1. Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô được mở cửa lại
Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô, Giordani đã được mở cửa trở lại và các du khách có thể chiêm ngưỡng lại đền thờ với những bức tranh khảm đẹp nhất trong vương quốc Hashemite.
Việc mở cửa chính thức được diễn ra hôm 15/10. Ngày 16 tháng 10, Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông phương, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã chủ sự Thánh lễ trọng thể. Dịp này, ngài đã đọc sứ điệp Đức Thánh Cha. Cử chỉ biểu tượng đánh dấu việc mở cửa chính thức là việc mở các cửa đền thờ được thực hiện hôm 15 tháng 10, với sự tham dự của cha Francesco Patton, bề trên Quản thủ Thánh địa.
Sự kiện này được tổ chức trong hai ngày vì số lượng du khách, các tín hữu và khách hành hương tham dự quá đông do Đền thờ này là một trong những đền thánh (và khu khảo cổ) quan trọng nhất, không chỉ ở Giordani mà trong toàn vùng Đất Thánh.
Cũng có các cử hành tôn giáo, hòa nhạc, các tour có hướng dẫn và các hoạt động văn hóa với mục đích lôi cuốn sự tham dự của toàn thể dân cư địa phương và các du khách nước ngoài.
Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô là nơi theo sách Đệ nhị luật chương 34, Thiên Chúa đã chỉ cho ông Môsê thấy Đất Thánh và là nơi ngôn sứ qua đời. Dù không ai biết một cách chính thức đâu là nơi vị ngôn sứ được chôn cất nhưng các đan sĩ định cư trên núi Nêbô đã tưởng niệm ngôn sứ Môsê ở nơi này từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9.
Trong thế kỷ 19, các nhà khảo cổ của dòng Phanxicô quản thủ Thánh địa đã có quyền sở hữu nơi này và đã tìm thấy đan viện cổ, đền thờ với các bức tranh khảm mosaic trong đó. Để bảo tồn di tích khảo cổ đồng thời trưng bày các bức tranh mosaic do các đan sĩ thực hiện trong thời gian khác nhau, một tòa nhà đã được xây cất và đã được khánh thành trong hai ngày này.
Vào tháng 3 năm 2000, khi thăm Đất Thánh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hành hương đến Nêbô và trồng một cây ôliu bên cạnh nhà nguyện Byzantin như là biểu tượng của hòa bình.
2. Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Giáo phận Milan vào năm tới.
Hôm 15 tháng 10, phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Giáo phận Milan vào ngày 25/03 năm tới.
Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám Mục Milan nhận định: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một dấu chỉ yêu thương và kính trọng ngài dành cho Giáo Hội của thánh Ambrosio, thành phố Milan và toàn vùng Lombardi. Chúng tôi muốn thưa với Đức Thánh Cha về lòng biết ơn của chúng tôi bởi vì ngài sẽ đến để củng cố chúng tôi trong đức tin. Từ bây giờ chúng tôi sống sự chờ đợi Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện, trong sự chuẩn bị cho qua tặng lớn lao này.”
Đức Thánh Cha lẽ ra đã viếng thăm Milan vào ngày 07/05 năm nay nhưng ngày 10/12 năm ngoái, Vatican thông báo cho Đức Hồng Y Scola là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha phải hoãn lại do chương trình của ngài quá dày đặc trong Năm Thánh Lòng thương xót.
Trong những ngày tới, Hội đồng Giám mục Milan sẽ bắt đầu công việc tổ chức để thành lập và tổ chức một ủy ban đặc biệt cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Milan là thành phố lớn thứ hai của Ý và là thủ phủ của miền Lombardy. Giáo hoàng cuối cùng viếng thăm Milan là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào năm 2012 khi ngài đến tổng giáo phận này từ ngày 1 đến 3 tháng 6 nhân Đại hội về Gia đình lần thứ 7.
3. 21 trong số 270 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc được trả tự do
Các lãnh đạo Công Giáo chào mừng việc thả tự do cho 21 nữ sinh đã bị bắt cóc tại trường học ở Chibok vào năm 2014 và kêu gọi chính phủ Nigeria ưu tiên việc giải thoát các nữ sinh còn đang bị nhóm Boko Haram giam giữ.
Đức Hồng Y Anthony Olubunmi Okogie, Tổng giám mục hưu trí của Lagos cho biết ngài có những cảm xúc lẫn lộn khi nghe tin 21 nữ sinh được thả tự do, bởi vì theo ngài, đáng ra họ nên được giải cứu trước đây. Ngài nói: “Đúng là một tin vui cho cha mẹ của các thiếu nữ bị bắt cóc sau một thời gian dài. Nhưng đối với tôi, các cô gái đã phải bị tẩy não và lạm dụng bởi những kẻ bắt cóc trong thời gian này và bị cưỡng bức kết hôn ngược với ý muốn của họ.” Đức Hồng Y cũng quy trách nhiệm cho chính quyền trước đây đã không xử phạt các thống đốc bang khi để cho các sự việc xảy ra và phê bình hệ thống trường học đang trở thành trò cười vì các vụ bắt cóc mới xảy ra ở 2 trường khác nhau ở bang Lagos.
Đức Cha Matthew Ishaya Audu của Lafia vui mừng biết rằng các thiếu nữ còn sống và cầu nguyện để cho các thiếu nữ còn lại sớm được thả tự do. Ngài cũng kêu gọi chính quyền sắp xếp cho các thiếu nữ gặp các nhà tư vấn và tâm lý để họ có thể hội nhập hoàn toàn với xã hội. Đức Cha cũng đề nghị chính quyền giữ kín danh tính của họ để họ có thể tìm được những người chồng tốt và kết hôn.
Đức Cha Felix Femi Ajakaye của Ekiti nói người Nigeria nên cám ơn Chúa về việc các thiếu nữ được thả và kêu gọi chính quyền giúp họ tái định cư. Ngài nói: “Người Nigeria phải cùng nhau chiến đấu chống lại sự ác và dã man trên quê hương chúng ta.”
Việc thả tự do cho 21 thiếu nữ vào ngày 13 tháng 10 vừa qua là một phần của thỏa thuận do Hội Hồng Thập Tự quốc tế và chính quyền Thụy sĩ và Nigeria môi giới.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp công khai một Giám mục Hoa lục
Ngày 5 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Cha Từ Hồng Căn và các tín hữu hành hương của Giáo phận Tô châu, thuộc tỉnh Giang châu, Trung quốc, trong buổi yết kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô. Hình ảnh về cuộc gặp này đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội giữa các tín hữu Công Giáo.
Đây là lần đầu tiên vị đứng đầu Giáo Hội gặp một Giám mục từ Hoa lục trong một sự kiện công khai.
Sự kiện này đã gặp những phản ứng khác nhau giữa các cộng đoàn Công Giáo hầm trú và công khai ở Trung quốc, vì những cuộc thương thuyết đang tiếp diễn giữa Vatican và đảng cộng sản lãnh đạo Trung quốc đang chia rẽ các tín hữu Công Giáo.
Giáo phận Tô châu được thành lập từ năm 1949, và hiện do Đức Cha Từ Hồng Căn, 54 tuổi, coi sóc từ năm 2005.
5. Do Thái bác bỏ giải pháp của Unesco về việc thăm viếng “Núi Đền” Giêrusalem
Ủy ban chấp hành Unesco đã thông qua một quyết định kêu gọi Israel khôi phục lại nguyên trạng lịch sử của “Núi Đền thờ” (xưa kia là đền thờ Giêrusalem, sau đó khi Hồi giáo chiếm Giêrusalem họ xây đền thờ Hồi giáo trên nền của đền thờ Giêrusalem) nơi có đền thờ Hồi giáo Al Aqsa. Quyết định được đưa ra trong phiên họp lần thứ 200 của Ủy ban chấp hành Unesco tại Paris ngày 13 tháng 10 vừa qua.
Trong quyết định được đoàn Palestine soạn thảo với sự cộng tác của đoàn Giordan có tên “Palestine bị chiếm đóng” có yêu cầu Israel, như là lực lượng chiếm đóng, cho phép phục hồi nguyên trạng lịch sử trước tháng 9 năm 2000. Theo hiện trạng đó, duy nhất Bộ tôn giáo Giordan có quyền trên núi Đền thờ, bao gồm việc duy trì, tái thiết và điều hành việc thăm viếng tiếp cận nơi này.
Văn bản của Unesco tố cáo bạo lực gia tăng của Israel và các biện pháp bất hợp pháp chống lại Sở tôn giáo của Giordan và nhân viên của họ, và cũng chống lại việc tự do thờ phượng và tự do đến Núi Đền thờ của các tín hữu Hồi giáo. Hơn nữa, nó cũng tố cáo việc tấn công liên tục đền thờ Hồi giáo Al Aqsa của các thành phần cực đoan Israel và cảnh sát.
Nỗ lực từ phía Giordan phù hợp với sự giám hộ của chế độ Hashemite đối với các nơi thánh – Hồi giáo và Kitô giáo – ở Giêrusalem.
Văn bản được Ủy ban chấp hành Unesco (với 58 quốc gia đại diện) đồng ý với 24 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 26 phiếu trắng. Hoa kỳ và Anh trong số các nước bỏ phiếu chống, còn Pháp và Tây ban nha bỏ phiếu trắng. Giải pháp sẽ phải được bỏ phiếu bởi Hội đồng chung của Unesco. Nhưng Israel đã có những phản ứng tiêu cực, khi xem giải quyết này là một cố gắng từ chối mối liên hệ lịch sử giữa dân Do thái và Núi Đền thờ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phê bình: “Với quyết định vô lý này, Unesco đánh mất tính hợp pháp của mình.” “Nếu họ không muốn đọc Kinh thánh, ít nhất hãy nhìn vào những gì được mô tả trên khải hoàn môn Titô ở Roma, và Menorah (chân đèn nhiều ngành của Do thái) mà người Roma đã lấy cắp từ đền thờ ở Giêrusalem. Ngay cả hoàng đế Titô cũng làm việc tuyên truyền?” “Phủ nhận mối liên hệ của Do thái với Núi Đền thờ thì giống như phủ nhận liên hệ của Trung quốc với Vạn lý trường thành hay liên hệ của người Ai cập với kim tự tháp.”
6. Bang Massachusetts ra lệnh cấm các Giáo Hội giảng về chuyển đổi giới tính
Bốn Giáo Hội và các vị chủ chăn đang chống lại một đạo luật của bang Massachusetts mà theo họ luật này có thể can thiệp vào việc giảng dạy của họ về giới tính.
Tháng 7 vừa qua, hội đồng lập pháp của Massachusetts bổ sung “giới tính” như một tầng lớp được bảo vệ bởi luật chống phân biệt đối xử. Ủy ban chống phân biệt đối xử và bà Maura Healey, Tổng chưởng lý bang Massachusetts đã diễn dịch luật này theo cách thế buộc các nhà thờ mở các phòng thay đồ, các nhà tắm, nhà vệ sinh cho một người dựa trên giới tính “được cảm nhận” chứ không theo giới tính sinh học. Mỗi vụ vi phạm sẽ bị phạt cho đến 50 ngàn mỹ kim, phạt tù 365 ngày và chịu án phí. Phát ngôn viên của bà tổng chưởng lý Maura Healey nói rằng luật này thuộc quyền công dân và “quan trọng đối với những người không được bảo vệ đầy đủ và bình đẳng theo pháp luật từ quá lâu rồi.”
Đơn kiện chống việc thi hành luật của các nhà thờ viết: “Các mục tử và các nhà thờ có còn tự do giảng dạy niềm tin tôn giáo của họ và dùng nhà thờ phượng của họ để suy tư và củng cố niềm tin của họ nữa không?”
Bốn Giáo Hội và các mục tử đã kiến nghị lên Tòa án Quận Massachusetts, miền Đông. Họ cũng đã đệ đơn kiện chống lại các quan chức bang Massachusetts. Đơn kiện viết tiếp: “Tu chính thứ nhất cấm chính phủ can thiệp vào các vấn đề của Giáo Hội như giảng dạy và điều hành. Tuy vậy các quan chức bang Massachusetts đã phớt lờ những giới hạn này và chen mình vào những gì các Giáo Hội dạy, tin, và cổ võ. Lo sợ tổn hại bởi án phạt tài chính và án tù, các nhà thờ ở Massachusetts và mục tử của họ buộc phải tìm kiếm sự bảo vệ tư pháp từ các quyền cơ bản trong tu chính hiến pháp đầu tiên.”
Nhóm luật Liên minh Bảo vệ Tự do nhân định rằng luật cấm chống sự phân biệt hay khích động phân biệt cũng tác động đến các việc giảng dạy của các nhà thờ và có thể khiến các nhà thờ và các mục tử phải im lặng nếu cái nhìn tôn giáo của họ về giới tính khác với luật pháp.
Ông Steve O’Ban, cố vấn của Liên minh nói: “Chính phủ không nên xen lấn vào các thực hành tôn giáo nội bộ của một nhà thờ. Cả ủy ban cũng như tổng chưởng lý không có quyền theo hiến pháp ra lệnh cho bất kỳ nhà thờ sử dụng cơ sở của mình như thế nào hoặc những tuyên bố công khai nào một nhà thờ có thể nói liên quan đến niềm tin tôn giáo sâu thẳm, chẳng hạn như về tình dục của con người.”
Luật bang Massachusetts đưa ra được áp dụng tại các nơi tiện ích công cộng. Tuy vậy, hướng dẫn của bang cho biết một nhà thờ có thể bị bao gồm trong định nghĩa đó nếu nó tổ chức một sự kiện đời, ví dụ như một bữa ăn tối spaghetti, và mở rộng cho công chúng. Theo đơn kiện, cơ quan lập pháp và ủy ban chống phân biệt đối xử đã không có những miễn trừ tôn giáo và cũng không xác định rõ những sự kiện nào nằm trong tiêu chuẩn của pháp luật.
Christiana Holcomb, một cố vấn luật của Liên minh bảo vệ tự do cũng nhận xét: “Mọi sự kiện được tổ chức ở một nhà thờ và trên cơ sở của nó thì có mục đích tôn giáo và chính phủ không có quyền vi phạm những bảo đảm tự do tôn giáo và ngôn luận được nói đến trong tu chính thứ nhất. Các nhân viên chính quyền không có quyền xác định hoạt động nào là tôn giáo hoạt động nào là không.”
7. Nghi thức đóng cửa Năm Thánh
Ngày 13 tháng Mười Một năm 2016, các cửa thánh tại tất cả các giáo phận trên toàn thế giới sẽ được đóng lại. Tại Rôma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, hôm 15 tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ba vị đặc sứ thay mặt ngài chủ sự nghi thức đóng Cửa Thánh của ba Ðại Vương cung thánh đường ở Roma vào ngày 13 tháng Mười Một năm 2016, đó là các vị Tổng quản của các Vương cung thánh đường này.
Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản giáo phận Roma, sẽ chủ sự nghi thức đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô. Ðức Hồng Y Santos Abril y Castello chủ sự nghi thức đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Ðức Bà Cả và Ðức Hồng Y James Michael Harvey chủ sự nghi thức đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Một tuần sau, vào lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng Mười Một năm 2016, Ðại lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc đóng Cửa Thánh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
8. Một tổ chức bác ái của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bị cáo buộc dự phần vào việc cổ vũ ngừa thai tại Congo
Một cáo buộc từ Cộng Hòa Congo đang gây đau buồn sâu xa cho anh chị em giáo dân Công Giáo tại Hoa Kỳ. Theo Christian Newswire, Catholic Relief Service (CRS), là tổ chức bác ái ở hải ngoại của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, bị cáo buộc là đã hợp tác trong việc phân phối các phương tiện tránh thai ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Viện Lepanto đã đưa ra một báo cáo nói rằng trong quan hệ đối tác với một dự án của chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2006 đến 2010, CRS “đã nhận, lưu trữ và phân phối hàng triệu phương tiện tránh thai như bao cao su, thuốc tránh thai, các thuốc tiêm tránh thai, các thiết bị đặt trong tử cung, và thậm chí cả các dụng cụ phẫu thuật.”
Michael Hichborn, Chủ tịch Viện Lepanto nói :”Các tác động của báo cáo này lẽ ra phải có những hậu quả sâu rộng đối với CRS. Nhưng trong sáu năm qua, CRS đã tìm cách né tránh không đối diện với các phát hiện về các hành vi không thích hợp của nó bằng cách nói với các giám mục và các tín hữu Công Giáo rằng nó ‘không bao giờ’ thúc đẩy việc phân phối hoặc tạo điều kiện cho việc phân phối các biện pháp tránh thai. Chúng tôi đã có bằng chứng rằng tuyên bố CRS là hoàn toàn không đúng sự thật.”
Báo cáo Lepanto được dựa trên các tài liệu của chính phủ, bao gồm các báo cáo về hàng tồn kho và các sách hướng dẫn. Các tài liệu cho thấy có một sự gia tăng lớn trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước châu Phi này.