Tối nay, sau giờ học giáo lý hôn nhân, Na dắt xe ra cổng nhà thờ, vừa leo lên xe, thì cô bạn thân là Hiên đến bên thì thầm: “Mày định cho thằng Dương leo cây đấy à! Tao thấy chàng vẫn đứng ở góc sân, nơi hai đứa thường chờ nhau mỗi khi tan lớp để cùng về, nó lặng lẽ nhìn theo mày, nét mặt buồn như đưa đám”. Na vừa cho xe chạy chầm chậm vừa buông lời ra vẻ bất cần đời: “ Ô hay! hắn vui hay buồn thì liên quan gì đến tao, từ giờ trở đi tao và hắn đôi ngả chia ly, đường hắn hắn đi, đường tao tao bước, khỏi đụng chạm, thôi! tao về đây”. Nói xong, Na lao vút đi, Hiên nhìn theo lắc đầu: “Lại gì nữa đây, sao mấy người yêu nhau hay dở chứng bất thường vậy à”.
Na và Dương cùng sinh ra và lớn lên bên lũy tre xanh, thủa còn thơ thường rủ nhau đi chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, rồi cùng học chung trường. Năm tháng trôi đi, tình cảm cả hai dành cho nhau càng khăng khít, rồi tình yêu đến từ khi nào Na và Dương cũng chẳng biết nữa, chỉ thấy mỗi ngày nếu không được gặp nhau, không được tâm sự với nhau, thì thời gian dài như vô tận. Vì vậy, lúc nào Dương cũng nghêu ngao: “Em ơi! suốt đêm thao thức vì em…” bạn bè thường gọi Dương là: “Chàng thao thức”. Mỗi khi nghe như vậy, Dương không chỉ cười vui vẻ mà còn khẳng định: “Có lẽ sau này, khi tớ và Na đã kết hôn rồi, tớ vẫn còn thao thức, vì Na luôn là khát khao của đời tớ”. Nghe Dương nói vậy, Na hạnh phúc vô cùng, vậy mà…
Hôm qua, trong khi đến một hiệu dược trong bệnh viện để mua thuốc cho mẹ, Na vô tình nhìn thấy Dương đang dìu một cô gái chạc tuổi Na từ phòng siêu âm đi ra. Na kín đáo theo dõi, thấy Dương ân cần chăm sóc cô gái, từ muỗng cháo đến thuốc uống, từ cách đỡ cô gái nằm xuống, đến cử chỉ nhẹ nhàng đắp chăn dỗ dành giấc ngủ. Quãng đường từ bệnh viện về nhà, Na thấy mình chơi vơi như người say sóng, cảnh vật, con người cứ lướt qua trước mắt Na mờ mờ ảo ảo. Về đến nhà, Na lao vào phòng đóng kín cửa, gục ngã trên giường khóc tức tưởi, chẳng lẽ tình là dây oan, tình là dang dở, như người đời thường nói hay sao? Ngày Na và Dương mới yêu nhau, lũ bạn thường trêu, này: “Yêu là chết ở trong lòng một tí” đấy nhé! Một tí thôi sao? Thì cứ để đến lúc… “chết” xem như thế nào? Đến hôm nay thì Na thực sự đã chết ở trong lòng, nhưng không phải là một tí, nếu một tí như ngày mẹ đau ruột thừa, phải phẫu thuật bỏ đi, thì Na sẵn sàng chết…nhiều tí, để không phải nhìn thấy cảnh Dương bên… “người ta”.
Tối hôm đó, Na đến lớp với gương mặt bơ phờ, đôi mắt sưng đỏ, thấy vậy, bạn bè vây quanh hỏi xem đã sảy ra việc gì, Na chỉ buồn bã lắc đầu. Trống vào lớp đã vang lên, vẫn không thấy Dương đâu, lời thầy giảng cứ trôi đi trong nỗi lòng khắc khoải, trống rỗng, tủi hờn. Thỉnh thoảng Na lại len lén nhìn xuống nơi góc bàn quen thuộc mọi ngày Dương vẫn ngồi, chỉ thấy một khoảng trống lạnh lẽo cô đơn. Còn đâu cái nháy mắt tinh nghịch pha lẫn yêu thương, Dương dành tặng cho Na mỗi lần bắt gặp ánh mắt nàng chéo xuống. Một đêm nữa lại trôi đi trong nước mắt nhạt nhòa, cùng bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu viễn cảnh mà Na tưởng tượng về Dương và người ấy.
Tối hôm sau, vừa đến cổng nhà thờ, Na đã thấy Dương đứng đợi, dáng vẻ bồn chồn. Trông thấy Na, Dương vội chạy đến định đỡ xe, dắt vào nơi để như mọi ngày, nhưng Na đã nhấn ga cho xe vọt qua, trước sự ngỡ ngàng của Dương. Thấy Dương thất thểu bước vào lớp, vẻ mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng, thằng Trung vội vàng sán lại:
“Mày và cái Na chiến tranh lạnh đấy à, hôm qua mày biến đi đâu mà không đi học, còn cái Na nữa, cứ lầm lầm lì lì, ai hỏi gì cũng không nói, nước mắt thì ngắn dài. Thôi! có gì thì khai mau, để bọn tao còn… còn sử lí”. Dương ngạc nhiên: “Cái thằng này, mày chơi với tao từ thủa còn tè dầm, mà còn không biết tính tao sao? Tình cảm tao dành cho Na vẫn vẹn nguyên như ngày nào và chắc chắn sẽ là mãi mãi. Nhưng tao cũng đang tự hỏi: Tại sao Na lại như vậy? Còn sở dĩ hôm qua tao không đi học là vì cái Lan, con gái của Dì tao bị bệnh hiểm nghèo, đang điều trị tại bệnh viện thị xã. Dì lấy chồng xa, chồng Dì đã qua đời vì tai nạn giao thông, bản thân Dì cũng không được khỏe, các em còn nhỏ dại. Ngày hôm qua Lan đau quá, được hàng xóm đưa giúp tới bệnh viện, Dì gọi điện nhờ tao trông Lan đỡ Dì, đêm qua tao phải thức trắng mệt quá. Hôm nay Dì đã thu xếp tới chăm sóc Lan, nên tao được về, nhưng chưa kịp vui hội ngộ thì nàng đã cho tao nếm mật đắng, chẳng hiểu sao nữa…”. Dương chưa nói xong, thằng Trung đã vỗ đùi đen đét: “Thôi đúng rồi! Nàng hiểu lầm mày với cái Lan, nên đang ghen”.
Dương ngập ngừng: “Nhưng… làm sao Na biết được tao chăm Lan ở bệnh viện”, Trung ra vẻ hiểu biết: “Ngu ơi! Khi yêu, đám “ve chai” bọn mình đầu óc cứ mụ mị hết cả, còn mấy mụ… “đàn tỳ bà” chúng nó thính lắm, thôi! Hãy gặp nàng và giải thích cho rõ ràng đi”. Dương bảo Trung: “ Tan học, mày đi cùng tao đến nhà Na nhé! Vì chắc gì Na đã cho tao gặp mặt”. Trung chắp hai tay vái Dương: “Bạn tốt của tao ơi! Lúc mày ríu rít bên nàng, mày đâu có nhìn thấy tao thui thủi, lẽo đẽo theo sau chờ mày đưa nàng về đến nhà. Xong rồi leo lên ngồi sau xe tao, miệng huýt sáo vang như sắp được thăng quan tiến chức, chẳng màng chi tới thằng… xe ôm không công này, bây giờ gặp khó khăn lại…phong tao làm quân sư. Mà thôi, hết giờ lên xe tao chở đi luôn, kẻo nhìn mãi cái bản mặt ỉu như bánh đa ngâm nước của mày, tao chán lắm rồi”.
Đến nơi, Trung lên tiếng gọi, Na đi ra mở cổng, vừa nhìn thấy Dương, Na vội đóng cổng lại và nói với ra: “Anh còn đến đây để làm gì, chắc định diễn vở kịch: Bắt cá hai tay, cho tôi xem hay sao? Xin cảm ơn! tôi đã xem chán rồi, thật đúng là trơ như đá mài. Mời anh đi nơi khác chào hàng, vì…dao nhà tôi không đến nỗi…cùn, nên chẳng phải nhờ đến anh”. Trung giãy nảy: “Na, Na ơi! Oan cho thằng Dương lắm, cô gái ở bệnh viện là Lan, con gái của Dì thằng Dương đó”, không có tiếng trả lời, chỉ nghe thấy tiếng khóc thút thít phía sau cánh cổng. Dương gọi nhỏ: “ Na ơi! Mở cổng cho anh vào, hai ngày không được tâm sự cùng em, anh tưởng như ngàn ngày trong ngục tù, đừng giam hãm anh thêm nữa em à!” Cánh cổng hé mở…
Dương và Na cứ lặng lẽ bên nhau, vì con tim đã nói hộ tất cả. Đêm về khuya, sương rón rén lén rụng trên mái tóc hai người, Na bảo Dương: “ Thôi! Anh về đi kẻo khuya, tối mai đi học giáo lý mình lại gặp nhau”, Dương tinh nghịch đưa tay ngang trán chào theo kiểu nhà binh: “Tuân lệnh bà, thảo dân xin cáo lui”. Trước khi bước ra khỏi cánh cổng, Dương vừa bịn dịn nắm tay Na vừa khe khẽ cất lên bài ca muôn thủa: “Em ơi! Suốt đêm thao thức vì em, vì lời giã từ lúc anh ra về, cầu mong sao duyên đẹp đôi , ước nguyện trọn một đời là mình luôn luôn có đôi”. Na đưa tay nhéo yêu một cái và nói: “ Thôi đi ông tướng, đừng có dẻo miệng, léng phéng là tôi cấm vận liền đó”. Cánh cổng khép lại, lúc này Dương mới sực nhớ và kêu lên: “ Thôi chết, thằng Trung đâu rồi! Từ lúc được gặp Na, mình quên rằng nó đang chờ mình ở ngoài cổng. Đúng là khi yêu, đầu óc mình mụ mị chẳng còn nhớ đến ai ngoài Na, giờ thì đành cuốc bộ về vậy”. Đi được vài chục mét, thấy Trung đang ngồi vắt vẻo trên xe đợi mình, Dương đến bên Trung giọng đầy xúc động: “Xin lỗi nhé, sao mày không về trước đi, mà đợi tao tới tận giờ này”. Trung tỉnh bơ: “ Về thế nào được, tao còn phải đợi để bốp vào mặt đứa nào cứ ở bên gái là quên hết bạn bè”. Dương hì hì chống chế: “Ừ thì trước khi bốp tao, mày hãy yêu đi đã, rồi sẽ biết”. Như chỉ chờ có thế, Trung “vào đề” ngay: “Mày giới thiệu cái Lan cho tao nhé! Đảm bảo là tao sẽ đem lại hạnh phúc cho Lan”. Dương láu cá: “Được thôi! Nhưng việc đầu tiên là bây giờ…chú hãy đưa…anh về, sau đó anh sẽ xem xét mà chấm điểm thay em gái của anh”. Cả hai cùng cười vui vẻ trên con đường làng bát ngát ánh trăng, tình yêu thật tuyệt vời, nó xoa dịu, băng bó bao trái tim tan nát và sưởi ấm những cõi lòng cô đơn.
Mờ-inh