Sống sao cho đẹp lòng Chúa (23.07.2022 – Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gr 7,1-11 (năm chẵn), Xh 24,3-8 (năm lẻ), Mt 13,24-30

 

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 13,24-30)

24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28 Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29 Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

Sống sao cho đẹp lòng Chúa (23.07.2022)

Ghi nhớ:

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (Mt 13, 30).

Suy niệm:

Có một bài thơ của một tác giả vô danh mà Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Phi-luật-tân lấy làm ưng ý và thường trích dẫn trong các bài giảng cùa mình. Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi tôi sự kiêu hãnh của mình và Chúa trả lời:”Không”. Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời:”Không”. Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa lòng kiên nhẫn và Chúa đã trả lời:”Không”. Ngài nói rằng kiên nhẫn là trái của thử thách. Ngài không cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa được hạnh phúc và Chúa đã trả lời:”Không”. Ngài nói rằng Ngài ban ân sủng cho tôi còn hạnh phúc hay không là tuỳ thuộc vào tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần và Chúa đã trả lời:”Không”. Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi trổ sinh hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Chúa đã trả lời:”Không”. Ngài nói rằng đau khổ làm cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Cuối cùng tôi đã hỏi:”Như vậy, Lạy Chúa Ngài có yêu thương con không?”. Và Ngài đã trả lời rằng:”Có”. Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một. Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó tôi sẽ được lên Thiên Đàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài đã yêu thương tôi và Chúa nói:”Cuối cùng con đã xin đúng điều Ta chờ đợi”.

Nhìn lên Thập Giá Đức Ky-tô chúng ta được mời gọi để tin nhận rằng: Thiên Chúa đã yêu thương con người. Ngài đã yêu thương đến độ đã ban Con Một Ngài cho thế gian. Tình Yêu Thiên Chúa nhiệm màu thẳm sâu, đến nỗi sự thất bại , cái chết ô nhục đã trở thành Một Dấu Chứng.

Người xưa nói:”Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Nghĩa là; Khi sinh ra thì bản tính con người đều là tốt đẹp, nhưng trong quá trình phát triển, lớn lên vì ảnh hưởng bởi sách vở, phim ảnh không lành mạnh và các nết xấu của những người sống chung quanh nên cái xấu đã tiêm nhiễm vào tâm hồn để rồi đánh mất đi sự tốt đẹp vốn có của mình lúc tuổi thơ.

Theo Kinh Thánh thì Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người rất là tốt đẹp, nhưng ma quỷ ghen ghét loại người và muốn loài người cũng cùng chung số phận như chúng. Ma quỷ vì luôn chống phá lại Thiên Chúa nên nó đã hoá thân làm một con rắn để đến cám dỗ Eva cùng Adam và ông bà nguyên tổ đã sa ngã nghe theo lời xúi dục của nó mà ăn trái cấm!  Trái lệnh Thiên Chúa.

Trên thế giới cũng như trong xã hội hiện nay, hàng ngày, hàng giờ có biết bao tội ác xảy; nào là chiến tranh giết hại lẫn nhau, nào là cướp bóc hà hiếp người cô thân cô thế, nào là buôn bán ma tuy, thậm chí cả buôn bán cả con người… Những kẻ làm điều ác đều bị xã hội lên án và pháp luật trừng trị, thế nhưng dường như tất cả các nỗ lực để ngăn chặn những tội ác đều không mang lại kết quả gì! Tội ác vẫn cứ tồn tại. Những kẻ làm điều ác vẫn nhởn nhơ! Vì thế, có người đặt ra câu hỏi rằng:”Tại sao Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện. Ngài không bao giờ thoả thuận với tội lỗi, vậy tại sao Ngài không tiêu diệt hết những kẻ gian ác đi?”. Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi đó. Rõ ràng rằng Thiên Chúa không thích tội lỗi, Ngài chống lại tội lỗi nhưng Ngài lại không ghét tội nhân: Từ ngàn xưa. Ngài đã nói qua miệng ngôn sứ  ÊdêkielTa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, ăn năn để được sống”( Ed 18, 21). Chính bởi thế cho nên chúng ta thấy những kẻ tội lỗi vẫn thoải mái sống. Họ được như thế là do lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa vì Ngài vẫn để họ được sống vói hy vọng một ngày nào đó kẻ tội lỗi sẽ thay đổi lối sống, sám hối ăn năn mà trở về cùng Chúa. Chỉ đến khi kết thúc cuộc đời mà họ vẫn còn ngoan cố không chịu sám hối thì mới bị:”bó lại thành bó mà đột đi”, mà thôi.

Một người cha nếu tình thương ông dành cho con ít thì khi nó xúc phạm đến ông, lập tức ông sẽ nổi cơn thịnh nộ rồi đánh phạt hoặc từ bỏ nó ngay. Nhưng cũng với sự xúc phạm đó đến với một người cha vô cùng thương yêu con mình thì người cha ấy không đánh phạt mà chỉ khuyên dạy bảo ban và mong muốn rằng từ nay trở đi đừng tái phạm nữa. Như vậy có thể nói:”Tình yêu của Thiên Chúa sâu thẳm đến nỗi Ngài vẫn yêu thương con cái loài người dẫu rằng họ đã xúc phạm Người”. Cũng chính vì tình yêu đó nên Ngài đã mong muốn một cách mãnh liệt rằng những đứa con tội lỗi sẽ mau chóng ăn năn trở về cùng Ngài mà thôi.

Nhìn lại bản thân mình, chúng ta phải ngợi ca và biết ơn Thiên Chúa, vì có thể nói; chúng ta, kẻ ít người nhiều, trong cuộc đời của mình chúng ta đã lỗi phạm đến Chúa và đến anh em. Để đền đáp lại ân nghĩa đó của Thiên Chúa, chúng ta phải sống sao cho đúng ý Chúa; phải thi hành những điều Chúa truyền dậy. Đó là hết lòng thờ phượng Chúa và yêu thương mọi người như anh em.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, tình yêu Ngài dành cho chúng con thật là cao vời và thẳm sâu. Mặc dù chúng con chẳng đáng là gì và lại còn mang nhiều tội lỗi nữa. Chỉ có Ngài mới có thể đại lượng và kiên nhẫn trước sự phản bội của chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được một cách sâu sắc tình yêu của Ngài và  nhận ra thân phận hèn mọi, yếu đuối của mình để chúng con biết tin tưởng và ca ngợi tình thương của Chúa và luôn biết ăn năn trở với Ngài. Amen.

Sống Lời Chúa

Luôn ý thức cách sâu sắc rằng: Chúa rất yêu thương ta để rồi sống sao cho xứng đáng với tình yêu ấy.

Đaminh Trần Văn Chính.

Cơ hội… (24.07.2021)

Thời gian gần đây, Giáo hội Rô-ma có những biến cố gây xáo trộn đáng lo ngại cho sự hiệp nhất như:

Chuyện Con đường Đồng nghị của các giám mục ở Đức (2019) muốn cải tổ cơ cấu và đạo lý Giáo hội (dân chủ hóa quyền bính Giáo hội; cải tổ luân lý tính dục; cải tổ độc thân linh mục; cổ võ truyền chức cho nữ giới);

Chuyện phát hiện các nấm mộ tập thể của trẻ em da đỏ bản địa học tại các trường nội trú do các Dòng tu Công giáo từng đảm nhận ở Canada; qua đó quy cho Giáo hội đã từng gây tội ác “diệt chủng văn hóa”, phân biệt sắc tộc;

Tin mới nhất chỉ mới bốn, năm ngày, cảnh sát Ý vừ tóm cổ 6 vị hồng y “dỏm, giả mạo” lừa tiền nhiều người, có cả linh mục “thật” là nạn nhân của chư vị dỏm này;

Nhiều giáo chức phản ứng tiêu cực việc ĐTC Phan-xi-cô vừa ban hành Tự sắc Traditionis Custodes (Những người giữ gìn truyền thống); cho là ĐTC đã tái áp đặt các hạn chế lên việc cử hành thánh lễ La-tinh mà Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã nới lỏng năm 2007.

Dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy dường như những phản ứng như trên cộng với các biến cố đã xảy ra như vừa mới nói khiến nhiều con cái Chúa lo ngại một viễn tượng sụp đổ của Giáo hội Công Giáo Rô-ma; một quang cảnh u ám cỏ lùng đang phát triển đầy đồng lấn áp, cạnh tranh sức sống của cây lúa.

Thiên Chúa rất tốt lành, chắn chắn Người không tạo ra sự dữ, sự xáo trộn, tranh chấp. Nhưng có thể Thiên Chúa dùng những biến cố, những xáo trộn đó để thức tỉnh con người tìm lại niềm tin của mình. Hình ảnh lúa tốt và cỏ lùng hôm nay cho ta một cái nhìn tích cực hơn về những điều không may xảy ra trong cuộc đời. Thiên Chúa để cho cả hai cùng mọc lên, để ta thấy mình thật may mắn khi được làm lúa tốt, nhưng đồng thời cũng cho ta nhiều cơ hội để làm lại đời mình, cơ hội biến đổi trở nên lúa tốt nếu chẳng may đã từng là cỏ lùng.

Lạy Chúa, xin cho con được mời gọi để nhận ra thánh ý Ngài, để con biết canh tân chính bản thân mình mỗi ngày bằng cuộc sống hy sinh, từ bỏ những ý riêng của mình. Amen. 

CÁT BIỂN

Đợi chờ (28.07.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa, Người hằng chờ đợi chúng ta quay trở về. Quả thật, con người dễ dành bị sa ngã bởi vốn dĩ, chúng ta rất yếu đuối. Thế nhưng, Người vẫn luôn cho chúng ta cơ hội để sửa đổi, canh tân bản thân và trở về với Chúa là Cha nhân lành. Dẫu Người biết rằng chúng ta không dễ trở về nẻo chính đường ngay vì những thú vui chiều theo xác thịt, nhưng Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sửa đổi. Dù cho tỉ lệ ấy không hoàn toàn cao, Người vẫn mong rằng một ngày nào đó, những đứa con hoang đàng sẽ biết trở lại.

Đợi chờ thật sự không phải là điều dễ dàng mà ai cũng có thể làm được một cách thuận lợi. Dường như con người trong xã hội ngày nay khó có thể kiên nhẫn chờ đợi người khác. Nếu một người không đúng giờ, người chờ đợi ít nhiều cũng không vui, đôi khi họ còn không muốn nghe lời giải thích chân thành vì những sự cố không đáng có của người lỡ hẹn. Dù biết rằng xã hội khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau nhưng nhìn chung, người ta không dễ dàng thông cảm cho sự trễ nãi của người khác.

Thế nhưng, Thiên Chúa không phải con người nên việc Người làm chúng ta chẳng thể hiểu nổi. Người có thể chờ đợi một người con hoang đàng trở lại dù biết chắc rằng họ sẽ không thực hiện điều đó. Dù biết hết mọi sự, biết họ sẽ không trở lại nhưng người vẫn cho họ một cơ hội để sửa sai. Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi một ngày nào đó, những người vấp phạm sẽ ăn năn thống hối, đương nhiên, trong đó có cả chúng ta.

Đôi khi, chúng ta phải tự suy xét lại bản thân. Đều là con người, đều dễ phạm phải sai lầm nhưng dường như chúng ta khó có thể chấp nhận việc chờ đợi sự sửa đổi từ người khác. Lắm lúc chúng ta khép trái tim mình lại, không cho người khác cơ hội sửa đổi, khiến họ bất mãn và ngày càng lún sâu vào vũng lầy tội lỗi. Nếu tình trạng đó thực sự xảy ra ở mình thì chúng ta nên xem lại. Thiên Chúa là vua vũ trụ mà còn có thể kiên nhẫn chờ đợi hối nhân thì con người chúng ta là ai mà dám xét đoán anh em mình, dám lên án và từ bỏ họ?

Dù là người Kitô hữu, chúng ta vẫn chưa thật sự hoàn hảo, tâm hồn chúng ta vẫn còn yếu đuối, vẫn chưa biết cho anh em mình cơ hội để sửa sai. Chính vì thế, mỗi người trong chúng ta cần phải tự rèn luyện bản thân, siêng năng cầu nguyện để nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể mở lòng đóng nhận anh em mình.

Sinh ra trong xã hội vô thần, con người đề cao chủ nghĩa cá nhân và chú trọng vào đồng tiền trên hết mọi sự, chúng ta cần phải tỉnh thức kẻo chính chúng ta cũng bị cuốn theo vào vòng xoáy vật chất, vụ lợi mà quên mất những người anh em của chúng ta luôn đợi chờ mình cho họ một cơ hội để sửa sai. Dẫu biết rằng thực hiện điều đó là vô cùng khó khăn, đợi chờ rất khó khiến con người vui lòng nhưng chúng ta phải biết hy sinh, biết hạ thấp cái tôi của chính mình để có thể đón nhận sự yếu đuối của người khác.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng chúng con còn yếu đuối, chưa thể kiên nhẫn đợi chờ anh em mình sửa đổi như chính Ngài đã làm. Thế nhưng, chúng con tin chắc rằng, nếu có sự giúp sức của Ngài, chúng con sẽ có thể thực hiện điều đó. Đồng thời, chính sự chờ đợi ấy sẽ giúp chúng con trở nên tốt đẹp hơn trong con mắt của người đời, giúp họ dễ dàng tin tưởng vào Ngài và Giáo hội của Ngài, từ đó, con người biết tin tưởng và đi theo Ngài mỗi ngày một nhiều hơn. Amen.

Petrus Sơn

Cỏ lùng: điều gian ác và đau khổ (23.07.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta một dụ ngôn Đức Giêsu đã dùng để trình bày những nét đặc trưng của Nước Trời mà Người đã dùng cả cuộc đời và chính mạng sống của Người (chịu đau khổ và hy sinh chết trên thập giá) để loan báo và kêu gọi nhân loại nhận biết, đón nhận.

Khi bắt đầu công khai thi hành sứ vụ của Đấng Mê-si-a, Đức Giêsu đã mạnh mẽ loan báo: Nước Trời đã gần đến, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mt 4, 12-17. 23-25); như vậy Nước Trời là một thực tại thiêng liêng nhưng hiện diện ngay giữa trần thế và những ai muốn gia nhập thì phải sám hối và chấp nhận biến đổi đời sống theo Tin Mừng là chính các giáo huấn của Người. Thánh Phao-lô cũng đã giải thích trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17).

Để giúp cho dân chúng nhận ra hạnh phúc mà họ đáng được hưởng, Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh giữa đời thường để nói về Nước Trời; trình thuật hôm nay dùng hình ảnh một ruộng lúa để diễn tả: một mảnh đất phì nhiêu, mầu mỡ; người chủ ruộng gieo vào đó những hạt lúa giống tốt lành và ước mong cây lúa sẽ mọc lên, đơm bông kết hạt; cây sẽ cho ba mươi, sáu mươi hay nhiều hơn: một trăm hạt lúa khác chắc mẩy, chất lượng, thơm ngon. Nhưng trong khi đêm về, ông đang ghỉ ngơi thì kẻ xấu đã gieo vào ruộng của ông thứ cỏ lùng vừa làm hại đất ruộng vừa lấn lướt làm cho cây lúa không phát triển và đơm bông kết hạt được.

Trước sự thể xảy ra, những người đầy tớ nhiệt thành, tốt bụng của ông cảm thấy khó chịu và muốn nhổ cỏ lùng ngay để loại ra khỏi ruộng; nhưng thật bất ngờ khi ông chủ ruộng trả lời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt…bấy giờ thợ gặt sẽ gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi; còn lúa thì thu vào kho lẫm”, sở dĩ ông chủ không muốn loại trừ cỏ lùng ngay là vì không muốn làm ảnh hưởng ảnh hưởng đến cây lúa (khi nhổ cỏ sẽ làm bật luôn rễ cây lúa)

Hình ảnh ruộng lúa là Hội thánh người sẽ thiết lập, là xã hội loài người và cụ thể hơn là tâm hồn mỗi người chúng ta; ở đó, Thiên Chúa đã gieo vào hạt giống tốt là Lời của Ngài để trao ban cho mọi người niềm vui và hy vọng. Nhưng kẻ thù của Ngài là ma quỷ đã lén gieo vào trong ruộng thứ cỏ lùng độc hại là sự kiêu căng, ích kỷ và lòng thù hận, khiến cho nên nơi cá nhân mỗi người hay một tập thể, đồng thời hiện diện cả những đức tính tốt lành và những thói hư tật xấu, cả sự thiện và cái ác. Sự thiện hảo và điều ác, điều xấu luôn đan xen, muốn lấn lướt nhau; những người đạo đức thì muốn “nhổ cỏ tận gốc” bởi chúng chỉ đem lại khổ đau, mà không nhận ra rằng chính mình cũng là tác nhân của sự đau khổ nơi bản thân và nơi những người xung quanh bởi tính ích kỷ, kiêu căng.

Thái độ của ông chủ ruộng trong trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy sự độ lượng, khoan giãn của ông trước những tác hại của cỏ lùng, ông tin với sự quan tâm chăm sóc của ông và các đầy tớ, những cây lúa có thể phát triển tốt mà không bị ảnh hưởng bởi những cây cỏ lùng ở bên cạnh, đồng thời những cỏ lùng có thể được hóa giải, biến đổi chăng?. Lúa và cỏ lùng cùng hiện diện, sự thiện và điều ác luôn tồn tại, do đó cần sáng suốt để nhận định đúng giá trị của sự thiện, sự ác và có chọn lựa đúng trong hành động của mình; hơn nữa, sự ác và đau khổ giúp ta nhận ra sự cần thiết và ích lợi của điều thiện hảo, và những kinh nghiệm về hậu quả của sự thiện và sự ác sẽ giúp mỗi người chúng ta cảm thấy cần phải xa tránh điều ác và gắn bó với điều thiện hơn.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

  • Đặt trọn niềm tin nơi chủ ruộng là Thiên Chúa, Đấng hằng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tôi khỏi ảnh hưởng bởi những cỏ lùng, những điều gian tà trong cuộc sống trần thế này.
  • Nỗ lực vươn lên bằng sức mạnh thiêng liêng là những ân sủng Đức Giêsu đã trao ban qua các bí tích và kinh nguyện.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra giá trị đích thực của sự dữ cũng như những đau khổ trong cuộc sống hằng ngày; để nhờ đó con vui lòng đón nhận và sinh ích lợi cho đời sống thiêng liêng của con.

SỐNG TIN MỪNG

Nỗ lực sống thánh giữa đời: Tránh xa những điều gian ác và tích cực làm điều thiện cho anh em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *