểm mà Thiên Chúa muốn giải phóng con người khỏi mọi tình trạng nô lệ (tội lỗi, bệnh tật, cái chết, chế độ nô lệ, v.v.), bao gồm cả quyền sở hữu và của cải.
Trong hội đường Nazareth – như đã nói ở trên – Chúa Giêsu lấy đoạn Is 61,1-3d: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4,18-19).
“Năm hồng ân của Chúa” là năm toàn xá, là thời gian của Đấng Messia, nơi lời ngôn sứ Cựu Ước trở thành sự thật trọn vẹn. Chính Chúa Giêsu, Đấng muốn lòng thương xót chứ không lễ tế (Mt 9,13; 12, 7), đã khẳng định điều này: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” ( Lc 4,21). Vì thế, Năm Thánh trước hết là năm hồng ân của Chúa Giêsu Kitô.
8. Chúa Giêsu có đề cập đến năm thánh không và cụ thể như thế nào?
Đức hồng y Ravasi giải thích: Theo Tin Mừng Luca, khi bắt đầu rao giảng công khai, Đức Giêsu bước vào hội đường nhỏ làng Nazareth của Người. Vào một ngày Sabát, người ta đọc một đoạn Kinh thánh của Is 61, đến lượt Người công bố và bình luận về bản văn. Qua những lời này, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là người được Chúa Cha sai đến để khai mở một Năm Thánh trọn vẹn kéo dài suốt các thế kỷ tiếp theo và là năm mà các Kitô hữu phải cử hành trong Thần khí và Sự thật: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” ( Lc 4,18 -19).
Ngoài Cựu Ước, đây là nguồn gốc khác của Năm Thánh Kitô giáo. Theo lời của Đức Giêsu, phạm vi của Năm Thánh trở thành mô hình, lối sống của đời sống Kitô hữu, mở lòng và đón nhận tất cả những đau khổ vốn là chương trình thuộc sứ mạng của Đức Kitô và Giáo hội. “Năm hồng ân của Chúa”, nghĩa là năm cứu độ của Người, bao gồm bốn cử chỉ căn bản.
Đầu tiên là “Đem Tin mừng cho người nghèo khó”, sự giải phóng là yếu tố thứ hai của Năm Thánh, thứ ba là phục hồi “ánh sáng cho người mù loà” và thứ tư là việc giải phóng khỏi sự áp bức.
9. Xin giải thích thêm ý nghĩa của cử chỉ đầu tiên “Đem Tin mừng cho người nghèo khó”!
Đức hồng y Ravasi giải thích: “Đem Tin mừng cho người nghèo khó”: động từ tiếng Hy Lạp (tiếng Ý: evangelizzare) vốn là động từ xuất phát từ danh từ Tin mừng (evangelo), “tin mừng”, “thông điệp vui mừng” về Nước Thiên Chúa. Những người tiếp nhận là “người nghèo”, nghĩa là, những người rốt cùng của trái đất, những người không có sức mạnh quyền lực chính trị và kinh tế nhưng có trái tim rộng mở để đón nhận và gắn bó với đức tin. Năm Thánh có mục đích mang về trung tâm Giáo Hội những người khiêm nhường, nghèo khó, khốn khổ, những người cả bên ngoài lẫn bên trong phó mình vào bàn tay của Thiên Chúa và của anh em.
10. Cử chỉ thứ hai là “sự giải phóng”. Xin giải thích về cử chỉ này!
Đức hồng y Ravasi giải thích: Sự giải phóng là yếu tố thứ hai của Năm Thánh, một hành động – như chúng ta đã thấy – đã có trong Năm Thánh của Israel. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đề cập đến các tù nhân theo một nghĩa chặt chẽ và ẩn dụ, và ở đây chúng ta dự đoán những lời này mà Người sẽ lặp lại trong cảnh phán xét ở cuối câu chuyện: “Ta ở tù và các ngươi đến thăm viếng” ( Mt 25,36).
11. Cử chỉ thứ ba là “phục hồi ánh sáng cho người mù loà” có ý nghĩa gì?
Đức hồng y Ravasi giải thích: Dấn thân thứ ba là phục hồi “ánh sáng cho người mù loà”, một cử chỉ mà Đức Giêsu thường thực hiện khi Ngài còn tại thế: chúng ta có thể nghĩ về câu chuyện nổi tiếng về người mù bẩm sinh (x.Ga 9). Theo Cựu Ước và truyền thống Do Thái, đây là dấu chỉ cho thấy Đấng Mêsia sắp đến. Thực ra, trong bóng tối mà người mù bị bao phủ không chỉ có biểu hiện của nỗi đau khổ tột cùng mà còn có một biểu tượng. Thật vậy, có một sự mù loà bên trong mà không giống với sự mù lòa thể xác. Đó là không có khả năng nhìn sâu bằng con mắt của trái tim và tâm hồn. Một sự mù loà khó xóa bỏ, có lẽ còn hơn cả sự mù loà thể xác, đang trói buộc nhiều người vốn cần một tia sáng chiếu toả vào tâm hồn họ.
12. Cử chỉ thứ tư là việc giải phóng khỏi sự áp bức có ý nghĩa gì?
Đức hồng y Ravasi giải thích: việc giải phóng khỏi sự áp bức được đề xuất, không chỉ là chế độ nô lệ nói trên liên quan đến Năm Thánh Do Thái mà còn bao gồm tất cả những đau khổ và sự dữ áp bức thể xác và tinh thần. Tất cả đều được biểu lộ nơi toàn bộ sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Do đó, mục tiêu lý tưởng của Năm Thánh đích thực của Kitô giáo là bộ tứ thiêng liêng, luân lý và hiện sinh này.
13. Năm Thánh Kitô giáo được cử hành đầu tiên vào năm nào và Đức Giáo Hoàng nào công bố năm thánh đầu tiên đó?
Năm Thánh Kitô giáo đầu tiên được cử hành vào năm 1300, theo ý muốn của Đức Giáo Hoàng Boniface VIII với sắc lệnh Antiquorum habet Trust relatio.
14. Bao lâu thì Giáo Hội tổ chức Năm Thánh một lần?
Đức Boniface VIII quy định năm Thánh được cử hành 100 năm một lần. Từ năm 1350, Đức Giáo Hoàng Clement đã quyết định tổ chức Năm Thánh Kitô giáo cứ 50 năm một lần để gắn bó với Năm Thánh của người Do Thái. Vài năm sau, Đức Giáo Hoàng Urban VI (1378-1389) đã bớt khoảng thời gian này xuống còn 30 ba năm (bằng với thời gian người ta tin rằng Chúa Giêsu đã sống). Đức Giáo Hoàng Phaolô II vào năm 1470, khoảng một thế kỷ rưỡi sau Đức Boniface VIII, tiếp tục giảm thời gian giữa các năm thánh xuống còn 25 năm.
15. Gần đây có những năm thánh chính thức nào?
Năm Thánh 1950
Năm Thánh 1950 do Ðức Giáo hoàng Piô XII khai mạc sau những đau thương tàn khốc của Thế chiến II. Hòa bình là sứ điệp của Năm Thánh 1950. Châu Âu bị phân làm 2 khối Tự do và Cộng sản nên những người Công giáo tại Ðông Âu Cộng sản không thể đến Roma tham dự Năm Thánh. Cũng trong Năm Thánh này, tại quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện đông đảo của khoảng 500.000 tín hữu và 622 Giám mục, Ðức Thánh Cha đã công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Năm Thánh 1975
Năm Thánh 1975 được mở ra dưới triều thánh Giáo hoàng Phaolô VI. Năm Thánh này mang ý nghĩa Canh tân và Hòa giải, như được trình bày trong tông huấn Gaudete in Domino – Hãy vui mừng trong Chúa của ngài. Điểm nổi bật của Năm Thánh 1975 là cử hành trước tại các Giáo hội địa phương từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 10/6/1973 và kết thúc vào lễ Giáng Sinh 1974.
Năm Thánh 1975 là Năm Thánh cuối cùng trong lịch sử Giáo hội với việc Đức Giáo hoàng khai mạc bằng cách đập búa vào tường che Cửa Thánh ở Ðền thờ Phêrô. Khi kết thúc Năm Thánh 1975, Thánh Phaolô VI đã không còn tiếp tục truyền thống xây tường gạch che phủ Cửa Thánh nữa.
Năm 1975 cũng nằm trong bối cảnh khủng hoảng ơn gọi linh mục, do đó sự kiện đã khơi dậy mối quan tâm mới đến vai trò của Giáo hoàng, trong một viễn tượng truyền giáo được phục hồi bởi tông huấn Evangelii Nuntiandi, một văn kiện được Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên trích dẫn.
Năm Thánh 2000
Trong tinh thần hướng đến Thiên niên kỷ III đang đến và đánh dấu 2000 năm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người, từ năm 1994 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư Tertio Millennio Adveniente – Ngàn Năm thứ Ba đang tới, để kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón nhận ân sủng cao quý Thiên Chúa ban cho trong Đại Năm Thánh 2000. Ngoài ra, trong ba năm chuẩn bị gần:1997, 1998, 1999, tín hữu cũng được mời gọi học hỏi các chủ đề Chúa Con, Chúa Thánh Thần và Chúa Cha.
Vào ngày 29/11/1998, tức Chúa Nhật I Mùa Vọng, Ðức Giáo hoàng đã ban hành Tông sắc Incarnationis Mysterium – Mầu Nhiệm Nhập Thể chính thức công bố sẽ mở Năm Thánh 2000 bắt đầu vào Ðêm Vọng Giáng Sinh 24/12/1999 và kết thúc vào ngày Lễ Hiển Linh 06/01/2001. Năm Thánh được cử hành cùng lúc tại Roma và các Giáo hội địa phương. Chủ đề của Năm Thánh 2000 là Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể và sự hiệp nhất. Năm Thánh 2000 là Năm Thánh đầu tiên chính Đức Giáo hoàng mở Cửa Thánh cả bốn Ðền thờ lớn tại Roma.
Năm Thánh 2000 được ghi dấu nhiều cử hành lịch sử của thánh Gioan Phaolô II; như chuyến tông du đến Thánh Địa theo dấu chân Chúa Kitô; cử hành việc tôn kính tất các vị Tử Đạo của tất cả các Giáo hội Kitô tại đấu trường Colosseo; hoặc một lần nữa, vào ngày 12/3/2000, một cử hành sám hối tại Đền thờ Thánh Phêrô vì những sai lỗi trong lịch sử của các thành viên của Giáo hội Công giáo.
Năm Thánh 2000 là dịp Ðại Hồng Ân không chỉ cho Kitô hữu mà còn cho cả nhân loại với vai trò của Kitô giáo trong lịch sử 2000 năm qua của nhân loại (Tông thư Tertio Millennio Adveniente, s.15)
16. Ngoài những năm thánh thông thường, có những năm thánh ngoại thường hay không?
Trong suốt lịch sử cũng có những năm thánh ngoại thường. Lần đầu tiên là vào năm 1423, do ý muốn Đức Giáo Hoàng Martin V vì sự trở lại của giáo hoàng từ Avignon. Hai dịp khác, vào năm 1585 và năm 1655 để bắt đầu triều giáo hoàng của hai Đức Giáo Hoàng tương ứng. Năm 1745, Đức Biển Đức XIV muốn Năm Thánh kỷ niệm hòa bình giữa các hoàng tử Kitô giáo. Ngoài Năm Thánh ngoại thường năm 1886, Đức Piô XI muốn có Năm Thánh 1900 năm Cứu Chuộc (1933-1934). Thánh Phaolô VI đã công bố Năm Thánh 1966 nhân dịp bế mạc Công đồng Vatican II, trong khi Thánh Gioan Phaolô II muốn cử hành Năm Thánh năm thứ 1950 của Ơn Cứu Chuộc (1983-1984). Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI muốn cử hành Năm Thánh Phaolô nhân dịp kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của vị Tông đồ dân ngoại (28/6/2008 – 29/6/2009).
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc. Mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó, chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống. Công đồng Vatican II (2015-2016) và Năm Thánh ngoại thường Loreto (8/12/2019 – 10/12/2021), diễn ra phần nào không được chú ý do đại dịch. Có lẽ sẽ có Năm Thánh ngoại thường tiếp theo vào năm 2033-2034 nhân kỷ niệm hai ngàn năm Ơn Cứu Chuộc.
17. Vào năm 2024 ĐTC. Phanxicô công bố năm 2025 là năm thánh của Giáo Hội. Ngài đã lấy chủ đề chính là gì?
Chiều ngày 9.5.2024, trong giờ Kinh chiều II Lễ Chúa Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao các Giáo hội trên năm châu lục Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 có tựa đề “Spes non confundit – Niềm Hy vọng không làm thất vọng”, trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (Rm 5,5).
18. Khẩu hiệu của năm thánh 2025 là gì?
Đức Thánh Cha đã phê chuẩn khẩu hiệu của Năm Thánh 2025, được gói gọn trong những từ “Những người hành hương của hy vọng”.
19. Logo của năm thánh như thế nào và có ý nghĩa gì?
Tác giả của Logo, Giacomo Travisani, một cư dân ở Puglia, Ý cũng hiện diện trong buổi họp báo, đã giải thích rằng: Ông được truyền cảm hứng bởi viễn cảnh mọi người cùng nhau tiến về phía trước “nhờ ngọn gió Hy vọng là Thập giá của Chúa Kitô và chính Chúa Kitô”.
20. Năm thánh 2025 có một nhân vật biểu tượng. Nhân vật này tên gì?
Vatican công bố nhân vật biểu tượng có tên là “Luce” như một phần của các hoạt động chuẩn bị cho Năm Thánh 2025. Trong tiếng Ý, từ “luce” có nghĩa là ánh sáng. Nhân vật biểu tượng này được thiết kế nhằm đại diện cho ánh sáng và hy vọng, với mục tiêu thu hút giới trẻ và dẫn dắt du khách trong suốt Năm Thánh.
Nhân vật biểu tượng “Luce” của Vatican mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Luce mặc chiếc áo mưa màu vàng, tay cầm gậy tượng trưng cho sự bảo vệ và dẫn dắt của Thiên Chúa trong suốt lộ trình của Năm thánh. Thánh giá và chuỗi hạt trên cổ cho thấy, trong cuộc hành hương, cầu nguyện là sức mạnh thiêng liêng, gia tăng đức tin, cậy, mến, vững vàng hơn trước mọi nghịch cảnh. Logo thuyền buồm màu xanh lá cây trên áo của Luce là logo chính thức của Năm thánh. Đôi mắt sáng của Luce là biểu tượng của hy vọng, và hành trình của Luce cùng với chú chó Santino nhắc nhở mọi người về tinh thần hành hương và khám phá đức tin. Đôi giày lấm đầy bùn đất của Luce cho thấy lộ trình cuộc đời mà mỗi người phải đi qua.
Ngoài ra Luce còn có những người bạn đồng hành khác như Fe, Xin, và Sky – (Fe có nghĩa là Đức tin trong tiếng Tây Ban Nha, – Xin có nghĩa là Sự thật trong tiếng Nhật và Sky trong tiếng anh là bầu trời) mỗi người đều mang trên mình những chiếc áo khoác màu sắc rực rỡ và những trang bị cần thiết như của Luce.
Luce được thiết kế bởi Simone Legno, người sáng lập thương hiệu tokidoki, chuyên sản xuất các sản phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản.
21. Năm thánh 2025 sẽ được khai mạc vào ngày nào và với nghi thức mở cửa thánh của các đền thờ nào tại Roma?
“Dựa trên truyền thống lâu đời này và xác tín rằng Năm Thánh này sẽ là một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội, tôi quyết định khai mạc Năm Thánh thường lệ bằng việc
1. Mở Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 24 tháng 12 năm nay, 2024.
2. Chúa nhật tiếp theo, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tôi sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính toà Gioan Latêranô của tôi; Nhà thờ này sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày 9 tháng 11 cùng năm.
3. Sau đó, vào ngày 1 tháng 1 năm 2025, Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
4. Cuối cùng, vào Chúa nhật 5 tháng 1, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
22. Ngoài 4 vương cung thánh đường ở Roma, có một nhà tù ở Roma được mở cửa thánh. Xin cho biết nhà tù nào và ý nghĩa của việc mở cửa thánh ở nhà tù đó!
Đó là nhà tù Rebibbia ở mạn đông Roma. Vào ngày lễ thánh Stephano 26.12.2025, Đức Thánh Cha sẽ mửa cửa thánh ở đó. Đây là biểu tượng của tất cả các nhà tù trên khắp thế giới. Cửa Thánh là một dấu hiệu hữu hình của việc loan báo niềm hy vọng. Đức Thánh Cha muốn chính ngài mở Cửa Thánh tại một nhà tù “để trao cho các tù nhân một dấu hiệu gần gũi cụ thể” (x. số 10). Trong Năm Thánh tất các các tín hữu được mời gọi trở thành dấu chỉ cụ thể của hy vọng cho rất nhiều anh chị em đang sống trong điều kiện khó khăn.
23. Năm thánh 2025 sẽ được kết thúc chính thức vào ngày nào?
“Năm Thánh thường lệ sẽ kết thúc bằng việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 6 tháng 1 năm 2026, Lễ Chúa Hiển Linh” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 6).
24. Các Giáo Hội địa phương khai mạc và kết thúc năm thánh vào thời gian nào?
ĐTC. Phanxicô viết: “Ngoài ra, tôi quyết định rằng vào Chúa nhật 29 tháng 12 năm 2024, tại tất cả các Nhà thờ chính tòa và Nhà thờ đồng chính toà, các giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh, theo Nghi thức sẽ được soạn cho dịp này…
Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025 tại các Giáo hội địa phương. Trong thời gian Năm Thánh, phải lo liệu sao cho Dân Chúa tham dự đầy đủ việc đón nhận lời loan báo niềm hy vọng về ân sủng của Thiên Chúa cũng như đón nhận những dấu chỉ chứng tỏ hiệu quả của ân sủng này” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 6).
25. Ơn toàn xá trong năm thánh 2025 cụ thể được ban như thế nào?
Hôm 13.5. 2024, Tòa Ân giải Tối cao đã công bố các quy luật ban ơn toàn xá trong Năm Thánh 2025.
“Ân Xá Năm Thánh “là một cách khám phá bản chất vô hạn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy trở thành “những người hành hương” của niềm hy vọng, để đón nhận “Ơn Toàn Xá. Đó là một ân sủng đặc biệt của Năm Thánh.”
Sau khi xác nhận rằng tất cả các ân xá khác vẫn còn hiệu lực, Tòa Ân Giải thiết lập ba cách chính yếu để nhận được Ân Xá Năm Thánh: – Hành hương đến bất kỳ địa điểm nào trong Năm Thánh; – Những cuộc viếng thăm đạo đức đến những nơi thánh, – Và những việc làm bác ái và sám hối.
(1) Hành hương.
Các tín hữu, những người hành hương của niềm hy vọng, sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh do Đức Thánh Cha ban nếu họ thực hiện một cuộc hành hương đạo đức:
Tại Roma: đến ít nhất một trong bốn Vương cung thánh đường lớn của Giáo hoàng: Thánh Phêrô ở Vatican, Đấng Cứu Thế Cực Thánh ở Laterano, Đức Bà Cả, Thánh Phaolô Ngoại Thành;
Tại Thánh Địa: ít nhất một trong ba vương cung thánh đường: Mộ Thánh ở Giêrusalem, Giáng Sinh ở Bêlem, Truyền Tin ở Nazareth;
Tại các địa điểm khác của giáo hội: đến nhà thờ chính tòa hoặc các nhà thờ khác và những nơi linh thánh do Bản quyền địa phương chỉ định. Các Giám mục sẽ tính đến nhu cầu của các tín hữu cũng như cơ hội để giữ nguyên vẹn ý nghĩa của cuộc hành hương với tất cả sức mạnh biểu tượng của nó, có khả năng bày tỏ nhu cầu tha thiết của việc hoán cải và hòa giải.
Ân Xá có thể nhận được bằng cách tham gia “một cách sốt sắng” các Thánh lễ tại các địa danh trên, hoặc tham dự giờ Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ các giờ kinh (Bài đọc, Kinh sáng, Kinh tối), Đàng Thánh Giá (Via Crucis), Lần chuỗi Mân Côi, Hát các bài thánh ca tôn vinh Chúa hoặc nghi thức xám hối bao gồm việc xưng tội cá nhân.
(2) Thăm viếng những nơi thánh.
– Tại Roma: Vương cung thánh đường Santa Croce ở Gerusalemme, Vương cung thánh đường San Lorenzo al Verano, Vương cung thánh đường San Sebastiano (được gọi là viếng thăm đạo đức “đến bảy nhà thờ”, rất được Thánh Filippo Neri yêu quý), Đền Thánh Divino Amore, Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia, Nhà thờ San Paolo alle Tre Fontane, nơi Thánh Tông đồ Tử đạo, Các hang toại đạo Kitô giáo; các nhà thờ trên các con đường Năm Thánh dành riêng cho Iter Europaeum và các nhà thờ kính các Nữ Bổn mạng của Châu Âu và các Tiến sĩ của Giáo hội (Nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, Santa Brigida ở Campo de’ Fiori, Nhà thờ Santa Maria della Vittoria, Nhà thờ Trinità dei Monti, Vương cung thánh đường Santa Cecilia ở Trastevere, Vương cung thánh đường Sant’Agostino ở Campo Marzio).
– Tại những nơi khác trên thế giới: hai tiểu Vương cung thánh đường của Giáo hoàng ở Assisi, San Francesco và Santa Maria degli Angeli; các Vương cung thánh đường Giáo hoàng Madonna di Loreto, Madonna di Pompeii, Sant’Antonio di Padova; bất kỳ tiểu vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa, nhà thờ đồng chính tòa, đền thánh Đức Mẹ cũng như, vì lợi ích của các tín hữu, bất kỳ đền thánh hoặc nhà thờ kinh sĩ nổi bật nào được chỉ định bởi mỗi giám mục giáo phận hoặc giáo phận đông phương, cũng như các đền thánh quốc gia hoặc quốc tế, “các nơi thánh chào đón và những không gian đặc hữu để tạo nên hy vọng” (Spes non confundit, 24), được các Hội đồng Giám mục chỉ định.
Những người không thể đi hành hương hoặc viếng thăm một nơi thánh vì những lý do bệnh tật, có thể nhận được Ơn Toàn Xá bằng cách hiệp thông thiêng liêng với những đoàn hành hương và đọc Kinh Lạy Cha, Tin Kính và những lời cầu nguyện khác liên quan tới Năm Thánh trong khi hiệp dâng những đau khổ hay khó khăn của mình lên Chúa.
(3) Công việc của lòng thương xót và sám hối.
Các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá Năm Thánh nếu, với tâm hồn đạo đức, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo bình dân, linh thao hoặc các cuộc gặp gỡ huấn luyện về các tài liệu của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, được tổ chức tại một nhà thờ hoặc một nơi nào khác thích hợp, theo ý của Đức Thánh Cha. Hoặc thực thi lòng thương xót dành cho người bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ.
Cụ thể, các tín hữu sẽ có thể nhận được Ân Xá nếu họ đến thăm vào một khoảng thời gian thích hợp những anh chị em đang gặp khó khăn hoặc túng thiếu (người bệnh, tù nhân, người già cô đơn, người khuyết tật…), như thể thực hiện một cuộc hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ (xem Mt 25,34-36) và tuân theo các điều kiện thiêng liêng, bí tích và cầu nguyện thông thường. Chắc chắn, các tín hữu sẽ có thể lặp lại những chuyến viếng thăm này trong Năm Thánh, nhận được ơn toàn xá cho mỗi cuộc viếng thăm, thậm chí hàng ngày. Hoặc bằng cách viếng thăm những người đang cần giúp đỡ (“theo một nghĩa nào đó, là mang Chúa Kitô đến cho những bệnh nhân”).
Ơn Toàn xá Năm Thánh cũng có thể nhận được thông qua các sáng kiến thực hiện một cách cụ thể và quảng đại tinh thần sám hối như tinh thần của Năm Thánh, đặc biệt là tái khám phá giá trị sám hối của ngày Thứ Sáu: tiết độ, trong tinh thần sám hối, ít nhất là trong suốt một ngày, khỏi những phân tâm vô ích (thực cũng như ảo, chẳng hạn do phương tiện truyền thông và mạng xã hội gây ra) và khỏi sự tiêu dùng dư thừa (ví dụ bằng cách ăn chay hoặc kiêng thịt theo các quy tắc chung của Giáo hội và các quy định của các Giám mục), cũng như bằng cách quyên góp một khoản tiền tương ứng cho người nghèo; hỗ trợ các công việc có tính chất tôn giáo hoặc xã hội, đặc biệt là ủng hộ việc bào chữa và bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn và chất lượng cuộc sống, của trẻ em bị bỏ rơi, thanh thiếu niên gặp khó khăn, người già neo đơn hoặc túng thiếu, người di cư từ nhiều quốc gia khác nhau “những người rời bỏ vùng đất của mình để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của họ” (Spes non confundit, 13); dành một phần hợp lý thời gian rảnh của mình cho các hoạt động tình nguyện được cộng đồng quan tâm hoặc cho các hình thức dấn thân cá nhân tương tự khác.
Các ơn xá trên đây được ban với những điều kiện thường lệ là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Giáo Hoàng.
26. Trong năm thánh 2025, tại Roma có những sự kiện đặc biệt nào?
34 chương trình đầu tiên của các sự kiện chính của Năm Thánh đã được công bố trên trang web Năm Thánh 2025. Dưới đây là 34 đại sự kiện Năm Thánh:
1. Năm Thánh của thế giới truyền thông (24-26 tháng 1 năm 2025), dành cho tất cả các chuyên gia trong thế giới truyền thông.
2. Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh (từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 2 năm 2025) dành cho tất cả thành viên của lực lượng vũ trang và cảnh sát, nhân viên giao thông, nhân viên an ninh, cựu chiến binh, các hiệp hội quân sự khác nhau, các học viện quân sự, các tuyên úy và các giáo hạt quân đội.
3. Năm Thánh của các phó tế (21-23 tháng 2 năm 2025) cho tất cả các phó tế vĩnh viễn,
4. Năm Thánh của các nghệ sĩ (15-18 tháng 2)
5. Năm Thánh của thế giới thiện nguyện (8-9 tháng 3 năm 2025) dành cho các tình nguyện viên từ tất cả các hiệp hội, thành viên của các tổ chức phi lợi nhuận, nhân viên phi chính phủ và nhân viên xã hội.
6. Năm Thánh của các Thừa Sai của Lòng Thương Xót (28-30 tháng 3 năm 2025).
7. Năm Thánh của các bệnh nhân và thế giới y tế (5-6 tháng 4 năm 2025), dành cho tất cả những người bệnh và các chuyên gia trong thế giới y tế;
8. Năm Thánh của thiếu niên (25-27 tháng 4).
9. Năm Thánh của người khuyết tật (28-29 tháng 4 năm 2025), dành cho tất cả những người khuyết tật, cũng như những người bạn đồng hành của họ.
10. Năm Thánh của các công nhân (1-4 tháng 5 năm 2025) sẽ quy tụ tất cả công nhân thuộc mọi hạng mục.
11. Năm Thánh của thế giới doanh nghiệp (4-5 tháng 5 năm 2025)
12. Năm Thánh của các ban nhạc (10-11 tháng 5 năm 2025) dành cho tất cả các thành viên của các ban nhạc quân đội, tổ chức, nghiệp dư, dân gian, làng quê, thể thao, trường học và đại học.
13. Năm Thánh của các phụng hội (16-18 tháng 5 năm 2025) với các thành viên của các phụng hội tôn giáo.
14. Năm Thánh của gia đình, trẻ em, ông bà và người già (30 tháng 5 năm 2025 đến 1 tháng 6 năm 2025).
15. Năm Thánh của các phong trào, hiệp hội và cộng đoàn mới (7-8 tháng 6 năm 2025) có sự tham gia của tất cả các thành viên của các phong trào, các cơ quan, hiệp hội trong giáo hội , cộng đồng mới và các nhóm cầu nguyện.
16. Năm Thánh của Tòa Thánh (ngày 9 tháng 6 năm 2025).
17. Năm Thánh của Thể thao (14-15 tháng 6 năm 2025).
18. Năm Thánh của các chính phủ (20-22/6/2025).
19. Năm Thánh của các chủng sinh (23-24/6/2025).
20. Năm Thánh của các Giám mục (25/6/2025).
21. Năm Thánh của các Linh Mục (25-27 tháng 6 năm 2025).
22. Năm Thánh của các Giáo hội Đông phương (28 tháng 6 năm 2025).
23. Năm Thánh của Giới trẻ(28 tháng 7 – 3 tháng 8 năm 2025).
24. Năm Thánh của sự an ủi(15 tháng 9 năm 2025), nhằm vào tất cả những người đang trải qua giai đoạn đau đớn và phiền não, do bệnh tật, tang chế, bạo lực hoặc lạm dụng.
25. Năm Thánh của những người cổ vũ và bảo vệ Công lý (ngày 20 tháng 9 năm 2025), dành cho tất cả những người tham gia vào thế giới công lý thế tục, giáo luật và giáo hội.
26. Năm Thánh của Giáo lý viên (26-28 tháng 9 năm 2025).
27. Năm Thánh của Người di cư (4-5 tháng 10 năm 2025).
28. Năm Thánh của đời sống thánh hiến (8-9 tháng 10 năm 2025) dành cho tất cả mọi tu sĩ nam nữ, đan sĩ nam nữ, tập sinh nam nữ.
29. Năm Thánh của linh đạo Thánh Mẫu (11-12 tháng 10 năm 2025) dành cho tất cả thành viên của các phong trào, phụng hội và các nhóm cầu nguyện Thánh Mẫu khác nhau.
30. Năm Thánh của thế giới truyền giáo (4-5 tháng 10).
31. Năm Thánh của giới giáo dục (31/10 – 2 /11 năm 2025).
32. Năm Thánh của người nghèo (16/11/2025).
33. Năm Thánh của các Ca đoàn và hợp xướng (21-23/11/2025).
34. Năm Thánh của các tù nhân (14/12/2025)
27. “Spes non confundit – Niềm Hy vọng không làm thất vọng”. Tựa đề của sắc chỉ nêu bật nhân đức đối thần “Đức Cậy”. Đức Thánh Cha có ý hướng gì với việc nhấn mạnh đó?
Đức Cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Thế giới đang trong bối cảnh bạo lực, trong bối cảnh chiến tranh. Đã bao nhiêu lần Đức Giáo hoàng đã nói về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh. Và đã bao nhiêu lần chúng ta đã kinh nghiệm về sự dữ trong cuộc sống hàng ngày. Chứng tá cho niềm hy vọng Kitô giáo là một điều cần thiết. Giáo Hội luôn nói về đức tin và đức mến, nhưng chúng ta đã quên mất đức cậy. Năm Thánh trở thành cơ hội, con đường để đặt sự Phục Sinh của Chúa Kitô ở trung tâm. Chúng ta không thể quên rằng đời sống của Giáo hội luôn luôn là việc loan báo Chúa Kitô chết và phục sinh”.
28. Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh 2025 với chủ đề Hy vọng, trông cậy dựa trên kinh nghiệm gì?
Đức Cha Rino Fisichella chia sẻ: Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trong Năm Thánh, chúng ta không chỉ có niềm hy vọng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng trở thành một điều chắc chắn, một kinh nghiệm cụ thể mà qua đó mỗi người chúng ta có thể chạm tới lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.
29. Đức Thánh Cha diễn tả mong ước gì nơi mọi tín hữu cách cụ thể trong sắc chỉ năm thánh?
ĐTC. Phanxicô viết: “Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người… Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy. Chúng ta hãy để cho điều Thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu ở Rôma hướng dẫn chúng ta” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 1).
30. Với Đức Thánh Cha, niềm hy vọng phát sinh từ đâu?
Đức Thánh Cha viết: “niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá: “Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5,10)” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 3).
31. Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín gì?
“Niềm hy vọng Kitô giáo không lừa dối cũng không làm thất vọng vì nó dựa trên niềm xác tín rằng không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? […] Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35.37-39).
Đó là lý do tại sao niềm hy vọng này không nhượng bộ trước khó khăn: vì nó đặt nền tảng trên đức tin và được nuôi dưỡng bởi đức ái. Nó giúp ta tiến bước trong cuộc sống. Về chủ đề này, Thánh Augustinô đã viết: “Dù ở bậc sống nào, người ta cũng không thể sống nếu không có ba tâm tình này: tin, cậy [hy vọng], mến”. (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 3).
32. Sống niềm hy vọng cần có đức kiên nhẫn. Sắc chỉ đã đề cập đến tầm quan trọng của đức kiên nhẫn ra sao?
“Phát triển một nhân đức gắn liền với hy vọng: tính kiên nhẫn. Trong một thế giới lúc nào cũng hối hả, chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín.
Hơn nữa, trong thời đại internet, nơi không gian và thời gian bị cái “ở đây và lúc này” thống trị, kiên nhẫn chẳng có giá trị gì. Nếu chúng ta vẫn còn khả năng nhìn ngắm thiên nhiên với thái độ ngỡ ngàng thán phục, chúng ta có thể hiểu được kiên nhẫn có tính quyết định như thế nào. Chờ đợi mùa màng cùng với các hoa trái của nó biến đổi; quan sát cuộc sống của động vật và chu kỳ tăng trưởng của chúng; có cái nhìn đơn sơ của Thánh Phanxicô, như trong Bài ca tạo vật được sáng tác cách nay đúng 800 năm, ngài đã coi các thụ tạo như một đại gia đình và gọi mặt trời là “anh” và mặt trăng là “chị”. Việc tái khám phá sự kiên nhẫn mang lại nhiều lợi ích cho chính mình và cho người khác.
Thánh Phaolô thường vận dụng sự kiên nhẫn để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì và tin tưởng vào những gì Thiên Chúa đã hứa với chúng ta, nhưng trên hết thánh nhân làm chứng rằng Thiên Chúa kiên nhẫn với chúng ta, chính Người là “nguồn kiên nhẫn và an ủi” (Rm 15,5). Sự kiên nhẫn, cũng là hoa trái của Thánh Thần, nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như một nhân đức và một lối sống. Vì thế, chúng ta hãy học cách thường xuyên xin ơn kiên nhẫn, vốn vừa là con đẻ của hy vọng lại vừa nuôi dưỡng niềm hy vọng” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 4).
33. Hành hương là điều căn bản thuộc về năm thánh. Vậy ý nghĩa của hành hương là gì?
Sắc chỉ số 5 viết: “Không phải ngẫu nhiên mà hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu. Năm tới, một lần nữa, những người hành hương của hy vọng sẽ không bỏ lỡ việc bước đi trên những con đường cổ xưa và hiện đại để sống kinh nghiệm Năm Thánh một cách mãnh liệt. Tại chính thành phố Rôma cũng sẽ có các tuyến đường đức tin, ngoài các tuyến đường truyền thống là các hầm mộ và bảy nhà thờ.
Khi đi từ nước này sang nước khác như thể biên giới đã bị xóa nhòa, khi đi từ thành phố này sang thành phố khác để chiêm ngưỡng thiên nhiên và các tác phẩm nghệ thuật, chúng ta có thể tận dụng những trải nghiệm và các nền văn hóa đa dạng để đón nhận cái đẹp. Cái đẹp ấy hòa quyện với lời cầu nguyện sẽ dẫn đến việc tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm.
Các nhà thờ trong Năm Thánh, dọc theo các tuyến đường và ở kinh thành Roma, sẽ là những ốc đảo thiêng liêng, tại đó chúng ta có thể canh tân đời sống đức tin và thỏa cơn khát nơi nguồn hy vọng, trước hết bằng cách đến với bí tích Hòa giải, là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực”.
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn Đức Cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng: Dĩ nhiên, hành hương là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để bắt đầu kinh nghiệm về Năm Thánh. Nhưng hành hương còn tượng trưng cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta đang sống một cuộc hành hương. Sau Thế Chiến II, triết gia người Pháp Gabriel Marcel đã xuất bản cuốn Homo Viator, Người Hành Hương. Đây là con đường để khám phá lại tầm quan trọng của đức tin trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể quên rằng cả thế giới ngày nay đang sống được bao quanh bởi một nền văn hóa mới, nền văn hóa này nói với chúng ta về công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Những thanh niên 25 tuổi sống với ngôn ngữ và hành xử của nền văn hóa này. Dường như đức tin không còn có một vị trí quan trọng trong đời sống con người nữa, bởi vì công nghệ dường như mang đến những hy vọng – ở số nhiều – mà chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta phải chuyển từ những hy vọng này sang niềm hy vọng, và điều đó đi kèm với một niềm tin vốn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và qua chứng tá của một tình bác ái ngày càng mạch lạc hơn.
34. Trong sắc chỉ có viết “Năm Thánh này sẽ dẫn chúng ta hướng tới một lễ kỷ niệm nền tảng khác cho mọi Kitô hữu”. Vậy lễ kỷ niệm nền tảng này là gì?
“Năm Thánh này sẽ dẫn chúng ta hướng tới một lễ kỷ niệm nền tảng khác cho mọi Kitô hữu. Vào năm 2033, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm hai ngàn năm ơn cứu chuộc được thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, chúng ta sắp bước vào một cuộc hành trình được ghi dấu bằng những sự kiện lớn, trong đó ân sủng của Thiên Chúa đi trước và đồng hành với những người nhiệt thành bước đi trong đức tin, hành động trong đức ái và kiên trì trong niềm hy vọng (x. 1 Tx 1,3)” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 6).
35. Trong Sắc chỉ, từ số 7 đến số 15, Đức Thánh Cha nhắc đến các dấu chỉ của niềm hy vọng. Các dấu chỉ đó là gì?
– “Dấu chỉ hy vọng đầu tiên phải thành hiện thực là hòa bình, vì thế giới một lần nữa lại chìm trong thảm kịch chiến tranh” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 8).
– “Hy vọng nhìn về tương lai cũng có nghĩa là có một cái nhìn tích cực về đời sống để sẵn sàng chuyển trao lại. Bất hạnh thay, chúng ta phải buồn bã nhìn nhận rằng, trong nhiều tình huống, chúng ta đã không có cái nhìn này. Hậu quả đầu tiên là không còn muốn truyền sinh… mong ước của người trẻ muốn sinh thêm connhư dấu chỉ tình yêu phong phú của họ sẽ mang lại tương lai cho bất kỳ xã hội nào” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 9).
– “Dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng. Tôi nghĩ đến những tù nhân bị tước đoạt tự do, hằng ngày, ngoài nỗi khắc nghiệt của việc bị cô lập và thiếu thốn tình cảm, còn bị áp đặt những hạn chế và nhiều khi không được tôn trọn” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 10).
– “Cũng phải đem lại những dấu chỉ hy vọng cho các bệnh nhân, ở nhà hay ở bệnh viện. Phải xoa dịu những đau khổ của họ bằng cách thăm nom trong tình yêu thương và sự gần gũi” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 11).
– “Những người là hiện thân của niềm hy vọng cũng cần đến dấu chỉ hy vọng: đó là giới trẻ…Năm Thánh phải là một dịp để Giáo hội truyền cảm hứng cho họ. Với niềm say mê mới mẻ này, chúng ta hãy cùng chăm sóc các bạn trẻ, các sinh viên, các đôi bạn trẻ sắp kết hôn, các thế hệ trẻ! Chúng ta hãy gần gũi với người trẻ, là niềm vui và hy vọng của Giáo hội và thế giới!” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 12).
– “Cũng phải có những dấu chỉ hy vọng cho những người di cư phải rời bỏ quê hương mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 13).
– “Những người cao tuổi cũng xứng đáng được có những dấu chỉ hy vọng, những người này thường trải qua nỗi cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi… Tôi đặc biệt nghĩ đến các ông bà nội ngoại, là những người đầy niềm tin và kinh nghiệm sống để trao lại cho các thế hệ trẻ. Mong sao họ được nâng đỡ với lòng biết ơn của các con cháu, những người tìm thấy nơi họ một chỗ dựa, niềm cảm thông và sự khích lệ” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 14).
– “Tôi tha thiết cầu xin cho hàng tỷ người nghèo có được niềm hy vọng. Họ thường thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 15).
36. Trong Sắc chỉ, từ số 16 đến số 17, Đức Thánh Cha nhắc đến có lời kêu gọi hy vọng về hai vấn đề gì?
– “Năm Thánh nhắc nhở chúng ta rằng của cải trên Trái đất không dành cho một số ít người có đặc quyền, mà cho tất cả mọi người. Những người có của phải quảng đại nhận ra khuôn mặt của anh em mình đang cần giúp đỡ… Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi rằng “với nguồn tài chính đổ vào vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, chúng ta hãy thành lập một Quỹ toàn cầu để triệt để xóa bỏ nạn đói và giúp cho các nước nghèo nhất phát triển… Nếu thực sự muốn dọn đường cho hòa bình thế giới, chúng ta hãy dấn thân giải quyết những nguyên nhân sâu xa của bất công, hãy xóa những khoản nợ bất công không thể trả nổi và hãy cho những người đói khát được no thoả” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 16).
– “Trong Năm Thánh sắp tới có một ngày kỷ niệm rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Đó là kỷ niệm 1700 năm diễn ra Công đồng đại kết đầu tiên, Công đồng Nicêa. Cần nhớ rằng, từ thời các tông đồ, các mục tử đã nhiều lần nhóm họp hội nghị để bàn về các vấn đề giáo lý và kỷ luật. Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều công nghị được tiến hành cả ở phương Đông lẫn phương Tây, làm nổi bật tầm quan trọng của việc duy trì sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa và lòng trung thành với việc loan báo Tin Mừng. Năm Thánh có thể là một cơ hội quan trọng để cụ thể hóa hình thức hiệp hành này” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 17).
37. Trong Sắc chỉ, từ số 18 đến số 24, Đức Thánh Cha nhắc đến một số điều giúp ta có niềm hy vọng vững vàng. Các điều ấy là gì?
– “Hy vọng (đức cậy) cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”, diễn tả điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu (x. 1 Cr 13,13; 1 Tx 1,3). Trong tính năng động không thể tách rời của ba nhân đức này, có thể nói rằng, hy vọng định hướng, hoặc vạch ra phương hướng và mục tiêu cho đời sống của người tín hữu” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 18).
– “Tôi tin sự sống đời đời”: chúng ta tuyên xưng đức tin như thế. Niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng nơi những lời này” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 19).
– “Chúa Giêsu đã chết và sống lại là trung tâm đức tin của chúng ta” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 20).
– “Vậy điều gì sẽ xảy ra với chúng ta sau khi chết? Với Chúa Giêsu, bên kia ngưỡng cửa sự chết, có sự sống vĩnh cửu, đó là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, chiêm ngưỡng và tham dự vào tình yêu vô biên của Người” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 21).
– “Một thực tại khác liên quan đến sự sống đời đời là việc Thiên Chúa phán xét, khi chúng ta qua đời cũng như lúc thời gian kết thúc” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 22).
– “Thật vậy, ân xá giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn đến mức nào… Bí tích Hòa giải bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta. ” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 23).
38. Sắc chỉ nêu bật dung mạo hy vọng của một người nữ. Đó là ai và như thế nào?
“Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống… Và trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris, một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời, Mẹ Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta, nâng đỡ chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục hy vọng” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 24).
39. Trong số cuối cùng của sắc chỉ, lời của thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái được trích dẫn và có nhắc đến cái neo: “Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,19-20). Đức Thánh Cha giải thích hình ảnh “cái neo” này như thế nào?
“Hình ảnh chiếc mỏ neo gợi lên sự ổn định và an toàn mà chúng ta có được giữa dòng nước xao động của cuộc đời nếu chúng ta nương tựa vào Chúa Giêsu. Giông tố không bao giờ thắng được vì chúng ta neo chặt vào niềm hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô bằng cách chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng đến là Nước Trời.
Vì thế, Năm Thánh sắp tới sẽ là một Năm Thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 25).
40. Sắc chỉ đóng lại với trích dẫn một lời thánh vịnh. Lời thánh vịnh đó là gì và Đức Thánh Cha có mong ước gì, trước khi kết thúc sắc chỉ?
“Từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng này thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan toả đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy.
Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy nơi Chúa” (Tv 27,14).
Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được chúc tụng và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi” (Sắc chỉ năm thánh 2025, số 25).
Tác giả: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Nguồn: dongten.net