Đức Giêsu đến trong thế gian, cũng rơi lệ trước những đau khổ của sinh, lão, bệnh, tử trong kiếp người. Không ít lần, Ngài phải thổn thức trước những đau khổ nhân sinh.
Video: Suy niệm câu chuyện Bà góa thành Naim
1. Nước Trời ở ngay trong tầm tay
Trong Thánh Lễ sáng thứ Sáu 17 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Ân sủng của Thánh Thần cho con người là “Khởi đầu của nước Trời: chúng ta đã có nước Trời ngay trong tầm tay.”
Đức Thánh Cha đã giảng về bài đọc thứ nhất, trong đó Thánh Phaolô viết: “một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. (Ep 1, 11-14).
Nhờ ân sủng này, Thiên Chúa đã ban cho các Kitô hữu “một phương cách, một lối sống, một căn tính”; đó là “quyền năng của Thánh Thần được tiếp nhận khi chịu phép rửa tội” luôn đồng hành với con người và là biểu tượng cho “những kho báu” của di sản Kitô.
Thực vậy, cùng với Thánh Thần, “là sự khởi đầu của nước Trời. Dấu ấn của Thánh Thần là khởi đầu của nước Trời. Chúng ta đã có nước Trời ngay trong tầm tay”
Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý chúng ta phải chống lại chước cám dỗ là muốn làm “mất đi căn tính” Kitô, như một Kitô hữu “hâm hấp”. Người này là một Kitô hữu, đúng, có đi lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng trong đời sống không thấy có căn tính. Người này sống như một người vô thần.”
Một cám dỗ thứ hai được Chúa Giê su lên án trong Phúc Âm (Lc 12, 1-7): “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả.”
“Đạo đức giả là làm như mình là một Kitô hữu, nhưng không phải như vậy. Người này không ngay thẳng, nói một đằng – ‘phải, phải tôi là một Kitô hữu’ nhưng lại làm một nẻo khác y như người không phải là Kitô hữu.”
Đức Thánh Cha nhắc rằng: Một đời sống Kitô chân chính tiếp tục mang lại nhiều hoa trái: “Tình yêu, niềm vui, sự bình an, sự rộng lượng, lòng xót thương, sự tốt lành, trung thành, dịu hiền, và tự chủ.”
Ngài kết luận: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng biết chú tâm đến dấu chỉ này, đến căn tính Kitô, không chỉ là một lời hứa, mà là những gì chúng ta đã có trong tay.”
uCHclNgxFqg
2. Đức tin không phải là một thứ mỹ phẩm tâm linh
Trong thánh Lễ sáng thứ Ba, 14 tháng 10, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu suy tư về sự cần thiết phải xác nhận căn tính đích thực đời sống Kitô hữu, khi nói rằng đức tin không phải là một thứ “mỹ phẩm” trang điểm, nhưng là một hành động của đức ái.
Dựa vào bài Tin Mừng trong ngày (x.Lc 11: 37-41), Thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một người Biệt Phái và gây choáng váng cho gia chủ khi Ngài bỏ qua các nghi lễ tẩy rửa, hơn nữa Ngài còn nặng lời với ông.
Đức Thánh Cha nói rằng:
“Chúa Giêsu lên án ‘mỹ phẩm tâm linh’- một cách cố làm cho ra vẻ xinh đẹp bên ngoài – nhưng thật ra bên trong là một thứ gì khác. Chúa Giêsu lên án những người có những lối hành xử xem ra rất tốt, nhưng động cơ thì xấu xa và không lộ ra bên ngoài. Họ là những người thích phô trương dạng như: cầu nguyện nơi công cộng, cốt để người ta nhìn thấy khen ngợi, hay làm ra vẻ sám hối, u sầu khi ăn chay. Thiên Chúa có thích như thế không? Anh chị em thấy hai tính từ mà Luca sử dụng ở đây: tham lam và gian ác.”
Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã gọi những người Pharisêu là “mồ mả tô vôi”, bên ngoài thì xinh đẹp nhưng bên trong đầy xương. Chúa Giêsu muốn mời gọi những người Pharisêu tốt hơn hãy làm việc bác ái, mà trong truyền thống Kinh Thánh – Cựu Ước lẫn Tân Ước – đó là tiêu chuẩn mẫu mực của công lý. Những việc làm bác ái là yếu tố cần thiết và quan trọng vì “người ta không chỉ nhờ lề luật mà được cứu”.
Đức Thánh Cha đặt ra câu hỏi cho tín hữu tham dự: “Vậy điều gì giúp ích cho đức tin chúng ta? Điều gì được thực hiện do thúc đẩy bởi tình yêu? Chúa Giêsu nói với người Pharisêu cùng một cung cách sau: đức tin không chỉ đơn thuần là đọc Kinh Tin Kính – tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sự sống đời đời. Đức tin phải thể hiện ngang qua đức ái. Đức tin trải rộng ra qua việc bác ái và sẽ giúp chúng ta thoát mình ra khỏi sự quyến luyến tiền bạc, ngẫu tượng về danh lợi, những ham muốn kéo chúng ta rời xa Chúa Giêsu Kitô. “
Đức Thánh Cha Phanxicô kể lại câu chuyện của một người anh em cùng Dòng Tên với ngài là cha cố Arrupe, SJ, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên từ thập niên 60 đến 80.
“Một ngày nọ, một phụ nữ giàu có mời cha đến một nơi để trao cho cha một số tiền giúp công tác mục vụ tại Nhật Bản. Bà trao phong bì cho cha tại cửa chính của một tòa nhà, nằm trên mặt tiền đường phố, trước mặt các phóng viên và nhiếp ảnh gia. Cha Arrupe cho biết đây là một sự “sỉ nhục lớn”, nhưng cha đã không chấp mhất chuyện đó vì nghĩ đến việc cần giúp đỡ” cho những người nghèo Nhật Bản”, nơi cha đang phục vụ. Khi mở phong bì, bên trong chỉ có 10 đô la.”
Đức Thánh Cha đặt vấn đề rằng “Phải chăng đời sống Kitô hữu là một dạng mỹ phẩm trang trí cho đẹp trong cuộc sống, hay là một đức tin được tôi luyện trong yêu thương”.
“Chúa Giêsu cho chúng ta lời khuyên này trong Tin Mừng hôm nay: “Chúng ta đừng thổi phèn la khi làm việc bác ái. Lời khuyên thứ 2 là: “Đừng bố thí của thừa.” Đức Thánh Cha kể kinh nghiệm rằng: Các bà cụ cho tất cả những gì mà bà có và Đức Thánh Cha khen ngợi lòng quảng đại nơi các phụ nữ cao niên như thế. Ngược lại với bà giàu có xinh đẹp trên kia, đức tin chỉ là thứ mỹ phẩm bên ngoài thể hiện qua đức ái khi bà chỉ cho của thừa.
3. Câu chuyện bà góa thành Nain
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Người bình dân nói: “Đời là bể khổ”.
Các thi nhân thì nói bóng bẩy, văn chương hơn:
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bề khổ, bèo đầu bến mê
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra
Vừa sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì ?
Đức Giêsu đến trong thế gian, cũng rơi lệ trước những đau khổ của sinh, lão, bệnh, tử trong kiếp người. Không ít lần, Ngài phải thổn thức trước những đau khổ nhân sinh.
Thật vậy, Kinh Thánh có chép lại ba cái chết đã khiến Đức Giêsu phải rơi lệ và chạnh lòng thương xót, đó là cái chết của con gái ông trưởng hội đường, là cái chết của chàng Ladarô, em của hai chị em Mácta – Maria và đặc biệt hơn, đó là cái chết của “con trai bà góa thành Nain” (Lc, 7, 11-12).
Câu chuyện “con trai bà góa thành Nain” được kể lại như sau:
Hôm đó, Đức Giêsu cùng với các môn đệ đi đến một thành có tên là Nain. Ngoài các môn đệ, còn có “một đám rất đông cùng đi với Người” (Lc 7, 11).
Ngoài đám đông này, người ta còn thấy một đám đông khác đi từ hướng nguợc lại. Đến gần, thì ra là một đám tang. Hôm đó, khi Đức Giêsu “đến gần cửa thành” thì đúng lúc “người ta khiêng một người chết đi chôn”. Người chết là “con trai duy nhất” của một người đàn bà và nghiệt ngã thay, người đàn bà đó lại là “một bà góa”.
Một bà góa, có nghĩa là chồng bà ta đã chết, giờ đây, người con duy nhất của bà ta cũng đã chết thì quả là cuộc đời bà ta coi như “tàn đời”.
Tại sao lại tàn đời? Thưa, là bởi, đối với các góa phụ thời Đức Giêsu, đa số họ đều có một cuộc sống rất khó khăn, khó khăn là bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, cho nên, họ có rất ít cơ hội để tìm kiếm việc làm.
Bà góa trong câu chuyện này, có một người con trai, niềm hy vọng của tuổi già, nay con bà ta chết. Trước tình cảnh của bà góa, Chúa Giêsu không ngoảnh mặt đi. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”.
Và không đợi bà góa đó cất lời xin xỏ, Đức Giêsu, theo lời kể lại của thánh sử Luca, “Người lại gần, sờ vào người chết…”
Lạ lùng thay! Khi Đức Giêsu nói “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Mọi người hiện diện nơi đó đều thấy “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”.
4. Buổi triều yết chung thứ Tư 22 tháng 10
Trong buổi triều yết chung thứ Tư 22 tháng 10, Đức Thánh Cha đã giải thích tại sao Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý của chúng ta về Giáo Hội, giờ đây chúng ta xem xét tại sao Thánh Phaolô nói Giáo Hội là “Nhiệm Thể Chúa Kitô”.
Cũng giống như cơ thể của chúng ta tuy là một nhưng tạo thành từ nhiều thành phần. Chúa Kitô và Giáo Hội cũng như vậy. Trong thị kiến của tiên tri Ezechiel, Chúa Thánh Thần trao ban da thịt và sự sống cho một cánh đồng những xương khô, là điềm tiên báo về một Giáo Hội tràn đầy hồng ân sự sống mới của Chúa Thánh Thần trong Chúa Kitô và hiệp nhất trong tình huynh đệ và tình yêu. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã trở nên một với Chúa Kitô trong mầu nhiệm của cái chết và sự phục sinh của Người; tất cả chúng ta trở thành những người chia sẻ trong Chúa Thánh Thần và là những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng là đầu.
Thánh Phaolô sử dụng hình ảnh của tình yêu hôn nhân để minh họa mầu nhiệm cao cả này: cũng giống như người chồng và người vợ là một thân xác, Chúa Kitô và Giáo Hội cũng thế. Là thành viên của cùng một cơ thể, chúng ta được mời gọi để sống trong sự hiệp nhất, vượt qua mọi cám dỗ bất hòa và chia rẽ. Cầu xin cho chúng ta được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, để cộng tác với nhau xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô trong tình yêu bằng cách đón nhận với lòng biết ơn những ân sủng của Ngài, đánh giá cao những đặc sủng của người khác và luôn luôn thể hiện sự quan tâm quảng đại với các anh chị em của chúng ta đang có nhu cầu.
5. Thiên Chúa của những điều bất ngờ, ngạc nhiên
Hãy mở ra với những ngạc nhiên trước Thiên Chúa, đừng khép lại trước những dấu chỉ của thời đại và nhớ rằng luật thánh sẽ không chết. Đó là những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Lễ sáng thứ 2, 13 tháng 10, tại nguyện đường Santa Marta. Giải thích về những lời của Chúa Giêsu nói với các Luât Sĩ, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đừng bám víu vào các ý tưởng của mình, nhưng đi với Chúa, luôn luôn tìm kiếm những điều mới mẻ.
Chúa Giêsu nói với các Luật Sĩ những người đã đòi một dấu lạ và Ngài đã nói với họ rằng đây là một “thế hệ gian ác”. (Lc 11,29-32).
Dựa vào đoạn Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về một vị “Thiên Chúa của ngạc nhiên”. Rất nhiều lần các Luật Sĩ đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, và Ngài trả lời rằng, họ sẽ không “thấy một dấu lạ nào cả”.
“Tại sao các Luật sĩ không thể hiểu được những dấu chỉ thời đại? Tại sao họ lại đòi một dấu lạ bất thường (mà Chúa Giêsu sau đó đã tỏ bày cho họ), tại sao họ đã không hiểu?
Trên tất cả là vì họ đã khép lòng mình lại. Họ đóng khung trong hệ thống lề luật của họ. Họ cho rằng luật của họ là một kiệt tác. Mỗi người Do Thái biết những gì họ được làm và những gì không được làm. Tất cả đều là hệ thống hoá . Và họ đã ở lại trong sự an toàn đó”.
Chúa Giêsu đã gây ra nơi họ một “điều kỳ lạ” và họ thắc mắc và tự hỏi rằng tại sao “Ông này đi lại với người tội lỗi, đồng bạn bọn thu thuế”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, họ “không thích” Chúa Giêsu, vì họ nghĩ “giáo lý của ông này rất nguy hiểm, giới luật của ông cũng rất nguy hiểm”. Nhưng các nhà thần học đã nghiên cứu học thuyết của Ngài qua nhiều thế kỷ. Ngược lại, những người Luật Sĩ đã “thi hành luật mà không có tình yêu, không có lòng trung thành với Thiên Chúa”, họ đã “đóng cửa” lòng lại, đã lãng quên lịch sử. Họ đã quên rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của lề Luật, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, ngạc nhiên”. “Thiên Chúa đã từng dành riêng sự ngạc nhiên cho dân Ngài” như khi Ngài cứu họ “khỏi ách nô lệ Ai Cập”.
“Các Luật sĩ không hiểu rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự ngạc nhiên, rằng Thiên Chúa luôn luôn là mới mẻ. Ngài không bao giờ phủ nhận chính mình, không bao giờ nói rằng điều Ngài nói là sai, nhưng Ngài luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Họ đã không hiểu được điều này và họ tự đóng cửa lòng mình lại trong một hệ thống lề luật do ý tưởng khôn ngoan họ tạo ra và họ đòi Chúa “làm cho họ xem một dấu lạ”. Họ đã không hiểu những dấu lạ Chúa Giêsu làm và Ngài chỉ cho họ thấy sự hiện diện của Ngài là thời điểm viên thành của những dấu lạ. Họ đã đóng chặt cửa lòng! Họ đã quên rằng họ là một dân lữ hành. Một dân đang đi trên một hành trình! Và khi chúng ta đặt mình trên một cuộc hành trình, trên con đường, chúng ta sẽ luôn thấy những điều mới mẻ, những điều chúng ta không biết”.
“Tự con đường không phải là cùng đích nhưng nó đưa đến sự cùng đích, nơi đó Thiên Chúa sẽ tỏ bày sự tối hậu. Khi Chúa Giêsu Kitô trở lại, cuộc hành trình của chúng ta sẽ đạt đến sự viên mãn trong Ngài”. Chúa nói: “thế hệ này tìm kiếm một dấu lạ nhưng sẽ không thấy một dấu lạ nào ngoại trừ dấu lạ của ngôn sứ Giôna”, đó là “dấu lạ của sự phục sinh, vinh quang, cánh chung ” mà chúng ta đang hướng đến trong hành trình”.
Các Luật sĩ “đã đóng cửa lại trong chính mình, không mở ra trước sự ngạc nhiên đối với Thiên Chúa, họ không biết con đường cũng như mầu nhiệm cánh chung”. Trong khi đó Nữ Hoàng Phương Nam đã nhìn nhận Ngài là Con Thiên Chúa, vì vậy Nữ Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên xét xử họ, họ đã bị sốc trước những lời này và cho rằng rằng Ngài đã nói những lời phạm thượng.
Đức Thánh Cha nói rằng “Dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện cho họ lại bị coi là phạm thượng”. Và vì lý do này “Chúa Giêsu nói: đây là một thế hệ gian tà”.
Đức Thánh Cha nói thêm, “họ không hiểu rằng lề luật nhằm bảo vệ và yêu thương” và đó chính là phương pháp sư phạm đối với Chúa Giêsu Kitô. “Nếu lề luật không đưa người ta đến với Chúa Giêsu Kitô, nếu nó không mang người ta lại gần Chúa Giêsu Kitô hơn thì đó là luật chết. Chúa Giêsu đã quở trách họ vì sự cứng cõi này, vì đã không đọc được dấu chỉ thời đại, không mở cửa cho Thiên Chúa để thấy những điều mới mẻ”.
“Và điều này sẽ giúp chúng ta suy nghĩ: tôi có đóng cửa lòng lại với những thứ của tôi, ý tưởng của tôi không? Hay tôi mở ra trước những sự ngạc nhiên của Chúa? Tôi đang dậm chân một chỗ hay bước đi trên hành trình? Tôi có tin vào Chúa Giêsu Kitô? Tôi có tin Ngài đã chết, đã sống lại và hiện sống không? Tôi nghĩ rằng cuộc hành trình này sẽ đưa đến viên mãn, nơi Thiên Chúa biểu lộ vinh hiển của Ngài không? Tôi có hiểu những dấu chỉ thời đại và trung thành lắng nghe tiếng nói của Chúa được thể hiện trong đó không?
Hôm nay chúng ta nên tự vấn những câu đó và xin Chúa ban cho chúng ta một trái tim biết yêu thương lề luật Thiên Chúa và cũng biết ngạc nhiên trước những điều mới mẻ nơi Chúa và khả năng để hiểu rằng: luật thánh thì tự nó sẽ không chết”.
Đức Thánh Cha kết luận, lề luật như thế là một một phương pháp sư phạm, là “hành trình” dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, cuối chặng đường ta sẽ gặp một dấu lạ vĩ đại chính là Con Người.”
6. Giáo Hội là hôn thê chờ đợi Hôn Phu của mình
Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư 15-10-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã diễn giải về đề tài “Giáo Hội là hôn thê chờ đợi Hôn Phu của mình”.
Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em. Trong thời gian này chúng ta đã nói về Giáo Hội, về Mẹ Giáo Hội thánh thiện và có phẩm trật, là Dân Thiên Chúa đang lữ hành.
Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: sau cùng, dân Chúa sẽ ra sao? Mỗi người chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta phải chờ đợi cái gì? Thánh Phaolô Tông Đồ trấn an các tín hữu Kitô thuộc Cộng đoàn Tessalonica, là những người đặt ra những câu hỏi ấy và sau khi lý luận thánh nhân nói những lời này thuộc vào những lời đẹp nhất của Tân Ước:
“Và như thế chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn mãi!” (1 Ts 4,17). Những lời này đơn sơ, nhưng rất xúc tích về hy vọng.
Thật là biểu tượng như trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, nhắc lại trực giác của các Ngôn Sứ, và đã mô tả chiều khích cuối cùng, chung kết, như ”Thành Jerusalem mới, xuống từ trời, từ nơi Thiên Chúa, sẵn sàng như hôn thể trang điểm đón chờ Hôn Phu của mình” (Kh 21,2). Đó là điều đang chờ đợi chúng ta! Vậy Giáo Hội là ai? thưa là Dân Thiên Chúa đi theo Chúa Giêsu và chuẩn bị ngày qua ngày cho cuộc gặp gỡ với Chúa, như một hôn thê chuẩn bị gặo hôn phu của mình. Đó không phải là một kiểu nói; sẽ có những hôn lễ thực sự! Đúng vậy, vì Chúa Kitô, khi làm người như chúng ta và làm cho tất cả chúng ta trở thành điều duy nhất với Ngài, qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Ngài đã thực sự kết hôn với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên hôn thê của Ngài. Điều này không là gì khác hơn là sự viên mãn kế hoạch hiệp thông và yêu thương được Thiên Chúa thực hiện qua dòng lịch sử.
“Nhưng có một yếu tố khác, an ủi và củng cố chúng ta, mở rộng con tim chúng ta: thánh Gioan nói với chúng ta rằng trong Giáo Hội là hôn thê của Chúa Kitô, “thành Jerusalem mới” trở nên hữu hình. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, không những là hôn thê, nhưng còn được kêu gọi trở nên thành thị, biểu tượng tuyệt hảo của sự sống chung và quan hệ giữa con ngừơi với nhau. Vì thế, thật là đẹp khi có thể chiêm ngưỡng ngay từ bây giờ một hình ảnh khác rất xúc tích của sách Khải Huyền, tất cả các dân nước được tập hợp với nhau trong thành ấy, như trong một căn lều, “lều của Thiên Chúa” (Xc Kh 21,3)! Và trong khung cảnh vinh quang đó sẽ không còn cô lập, thiếu thốn và những phân biệt nào – về mặt xã hội, chủng tộc và tôn giáo – nhưng tất cả chúng ta sẽ được hiệp nhất trong Chúa Kitô.
Đứng trước cảnh tượng chưa từng có và tuyệt vời ấy, con tim chúng ta không thể không cảm thấy được củng cố một cách mạnh mẽ trong niềm hy vọng. Anh chị em hãy xem, niềm hy vọng Kitô không phải chỉ là một ước muốn, một mong ước, không phải là lạc quan: đối với Kitô hữu, hy vọng là chờ đợi, nồng nhiệt chờ đợi, say mê mong sự viên mãn chung kết một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, trong đó chúng ta được tái sinh và đang sống. Và đó là sự chờ đợi người sắp đến: đó là Chúa Kitô ngày càng trở nên gần gũi chúng ta, ngày qua ngày, và Ngài đến để dẫn đưa chúng ta vào cuộc hiệp thông viên mãn và an bình của Ngài. Vì thế, Giáo Hội có nghĩa vụ phải giữ cho ngọn đèn hy vọng luôn cháy sáng và hữu hình, để có thể tiếp tục chiếu tỏa như dấu chỉ cứu độ chắc chắn và có thể soi sáng cho toàn thể nhân con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với tôn nhan từ bi của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, này đây điều mà chúng ta đang mong đợi: chúng ta đợi Chúa Giêsu trở lại! Giáo Hội hôn thê chờ đợi hôn phu của mình! Nhưng chúng ta phải tự hỏi rất chân thành: chúng ta có thực sự là những chứng nhân sáng ngời và đáng tin cậy về niềm hy vọng ấy hay không? Các cộng đoàn của chúng ta có còn sống trong dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô và nồng nhiệt chờ đợi Chúa đến hay không, hay là tỏ ra mệt mọi, ngái ngủ, dưới gánh nặng của mệt mỏi và cam chịu? Chúng ta có nguy cơ hết dầu đức tin và vui mừng hay không! Chúng ta hãy chú ý!
Chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ hy vọng và là nữ vương trời cao, xin Mẹ luôn giữ chúng ta trong thái độ lắng nghe và chờ đợi, để có thể ngay từ bây giờ được thấm nhiễm tình yêu Chúa Kitô và một ngày kia được dự phần trong niềm vui vô tận, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Anh chị em đừng bao giờ quên câu “Và chúng ta sẽ luôn ở với Thiên Chúa!” Chúng ta hãy lập lại câu này ba lần.
(Vietcatholic)