Một…  “Tuổi Thần Tiên”

 

Từ thuở còn thơ bé, tôi đã thấy mình bước đi rất khó. Và mãi cho đến hôm nay, chưa bao giờ tôi có được một bước chân lành lặn như mọi người. Theo lời mẹ cha, tôi ra đời bình thường như bao em bé khác: tôi cũng kháu khỉnh, cặp mắt sáng long lanh… chứ chẳng gầy còm ốm yếu gì. Nhưng đến thời trẻ biết đi, tôi vẫn chẳng tập đi được. Mãi tới hơn hai tuổi, tôi mới chập chững những bước đi đầu tiên khó khăn vất vả. Lúc ấy tôi chẳng thể biết gì. Bầu trời nhỏ của tôi xanh lắm, chắc nó cũng sung sướng khi thấy mình đứng dậy và “di chuyển” được. Nhưng còn bố mẹ, tôi không biết phút ấy đau khổ ngần nào. Giờ nghĩ lại tôi thấy thương bố mẹ vô cùng.

Nhìn bước đi của út cưng, không biết bố mẹ có phàn nàn trách phận không? Chồi non của mảnh vườn gia đình tôi lúc này là một cây non không chút hy vọng, nó vọ vẹo với lá non bị úa vàng. Những bước đi đầu tiên của năm anh chị em tôi trước đây làm cha mẹ sung sướng hạnh phúc bao nhiêu, mà ngày tập đi của tôi làm cả nhà buồn phiền thất vọng, lo lắng trăm phần. Ngày ấy đánh dấu và vén mở bức màn tương lai mờ mịt, khổ đau cho bố mẹ, anh chị và cho chính tôi là kẻ đón nhận mọi nỗi nguồn cơn.

Bố mẹ cũng đưa tôi đến bệnh viện để khám bệnh. Các bác sĩ nói rằng trên cơ thể tôi, toàn bộ các khớp xương bị lỏng (bệnh thưa xương), các sợi gân quá yếu làm tôi vận động khó khăn và tuyệt nhiên không thể chữa trị. Ôi bố mẹ tôi lúc đó thất vọng ngần nào? Nhưng tôi tin sau cơn đau khổ, khi bình tâm bố mẹ đã cúi đầu vâng theo ý Chúa để vác thánh giá nặng là “tôi” trong đời nhọc nhằn làm cha, vất vả làm mẹ của tình phụ mẫu.

Trong vòng tay cha, dòng sữa mẹ, tôi vẫn lớn dần lên trong hạnh phúc, mặc cho những lắc đầu của ai khi hay biết về tôi, đứa trẻ tật nguyền. Bầu trời của tôi ngày một cao rộng xanh trong hơn. Thời thơ bé tôi thấy tràn trề hạnh phúc, bởi tâm hồn thơ ngây của tôi chẳng bao giờ nhận thấy mình hèn hạ, kém cỏi hơn bao trẻ khác.

Khi được năm tuổi, tôi cũng đến trường mẫu giáo. Trường rất gần nhà tôi, chỉ cách một ngôi nhà trẻ trước vườn nhà, qua nhà trẻ là tới lớp học ngay nên việc đi học của tôi cũng dễ dàng. Cô giáo của tôi là cô Kim, cô thương yêu tôi lắm. Giờ ra chơi tôi chẳng thể chạy nhảy nô đùa hoặc chơi “rồng rồng cảm dế” như các bạn được mà chỉ quanh quẩn bên cô giáo. Giờ thể dục cô cho các bạn tập trong hàng ngay ngắn, còn tôi ngồi yên một xó xem cô hướng dẫn các bạn. Ngắm các bạn nhịp nhàng theo tiếng hô của cô, tôi thèm được đứng trong hàng ngũ ấy lắm, nhưng tôi làm sao vươn mình giữa sân được? Tôi đành làm “khán giả” giờ thể dục suốt cả năm.

Một hôm cô cho cả lớp đi thăm quan môi trường xung quanh ở khu  rau xanh của làng tôi cách lớp học gần một cây số. Tôi chẳng biết nơi đó ở đâu, chỉ nghĩ rằng nơi ấy xa lắm, ngoài bầu trời tầm mắt của tôi. Tôi ngơ ngác nhìn các bạn và tiếc buổi du lịch thích thú của trẻ em này. Đáng lẽ cô cho tôi nghỉ học về nhà cho sớm, nhưng thương “én nhỏ xa đàn”, cô bế tôi đi thăm quan luôn. Tôi thầm biết ơn cô và nhớ mãi.

Năm sau tôi vào lớp 1, ngày ấy gọi là lớp “vỡ lòng”. Giờ tôi mới thấy Chúa quan phòng thương tôi năm tháng ấy. Lớp học lại ở ngay phía sau nhà, chỉ cách có hàng rào ô dô xanh đen. Thế mà hôm nào tôi cũng lo đi học thật sớm khi chưa có bạn nào, rồi ngồi chờ tới giờ học. Cô giáo của tôi năm ấy là cô Chiều, cô cũng thương tôi nhiều lắm, chắc vì tôi kém may mắn nhưng chăm học hơn nhiều bạn khác.

Một lần sau khi chấm bài, cô ghi thêm vào vở của tôi: “Em D. học giỏi. Đề nghị gia đình khen thưởng cho em”. Tôi phấn khởi mang về mách bố mẹ ngay. Gia đình tôi chỉ khen bằng lời chứ chẳng có phần thưởng gì. Tôi biết cô động viên mình nhiều, vì cám cảnh một mầm non năng khiếu học tập mà lại là học sinh kém may mắn. Gần về cuối năm, cô luôn mời tôi lên đọc chuyện cho cả lớp cùng nghe, vì tôi đã đọc “trôi như cháo chảy”, mà nhiều bạn trong lớp còn chưa biết đọc. Tôi luôn được tuyên dương trước lớp, những lúc ấy tôi cảm thấy mình được yêu riêng, chứ chẳng nghĩ mình đáng được như vậy.

Qua năm học này là tới năm học đầu tiên ở trường phổ thông cách nhà tôi chừng một cây số. Tôi còn bé tí, chưa bao giờ đi qua ngôi trường ấy nên nghĩ nó quá xa và lạ lẫm đối với mình. Ngày đầu tiên đến trường, tôi lo lắng quá mà dại khờ không biết nhờ bố mẹ lo giúp. Cô giáo hẹn cả lớp tập trung ở lớp cũ gần nhà vào 2 giờ chiều và cô sẽ dẫn cả lớp đến trường. Tôi sang lớp thật sớm để đợi. Nhìn ngoài đê xa tôi thấy một cô giáo đang dẫn đoàn học sinh đến trường (đó là lớp khác). Tôi lầm tưởng cô giáo dẫn lớp mình đi rồi và hoảng sợ chạy về.

Trong tâm trạng như người bị “rớt xe”, tôi lấy hết sức mình để “chạy” tới trường cho kịp. Bà ngoại gọi mang nón, tôi chẳng thèm để ý và cứ một mạch lo đi. Chao ôi! Từ bé tôi chưa bao giờ phải đi bộ xa như thế. Nhìn phía trước tôi chẳng thấy đoàn học sinh lúc nãy. Tôi cố chạy như bị mất cái gì to lớn lắm. Sao trường xa thế! Tôi nghĩ và tiếp tục đi mãi, dồn hết sức mà không dám nghỉ cho đỡ mệt mỏi. Bỗng tôi gặp một cô trong làng, thấy tôi tất tưởi mệt nhọc quá, cô động lòng thương và bế tôi đến tận trường. Được bế trên tay tôi hơi xấu hổ nhưng thấy đỡ mệt nhọc bao nhiêu. Lúc đó tôi thấy cô thật là tốt bụng, như mẹ mình vậy. Tới trường một lát tôi mới thấy cô giáo dẫn lớp tôi đến. Thật tội nghiệp cho nỗi lo lắng không cần thiết của tôi. Nhưng “ngày đầu tiên đi học” đó làm tôi nhớ mãi không quên.

Từ khi bắt đầu học tại trường phổ thông cơ sở ấy, ngày lại ngày tôi được chị chở đến trường, khi chị bận việc tôi đi với bố. Ngày nào cũng “xe rước xe đưa” làm gia đình tôi vất vả bận rộn vì tôi nhiều. (Ngày ấy cả trường tự đi bộ, chỉ mình tôi là phải đưa đón). Sẽ chẳng bao giờ tôi đền đáp được ơn này, nhất là chị gái kế trên tôi. Từ ngày tôi đến trường phổ thông cho tới hết cấp II, ròng rã gần chục năm trời với biết bao hy sinh vất vả của chính tôi, của người thân gia đình, bạn bè giúp đỡ, biết bao gian khổ chỉ vì “cái chữ” của tôi. Ơn Chúa trào tràn trên tôi những năm tháng ấy. Tôi chẳng biết nhận ra ơn Ngài mà cám ơn chi cả, thật đắc tội.

(còn tiếp)

                                                                           Én Nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *