Ngày 05.09: Thánh linh mục Phêrô Nguyễn văn TỰ OP (38 Tử đạo gia đình Đaminh)

THÁNH PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TỰ

Linh mục Dòng Đaminh – (1796 – 1838)
Kính ngày 5 tháng 9

Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.

Cha dưới đất, Cha trên trời

“Thưa quan tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như Trung Phụ, và kính song thân như Hạ Phụ. Không thể nghe lời cha ruột để hại vua, tôi không vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”.

Vị tử đạo đã có những lời phân tích mạch lạc quan niệm về trung hiếu của các giáo hữu Việt Nam như trên là một linh mục dòng Thuyết Giáo : cha Phêrô Nguyễn Văn Tự.

Ngày 05.09: Thánh linh mục Phêrô Nguyễn văn TỰ OP (38 Tử đạo gia đình Đaminh)

Bị bắt vì sứ vụ

Sinh quán tại Ninh Cường, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định năm 1796. Cậu Phêrô Tự đã dâng mình cho Chúa từ niên thiếu. Năm 1826, thày thụ phong linh mục, sau đó xin vào dòng Đaminh và được cha chính Amandi Chiêu nhận lời khấn ngày 4.1.1827. Suốt 12 năm đời linh mục, cha Phêrô là một tu sĩ gương mẫu và là cha truyền giáo nhiệt thành. Hồ sơ phong thánh ghi nhận cha luôn tận tụy với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn đối xử hòa nhã và rất mực yêu thương mọi người.

Năm 1838, cha Tự được cử phụ trách xứ Đức Trai còn gọi là Kẻ Mốt, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Lúc này cuộc bách hại của vua Minh Mạng khá gay cấn, nên cha phải thi hành tác vụ của mình lén lút. Một thân hào tên Quang đã cho cha đến trú ẩn tại vườn nhà ông. Mỗi sáng cha dâng lễ ngay trong vườn đó. Ngày 29.6, khi quân lính kéo đến bào vây làng Kẻ Mốt để bắt cha Tự, thì ngài được anh em tín hữu đưa lánh qua làng bên. Nhưng quân lính sau khi lục soát, tìm thấy áo lễ và chén lễ của cha. Sau đó, ông lang Ninh mới bị dọa đánh, đã khai ra chỗ cha đang ẩn trốn. Cùng bị bắt với cha Tự có thày giảng Đaminh Úy, dòng ba Đaminh, 26 tuổi, một trợ tác đắc lực của ngài.

Khi bị giải về huyện Lương Tài, quan huyện ngỏ ý đòi vị linh mục nộp tiền chuộc, nhưng cha bình tĩnh trả lời : “Đối với tôi, bị bắt vì đạo là một hồng ân Chúa ban, tiền bạc thì tôi không có, còn phiền giáo hữu thì tôi không muốn chút nào”. Đến ngày 3.7, sau khi bắt thêm được bốn ông Trùm ở bốn giáo xứ và một giáo hữu trong vùng, quan cho áp giải tất cả về Ninh Thái (Thị xã Bắc Ninh ngày nay).

Sáng hôm sau, quan cho gọi cha Phêrô ra hỏi. Ông lịch sự cho mời cha vào nhà, cho ngồi chiếu tử tế, rồi với giọng ngọt ngào, quan yêu cầu cha khai tên các giáo sĩ giáo phận. Cũng bằng giọng điệu lịch sự không kém, cha thong thả kể tên hai đức cha và sáu linh mục, đều là những người đã bị bắt rồi, thế cũng đủ làm viên quan gật gù ra vẻ đắc ý lắm. Một tuần sau, phải lại cho mời cha đến và yêu cầu cha cắt nghĩa về các đồ thờ, áo lễ, chén lễ của cha mà họ tịch thu. Cha được dịp giảng đạo lý công giáo cho các quan nghe, bác bỏ những tin đồn bịa đặt về đạo, về các nghi lễ, cũng như về các giáo hữu.

Phong thái vị thủ lãnh.

Trong thời gian bị giam tại huyện, bất ngờ cha Tự thấy trong sổ sách của mình bị tịch thu, có cuốn sổ ghi tên tất cả các giáo hữu ở Kẻ Mốt, ngài liền tìm cách để hủy nó đi, nhưng làm sao bây giờ ? Vì quân lính canh gác kỹ quá. Cha liền bày kế xin họ một cái chiếu, lấy cớ đắp cho đỡ muỗi, rồi nằm trong chiếu, cha nhẩn nha nhai và nuốt cuốn sổ ấy. Dĩ nhiên “món ăn” này không hợp khẩu vị chút nào, nên mới ăn được hai phần, cha đã thấy rát cả cổ, không thể nuốt nổi nữa, thế là cha đành nhai cho nát rồi ném dưới gầm phản.

Điều làm cha đau lòng nhất là thấy nhiều người bị bắt với cha đã đạp Thánh Giá để được về. Cha không ngừng nhắc nhở lời Chúa xưa : “Ai chối Thày trước mặt người đời, Thày sẽ chối kẻ ấy trước mặt Cha Thày, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,33). Cha nói tiếp : “Trời đất qua đi, nhưng lời Chúa chẳng qua” (Mt. 5,18), “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa ngã trước thử thách” (Mt. 26,41)… Nhưng cha vẫn được an ủi vì sự kiên trung của hai thày giảng Phanxicô Mậu, Đaminh Úy và bốn giáo dân Giuse Cảnh, Tôma Đệ, Agustinô Mới và Stêphanô Vinh. Tất cả đều là hội viên dòng Ba Đaminh, sau này đều được phúc tử đạo (19.12.1839).

Ngày 27.7.1838, tổng đốc Bắc Ninh đệ án về triều đình xin xử giảo cha Phêrô và ông Trùm Cảnh, còn năm người kia, đánh mỗi người 100 roi, rồi phát lưu họ vào Bình Định. Nhưng vua phúc đáp yêu cầu cho tra hỏi lại, nếu bỏ đạo thì ân xá, nếu cố chấp thì xử chém hai vị trên và xử giảo các vị còn lại.

Ngày 09.8 quan đòi bẩy vị ra tòa. Khi thì dọa dẫm, khi thì ngọt ngào, quan dụ dỗ các vị đạp lên Thánh Giá. Trước hết, quan lịch sự mời cha Tự làm gương. Ông nói thực tình muốn tha cho cha. Nhưng cũng bằng lời nói khiêm tốn tinh tế, vị linh mục nói với ông về Thượng Phụ, Trung Phụ và Hạ Phụ, cũng như trật tự kính trọng đối với ba vị đó của mình. Cha tiếp : “Người tướng cầm quân đánh giặc, dù binh lính mình chạy hết, tướng cũng không được phép hàng giặc. Tôi là linh mục, dù giáo dân bị tan tác, vẫn phải một lòng trung thành với Thiên Chúa”. Sau lời khẳng khái của cha, quan biết nói thêm cũng vô ích, nên ra lệnh giam cha vào ngục.

Áo trắng lòng son

Biết ngày xử án sắp tới, cha Tự nhờ một giáo hữu mời linh mục Phương xứ Kẻ Roi đến giải tội. Từ hôm đó, cha tỏ ra vui vẻ khác thường, mong chờ ngày hạnh phúc. Sáng ngày 5.9, bản án về tới Bắc Ninh, cha và ông Trùm Giuse Cảnh bị điệu đi xử. Hai vị cười cười nói nói, tạm biệt các đồng bạn. Cha lấy tu phục ra mặc, cụ Cảnh cũng khoác tấm áo dòng ba. Thấy cha rạng rỡ trong bộ áo trắng, quan thắc mắc về ý nghĩa bộ áo, cha giải thích :

“Đây là áo dòng tu lớn trong giáo hội mà tôi hân hạnh là phần tử. Mầu trắng tiêu biểu cho đức khiết tịnh mà tôi hết lòng gìn giữ…”

Rồi cầm lấy Tượng Chịu Nạn, cha nói tiếp : “Đây là Chúa Cứu Thế, đã chịu đóng đinh vì tội thiên hạ. Xin quan cho phép tôi được mang áo dòng và cầm Thánh Giá này khi đi xử”.

Quan không nói gì cả, hiểu ngầm là đồng ý. Bấy giờ dân chúng hiếu kỳ chen lẫn nhau ùa đến xem, cha xin phép quan nói đôi lời. Thế là trong gần một giờ đồng hồ, cha giảng về Chúa Giêsu, và ơn cứu độ, về mọi người là anh em con cùng một Cha trên Trời.

Trên đường ra pháp trường, lính xếp hàng đi hai bên, cha Tự và cụ Cảnh đi ở giữa, vừa đi vừa sốt sắng đọc kinh Cầu Các Thánh. Pháp trường là một ngọn đồi nhỏ, ở ngoài thành Kinh Bắc. Đến nơi, hai vị quỳ xuống hai chiếu đã trải sẵn. Theo tiếng trống lệnh, lý hình thi hành phận sự, chém rồi tung đầu hai vị lên cho mọi người trông thấy. Tức thì nhiều người, trong đạo cũng như ngoài đạo, xô nhau chạy vào để thấm máu các ngài. Một người về sau chuộc được ảnh Thánh Giá của cha, trao lại cho dòng Đaminh. Trong hồ sơ phong thánh, người ta thuật lại nhiều ơn lạ Chúa đã thực hiện nhờ các di tích này.

Vị chứng nhân áo trắng đã về trời với tấm lòng son ngày 5.9.1838. Thi hài cha được lệnh chôn ngay gần đó, giáo hữu phải bỏ tiền chuộc đưa về an táng tại họ Nghĩa Vũ, huyện Yên Dũng, cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, linh mục dòng Thuyết Giáo lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.