Lòng thương xót Chúa (24): Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội của lòng Chúa thương xót

Giới răn yêu thương và thương xót không chỉ dành cho mỗi Ki-tô hữu, mà còn dành cho Giáo Hội Công Giáo trong ý nghĩa toàn bộ. Hơn nữa, nếu Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, thì Giáo Hội cần phải mang trong mình chính lòng thương xót và tình yêu thương của Đức Ki-tô. Đó là một trong những điều nền tảng làm nên Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không phải là một tổ chức bác ái xã hội, cũng không phải là một tổ chức phi chính phủ, mà chính là thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót.

Để cảm nhận và hiểu được được tinh thần lòng thương xót rất nền tảng và quan trọng này của Giáo Hội, chúng ta để Đức Thánh Cha Phanxicô hướng dẫn qua tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Giáo Hội đã cảm thấy một trách nhiệm trở nên một dấu chỉ sống động của tình yêu Chúa Cha trên thế giới. Chúng ta nhớ lại những lời cay đắng của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi khai mở Công Đồng, ngài đã chỉ ra con đường phải theo: ‘Giờ đây Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng dược phẩm lòng thương xót chứ không phải là vũ khí của sự hà khắc… Giáo Hội Công Giáo, khi giơ cao ngọn đuốc chân lý Công Giáo tại Công Đồng Đại kết này, muốn thể hiện mình là một người mẹ yêu thương mọi người; kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm và nhân hậu với những con cái đã xa đàn’.

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với cùng một mạch văn vào lúc bế mạc Công Đồng: “Chúng tôi muốn chỉ ra lòng bác ái đã là tính năng tôn giáo chủ yếu của Công Đồng này như thế nào… câu chuyện xưa về người Samaritanô nhân hậu đã là mô hình cho linh đạo của Công Đồng… một làn sóng tình cảm và ngưỡng mộ đã tuôn chảy từ Công Đồng trên thế giới hiện đại của nhân loại. Những sai lầm, cố nhiên, là bị lên án vì lòng bác ái đòi hỏi điều này không thua gì những đòi hỏi của sự thật, nhưng đối với chính những cá nhân chỉ có sự khuyên nhủ, lòng tôn trọng và tình yêu. Thay cho những chẩn đoán chán chường, là những phương dược khích lệ; thay cho những dự đoán kinh khủng, là những thông điệp của niềm tin được Công Đồng đưa ra cho thế giới ngày nay. Những giá trị của thế giới hiện đại không chỉ được tôn trọng nhưng được vinh danh, nỗ lực của thế giới được chấp nhận, nguyện vọng của nó được thanh tẩy và chúc lành… Một điểm khác nữa chúng ta phải nhấn mạnh là điều này: tất cả giáo huấn phong phú này được chuyển theo một hướng là sự phục vụ nhân loại, trong mọi điều kiện, trong mỗi nhược điểm và nhu cầu” (số 04).

Tiếp đến, Vị Cha Chung nhắc nhớ: “Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu hiện diện; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót. Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn. Giáo Hội “có một ước muốn bất tận để tỏ lòng thương xót… Tuy nhiên, thiếu vắng chứng tá cho lòng thương xót, cuộc sống trở thành vô ích và vô sinh, như thể bị cô lập trong một sa mạc cằn cỗi. Đã đến lúc Giáo Hội phải đón nhận lời mời gọi hân hoan để thương xót lần nữa” (số 10).

Đức Phanxicô cũng đã nhắc đến thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với tinh thần Giáo Hội cần rao giảng và sống và làm chứng tá cho lòng thương xót: “Hơn nữa, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn thúc đẩy việc loan báo khẩn cấp hơn và đưa ra những chứng tá cho lòng thương xót trong thế giới đương đại: ‘Xuất phát từ tình yêu dành cho con người, cho tất cả những gì là nhân bản và những gì, theo trực giác của nhiều người đương thời với chúng ta, là đang bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm lớn lao. Mầu nhiệm của Chúa Kitô.. . buộc tôi phải rao giảng lòng thương xót như tình yêu từ bi của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong cùng một mầu nhiệm của Chúa Kitô.

Mầu nhiệm ấy cũng buộc tôi phải trông cậy và khẩn cầu lòng xót thương trong giai đoạn khó khăn, và quan trọng này trong lịch sử Giáo Hội và thế giới’ Giáo huấn này là thích hợp hơn hơn bao giờ hết và đáng được đề cao một lần nữa trong Năm Thánh này. Chúng ta hãy lắng nghe lời ngài một lần nữa: Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót – là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Đấng Cứu Chuộc – cũng như khi Giáo Hội đem mọi người đến gần với suối nguồn lòng thương xót của Đấng Cứu Thế, mà Giáo Hội là người được ủy thác và phân phát” (số 11), và trong số 12 Đức Phanxicô viết:

“Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rặp khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ. Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân.

Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha. Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình thành một người đầy tớ của tình yêu này và làm trung gian của tình yêu ấy cho tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và thể hiện bản thân nó như sự trao ban chính mình. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, lòng thương xót của Chúa Cha phải là hiển nhiên. Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và các phong trào, nói tắt một lời, là bất cứ nơi nào có những Kitô hữu, tất cả mọi người phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót”.

Với những giáo huấn của các Mục Tử, chúng ta xác tin rằng Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của lòng thương xót. Chỉ khi Giáo Hội sống và mang trong mình tinh thần này, Giáo Hội mới thể hiện được tinh thần toàn bộ của Đức Ki-tô. Như thế, Giáo Hội sẽ nhận ra Đức Ki-tô hiện thân trong chính những phần của thân thể của Giáo Hội, và đặc biệt trong những anh chị em bất hạnh và nghèo nàn đang cần đến sự đỡ nâng. Chúa Giê-su đang hiện diện trong họ. Giáo Hội cần làm sống động Phúc Âm của lòng thương xót trong các lời nói, trong các bí tích và qua toàn bộ đời sống của Giáo Hội đối với lịch sử của nhân loại, và đối với từng tín hữu. Như thế, Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội của lòng thương xót. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo trong cái nhìn tự phê bình, cần luôn trở về để tự chất vấn mình, xem Giáo Hội Công Giáo có là Giáo Hội của lòng thương xót như cần phải là như vậy hay không, cụ thể qua chính những gì Giáo Hội đang thể hiện? Một Giáo Hội không có lòng thương xót và không có lòng bác ái, thì Giáo Hội đó không còn là Giáo Hội của Chúa Giê-su Ki-tô nữa. Đó là ý tưởng của nhà thần học ĐHY. Walter Kasper.[1]

Thánh Âu-tinh đã dựa vào lời của Thánh Phao-lô nói về tầm quan trọng của đức mến: không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì (x.1Cr 13). Ở đây, theo Kasper, thánh Âu-tinh không chỉ nói về đức mến trong sự liên hệ đến cá nhân, mà còn liên hệ đến Giáo Hội trong sự hiệp nhất và yêu thương. Vì thế, nếu thiếu tình yêu thương trong cộng đoàn dân Chúa, thì sự hiệp nhất sẽ bị sứt mẻ, và những việc từ thiện như là những cành nho sẽ bị cắt đứt khỏi thân cây nho. Thánh Âu-tinh nhấn mạnh rằng, nếu không có tình yêu thương trong tinh thần tập thể, tinh thần của Cộng Đoàn, thì mọi sự khác sẽ chẳng là gì. Như thế, tình yêu thương, lòng thương xót và bác ái là một yếu tính của Giáo Hội, cũng như của niềm tin và của sự hiệp nhất trong Giáo Hội.[2] Để Giáo Hội Công Giáo có thể biểu lộ được yếu tính của mình là lòng thương xót, thì những phần tử của Giáo Hội cần thể hiện qua chính cuộc sống của họ, nghĩa là qua chính việc thực thi lòng thương xót trong đời sống thường ngày, với những người thân cận, với những người bất hạnh và khổ đau. Khi sống như vậy, những người Công Giáo thuộc về Giáo Hội đang làm cho bức tranh của Giáo Hội Công Giáo được hiển hiện với yếu tính quan trọng cần có.

Ngoài ra, lời quở trách nặng nề Giáo Hội sẽ phải đón nhận, nếu Giáo Hội không sống những gì Giáo Hội rao giảng. Giáo Hội của Chúa Ki-tô cần phải là chứng từ sống động của lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã rao giảng và đã sống. Đó cũng là sứ mạng của Ngài. Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII, trong biến cố khai mạc Công Đồng Vaticanô II, đã nêu rõ rằng, hôm nay Giáo Hội đặc biệt cần phải sử dụng vũ khí là lòng thương xót. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nhắc đến điều này trong tông huấn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã dành một chương để bàn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội. Qua đó, Ngài muốn rút ra một kết luận quan trọng, Giáo Hội có trách nhiệm, làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa.[3] Còn đối với Đức Benedicto XVI, tông huấn đầu tiên của Ngài viết với tựa đề Tình yêu của Thiên Chúa – Deus Caritas est. Tôi vẫn nhớ, khi tông huấn này vừa ra, nhận được một bản, tôi đã đọc một mạch với tất cả sự vui mừng và thích thú. Qua tông huấn này, tôi đã có được một khuôn mặt tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa.

Ngài chính là vị Mục Tử nhân lành giàu lòng thương xót, Ngài đã bước theo từng con chiên trên hành trình cuộc đời, và đi vào những nơi con chiên đến, dù nơi đó có bần cùng đến đâu đi nữa. Cuối cùng, chính vị Mục Tử nhân lành giàu lòng thương xót này đã bước một bước vạn dặm, để trở nên một con chiên hiền lành, và hiến dâng mình làm của lễ để cứu chuộc muôn dân. Cũng là hình ảnh của vị mục tử nhân lành, chúng ta tìm thấy nơi Đức Thánh Cha Phanxicô. Dịp hành hương Rôma đầu năm 2014, có dịp ghé thăm tiệm sách Công Giáo nổi tiếng Ancora, tôi khám phá ra một Thánh Giá theo kiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trên Thánh Giá của Đức Thánh Cha, không có hình chịu nạn, mà là hình ảnh một mục tử vác một con chiên trên vai, phía sau lưng là đàn chiên và trên đầu có một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi mới được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô mang cây Thánh giá này. Đó cũng là Thánh Giá ngài vẫn mang từ khi làm giám mục ở Buenos Aires. Hình ảnh người mục tử và đàn chiên có nguồn gốc từ Cựu Ước, tượng trưng cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn con chiên lạc, để chỉ Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên nhân lành đi tìm người tội lỗi. Có một người kia đi tìm con chiên lạc, và khi ”tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5).

Tác giả Tin Mừng Mát-thêu cũng thuật lại dụ ngôn này, và nói về Thiên Chúa trên trời là người Cha ”không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18,14). Như thế, Tin Mừng Mát-thêu nói đến trách nhiệm của các vị lãnh đạo đối với những thành viên nhỏ bé, không có tiếng nói trong cộng đoàn. Con chiên lạc được tìm lại là biểu tượng của ơn cứu độ (x.Mc 4,6-7; Gr 23,1-4; Ed 34,11-16). Thánh Giá cũng là dấu chỉ của ơn cứu độ. Đức Giê-su còn nhấn mạnh đến niềm vui mừng của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi; và Người cũng mời gọi thính giả chia sẻ niềm vui đó (x.Lc 15,25-32).

Về phương diện thần học, dây Pallium mà Giám mục Rôma khoác lên vai, được đan kết bằng lông chiên thật. Và lông chiên là biểu tượng cho chiên bị lạc lối, yếu ớt và đau bệnh. Người mục tử sẽ vác chiên ấy trên đôi vai mình để đưa đến nguồn suối sự sống. Đối với Giáo Phụ ngày xưa, dụ ngôn con chiên lạc mà mục tử tìm thấy nơi sa mạc chính là hình ảnh mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Hội thánh. Mỗi một người trong chúng ta chính là những con chiên lạc trong sa mạc không còn biết lối về. Con Thiên Chúa sẽ không thể để điều này xảy ra; Ngài không thể bỏ mặc con người trong tình trạng thê thảm như thế. Ngài đã từ bỏ vinh quang thiên quốc và bước đi bằng chính đôi bàn chân trần để tìm kiếm những con chiên này và theo đuổi chúng đến tận cùng của con đường Thánh Giá. Ngài mang chúng trên đôi vai mình và mang cả nhân loại; Ngài vác tất cả chúng ta trên vai – Ngài chính là Mục Tử nhân lành thí mạng vì đàn chiên. (x.Bài giảng Chúa nhật của Đức Benedicto XVI , 24.4.2005 tại quảng trường thánh Phê-rô).

Theo tinh thần của Đức Ki-tô, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả lòng thương xót đặc biệt của ngài với đàn chiên, đặc biệt với những con người khổ đau và bất hạnh. Hình ảnh ngài ôm hôn một người mặt dị dạng ở quảng trường thánh Phê-rô đã được truyền đi khắp nơi trên thế giới. Hình ảnh ngài cử hành Thánh Lễ rửa chân ở tại một nhà tù cho 12 trẻ vị thành niên, trong số đó có một cô gái người Hồi Giáo, trong năm đầu tiên trên tư cách Giám Mục Rôma, đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Đó chính là tinh thần của lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi thực thi: ”Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,36). Rồi Đức Thánh Cha còn quan tâm đến thăm những người vượt biển lục địa Châu Phi đến một hòn đảo của Ý Đại Lợi, như là một lời thức tỉnh cho mọi người về lòng thương xót của Chúa mời gọi: ”Ta là khách lạ, các người đã đón rước” (Mt 25,35).

Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng rất cụ thể, khi chính Đức Thánh Cha đã từng gọi điện thoại đến những người bất hạnh, để chia sẻ và thoa dịu nỗi khổ đau của họ. Trong dịp ngài thăm Phi-Luật-Tân đầu năm 2015, ngài đã gặp các em bé bị bỏ rơi và là trẻ bụi đời, ngài đã nghe lời tâm tình của em gái Glyzelle Iris Palomar. Em là nạn nhân của sự bỏ rơi và em phải sống ở ngoài đường phố. Cùng với các bạn khác, em buộc phải tự kiếm sống, không cha mẹ, không nhà cửa và phải ngủ ngoài đường phố.

Phần lớn các em bị lừa vào tện nạn mãi dâm và ma túy. Một tổ chức phi chính phủ do một cha Dòng Tên thành lập, đã cứu Glyzelle và nhiều em khác ra khỏi cảnh sống ngoài đường phố, và hiện Glyzelle và các bạn được chăm sóc ở đó. Trong cuộc sống bụi đời, em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm. Trong cuộc tiếp kiến Đức Thánh Cha ở Phi-luật-tân, khi em đang đọc bài đã được dọn sẵn để dâng lên vị cha chung, bỗng chợt em không thể đọc tiếp bài đó, ngẩng lên nhìn Đức Thánh Cha Phanxicô, em đặt câu hỏi: “Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?- Tại sao Chuá lại để xảy ra như vậy?”

“Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?” Nói tới đây, em nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.

Cố gắng lắm, em Glyzelle mới kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin? – Và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?”

Giây phút đó, Đức Thánh Cha đã đứng dậy và bước xuống gần em bé gái. Ngài đã rưng rưng nước mắt và ôm chặt Glyzelle vào lòng. Trong bài đáp lời em Glyzelle, Đức Phanxicô đã nói: “Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt”. “Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?” Ngài đặt lại câu hỏi. “Chỉ khi nào mà một trái tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được”. Ngài nói tiếp.

Và Đức Thánh Cha kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc: “Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?”

“Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khóc”. Đức Thánh Cha nói. “Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăn sóc”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh hình ảnh Chúa Giê-su, Ngài đã không sử dụng lòng từ bi theo kiểu thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những của cải vật chất.

Nhưng Chúa Ki-tô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và an ủi, để đón nhận và chia sẻ với người dân của mình bằng trái tim cảm thông và yêu thương. Giai thoại về cuộc gặp gỡ này là một hình ảnh rất đẹp của vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo sống tinh thần thương xót. Thật vậy, những gì các vị chủ chăn thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, là một chứng từ sống động cho cả Giáo Hội cần luôn ý thức rao giảng, thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó cũng là sứ mạng của Giáo Hội.

Rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là trách nhiệm đầu tiên Giáo Hội cần làm. Giáo Hội cần rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, mà Thiên Chúa đang bị cho ra rìa, và nhiều người đang lờ đi không nhìn đến Thiên Chúa, hay nói khác đi nhiều người đang sống trong một tâm thức: Thiên Chúa đâu có giúp họ làm giàu và đâu có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của con người. Thiên Chúa không còn cần thiết nữa. Quay mặt đi và không quan tâm đến Ngài là thượng sách.

Rất nhiều người trẻ ở Tây Phương đang mang tâm thức này. Họ đang bị những khuynh hướng tục hoá tân thời lôi kéo ra xa khỏi Thiên Chúa. Ngay trong xã hội tục hoá tinh vi này, lòng thương xót của Thiên Chúa cần được rao giảng nhiều hơn bao giờ hết. Chính trong bối cảnh xã hội này, mà chúng ta cần lắng nghe lại lời của Thánh Phê-rô: ”Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3,15).

Khi rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội cần chú ý không diễn tả một khuôn mặt Thiên Chúa như là một quan toà nghiêm khắc, cũng không trình bày một Thiên Chúa quá dễ dãi, đến nỗi chẳng ai phải lo sợ gì với Ngài cả, và tránh cách trình bày khuôn mặt Thiên Chúa với những nét trừu tượng mang tính triết lý. Thiên Chúa đó là Thiên Chúa của các triết gia mà thôi. Giáo Hội cần rao giảng và diễn tả một cách sống động và thực tế về khuôn mặt nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa, như trong Thánh Kinh đã nói về Ngài như là người Cha nhân từ: ”Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an”(2Cr 1,3), và ”Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4).

Giáo Hội cần kể lại cho mọi người nghe câu chuyện của Thiên Chúa đã thương xót nhân loại như thế nào, những câu chuyện của lòng thương xót trong Cựu Ước và trong Tân Ước, như Chúa Giê-su đã kể trong các dụ ngôn và đã thực thi trong cuộc sống của Ngài. Cao điểm của lòng thương xót mà Thiên Chúa biểu lộ là con đường thương khó và Thánh Giá của Chúa Giê-su, Giáo Hội cần nêu bật cao điểm này.

Ngoài ra, việc rao giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa đi đôi với việc Tân Phúc Âm hoá. Ở đây, cũng nên nói rằng, chúng ta không rao giảng về một Phúc Âm mới nào, mà chúng ta vẫn rao giảng Phúc Âm của Chúa Giê-su, nhưng rao giảng trong một cách thức mới liên hệ đến cuộc sống và hoàn cảnh sống mới của con người. Chúng ta chỉ có thể chạm được trái tim của người nghe, khi chúng ta rao giảng về Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong những khổ đau và bất hạnh của con người như là một người Cha giàu lòng thương xót, nghĩa là qua lời rao giảng chúng ta giúp cho người nghe khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu có mặt trong lịch sử cuộc đời của họ.

Vì thế, lời rao giảng của chúng ta sẽ chẳng tìm thấy ý nghĩa, nếu chúng ta chỉ có phê bình chỉ trích thế giới hiện đại với những hậu quả tiêu cực, mà chúng ta cần phải rao giảng một Thiên Chúa nhân từ, Đấng ngự trị trên các đám mây và bóng đêm, Đấng cho mưa xuống trên người công chính, lẫn người tội lỗi. Đấng giàu lòng thương xót thấu biết từng người trong chúng ta, và Ngài biết mỗi người chúng ta đang cần gì (x.Mt 6,8 và 32).

Với những người sống xa Chúa và Giáo Hội, chúng ta cần rao giảng cho họ về một Thiên Chúa từ nhân như người Cha luôn sẵn sàng đón nhận đứa con thứ trở về, trao lại cho con phẩm giá cao quý, dù quá khứ đời con thế nào đi nữa. Người Cha giàu lòng thương xót đó như người Samaritanô nhân hậu, luôn dừng bước bên những người bất hạnh bị nạn đang nằm ở bên đường, Ngài cúi xuống để chăm sóc, băng bó vết thương và cứu chữa.

Ngài có một tấm lòng cao quý luôn rung động và yêu thương con cái của mình. Tình yêu và lòng nhân hậu này vượt trên mọi bóng đêm, mọi quá khứ tội lỗi, và không bao giờ lắc đầu hay lờ đi, khi thấy những người khổ đau bất hạnh. Người Cha nhân hậu này cũng là người mục tử nhân lành sẵn sàng bỏ hết mọi công việc, và để cả 99 con chiên khác trong chuồng và lên đường đi tìm con chiên lạc. Khi tìm thấy, Ngài vui mừng vác chiên trở về, và nỗi vui mừng về một con chiên tội lỗi trở về lớn hơn niềm vui của 99 con chiên không cần hối cải (x.Lc 15,3-7).

Khi Giáo Hội xác tín mạnh mẽ về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, là lúc Giáo Hội rao giảng chân lý sâu thẳm nhất về Thiên Chúa, cũng như rao giảng chân lý sâu thẳm nhất về con người. Chân lý sâu thẳm nhất về Thiên Chúa hệ tại ở chỗ, Thiên Chúa là tình yêu tự hiến mình và ban tặng, và là tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ cho con cái của mình. Chân lý sâu thẳm nhất về con người mang ý nghĩa, Thiên Chúa trong tình yêu đã tạo dựng nên con người cách tuyệt vời. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, dù cho con người có lìa xa Ngài.

Hơn nữa, Thiên Chúa với lòng thương xót còn chuộc lại con người, và gầy dựng lại phẩm giá cao quý của con người. Thiên Chúa đã đi xuống tận chỗ thấp nhất và bần cùng nhất mà con người đã rơi xuống, để kéo con người lên, và đưa con người trở về lại với trái tim hay thương xót của Ngài. Và ở bên Ngài, con người được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong an bình.[4] Lời rao giảng về lòng thương xót thật tuyệt vời, nhưng Giáo Hội không chỉ dừng ở đó, mà Giáo Hội cần thực thi lòng thương xót với con cái của mình, cụ thể qua các bí tích và đặc biệt bí tích Hoà Giải.

Tất cả các bí tích đều là bí tích của lòng thương xót, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Hoà Giải. Khi nhận được bí tích Rửa Tội, tội lỗi được tha thứ (x.Cv 2,38; 1Cr 6,11; Ep 1,7; Cl 1,14), nên bí tích Thanh Tẩy là bí tích của lòng thương xót. Điều này cũng đúng với bí tích Xức Dầu Thánh (x.Gc 5,15). Giáo Hội thời đầu tiên đã trải nghiệm, các tín hữu sau khi được nhận lãnh bí tích Rửa Tội, thì lại rơi vào trong tình trạng tội lỗi như trước, đó là một kiểu ngựa quen đường cũ, vì thế Giáo Hội được Chúa Giê-su trao quyền thực hiện bí tích Hoà Giải, để các tín hữu có thể chạy đến xưng thú tội lỗi và nhận được ơn tha thứ và sức mạnh từ Thiên Chúa. Như thế, bí tích Hoà Giải là bí tích của lòng thương xót, mà qua đó Thiên Chúa luôn và tiếp tục tha thứ cho con cái của Ngài, và ban cho con cái sức mạnh mới để lại bắt đầu bước đi trên hành trình Đức Tin.[5]

Trong bài Giáo Lý về bí tích Hoà Giải, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “tất cả chúng ta đều biết, chúng ta mang đời sống này trong những bình bằng sành (2Cr 4,7), chúng ta vẫn có thể bị khuất phục bởi cám dỗ, đau khổ, và cái chết, vì tội lỗi, chúng ta thậm chí có thể bị mất đời sống mới của mình. Vì lý do đó mà Chúa Giê-su đã muốn rằng, Hội Thánh sẽ tiếp tục công việc cứu độ của Người cho ngay cả những phần tử của mình, đặc biệt với bí tích Hòa giải và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là hai bí tích có thể được kết hợp dưới danh hiệu các bí tích Chữa Lành… cử hành bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay ấm áp: là vòng tay của lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn rất đẹp này về người con bỏ nhà ra đi với số tiền thừa kế; anh ta đã phung phí tất cả số tiền ấy, và sau đó, khi không còn gì nữa, anh ta quyết định trở về nhà, không phải như một người con, mà như một đầy tớ. Trong lòng chất đầy tội lỗi và nhiều hổ thẹn.

Điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu lên tiếng để xin được tha thứ, thì người cha không để cho anh nói, mà ôm chầm lấy anh, hôn anh, và cho dọn một bữa tiệc ăn mừng. Nhưng tôi nói với anh chị em, mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm chúng ta, Thiên Chúa cũng ăn mừng! Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này”.[6] Và trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Phanxicô viết: “Chúng ta hãy đặt bí tích Hoà Giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự” (số 17).

Còn đối với các thừa tác viên của Thiên Chúa, ngồi trong toà Hoà Giải, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ rằng: “Tôi nhắc lại với các linh mục rằng, tòa giải tội không phải là phòng tra tấn nhưng là nơi dành cho lòng thương xót của Chúa là điều khích lệ chúng ta làm điều lành càng nhiều càng tốt” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 44). Trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài nhấn mạnh hơn nữa: “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi, trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không bao giờ được quên rằng là cha giải tội nghĩa là dự phần vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu để trở nên một dấu chỉ cụ thể cho sự bất biến của tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa.

Các linh mục chúng ta đã nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, và chúng ta chịu trách nhiệm về việc này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền lực trên Bí Tích này; thay vào đó, chúng ta là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa qua Bí Tích ấy. Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy ra ngoài để gặp con trai mình bất kể nó đã phung phí hết phần sản nghiệp của nó. Các cha giải tội được mời gọi để ôm người con trai ăn năn đang trở về nhà và diễn tả niềm vui được có lại người con ấy. Chúng ta cũng đừng bao giờ mệt mỏi đi ra ngoài với người con trai còn lại, là người đứng bên ngoài, không thể vui mừng nổi, để giải thích với nó là phán đoán của nó quá hà khắc, không công bằng và vô nghĩa dưới ánh sáng lòng thương xót vô biên của người cha. Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích, nhưng giống như người cha trong dụ ngôn, hãy ngắt ngang bài phát biểu đã được chuẩn bị trước của người con hoang đàng; cầu xin cho các cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của mỗi hối nhân. Nói tóm lại, các cha giải tội được mời gọi là một dấu chỉ về sự ưu việt luôn luôn, ở khắp mọi nơi, và trong bất kể mọi tình huống, của lòng thương xót” (số 17).

Tiến bước trên con đường của lòng thương xót với tinh thần theo gương Chúa Giê-su, Giáo Hội cần xây dựng một nền văn hoá của lòng thương xót trong đời sống của mình, như Kasper diễn tả. Chỉ rao giảng về lòng thương xót trên môi miệng, dĩ nhiên không thể đủ được. Cũng thế, khi Giáo Hội rao truyền sự thật, thì Giáo Hội cần sống theo sự thật, cần đến cùng ánh sáng, để mọi người khác nhìn vào sẽ nhận ra Giáo Hội thực thi lòng thương xót và sống theo sự thật ở trong Thiên Chúa: ”Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).

Vì thế, sứ điệp về lòng thương xót mà Giáo Hội rao giảng cần được thấm nhuần vào trong thực tế, cũng như ảnh hưởng vào chính bầu khí sinh hoạt và phục vụ của Giáo Hội. Nếu nhìn lại Giáo Hội tiên khởi, chúng ta thấy rằng, Giáo Hội thời đầu tiên đã để lại chứng từ sống động về lòng thương xót, khi Giáo Hội đã luôn chú tâm nâng đỡ những quả phụ, những trẻ mồ côi, những người bệnh tật, những kẻ yếu đuối, những người nghèo khổ và những ai mất khả năng làm việc. Các cộng đoàn thời đó luôn phục vụ những người tù nhân, nâng đỡ những người nô lệ, và sẵn sàng đón những khách bộ hành không nơi nương tựa. Tertulian đã thuật lại rằng, những lo lắng và chăm sóc của người Ki-tô hữu dành cho những người nghèo khổ và bất hạnh đã làm cho thế giới ngoại giáo thời đó ngạc nhiên vô cùng. Đến nối họ đã nói về người Ki-tô hữu: “Hãy nhìn kìa, họ thương nhau đến thế!” Từ thế kỷ thứ 4, trong Giáo Hội đã có những nhà chăm sóc người bệnh, những nhà đón nhận khách bộ hành, cũng như những nơi chăm sóc người nghèo khổ. Sau đó, nhiều dòng tu đã được thành lập với sứ mạng rõ rệt là chăm sóc người bệnh tật, chú tâm đến những người nghèo khổ, các trẻ em mồ côi… Đến hôm nay, tinh thần của lòng thương xót mà Giáo Hội thực thi vẫn còn ảnh hưởng trong đời sống thực tế. Và với tinh thần của lòng thương xót Giáo Hội đã có một ảnh hưởng sâu rộng trong văn hoá của Châu Âu cũng như trong nền văn hoá của nhân loại cho đến ngày hôm nay, dù cho sự tục hoá lan tràn mỗi ngày nhiều hơn trong xã hội.[7]

Nếu Giáo Hội không chỉ rao truyền Tin Mừng của Chúa Giê-su về Thiên Chúa là Cha nhân hậu luôn tha thứ, mà còn sống Tin Mừng đó, thì Giáo Hội luôn chú ý đến người thấp cổ bé miệng, đến những người nghèo khổ và bần cùng, đến những người bệnh tật và khiếm khuyết, đến những người vô gia cư và những người di dân, đến những người nghiện ngập và những người xấu số nhiễm vi trùng Sida, cũng như Giáo Hội chú tâm đến những người tù nhân và những phụ nữ phải làm nghề bán thân xác, vì họ không còn có thể làm gì để nuôi thân, nuôi gia đình, nên cuối cùng đã phải chấp nhận một số phận thảm thê nhất, là bán chính thân xác mình. Chắc chắn Giáo Hội luôn đau đớn khi thấy tội lỗi tràn lan, nhưng Giáo Hội cần luôn tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi.

Trong tinh thần theo bước Chúa Giê-su, Giáo Hội không bao giờ được phép là Giáo Hội của người giàu, của những người có thế giá, cũng như của các chính trị gia. Đối với Giáo Hội, viễn tượng ưu tiên cho người nghèo khổ là một điều nền tảng và quan trọng mà Giáo Hội cần nhìn đến. Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng có nói về tinh thần truyền giáo của Giáo Hội như sau: “Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận động năng truyền giáo này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà không trừ ai. Nhưng phải ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một định hướng rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên hết là những người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, những người không có gì để trả lại cho anh em (x.Lc 14,14).

Không còn gì để nghi ngờ hoặc giải thích, vì chúng chỉ làm yếu đi sứ điệp quá rõ ràng này. Hôm nay và mãi mãi, người nghèo là những người nhận được đặc quyền của Tin Mừng, và việc loan báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giê-su đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng, có một sự liên kết bất khả phân ly giữa Đức Tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ” (số 48). “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (số 49).

Trong Thánh Lễ Chúa chiên lành của Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền chức Linh mục cho 13 phó tế. Trong bài giảng Ngài đã thiết tha mời gọi các thừa tác viên của Chúa: “Ở đây cha muốn dừng lại, và xin các con, vì tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả năng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! Và nếu có áy náy vì là những linh mục quá tha thứ, thì hãy nhớ đến vị linh mục thánh kia đến trước Nhà Tạm và thưa với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, nếu con đã tha thứ nhiều quá.

Nhưng mà chính Chúa đã làm gương xấu cho con đấy chứ!’ Cha nói thật với các con, cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ đã từng bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Họ đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhân Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thương của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành”.

Thật là quý báu, khi trong đời sống của Giáo Hội, chúng ta vẫn thấy biết bao nhiêu người con, biết bao nhiêu dòng tu, biết bao nhiêu tổ chức đã, đang và tiếp tục thực thi lòng thương xót, và luôn ưu tiên nâng đỡ những người thấp cổ và bé miệng, những người bất hạnh và nghèo khổ. Đó là văn hoá của lòng thương xót luôn cần được nở hoa thơm ngát. Hương thơm này, chúng ta có thể ngửi thấy nơi các nhà Arche của Jean Vanier, trong đó các anh chị em bị bệnh tâm thần được yêu thương và được chăm sóc thật chu đáo. Hương thơm đó cũng toả lan từ trong các ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ của các nữ tu sống theo linh đạo của Mẹ Têrêsa Can-cut-ta, trong đó biết bao trẻ mồ côi đã từng bị dục vào thùng rác, từng bị cha mẹ bỏ rơi khi mới chào đời, được các nữ tu đón nhận, chăm nom và nuôi nấng, để các em được lớn lên như những em bé tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa.[8]

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cảm nhận được hương thơm của lòng thương xót qua tinh thần phục vụ của Giáo Hội, khi ngài nói trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Mặc dù làn sóng thế tục đã tràn ngập xã hội chúng ta, ở nhiều quốc gia – kể cả những nơi mà Ki-tô Giáo là thiểu số – Hội Thánh Công Giáo được coi là một tổ chức đáng tin cậy theo dư luận quần chúng, được tin cậy trong tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực đoàn kết và quan tâm đến những người nghèo khổ nhất. Nhiều lần, Hội Thánh phục vụ như trung gian hòa giải để tạo sự thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống, nhân quyền và quyền công dân…” (số 65).

Tuy nhiên, trong Giáo Hội, văn hoá của lòng thương xót không chỉ được giới hạn trong việc giúp đỡ về phương diện vật chất, mà cần được diễn tả qua chính tương quan của các tín hữu với nhau, nghĩa là cung cách hành xử của tín hữu với nhau luôn cần phải toả hương lòng thương xót. Thánh Phao-lô đã nhìn thấy những bè phái chia rẽ trong Giáo Hội (x.1Cr 1,10-17), và ngài đã lên tiếng: ”Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10). Hơn nữa, thánh nhân còn cảnh báo và kêu mời các tín hữu cần biết yêu thương nhau, chứ đừng cắn xé và chia rẽ: ”Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5,13-15).

Các Giáo Phụ cũng đã lên tiếng chỉ trích những cách sống thiếu yêu thương giữa các tín hữu với nhau. Gregor von Nazianz đã kêu than cách cay đắng với những lời đau đớn về cách sống thiếu yêu thương và hay cãi vã trong Giáo Hội, đặc biệt giữa các Giáo Sĩ: “Thật là hổ thẹn với những người lãnh đạo”. “Chúng ta đã nhảy bổ lên đầu nhau và đang nuốt chửng lấy nhau”. Cũng thế, Chrysostomos cũng lên tiếng với những lời tương tự, và với ngài thì thật là xấu hổ thay cách hành xử thiếu bác ái giữa những người Ki-tô hữu với nhau.[9]

Trong tông sắc năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến tinh thần sống đạo quảng đại không xét đoán của Ki-tô hữu: “Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy các bước của cuộc hành hương để đạt được mục tiêu của chúng ta: ‘Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy’ (Lc 6,37-38). Chúa đòi hỏi chúng ta trên tất cả đừng phán xét để khỏi bị lên án.

Những ai muốn tránh sự kết án của Thiên Chúa, thì đừng biến mình thành thẩm phán xét xử anh chị em mình. Con người, bất cứ khi nào họ xét đoán, nhìn không xa hơn những gì là bề mặt, trong khi Chúa Cha nhìn thấu những thẳm sâu của tâm hồn. Bao nhiêu tai hại do lời nói gây ra một khi chúng được thúc đẩy bởi những cảm xúc của sự ghen tương và đố kỵ! Nói xấu người khác đặt chúng ta dưới thứ ánh sáng xấu xa, làm xói mòn uy tín của người khác và biến họ thành con mồi cho các ý tưởng ngẫu hứng của tin đồn. Theo một nghĩa tích cực, để tránh khỏi bị xét đoán và lên án có nghĩa là biết làm thế nào, để chấp nhận những điều tốt đẹp trong mỗi người và để tha cho người ấy khỏi phải chịu những đau khổ có thể gây ra bởi sự xét đoán phiến diện của chúng ta, và bởi cái giả định của chúng ta là chúng ta biết tất cả mọi thứ về người ấy. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để bày tỏ lòng thương xót. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải tha thứ và cho đi. Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Ngài trên chúng ta với lòng quảng đại bao la” (số 14).

Văn hoá của lòng thương xót giữa các Ki-tô hữu với nhau cần được đặc biệt biểu lộ trong Thánh Lễ, vì nơi đó chúng ta đang làm sống động lại lòng thương xót của Thiên Chúa cách cụ thể. Thư của thánh Giacobê tông đồ khuyên chúng ta rằng: ”Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này’, còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu Đức Tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo!” (Gc 2,2-6).

Mong sao ước mơ của Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận được thực hiện, ước mơ này ngài diễn tả trong một bài suy niệm vào dịp tĩnh tâm dành cho Giáo Triều Roma năm 2000: “Tôi mơ ước một Hội Thánh là Cửa Thánh, mở rộng, bao gồm mọi người, đầy lòng từ bi và cảm thông mọi cơ cực, đau khổ của nhân loại, và tìm cách an ủi họ”.[10]

Mong sao lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng sẽ là một gợi hứng mạnh mẽ cho Giáo Hội sống tinh thần lòng thương xót: “Thánh Tô-ma A-qui-nô đã dạy rằng ngay cả giáo huấn về luân lý của Hội Thánh cũng có một phẩm trật riêng của nó, giữa các nhân đức và giữa các hành động phát xuất từ chúng. Ở đây, điều quan trọng hơn cả là Đức Tin hoạt động qua đức ái (x.Gl 5,6). Những việc làm của đức ái hướng đến tha nhân là sự bày tỏ hoàn hảo nhất bề ngoài của ân sủng của Chúa Thánh Thần ở bên trong: Yếu tố chính của lề luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được tự tỏ lộ trong Đức Tin hoạt động qua đức ái, về điều này ngài nói rằng, đối với hành động bên ngoài, lòng thương xót cao trọng hơn tất cả các nhân đức. Lòng thương xót tự nó lớn nhất trong các nhân đức, vì tất cả các nhân đức khác xoay quanh nó, và quan trọng hơn nữa, nó bù đắp cho sự thiếu sót của những nhân đức khác. Điều này đặc biệt cho nhân đức cao trọng, và như thế thích hợp với việc Thiên Chúa có lòng thương xót, mà qua đó sự toàn năng của Ngài được tỏ bày cách rõ ràng nhất” (số 37).

Mong sao châm ngôn ”Hãy xót thương như Chúa Cha!” của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi sẽ nở hoa kết trái nơi từng Ki-tô hữu, nơi giáo dân và nơi linh mục, nơi giám mục nơi hồng y. Thật đẹp biết bao nếu mọi người cùng Vị Cha Chung sống đúng tinh thần của chính Chúa Giê-su, Đấng luôn thể hiện lòng thương xót của Cha trên trời trong từng lời nói, từng cử chỉ và từng hành động của Ngài.

Mong sao, lời của nhà văn người Đức Heinrich Boell là một lời động viên cho mọi Ki-tô hữu ý thức thực thi nền văn hoá của lòng thương xót trong thế giới hôm nay: “Ít nhất, lòng thương xót là một điều khả thi giữa những Ki-tô hữu, và lúc này hay lúc khác lại có những Ki-tô hữu xuất hiện và làm cho thế giới này phải ngạc nhiên. 800 triệu người trên thế giới này có khả năng làm cho thế giới này phải ngạc nhiên… Chính một thế giới Ki-tô giáo xấu nhất đối với tôi lại vẫn hơn một thế giới tục hoá tốt nhất, vì trong thế giới của Ki-tô giáo luôn có không gian cho những người bất hạnh, mà họ không thể tìm được chỗ nương tựa trong lòng thế giới tục hoá: Cho những người què quặt và bệnh tật, cho những người già cả và yếu đuối…”[11] Điều mà Heinrich Boell diễn tả, là một hồi chuông nhắc nhớ mọi tín hữu cần chú ý đến sứ mạng quan trọng và nền tảng, là phải loan truyền và thực thi nền văn hoá của lòng thương xót giữa lòng xã hội ngày càng tục hoá hôm nay.

Mong sao những câu hỏi của Đức Hồng Y Martini giúp chúng ta sống lòng thương xót một cách cụ thể hơn:

– Thái độ của tôi giống như thái độ của người ta đối với tôi: dễ thương đáp trả sự dễ thương, thô lỗ cộc cằn đáp lại những lời nói cộc cằn thô lỗ, gây hấn đáp lại thái độ công kích? Hay tôi có khả năng phản ứng khác đi, thái độ tràn đầy lòng nhân hậu xót thương?

– Tôi có dễ bị tổn thương? Tôi phản ứng thế nào? Qua lời nói và đối thoại hay là sự im lặng? Thái độ nín thinh có thể làm người khác bị tổn thương rất nặng. Đó là một câu trả lời không tiếng nói nhưng lại nói rất nhiều điều. Câu trả lời này chứng tỏ rằng, chúng ta còn thiếu lòng nhân hậu xót thương.

– Tôi có cầu nguyện cho người đã làm điều dữ đối với tôi không? Lời cầu nguyện cho kẻ thù chính là một thái độ cần có của lòng nhân hậu mà Chúa Giê-su mời gọi. Có lẽ chúng ta cần phải bắt đầu cầu nguyện cho những người làm tổn thương đến chúng ta. Trong lời cầu nguyện, trái tim bị tổn thương của chúng ta sẽ được sưởi ấm, được ủi an và hiền dịu hơn. Như vậy, chúng ta tìm thấy lối vào cánh cửa lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa.

– Chúng ta có thành công sống tinh thần của lòng thương xót một cách bền chí không? Nghĩa là không chỉ có nghĩa cử đồng cảm và nhân hậu xót thương trong lúc đầu thôi, mà còn trung thành tiếp tục để cho lòng nhân hậu của Chúa thấm vào cuộc đời, vào tâm hồn, và trung tín sống theo tinh thần xót thương này. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã thất bại, lúc đầu đi bước thật lớn, nhưng sau đó thì lại dậm chân tại chỗ? Ví dụ như trong cách hành xử với người nghèo khổ, người ngoại kiều, người thấp cổ bé miệng. Bình thường lúc đầu chúng ta bị đánh động tâm hồn, tỏ ra dấu hiệu xót thương họ, và còn làm những cử chỉ biểu lộ lòng nhân hậu của chúng ta, nhưng sau đó thì đâu cũng vào đấy, và còn thê thảm hơn nữa, khi chúng ta bắt đầu chỉ trích, nói xấu, và có những phản ứng thật là tồi tệ đối với họ, đến nỗi chúng ta chẳng còn muốn để mắt đến họ nữa.

Lạy Chúa, còn thật xa để chúng con có thể sống được Mối Phúc của Chúa.

Chúng con muốn chiêm ngắm trái tim của Chúa,

chỉ có trái tim Chúa mới có thể chữa lành cho chúng con,

thoát khỏi sự cứng đầu và lạnh lùng của chúng con,

thoải khỏi tấm màn tối che phủ ánh mắt của chúng con.

Chúng con xin Chúa giúp chúng con có thể cảm nhận được lòng nhân hậu của Chúa trong chính chúng con, để chúng con có thể hiểu rõ tinh thần các Mối Phúc, và tập sống theo tinh thần này,

nhờ đó chúng con có thể làm chứng cho thế giới về tình yêu trung tín của Chúa. Amen.[12]

Thật vậy, Giáo Hội của Chúa Ki-tô phải là Giáo Hội của lòng thương xót, và cần phải là Giáo Hội của lòng thương xót nhiều hơn nữa, vì chính vị thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội, Thánh Phê-rô đã từng trải nghiệm lòng thương xót cách đặc biệt.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ – dongten.net

 

[1] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.155.

[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.156.

[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.157.

[4] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.157-159.

[5] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.161.

[6] ĐTC Phanxicô ban hành ngày 19 tháng 2 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, Phao-lô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ, nguồn: giaoly.org.

[7] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.165.

[8] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.166-167.

[9] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t.168.

[10] trích bởi CANTALAMESSA R. O.F.M.CAP., Beatitudes, eight steps to happiness, t.74.

[11] Trích từ Fastenpredigt 2013 in Tettnang, trong trang http://www.kath-kirche-tettnang.de/