Mẹ Thánh Têrêsa: Tiếng Vọng của Lòng Xót Thương

Thật không hề là ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có chủ đích, khi Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định cử hành đại lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta vào ngày Chúa Nhật 4 tháng 9 năm 2016, đúng vào dịp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, bởi lẽ cuộc đời của Mẹ Thánh phản ảnh trung thực và rõ nét lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng luôn “chạnh lòng thương” đám đông dân chúng vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (xem Mt. 9:36, 14:14, 15:32; Lc. 7:13).

Một trong nhóm “những kẻ khốn cùng” mà Mẹ Thánh lưu tâm đặc biệt, đó là những người vô gia cư. Nhận xét này đến từ ông Sean Callahan, thuộc cơ quan “Catholic Relief Services—CRS,” một cơ quan đã chung tay sát cánh làm việc với Tu Hội Thừa Sai Bác Ái do Mẹ Thánh Têrêsa sáng lập. Khi ông khởi sự làm việc tại Kolkata (tên mới của Calcutta) vào đầu thâp niên 1990 thì thành phố đó có khoảng 3 triệu người sống ngoài đường phố, trong đó trẻ em chiếm đến một phần ba. Ông Callahan nói: “Thật không tưởng tượng được các nhu cầu trợ giúp khẩn cấp trong thành phố với ngần ấy những con người đã phải chọn “khách sạn ngàn sao” làm nơi cư trú hàng ngày. Bệnh tật và cùng quẫn nhan nhản khắp nơi. Và Mẹ Têrêsa đã mở ra “Trung Tâm cho Kẻ Lâm Tử” bởi vì Mẹ không nỡ để cho những khoảnh khắc cuối đời của những kẻ đáng thương này trôi qua trong cô đơn tuyệt vọng.”

Vô gia cư đã trở thành nếp sống ngày càng “quen thuộc bất đắc dĩ” ngay tại các nước phát triển, tỉ như ở Hoa Kỳ. Với Mẹ Têrêsa, vô gia cư hẳn nhiên bao gồm những người thiếu nơi cư trú, nhưng nhất là những kẻ sống ngoài đường, ngủ trong công viên, ở Kolkata hay Tân Đềli, ở Luân Đôn hay Nữu Ước, Balê hay La Mã, những kẻ nằm trên hè phố, chỉ lót một tấm bià mỏng hay tờ nhật báo, trong một ngày hè nóng cháy hoặc giữa một đêm đông giá lạnh. Họ lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu—đúng nghĩa đen của “màn trời chiếu đất.” Cảnh sống của họ bi thảm ở chỗ chẳng thấy một tương lai lóe sáng ở bất kỳ chân trời góc bể nào. Mẹ Têrêsa tìm cho họ những nơi tá túc. Thế nhưng, Mẹ còn muốn các trung tâm này phải là một mái ấm đúng nghĩa, nơi họ được chào đón, yêu thương, chăm sóc, và nhất là “cảm thấy như đang ở nhà,” theo kiểu nói thông thường của Mẹ. Nói khác đi, với Mẹ Têrêsa, người vô gia cư không chỉ thiếu nơi ăn chốn ở, mà ở một độ sâu hơn, họ thiếu thốn sự quan tâm đoái hoài, thương mến và cảm thông, bị ruồng bỏ hay chối từ, đã đành rồi, nhưng tệ hơn nữa, là bị phớt lờ: người nào cũng “nhìn,” nhưng chẳng ai “thấy.” Ai cũng đi qua, những không ai dừng lại.

Với cảm thức sâu sắc đó, Mẹ thường bảo các chị em trong Tu Hội phải “cho khách đỗ nhờ,” nhưng nơi đỗ nhờ này không chỉ được làm bằng gạch ngói hay gỗ đá, mà phải được xây dựng bằng tình yêu thương. Nơi Mẹ cho họ cư trú phải là một tổ ấm, để họ cảm thấy được đón tiếp đùm bọc, che chở thương yêu. Mẹ không muốn đó là một nơi trú ngụ lạnh tanh, thiếu sinh khí, thiếu hơi ấm của tình thương, mà phải là nơi chốn bình yên và thoải mái, khiến họ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Nhân Lành, và làm cho những kẻ “rình sinh thì” có thể ra đi trong nguồn bình an của Thiên Chúa, vì biết rằng, dù sao đi nữa, mình cũng đang được yêu chiều chăm sóc.

Tuy số người vô gia cư đói nghèo khốn khổ thì nhan nhản khắp nơi, chẳng tìm thì cũng vẫn thấy, nhưng điều đặc biệt là Mẹ không chờ họ đến để xin giúp đỡ, mà chính Mẹ đích thân đi tìm họ, trên lề đường hay nơi góc phố. Điều này cho thấy mỗi một con người đều được Mẹ coi trọng, cứ y như chỉ một mình người ấy là đáng thương, đáng giúp, đáng quan tâm chăm sóc.

Đây là lời kể của Sean Callahan: “Một hôm đi họp với Mẹ Têrêsa tôi có nói với Mẹ là đã gặp một người nọ trên đường phố dáng vóc rất bệ rạc, quần áo tơi tả, và có vẻ rất yếu mệt. Nghe thấy thế, Mẹ liền hỏi ngay là ông ta đang ở đâu, tôi gặp ông ấy vào khoảng mấy giờ để Mẹ cho gọi xe cấp cứu. Rồi Mẹ còn cho tôi một số điện thoại, căn dặn rằng lần sau có gặp trường hợp như vậy thì cứ gọi số điện thoại ấy. Lề lối làm việc của Mẹ là như thế. Từ đó tôi rất an tâm vì biết rằng mình có thể giúp được những người hoạn nạn thường gặp.”

Callahan nói tiếp: “Có lần tôi nhận được điện thoại từ Mẹ Têrêsa cho biết rằng lũ lụt đang tràn về Bangladesh. Mẹ hỏi tôi có thể lấy xe vận tải chở đồ tiếp cứu mà các nữ tu đang yêu cầu không. Tôi trả lời rằng muốn như thế thì cần có giấy phép vì phải vượt qua vùng biên giới. Mẹ liền hỏi: ‘Như vậy phải làm sao?’ Tôi nhắc lại là mình phải có giấy phép. “Được, Mẹ nói, anh cứ đi lo xe vận tải đi, còn tôi sẽ đi xin giấy phép, rồi mình gặp lại nhau trong vòng hai tiếng đồng hồ sau nhé!”


“Và chuyện xẩy ra đúng y như thế. Mẹ không chỉ sai phái, mà đích thân lo liệu. Chúng tôi đã đem các nữ tu với đồ tiếp cứu vượt qua biên giới đúng như dự liệu.”

Vì sức khỏe không khả quan, Sean Callahan phải rời Ấn Độ vào năm 1995. Khi đến chào Mẹ, Mẹ hứa sẽ sang Hoa Kỳ để thăm ông. Và Mẹ đã đến thăm ông tại cơ sở chính của CRS vào tháng 5 năm 1996, một năm trước khi Mẹ qua đời.

Đây là cảm tưởng của Callahan: “Chúng tôi cảm thấy như đang có sự hiện diện của một thánh nhân. Mẹ hiến thân giúp người cùng quẫn và thành lập Tu Hội cho các nữ tu cũng như giáo dân đi theo bước chân Mẹ.”

Trái tim của Mẹ đúng là trái tim của Chúa, lúc nào cũng “chạnh lòng thương.” Chẳng thế mà mới đây một cuốn sách về Mẹ vừa được xuất bản, mang tựa đề: “A Call to Mercy: Hearts to Love, Hands to Serve” (Tiếng Gọi về Nguồn Xót Thương: Những Trái Tim Yêu Thương, Những Đôi Tay Phục Vụ). Cuốn sách được chính Cáo Thỉnh Viên của Mẹ là Linh Mục Brian Kolodiejchuk viết lời giới thiệu.

Ta thử duyệt qua 5 cách sống như là di sản Mẹ Têrêsa đã để lại:

1) Hãy trở thành tiếng kêu cứu thay cho những kẻ không có tiếng nói: Sứ điệp của Mẹ thật đơn giản: “Người nghèo phải được biết rằng chúng ta yêu thương họ.” Bàn tay Mẹ chạm tới những người phong hủi và mắc bệnh liệt kháng. Mẹ căn dặn chúng ta hãy “nhìn thấy” những kẻ đáng thương nhất giữa đám người nghèo bằng cách dấn thân ra đi gặp gỡ họ.

2) Hãy quyết tâm, nhưng đừng ngại xin giúp đỡ: Mẹ thành lập Tu Hội Thừa Sai Bác Ái vào năm 1950 sau khi được Tòa ThánhVaticăng phê chuẩn. Không có tiền của, Mẹ sẵn sàng đi ngửa tay xin đồ ăn và phẩm vật cứu trợ. Với quyết tâm, Mẹ đã hiến thân cứu giúp những kẻ cùng khốn và bị xã hội phớt lờ. Khi Mẹ qua đời, các nữ tu của Mẹ đang làm việc trong hơn 4000 viện mồ côi, nhà nghỉ dưỡng, và trung tâm bác ái rải rác trên toàn thế giới. Mẹ bảo: “Hãy biết dấn thân cho lý tưởng và chung tay làm việc với người khác để thực hiện lý tưởng ấy.”

3) Hãy cầu nguyện: Tuy là một con người của Thiên Chúa, Mẹ Têrêsa không tránh khỏi cám dỗ “chất vấn” Chúa khi đối diện với những nỗi trầm luân thống khổ nơi những con người Mẹ gặp gỡ hằng ngày. Nhưng quan trọng hơn hết, Mẹ cầu nguyện, miệt mài, liên lỉ. Mẹ cầu nguyện để thấu hiểu, để xin trợ giúp, để được kiện cường. Nhờ cầu nguyện, Mẹ đã có thể tiếp tục công việc Mẹ hằng yêu mến: đó là giúp đỡ kẻ nghèo khổ cơ cực.

4) Hãy sống khiêm nhường: Về cuối đời, Mẹ đi vào vùng ánh sáng chói lòa của sân khấu thế giới khiến cho biết bao nhiêu người đều biết đến Mẹ, nhất là khi Mẹ nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 1979. Mẹ không hề dừng lại ở danh tiếng đó. Mẹ luôn tự nhận là “Tôi không xứng đáng.” Suốt đời Mẹ chỉ sống đơn sơ như nữ tỳ nhỏ bé của Chúa. Mẹ lúc nào cũng chỉ quanh quẩn với những con người nghèo khó khốn cùng để xoa dịu nỗi khổ đau của họ và gieo rắc niềm bình an bất tận.

5) Hãy mỉm cười: Cuối cùng, ta không cần gì cầu kỳ cao xa để trở nên giống Mẹ, mà chỉ cần làm một điều dễ dàng, không tốn phí: mỉm cười. Những câu nói thời danh nhất của Mẹ đều bao gồm những món quà đơn giản nhất: tình yêu, bình an hay một nụ cười. Mẹ nói: “Hãy cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau, hãy vui với nhau khi có nhau.” Theo Mẹ, khi chia sẻ với người khác một nụ cười tươi tắn, đó là lúc ta chia sẻ một phần con người của chính mình.

Mẹ Thánh Têrêsa, xin cầu cho chúng con!

Nguyễn Kim Ngân – Vietcatholic

08/27/2016