Theo lời mời gọi của một đứa bạn, nó tham gia vào giới trẻ huynh đoàn. Ngày đầu tiên đi học đúng vào ngày huynh đoàn phát động phong trào nuôi heo, mỗi người được tặng một con heo đất. Đang thắc mắc không hiểu chuyện gì thì anh phụ trách nói :như anh đã thông báo tuần trước mỗi người sẽ đem một con heo về nhà nuôi để gây quỹ giúp người nghèo. Đành rằng chúng ta có thể đi xin mạnh thường quân mấy chục triệu không thành vấn đề nhưng thiết nghĩ anh chị em biết tiết kiệm phần chi tiêu của chính cá nhân mình để đóng góp một chút dù nhỏ thì việc bác ái của chúng ta có giá trị hơn rất nhiều….
Cầm con heo về, nó cũng chẳng bận tâm cho lắm vì theo nó nhu cầu của mình là trên hết, hơi đâu mà nghĩ đến người dưng. Là con trai độc nhất trong nhà nên bố mẹ cưng chiều hết mực, mỗi tháng mẹ cho một triệu tiêu vặt. Ngoài giờ đi học, cuối tuần nó hay tụ tập bạn bè đi ăn uống, cùng nhau chém gió vui biết bao nhiêu. Bây giờ phải bớt đi thay vì uống trà sữa thì uống trà chanh chẳng còn gì là thú vị. Nghĩ thế nhưng nó vẫn nhét tiền vào heo, mấy đồng tiền lẻ để nhiều chật bóp, bỏ vào cho nó có phong trào .
Trước mỗi chuyến đi từ thiện, Giới Trẻ Huynh Đoàn tổ chức ngày hội mở heo. Mỗi con heo được dâng lên Chúa một cách trang trọng sau đó lần lượt đập ra. Số tiền anh chị em đóng góp cộng với tiền xin mạnh thường quân cũng được kha khá, mọi người dùng nó mua những nhu yếu phẩm cần thiết đem đến trao tặng người nghèo vùng xâu vùng xa.
Lần đầu tiên đi làm từ thiện nó thật sự sốc khi thấy những cảnh tượng bày ra trước mắt. Những căn nhà thấp tối tăm được lắp ghép bởi những miếng tôn, miếng bạt cũ tưởng chừng như một cơn gió mạnh cũng có thể thổi tung. Đi vào phía trong trên nền nhà đất, nó thấy một cái nồi méo mó, đen đủi vung bám đầy tro đặt trên mấy hòn đá kê làm bếp, mở ra thì toàn là rau rừng, củ sắn và hình như có một con nhái trắng hếu nằm trong đó. Không thể tưởng tượng được trên thế gian này vẫn còn có những người sống nghèo khổ như thế.
Đang mải mê khám phá thì nghe thấy tiếng động, ngước mắt nhìn nó thấy một đứa bé đen nhẻm với bộ quần áo nhầu nhĩ, lấm lem bẽn lẽn nép sau cánh cửa (gọi là cánh cửa chứ thật ra cửa nào có cánh, nhà trống huơ trống hoác có gì đâu mà lấy). Nó đưa tay vẫy nhưng đứa trẻ chẳng giám đến gần người lạ như thể sợ làm bẩn bộ quần áo đắt tiền của nó. Lần đầu tiên trong cuộc đời nó cảm thấy thứ mình đang mặc trên người sao mà kệch cỡm đến thế.
Nó quay mặt bước đi như trốn chạy, cảm thấy mình lạc lõng giữa vùng đất này. Dừng lại trước khoảng đất trống, cạnh nhà một thiếu phụ địu con sau lưng, tay cầm cuốc dơ lên rồi bổ mạnh xuống, đôi chân trần của chị đạp lên sỏi đá mà cứ tỉnh như không. Thấy nó đứng tần ngần ở đó,một cụ già đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, giọng lơ lớ cất tiếng gọi : này, lại đây uống nước vừa nói ông vừa cầm cái bát mẻ xục vào lu nước bên cạnh múc nước đưa cho nó. Đưa tay đỡ lấy cái chén, con bọ gậy vẫn còn ngoe nguẩy trong đó, nó nhìn mà không giám uống vội lấy câu chuyện để khỏa lấp: Ông ơi, ở đây dân sống chủ yếu bằng nghề gì vậy? .
Vừa châm điếu thuốc rê ông vừa nói: chủ yếu là làm rẫy, ai không có rẫy thì làm thuê làm mướn, ngày được có 30.000 nhưng không phải lúc nào cũng có việc … . 30.000 chỉ đủ để nó mua một ly kem nhưng là lẽ sống của cả một gia đình. Nó chợt nhận ra từ trước đến giờ mình cứ vô tư nhận tiền của bố mẹ tiêu sài một cách lãng phí trong khi có rất nhiều người đang phải vật lộn với cái ăn cái mặc hằng ngày, lòng nó thấy hổ thẹn vô cùng.
Sau chuyến đi bác ái về, mẹ thấy nó thay đổi hẳn, ngày nào cũng cho heo ăn . Hồi trước cứ mỗi lần ngó vào mâm cơm, thấy không vừa miệng là nó xách xe đi ăn tiệm, bây giờ ngon dở gì cũng ăn hết, mẹ nó ngạc nhiên hỏi : ủa, sao mọi khi mẹ thấy con có thích ăn món này đâu? Nó tỉnh bơ đáp : có cái ăn là tốt rồi mẹ ạ. Lúc đó nó nhớ đến nồi cơm thập cẩm ở vùng cao. Hình ảnh người mẹ vừa địu con vừa cuốc đất khiến nó liên tưởng đến mẹ mình cũng phải mang nặng đẻ đau nuôi mình khôn lớn nên thấy mẹ bê đồ nặng, nó mau mắn ra đỡ,điều mà trước đây chẳng bao giờ làm vì nó nghĩ đấy là chuyện của mẹ, không phải của nó.
Bây giờ thay vì chọn những quán sang mà vào cho xứng với đẳng cấp soái ca mà bạn bè vẫn xưng tụng, nó chọn những quán cóc ven đường để bớt chi phí vì nó nhận thức rằng soái ca không phải là đến những nơi sang trọng, mặc đồ hiệu đắt tiền mà trước hết phải sống làm sao cho xứng đáng là một con người. Thấy nó biết quan tâm đến gia đình, sống có trách nhiệm hơn, bố cười vỗ vai nó bảo: cu Tuấn nhà mình kỳ này người lớn hẳn ra.
Nghe bố khen trong lòng nó vừa thấy tự hào vừa xấu hổ vì bố chỉ thấy bề nổi mà không thấy bề chìm . Chẳng là hôm vừa rồi do ham vui sài tiền hơi quá tay nên ngân quỹ cạn kiệt, vừa lúc thằng bạn dủ đi vi vu ,bí quá nó lấy con heo ra moi ruột. Chuyện không có gì nếu như vừa cầm miếng bò bit tết thơm phức định đưa lên miệng thì một đứa bé cầm ca đến trước mặt xin tiền khiến nó thấy miếng thịt bò chẳng ngon lành gì nữa. Đứa bé xin ăn làm nó nhớ đến đứa bé vùng cao mà thấy xấu hổ với hành động moi heo của mình, khi nó bớt xén tiền nuôi heo đồng nghĩa với việc bữa cơm của ai đó mà nó đến thăm trong chuyến đi bác ái sắp tới sẽ ít hơn.
Có thể hành động đó không nói ra cũng chẳng ai biết nhưng làm sao nó có thể dối gạt được chính mình. Bước chân vào nhà thấy mặt nó buồn so, bà gặng hỏi : đi chơi về phải vui chứ sao lại buồn? , nó thú thật với bà việc làm không hay ấy, bà nó ôn tồn khuyên nhủ : con ạ, tập Làm người tốt bao giờ cũng khó khăn nhưng muốn làm người tốt thì phải luôn cố gắng . Từ đó nó chẳng bao giờ giám moi heo nữa.
Thời gian thấm thoát trôi qua,ngày mai lại là ngày hội mở heo. Nó cầm con heo lên lắc thử, không có tiếng kêu lọc xọc chứng tỏ con heo đã đầy. Nó ôm chặt con heo vào lòng như sợ ai lấy mất rồi nghĩ đến hình ảnh đứa bé vùng cao mắt sáng long lanh tiến lại gần nhận từ tay nó chiếc bánh Choco pie béo ngậy, hai đứa chơi trò đuổi bắt trên thửa đất của người mẹ địu con năm trước. Người phụ nữ khẽ mỉm cười nhìn xuống đất, nơi đôi chân trần của chị nay đã có dép để mang… Chỉ nghĩ đến đấy thôi lòng nó ngập tràn hạnh phúc, ngước mắt nhìn lên tượng Chúa khẽ thì thầm: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con những đồng tiền tiền này. Xin cho con biết sử dụng những hồng ân Chúa ban để phục vụ tha nhân. Amen.
Kim ( Kẻ Sặt. )