Những cái tên như Bà Đài (châu thổ sông Cái), Bà Diễn (châu thổ sông Đà Rằng), Bà Niễu – Bà Nông (châu thổ sông Bàn Thạch) không chỉ là địa danh, mà là tiếng vọng của một thời mở đất. Đó là dấu chân của lớp lớp lưu dân, là hơi thở mặn nồng của vùng quê từng oằn mình đón nhận bao lớp người đi khai khẩn, lập nghiệp. Người Phú Yên hôm nay vẫn nhắc đến những tên gọi ấy như gọi tên người thân – thân thương, gần gũi, và đầy tự hào.
Và chính nơi đây, những bước chân âm thầm của các vị thừa sai đã in dấu. Họ mang theo hạt giống Lời Chúa, lặng lẽ gieo vào lòng đất cằn khô miền Trung. Hạt giống ấy bén rễ giữa gió cát, vươn lên từ máu các chứng nhân, và kết trái bằng lòng trung tín son sắt của cộng đoàn đức tin.
Trên mảnh đất ấy, Phú Yên đã ôm ấp tuổi thơ của một người con – lớn lên giữa sóng gió quê nhà – và một ngày kia, lặng lẽ bước theo chân cha Đắc Lộ, dấn thân vào hành trình thầy giảng. Đó là thầy Anrê Phú Yên – chứng nhân trẻ đã hiến trọn mạng sống tại Gò Xử, tỉnh Quảng Nam, năm 1644, vì Danh Chúa.
Máu ngài không chỉ là hy lễ, mà còn là hạt giống đầu tiên của đức tin, được gieo vào lòng đất Việt – tinh tuyền, kiên trung và đầy hy vọng.
Cái chết của ngài không là dấu chấm hết, mà là khởi đầu cho một thiên sử bi hùng – thiên sử của những chứng nhân Việt Nam tiếp bước ngài, sống và chết cho Tin mừng cứu độ.
Từ đó, Phú Yên không còn là một miền đất địa lý, mà trở thành cội nguồn linh thiêng của ơn gọi tử đạo. Nơi đây, ngọn lửa can trường của một Anrê ngoan đạo đã được thắp lên – cháy qua bao thế hệ, cháy giữa cấm cách và gươm giáo, để chiếu soi dòng lịch sử của Giáo hội Việt Nam bằng ánh sáng hy sinh, trung tín và vinh quang[1].
Bài thơ “Phú Yên thuở ấy đến nay” là một nhịp thở lặng, là hồi tưởng dịu dàng mừng sinh nhật lần thứ 400 của Thầy Anrê Phú Yên.
Bài thơ ước mong dẫn độc giả trở về với Cù Mông lặng gió, Mằng Lăng ngân tiếng kinh đêm, cùng những lớp học và nguyện đường đơn sơ – nơi ngọn đèn đức tin vẫn cháy sáng sớm chiều.
Tất cả quyện lại thành một bức tranh linh thiêng – nơi lòng son tuổi trẻ hòa cùng lửa mến tiền nhân, nơi những hạt giống âm thầm nảy mầm trên đất lành, để lớn lên thành vòm xanh đức tin bền bỉ và sâu thẳm.
“Phú Yên thuở ấy đến nay” không chỉ là lời thơ, mà là tiếng lòng của người con xứ đạo – nối tiếp hành trình chứng tá đức tin với niềm tự hào, lòng biết ơn, và khát vọng sống xứng đáng với dòng máu tử đạo chảy trong lịch sử quê hương mình.
Phú Yên thuở ấy đến nay
Cù Mông lặng gió thời mở cõi
Công lệnh truyền dân khơi đất lành
Bà Đài, Bà Diễn, sông in bóng
Bà Niễu, Bà Nông, bờ mát xanh.
Đuốc sáng tiền nhân soi cõi lạ
Ngựa Nam vó dặm vượt tung hoành
Rẽ gió khai sơn hồn nước Việt
Trồng cây viễn xứ đợi trổ nhành.
Dinh mới Trấn Biên hồng ân đổ
Ngọc Liên công chúa bước chân thành
Ma-đa-lê-na viết trang sử mới
Dựng nguyện đường thờ Chúa tâm thanh.
Lửa tình soi ấm hồn lối mộng
Tin mừng gieo phúc một trời xanh
Hạt an bình đơn sơ rơi xuống
Sáng bừng lên theo bước Cha lành.
Ranran[2] địa hạt, đường loan báo
Mằng Lăng vang vọng tiếng kinh đêm
Cha Buzomi – lòng quảng đại
Bước giữa gian truân vẫn nhẹ êm.
Mở lớp – dựng nhà, gieo quốc ngữ
Như men trong bột, dậy âm thầm
Từ đó đất trời mang giáo lý
Cha Đắc Lộ về, ân cần thăm[3].
Trở về Hội An – lòng nhung nhớ
Anrê tuổi trẻ vượt non ngàn
Vào lớp thầy giảng, lòng dâng trọn
Ươm mầm tử đạo giữa gian nan.
Thầy bị bắt – tuổi xuân mười chín
Gò Xử máu rơi thắm tình yêu
Gươm chém xuống – trời cao thấu nỗi
Chí anh hùng rực ánh huyền siêu.
Phú Yên gió thổi hồn xưa vọng
Lặng lẽ đâm chồi giữa Việt Nam
Phòng truyền thống lưu danh muôn thuở
Tay trẻ nâng từng trang sử vàng.
Lần thứ bốn trăm, mừng sinh nhật
Lời nguyện âm vang khắp nẻo đàng
Mằng Lăng tươi thắm trang hùng sử
Đất ngọc ân sâu phước chứa chan.
Xuân thứ một trăm ba mươi bảy[4]
Mằng Lăng chưa dứt nở hoa vàng
Giáo xứ vững bền qua năm tháng
Dưỡng nuôi lòng đạo, sáng muôn ngàn.
Từ thuở khai sinh vang mở cõi
Đến nay hồn thánh vẫn xanh tươi
Xin giữ lòng son như thuở ấy
Anrê Phú Yên rạng muôn đời.
Tác giả: Cát Đen
https://gpquinhon.net/van-tho-cong-giao/phu-yen-thuo-ay-den-nay-7034.html