WHĐ (23.01.2016) – Ngày 22-01, tại Hội trường Clêmentinô, Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Toà Thượng thẩm Rota trong buổi tiếp kiến thường niên, khai mạc năm tư pháp.
Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân và nói rõ tình trạng “đức tin cá nhân” non kém không thể được coi là bằng cứ để tìm đến việc tiêu hôn. Đức Thánh Cha nói với các vị hữu trách Toà Rota: “Cần khẳng định rõ ràng phẩm chất của đức tin không phải là điều kiện cốt yếu trong sự ưng thuận kết hôn”.
Sự ưng thuận –cơ sở chính để toà án điều tra tính hiệu lực của hôn nhân– “theo giáo huấn lâu đời, chỉ có thể bị suy giảm trên bình diện tự nhiên mà thôi”, Đức Thánh Cha nhắc lại với các vị thẩm phán Rota.
“Quả thật, habitus fidei (tập quán đức tin) thâm nhập từ lúc chịu phép Rửa tội rồi tiếp tục ăn sâu vào tâm hồn một cách mầu nhiệm, cho dù đức tin không được mở mang thêm, hoặc xét theo lý đoán, xem ra chẳng thấy có đức tin”.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Điều đó không có gì lạ đối với những cặp vợ chồng mới cưới, lấy nhau theo instinctus naturae (bản năng tự nhiên), nên lúc làm đám cưới họ hiểu biết rất giới hạn về trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ sau này, trong đời sống gia đình, họ mới khám phá tất cả những gì đã được Thiên Chúa, Đấng dựng nên và cứu chuộc muôn loài, đã thiết đặt cho họ”.
“Việc thiếu huấn luyện về đức tin cũng như sai lỗi liên quan đến tính duy nhất, bất khả phân ly và phẩm giá bí tích của hôn nhân chỉ có thể làm cho sự ưng thuận của hôn nhân trở nên vô hiệu nếu những thiếu sót đó có tác động quyết định đến ý chí. Chính vì lẽ đó, cần phải thận trọng xem xét những sai lỗi liên quan đến bản chất bí tích của hôn nhân”.
Một vấn đề được đặt ra trong những năm gần đây là: liệu có cần “trưởng thành về đức tin” hoặc “có đức tin tối thiểu” giữa hai người đã được rửa tội mới mang lại hiệu lực cho hôn nhân chăng. Sở dĩ đặt ra vấn đề này chủ yếu là vì có nhiều người “được rửa tội nhưng không tin”. Những người này được rửa tội hồi còn nhỏ nhưng bản thân lại không lĩnh hội đức tin mình đã nhận lúc chịu phép Rửa tội.
Nghịch lý này đã được Uỷ ban Thần học Quốc tế, cơ quan tư vấn của Bộ Giáo lý Đức Tin, nêu lên hồi thập niên 1970, đồng thời cũng được Đức Bênêđictô XVI nhiều lần nói tới, đặc biệt trong huấn từ tại buổi tiếp kiến Toà Rota năm 2013, ngài khẳng định: “Hôn ước bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, đối với những mục đích của bí tích, không đặt ra yêu cầu về đức tin cá nhân đối với những người tiến đến hôn nhân; điều kiện tối thiểu hôn ước này đặt ra là ý muốn thực hiện những gì Hội Thánh yêu cầu. Tuy nhiên, nếu việc không được mơ hồ giữa vấn đề ý muốn với vấn đề đức tin của bản thân những người tiến đến hôn ước là cần thiết, thì dù thế nào đi nữa cũng không thể hoàn toàn tách rời chúng ra khỏi nhau được”.
Vấn đề này cũng đã được đặt ra tại hai Thương hội đồng về gia đình vừa qua, và nhiều ý kiến được nêu lên về việc yêu cầu phải có “đức tin tối thiểu” khi Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành hai Tự sắc, trong tháng Chín 2015, về cải tổ quy tắc giáo luật liên quan đến các vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Một trong hai tự sắc này là Mitis Iudex Dominus Iesus, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Việc thiếu đức tin có thể tạo ra kiểu giả vờ ưng thuận hoặc sự sai lỗi tác động lên ý chí” là một trong những trường hợp có thể xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu theo một tiến trình tố tụng mới, ngắn gọn hơn.
Tuy nhiên, phát biểu của Đức Thánh Cha với Toà Rota hôm nay đặc biệt khẳng định “đức tin tối thiểu” không phải là yêu cầu đặt ra đối với hôn nhân thành sự giữa hai người đã được rửa tội.
“Gia đình, được xây dựng trên hôn nhân bất khả phân ly, hướng đến sự kết hiệp nên một và sinh sản, nằm trong “mơ ước” của Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài nhằm cứu chuộc nhân loại”, Đức Thánh Cha nói.
Cả gia đình và Giáo hội đều trợ giúp con người “bằng cách đồng hành đến khi cuộc sống của họ kết thúc”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh rằng việc trợ giúp này diễn ra một cách chắc chắn “với những giáo huấn được Giáo hội và gia đình chuyển đến, cũng như với chính bản chất của mình là cộng đồng của tình yêu và sự sống”.
Đức Thánh Cha lưu ý, được mệnh danh là “Toà án Gia đình”, Toà Rota cũng được coi là “Toà án của sự thật về mối dây ràng buộc thánh thiêng”. Đức Thánh Cha nêu rõ hai phẩm chất này bổ túc cho nhau.
“Quả thật, Hội Thánh có thể cho thấy tình yêu mãi mãi hằng thương xót của Thiên Chúa đối với các gia đình, nhất là những người bị thương tổn vì tội lỗi và những thử thách cuộc sống, đồng thời loan báo sự thật chính yếu của hôn nhân theo kế hoạch của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến các Thượng Hội đồng 2014 và 2015 về gia đình. Suy tư diễn ra trong hai năm đã tạo ra “những xem xét sâu sắc và sáng suốt” về đời sống gia đình, đồng thời đã cho thế giới thấy “không thể mơ hồ giữa gia đình được Chúa yêu quý với bất cứ sự kết hợp nào khác”.
Đức Thánh Cha nói với các thẩm phán: “Qua “công việc vì sự thật” của các vị, Giáo hội “đề nghị tuyên bố sự thật về hôn nhân trong một vụ án cụ thể, vì lợi ích của tín hữu, đồng thời Giáo hội ghi nhớ những người đã vì sự chọn lựa tự do của mình, hoặc qua những hoàn cảnh bất hạnh mà phải sống trong tình trạng về khách quan là sai lỗi, thì hãy tiếp tục lãnh nhận tình yêu thương xót của Chúa và cũng là của Giáo hội nữa”.
Đức Thánh Cha khẳng định Giáo hội tiếp tục đưa ra đề nghị hôn nhân “với những yếu tố chính yếu của hôn nhân, đó là: con cái, lợi ích của vợ chồng, nên một, bất khả phân ly, mang tính bí tích”.
Những điều kiện này không chỉ là “lý tưởng cho một số ít”, mà nhờ ơn Chúa Kitô, đã trở thành “hiện thực cuộc sống của mọi tín hữu đã chịu phép Rửa tội”.
Đức Thánh Cha đã đề cập “sự khẩn cấp về mục vụ” trong Giáo hội, đó là phải chuẩn bị hôn nhân một cách thích đáng, và kêu gọi “cách dạy giáo lý mới” về hôn nhân; ngài nhấn mạnh thêm bằng cách lặp lại: “cách dạy giáo lý mới”.
Kết thúc huấn từ, Đức Thánh Cha nhìn nhận “thời đại hiện nay đang đặt rất nhiều thách đố đối với gia đình và cho các mục tử chúng ta, những người đồng hành cùng các gia đình”. Ngài cầu chúc cho các vị hữu trách Toà Rota có một khởi đầu tốt đẹp cho năm tư pháp mới.
(Theo CNA)
Lưu ý:
Để biết rõ hơn các lý do tiêu hôn, quý độc giả có thể xem Bài 57: Những ngăn trở Hôn nhân theo Giáo luật.