Một… “Tuổi Thần Tiên” – Phần 2

 

Một…  “Tuổi Thần Tiên” – Phần 1

Một hôm, theo lời thầy dặn, tôi đến trường để lao động. Công việc của học sinh lớp 1 lúc đó chỉ là quét dọn sân trường. Tôi cũng hì hục tham gia với các bạn không quản ngại, tuy là việc khó đối với tôi. Nhưng thầy chủ nhiệm đã chạnh lòng thương hoàn cảnh của tôi. Hôm sau thầy tuyên bố trước lớp rằng tôi được miễn lao động. Tôi khù khờ quá về hỏi bố “miễn” là gì? Nghe bố giải thích tôi mới an lòng. Từ đó chẳng bao giờ tôi phải lo đi lao động nữa.

Những ngày tháng đi học đâu thuận thời tiết. Ngày nắng ráo ấm áp thì đỡ. Nhưng những ngày mưa dầm (mưa ngâu tháng bảy), đi học đối với tôi là cả một ngày lo lắng. Sẽ chẳng ai muốn chở tôi đến trường, đi bộ thì không thể, mà nghỉ học đối với tôi là “trọng tội”. Hôm nào trời mưa dầm dề tôi cũng khóc ti tỉ từ sáng vì lo buồn cho buổi học chiều. Cuối cùng thì chị gái cũng đưa tôi đi học. Nhưng đường trơn, bánh xe cứ bị trượt, ngồi đằng sau tôi cũng sợ huống chi người lái. Có hôm bị gia đình quyết định cho nghỉ học, tôi khóc thút thít cả buổi trưa. Mẹ thương quá đành trùm áo mưa cõng tôi đến trường dưới trời mưa tầm tã. Tới nơi đã vào giờ học, mẹ cởi áo mưa đặt tôi vào trong lớp, tôi ngượng quá trước thầy và bạn. Thầy giáo ngừng giảng để nói về cái sự hiếu học của tôi. Tôi mở vở viết mà mắt vẫn còn đỏ hoe vì khóc. Thật tội nghiệp cho cảnh đi học trời mưa của tôi. Chắc hồi đó tôi “trách trời” nhiều và sợ mưa lắm.

Có hôm trời mưa, dốc cổng trường trơn như đổ mỡ. Các bạn trong lớp đã về cả, chỉ còn mình tôi trong mưa. Tôi đành rón rén đi, tới chân dốc nhìn lên tôi sợ quá! Bên vệ cỏ không trơn nhưng lại dốc quá không thể leo, tôi đành bám tay vào vệ cỏ men theo và gò lưng để trèo. Lúc ấy không biết trông tôi ra sao nữa. Bỗng có tiếng cô giáo Lộc kêu từ xa: “Trời ơi! bạn nào cõng bạn với kẻo bạn bò lên dốc khổ quá!” Chẳng nhớ bạn nào đã ra tay giúp tôi lúc đó, chỉ biết rằng tôi quá xấu hổ vì để cô giáo phải can thiệp vào cái “kém bạn” của tôi. Nhiều cảnh đi học trời mưa dở khóc dở cười như vậy, tôi vẫn cố gắng để không nghỉ học trời mưa.

Tôi đi học bằng nhiều “phương tiện”. Ngày đó làng tôi chưa có xe máy. Khi đi chủ động hơn, bao giờ tôi cũng ngồi sau xe đạp. Nhưng lúc về không chủ động, tiện sao dùng nấy. Hôm nào gia đình đón đúng giờ thì may, chẳng kịp thì tôi đành đi bộ nhưng khó lắm. Tôi đếm hai trăm bước rồi nghỉ lấy sức, rồi xuống một trăm năm mươi, rồi một trăm là phải dừng. Vậy mà có lần cũng về tới nhà, nhưng chẳng biết phải nghỉ lấy sức bao nhiêu lần. Có lúc gặp bạn được bạn cõng về và rất biết ơn những bạn tốt đó. Có buổi đang đi bộ gặp bố đi làm về, bố cõng tôi về ngay. Ngồi trên lưng cao lênh khênh của bố thì sung sướng hết mệt, nhưng vẫn xấu hổ vì chẳng ai bị cõng như tôi.

Một hôm đi học về, tôi gắng leo hết con dốc cổng trường. Lên đê tôi gặp mấy thằng “đầu gấu” lớp khác, thấy kẻ tật nguyền chúng như vớ được trò đùa thích thú. Chọc ghẹo tôi rồi chúng hất chiếc nón của tôi lăn xuống tận bờ hồ dưới chân đê. Tôi quá mệt vì vừa leo dốc xong làm sao xuống đó nhặt lên, đành chịu mất và khóc thút thít về tận nhà, vì thấy mình hèn hạ đến thế là cùng.

Mang thân tật bệnh đến trường với bao gian truân, tôi luôn mặc cảm, ngượng ngùng trước thầy cô và học sinh toàn trường. Tôi lấy điều này làm đau khổ nhục nhã hơn những mệt nhọc, đau đớn khi bị ngã. Có lúc tôi quăng cặp sách nằm sõng xoài trước tiếng “ê” của học sinh. Các bạn nhìn tôi với nhiều ánh mắt: người thì xót thương, kẻ buồn cười, người tò mò được xem người lạ…

Bữa nọ đi học tới sân trường, tôi đứng nghỉ ở gốc cây cổ thụ trong sân. Chẳng biết ai trong đám đông xô phải tôi, làm tôi ngã đổ xô vào rổ trái cây của bà cụ bán hàng ở gốc cây, trái cây đổ sạch xuống đất. Thế là tôi bị bà mắng cho một trận và bắt đền sợ quá đi mất. May có cháu tôi chạy đến nhặt lại từng quả đền bà giúp tôi lúc đó. Tôi lúng túng hối hận và xin lỗi rối rít. Biết vậy nên tôi thường xa tránh đám đông, để khỏi phiền mọi người và tránh những cú ngã bất ngờ.

Các thầy cô chủ nhiệm luôn dành cho tôi sự ưu tiên riêng biệt. Tôi chẳng bao giờ phải xếp hàng vào lớp cũng như ra về. Giờ chào cờ cũng như thể dục giữa giờ, cả trường tập trung ngay ngắn ngoài sân trường, còn tôi chỉ việc giữ chức vụ “canh lớp”. Giờ thể dục của lớp cũng vậy, thầy trò ra bãi tập, tôi thui thủi một mình gác lớp vậy. Cảnh này thật buồn nhưng tôi buộc phải quen giới hạn của mình, vì tôi không thể làm gì nơi đám đông, cứ như vậy suốt những năm tháng tôi theo học ở trường.

(còn tiếp)

                                                                        Én Nhỏ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *