“Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).
Qua lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ hay lòng thương xót chính là nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Thật vậy, Người Ki-tô hữu cần “xót thương như Chúa Cha, vì vậy, là ‘phương châm’ của Năm Thánh này. Nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, luôn luôn, tự nguyện, không yêu cầu hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).
Lòng thương xót là nền tảng của Ki-tô hữu. Điều này được diễn tả rất sống động trong Tân Ước. Dụ ngôn về người Samaritanô (x.Lc 10,37) được nhắc ở phần trên là một thí dụ điển hình, nêu bật được lòng thương cảm đối với người gặp nạn. Hình ảnh sống động về ngày phán xét trong Phúc Âm thánh Mát-thêu (x.Mt 25,31-46), diễn tỏ rõ ràng rằng, lòng thương xót và nhân từ là điều kiện cần có để được ơn cứu rỗi. Điều răn mới của Chúa Giê-su ban cho các môn đệ là điều răn của lòng thương xót, của tình yêu thương lẫn nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Thánh Gia-cô-bê tông đồ, đã nối kết tinh thần sống Đức Tin với lòng thương xót. (x.Gc 2,13-15).
Thật vậy, Người môn đệ của Chúa không thể làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh em mình:“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18). Trong thời đầu tiên của Giáo Hội tiên khởi, lòng thương xót và nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4,34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), qua việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2).
Thánh Phê-rô đã đưa ra một lời khuyên sống tinh thần thương xót: “ Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9). Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma sống tinh thần bác ái và xót thương: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).
Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.[1]
Ngoài ra, các Giáo Phụ cũng chú ý tới lòng thương xót là nền tảng cho đời sống Đức Tin. Giáo Phụ Hermas thành Roma (giữa thế kỷ thứ 2) trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”[2] Một thế kỷ sau đó, Cyprien de Carthade (+258) cũng đã giảng dạy về “Lòng thương xót và việc bố thí”. Lactance (Lactantius, + ca. 325) cũng đã viết một số tác phẩm về lòng thương xót, nhấn mạnh đến việc giúp đỡ người nghèo khổ .[3] Grégoire de Naziane (+ 390) cũng đã nhấn mạnh: “Với tất cả con người, chúng ta hướng về người nghèo khổ và tất cả những ai đau yếu, cũng như tất cả những ai đang chịu đựng khổ đau: …các quả phụ, những em bé mồ côi, những người bị đi đày, những nạn nhân của những ông chủ bất nhân, các nạn nhân của những người chủ vô liêm sỉ, những nạn nhân của những kẻ du côn, của những tên cướp bóc, những nạn nhân của những kẻ thu thuế bất nhân…Tất cả những người bất ngờ rơi vào trong khổ đau, đối với tôi họ cần được đón nhận lòng thương cảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt tôi nghĩ đến những nạn nhân của sự dữ thật dễ sợ, thân xác đau khổ của họ đụng tới chúng ta”.[4]
Các Giáo Phụ nhắc đến nhiều thái độ và hành động bác ái được bắt nguồn từ lòng thương xót. Không dừng ở đó, mà Origene và Jean Chrysostome cùng các Giáo Phụ khác còn hướng đến cách sống bác ái trong chiều kích thiêng liêng. Cụ thể qua sự chú ý, thăm viếng, chia sẻ, ủi an những người đau khổ và bất hạnh. Đó là sự bác ái và nâng đỡ tinh thần rất cần thiết cho nhiều anh chị em bất hạnh.[5]
Như thế, Lời Chúa và lời các Giáo Phụ luôn mời gọi các tín hữu chú ý đến lòng thương xót trong cuộc sống, cụ thể qua việc sống tinh thần bác ái, yêu thương nâng đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Trong những anh chị em bất hạnh này, Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động. Khi nâng đỡ họ, là nâng đỡ Chúa Giê-su. Đó là con đường để đạt được ơn cứu độ.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ – Dongten.net
[1] NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980,c.1328-1329. [2] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1330. [3] X. NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331-1331. [4] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1331. [5] Trích bởi NOYE I., từ ngữ Miséricorde (Oevures de), trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, c.1332-1334.