PHẦN II. CHÂN DUNG VỊ TỔ PHỤ
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
16/ Tổng hội 1221
Tổng hội thứ hai triệu tập tại Bologne năm 1221 dưới sự chủ tọa của cha Đa Minh. Tuy không đủ chi tiết các cuộc thảo luận, chúng ta biết Tổng hội này đã thiết lập cơ chế tỉnh dòng và tỉnh hội như một cơ cấu trung gian tổ chức việc tông đồ. Như thế Dòng sẽ dựa trên nguyên tắc tập thể và bổ xung.
Trong tổng hội, cha Đa Minh đưa ra một sáng kiến mới khi tuyên bố luật Dòng không buộc thành tội. Về sau vì sợ có người còn hồ nghi, tổng hội 1225 cho ghi chỉ thị này vào văn bản. Cha Đa Minh luôn tôn trọng tự do của anh em, những “người con của Thiên Chúa”, nên muốn họ hành động với tinh thần trách nhiệm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chứ không vì sợ tội.
Sợi chỉ vàng xuyên suốt toàn bộ hệ thống quản trị và sinh hoạt Dòng là sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm được thể hiện qua tính tập đoàn, bổ xung và trách nhiệm, đó là món quà đích thực cha thực hiện cho con cái. Làm như thế, trái tim cha Đa Minh đã đập chung một nhịp với thế kỷ XIII, thời đại xuất hiện quyền đại biểu trong nước và mỗi thành phố, với các đoàn thể tự nguyện tại địa phương : các nhóm bác ái, hội đoàn và đại học. Họ bắt đầu tập thực hành nguyên tắc bầu cử và đại biểu.
Mỗi tỉnh dòng được quản trị do một giám tỉnh và tỉnh hội. Như thế, tỉnh dòng thể hiện sự phân quyền của toàn Dòng và gồm nhiều tu viện là những đơn vị điều hành. Mỗi tu viện trong tỉnh dòng sẽ cử bề trên và đại biểu đi dự tỉnh hội. Tỉnh hội không có quyền lập pháp đúng nghĩa, nhưng có quyền đề ra những khuyên nhủ và chỉ thị liên quan đến đời tu, việc học hành, huấn luyện và mục vụ. Tỉnh hội sẽ bầu giám tỉnh và kiểm tra đời sống, hoạt động của anh em, của giám tỉnh, của các giáo sư lẫn sinh viên, và có quyền gửi thỉnh nguyện về tổng hội.
Các vị tổng giảng sư là thành phần thường xuyên của các tỉnh hội. Những giảng sư đặc sắc này, đóng góp những suy tư và kinh nghiệm của mình cho tỉnh hội. Chính nhờ những vị này, thành viên của các tỉnh hội không bị hạn chế. Việc thay đổi thường xuyên đại biểu giúp tỉnh hội vận dụng được tối đa khả năng, suy tư và kinh nghiệm của nhiều anh em hơn, đồng thời thúc đẩy anh em quan tâm đến thiện ích tỉnh dòng, của Dòng, nghĩa là của Giáo hội.
Suốt thời Trung Cổ, tu viện là đơn vị quản trị tuy nhỏ nhất nhưng vẫn quan trọng nhất. Dưới quyền tài phán của tỉnh dòng, tu viện được tổ chức độc lập, dưới sự điều hành của bề trên do anh em bầu lên. Tu viện giúp anh em có môi trường hoạt động tông đồ, Một khi tổ chức các tu viện tốt, tỉnh dòng và Dòng phát triển. Khi nếp sống các tu viện sa sút, tỉnh dòng và Dòng bị tê liệt và khó chu toàn nhiệm vụ.
Từ các tổng hội từ 1221 đến 1228, Hiến pháp Dòng đã xây dựng được một hệ thống tổ chức hoàn hảo, tạo được thế quân bình giữa quyền bính với yếu tố dân chủ chịu sự kiểm soát của cộng đoàn. Ba nét chủ yếu như đã nói là tính tập đoàn, bổ xung và đại biểu. Hiến pháp đó đã thúc đẩy tu sĩ hoạt động, vẫn luôn quan tâm đến suy nghĩ cũng như ước muốn của anh em. Ngoài ra với cơ chế uyển chuyển, Dòng có thể phát triển theo số nhân sự, theo địa phương anh em hoạt động, hoặc theo nhu cầu công tác. Hiến pháp trù bị việc tu chỉnh thường xuyên cho thích hợp với đòi hỏi của thời đại và với những biến chuyển của xã hội. Theo đó, những khoản sửa đổi được ba tổng hội liền chấp thuận sẽ trở thành khoản Hiến pháp.
Sáu tháng cuối cùng, cha Đa Minh vẫn tiếp tục đi rao giảng. Không nơi nào cha có phòng riêng. Là người lữ hành, cha sẽ qua đời như một người lữ hành.
17/ Chân dung một người Cha
Quả là thiếu sót lớn lao, nếu chỉ quan tâm đến hoạt động và thiên tài của một vị thánh mà không quan tâm đến lối sống, cách cư xử của vị đó xét như là một con người.
Khi cha Đa Minh đến bất kỳ cộng đoàn nào, anh em và chị em đều vây lấy cha, để thổ lộ tâm tình, cả những lo lắng và yếu đuối của mình, Cha hỗ trợ người này, an ủi người kia, khích lệ làm mọi người phấn khởi. Thánh Jordano viết : “Cha rất dễ biểu lộ cảm tình và mến cha cũng rất dễ… Cha nhìn vào ai là chiếm được cảm tình người đó”. Cha thân ái với mọi người, biết tìm cơ hội để tặng quà và nâng ly với chị em. Cha luôn nghiêm khắc với mình và đôi khi nghiêm khắc với anh em mất nhiệt huyết. Cha không chấp nhận muối trở nên nhạt.
Đời cha Đa Minh ướp nồng bằng cầu nguyện. Cha dâng lễ mỗi ngày, tham dự thần vụ với bất cứ cộng đoàn nào cha gặp dù thuộc dòng tu khác. Cha thức thâu đêm để cầu nguyện với Chúa như gặp gỡ một người thân cách chân tình sốt sắng, với nhiều tư thế khác nhau diễn tả tâm hồn. Nhiều khi cha cầu nguyện bằng Sách Thánh hay trong thinh lặng. Vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa, nên cha không chỉ nói mà còn lắng nghe Ngài. Luôn luôn cha nhớ đến anh em trong lời nguyện, và từng thổn thức trong thị kiến, khi tưởng anh em không có ai trên nước trời.
Với tình phụ tử, cha Đa Minh rất cảm thông với anh em, dễ dàng chuẩn chước, biết chờ đợi anh em qua kinh nghiệm cá nhân, góp phần tự quyết cách sống của mình. Khi phái anh em đi, kẻ cần tiền thì cho, người ngần ngại thì khích lệ, hứa cầu nguyện, còn với kẻ nhút nhát thì truyền lệnh. Chị Cécile phác họa lại hình dáng cha, trong hồi ký đọc cho chị Angélique ghi:
“Cha Đa Minh người tầm thước, thân hình mảnh mai và hơi sạm nắng, râu tóc mầu nâu nhạt. Đôi mắt cha tuyệt đẹp. Vầng trán cha như toát ra một ánh sáng rực rỡ khiến ai nấy đều quý mến và kính trọng. Lúc nào cha cũng rạng rỡ nụ cười tươi vui, trừ khi cảm thông với người sầu khổ. Đôi tay cha dài và đẹp, giọng nói vừa vang vừa truyền cảm. Đầu cha không sói, bao giờ tóc cha cũng đầy đặn và điểm vài sợi bạc”.
Tâm hồn cha luôn thanh thản và sâu lắng. Dù ở một mình hay giữa cộng đoàn, lúc nào cha cũng sống cho giây phút hiện tại. Tâm hồn cha thực lòng vâng theo Thánh Linh trong mọi tình huống, nên cha có thể cười sảng khoái hay khóc thảm thiết. Sống với anh em hằng ngày, cha là người vui tính và chân thật, không ba hoa cũng không lầm lì. Nơi cha chiếu tỏa tình thương và niềm vui, đến nỗi cả lời khiển trách cũng không làm ai uất ức mà trái lại được phấn khởi.
18/ Di sản của Cha
Cuối tháng 7-1221 tại Bologne, cha Đa Minh lên cơn sốt nặng. Cha liền xin đưa về tu viện của Dòng. Tại đây nằm giữa anh em, khuyến khích anh em luôn nhiệt thành giảng thuyết, phát triển Dòng và kiên trì sống thánh thiện. Cha cam kết với anh em “dù qua đi, cha sẽ mưu ích cho anh em hơn khi còn sống”.
Biết rằng sắp đến giờ bệ kiến dung nhan Đấng Cứu Thế, Đấng cha đã suốt đời yêu mến, tìm kiếm và truyền giảng, cha đọc lại lời nguyện hiến tế của Ngài : “Lạy Cha Chí Thánh, Cha biết con đã hết lòng thực hiện thánh ý Cha. Con đã coi sóc giữ gìn những người Cha đã ban cho con. Nay con ký thác họ cho Cha, xin Cha gìn giữ và chăm sóc họ”. Đó là lời cha cầu nguyện trước tòa Thiên Chúa hôm mai và mãi mãi cho đến mai sau .
Phút lâm chung gần kề, nhưng cha Đa Minh vẫn tiếp tục chủ tọa giờ kinh. Cha nói : “Anh em chuẩn bị… Chờ một lát… Nào, chúng ta bắt đầu”. Cha không muốn anh em khóc lóc buồn bã. Sau đó, cha tâm sự với anh em một điều rất bình thường về chuyện những người phụ nữ trẻ. Ước muốn cuối cùng của cha là được chôn dưới chân anh em như dấu chứng tình yêu của ngài với cộng đoàn.
Lời trăn trối của cha với con cái mình là : “Anh em yêu dấu, gia sản cha để lại cho anh em : Hãy sống bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện“. Từ nay trước nhan Chúa và được đức Maria hỗ trợ, cha chuyển cầu cho anh em được “hăng say giảng thuyết, chuyên cần cầu nguyện và luôn được bình an đích thực”. Hôm đó Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Dung ngày 6-8-1221.
Ngày 25-5-1233, lễ cải táng được tiến hành, trước sự hiện diện của khoảng 300 tu sĩ về dự tổng hội. Cha Jordano làm đơn xin phong thánh. Nhiều người đến làm chứng về cha, kèm theo hơn chữ ký của khoảng 300 nhân vật có uy tín. Đức Grêgorio IX suy tôn cha lên bậc hiển thánh ngày 3-7-1234, ngài tuyên bố : “Ta không hề nghi ngờ sự thánh thiện của linh mục Đa Minh giống sự thánh thiện của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô”.