Tình yêu là gì?

Hỏi thế gian tình yêu là gì

Mà đôi lứa thề nguyền sống chết

Nam bắc đôi phương rồi ly biệt

Mưa dầm nắng dãi hai ngả quan san…

Những ai đã đọc qua tác phẩm Thần điêu đại hiệp của Kim Dung ắt hẳn không thể nào quên được bài ca não nùng ai oán trên trước khi Lý Mạc Sầu gieo mình vào biển lửa để kết thúc một mối hận tình. Tình yêu là gì mà làm cho bà ta phải ôm hận thẳm sâu như thế? Romeo và Juliet vì sao phải chết bên nhau và vì bởi nguyên nhân nào mà bản tình ca My heart will go on lại trở nên bất hủ?

Ôi tình yêu, chủ đề muôn thuở của nhân loại. Thế nhan qua thời gian sung sướng yêu đương hay đau khổ thất tình đã sinh ra khá nhiều định nghĩa về tình yêu. Tuy các định nghĩa này có thể thành công trong việc biểu đạt cảm xúc, nhưng thất bại trong việc giúp cho người ta hiểu được tình yêu là gì và đâu là nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của nó.

1. Tình yêu thực sự là gì?

Tình yêu con người vẫn luôn là một mầu nhiệm. Người ta muốn tìm một sự độc lập của riêng mình nhưng đồng thời lại không thể ở đơn độc một mình. Ta kết hợp với tha nhân đồng thời tìm kiếm cái gì đó không có ở nơi ta. Mọi tình yêu phàm nhân đều luôn đòi hỏi một cái gì đó hơn nữa, hướng đến một cái điều gì vô biên, da diết đến nỗi, quả thực là, nếu thiếu mối quan hệ này thì ta luôn cảm thấy là bị phụ bạc và bất công. Những biểu lộ của tình yêu phàm nhân về những khát vọng này khi ấy sẽ không bao giờ đầy đủ và để lại trong tâm hồn ta một dư âm của sự không thỏa mãn, một nỗi bất an day dứt khôn nguôi.

Cuộc sống hôn nhân, trong viễn ảnh này, trở thành cuộc truy tìm không ngừng một quan hệ tròn đầy hơn, một diễn tả trọn vẹn hơn chính căn tính của mình sống và hiến dâng cho người bạn đời. Có thể nghĩ rằng chính yếu tố này, vốn có mặt trong lịch sử của mỗi người, là dấu chỉ của sự hiện diện một Đấng Khác và cho thấy một nguồn mạch khác của khát vọng yêu đương của con người mà ta cần tìm kiếm ở ngoài biên giới thời gian và không gian của lịch sử nhân loại. Tình yêu trao hiến và nhận lãnh có thể dẫn ta đến chỗ khám phá hoàn cảnh thụ tạo của mình, nhận biết mình còn được nối kết với các nguồn suối khác ngoài sự sống sinh vật này. Như thế, tình yêu phàm nhân có thể là một tiếng gọi mầu nhiệm hướng đến đấng siêu việt, đi vào tương quan với Thiên Chúa.

Bởi thế, mọi tình yêu phàm nhân luôn có một khía cạnh tôn giáo và mở ra quan hệ với Thiên Chúa: vì tình yêu đó dẫn con người đến trên những dấu tích thần linh hiện ra từ khung cảnh cuộc sống quen thuộc hằng ngày. Đàng khác, mạc khải Kitô giáo đáp ứng yêu sách về sự siêu việt trong tình yêu bằng cách dẫn lối cho ta đến trước mầu nhiệm một vị Thiên Chúa tìm kiếm và yêu thương thụ tạo của mình vô hạn, một vị Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót và chia sẻ với con người.

Nếu mỗi đôi bạn đọc lại lịch sử của chính cuộc hạnh ngộ của mình, của mối tình hòa hợp được thắp lên vào lúc không ngờ để rồi lớn lên và chín dần đến mức hai người quyết định kết hôn với nhau tạo lập một gia đình, họ sẽ khám phá ra một chuỗi dài những ngày tháng thường cũng đơn sơ và có vẻ bình thường. Thế nhưng, chính những bước đi “nhỏ bé” ấy tỏ lộ một dự phóng, một kế hoạch, một ý định đã có trước hai con người yêu nhau và sắp xếp để họ đi tới bước quyết định kết hôn. Mạc khải Kitô giáo nói rằng kế hoạch và ý định ấy, dành cho hai người và mời gọi họ thực hiện, được Chúa Cha nghĩ và sáng tạo trong Đức Kitô, họ như những người con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa đợi chờ chúng ta đáp trả trong tình yêu và tìm kiếm Ngài không ngừng. Như thế, trong tình yêu phu thê của hai người, có ghi khắc một vết tích không thể xóa nhòa, đó là nỗi nhớ sâu xa về Thiên Chúa.

2. Tình yêu là kiếm tìm dung nhan Thiên Chúa

Việc khám phá ra tình yêu tràn ngập con tim của hai người cuốn hút nhau đến nỗi cùng nhau đi trọn cuộc đời là để khởi động cho một cuộc kiếm tìm dung nhan Thiên Chúa. Mọi khám phá lớn luôn là hoa quả của một cuộc tìm kiếm say mê và bền bỉ. Điều đó đặc biệt đúng đối với những ai tìm kiếm Thánh Nhan họ gặp trên nẻo đường tình yêu dành cho nhau: con người không thể không khát vọng hướng về Thiên Chúa. Không thụ tạo nào lại không cần Đấng Tạo Hóa, nhưng trong thế giới chỉ có con người có cảm nhận khát vọng này và mong mỏi hướng về Chúa hơn cả.

Ngay khi người ta chối bỏ Thiên Chúa, người ta cũng không thể chối bỏ nỗi khát khao về vô biên luôn có ở trong mỗi người. Những người yêu nhau khát khao chọn lựa kết hôn là khúc dạo đầu cho một cuộc sống viên mãn, vượt trên mọi giới hạn. Tự sâu thẳm họ tìm kiếm ơn cứu độ như bao người khác trước họ: “Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt!” (Tv 27,9). Đôi bạn đính hôn, đôi vợ chồng tương lai bấy giờ hướng thẳng về chính nguồn mạch sự sống: Thiên Chúa. Thật ra, họ không đi tìm một chân lí bất kì nào, nhưng là tìm kiếm một Đấng ban cho họ khả năng nhận ra được ý nghĩa sâu xa của một tình yêu dâng hiến họ dành cho nhau suốt cả cuộc đời.

3. Tình yêu là lớn lên trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô

Đối với những người đính hôn, cuộc kiếm tìm sự thật của tình yêu của họ, trong kiên nhẫn và thiết tha, diễn ra trong sự Quan phòng, trong bối cảnh của một cộng đoàn loan báo, làm chứng và bảo vệ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng đã mạc khải cho con người dung nhan đích thực của Thiên Chúa. Cộng đoàn Hội Thánh quảng đại loan báo và thông truyền hồng ân Phục Sinh tràn đầy của Đức Giêsu Kitô mình đã lãnh nhận, cho cả những người được kêu gọi sống và biểu lộ tình yêu viên mãn của họ. Gặp gỡ chính Đức Giêsu Kitô, lắng nghe Phúc Âm của Người, tất cả hợp làm một với cuộc tìm kiếm sự thật họ đang theo đuổi. Đôi bạn trẻ đã nhận thấy nơi thâm sâu tình yêu của họ có một sức mạnh thôi thúc họ hướng tới cái gì đó cùng đích và lớn lao hơn. Bởi thế họ quay hướng về Chúa Giêsu.

Đang khi quay bước về với Chúa Giêsu họ nhận ra Người đã có ở đó tự bao giờ trên những bước đường của họ và đã đồng hành cùng họ ngay từ khi tình yêu của họ khởi sinh. Đọc lại chuyện tình yêu của họ trong ánh sáng này, đôi bạn trẻ nhận ra một ơn gọi mầu nhiệm sống tình yêu của họ cách viên mãn, họ yêu như Đức Giêsu Kitô đã yêu. Đức Giêsu hấp dẫn họ chính vì Người biểu lộ sự chân thành tới mức trả giá cao nhất cho sự thật mà Người loan báo. Trong khi nói về cuộc sống của mình, những người đính hôn tìm kiếm một Ai đó mà người ấy trao ban ý nghĩa cho cuộc sống lứa đôi của họ, và trong khi diễn giải những chọn lựa của họ, Người định hướng cho những chọn lựa của họ.

Gặp được Đức Kitô các dự phóng và hoa quả của việc tìm kiếm của con người không bị phế bỏ, nhưng được phân định và đảm nhận vào trong một khung cảnh rộng lớn hơn, hướng chúng đến sự viên mãn mà con người khao khát. Thông ban cho chúng ta Thánh Thần là chính Tình Yêu Thiên Chúa, Đức Giêsu còn đi xa hơn giáo huấn thuần đạo lí, Người ban cho ta khả năng yêu thương như chính Thiên Chúa yêu thương. Đây chính là ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta, cho đôi bạn và cho gia đình, vì chỉ các quan hệ yêu thương mới có thể làm cho thế giới này trở thành một môi trường để sống.

4. Ý nghĩa của tình yêu

Một khi đã khát khao con người của nhau, đôi bạn dần lớn lên trong tình yêu. Người này cảm thấy một nhu cầu tự nhiên nảy sinh muốn đem lại hạnh phúc cho người kia. Thế nhưng, thói ích kỉ vẫn luôn chực rình chờ, nó thường khiến mỗi người mệt mỏi không còn cố gắng “quên mình” để yêu tha nhân nữa. Tình yêu đích thật thì khác với tình yêu hời hợt hay giả hiệu ở chỗ nó có đặc tính của sự hiến trao bản thân: anh yêu em khi anh cảm thấy hạnh phúc vì làm em hạnh phúc, khi anh có thể nghĩ được là đã trao cho em đời sống của anh, hơn là nghĩ nhận lấy được gì từ cuộc sống của em.

Tông huấn Amoris Laetitia có nói: “Trong bài ca đức mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,

Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,

Không nóng giận, không nuôi hận thù,

Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Một bước sau cùng nữa của tình yêu tăng trưởng, đó là tình yêu thật sự thì hướng tới một dự phóng chung. Mỗi người, trong suy nghĩ của mình, hết sức chăm chút, ân cần, ra sức, hoàn toàn dấn mình cho việc chọn lựa người bạn đời, trợ tá của nhau, trên hành trình thực hiện viên mãn cuộc sống của mỗi người.

Hơn thế nữa, tình yêu tuôn tràn trong con tim của hai người nam và nữ thì cởi mở ra với Đấng siêu việt. Cuộc sống của mỗi thụ tạo thì hướng đến Thiên Chúa và mỗi kinh nghiệm, kể cả tình yêu, cũng phải được sống như nó đến từ Thiên Chúa và phải được nghĩ như là một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Con người vượt qua được nỗi đơn độc nhờ Thiên Chúa, vì Người đã thổi vào trái tim con người Thần Khí của Người, chính khả năng yêu thương như chính Người đã yêu.

Bởi thế, cả người nam lẫn người nữ đều không thể nói với người bạn đời của mình một cách tuyệt đối rằng: “em là tất cả cuộc sống của anh” hay ngược lại. Bởi lẽ họ được tạo dựng cho nhau, và đồng thời cả hai đều thuộc về Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi người đều mang một khát vọng trong mình về hướng vô biên, mà không một con người thụ tạo nào có thể thỏa mãn được. Kinh nghiệm hôn nhân phải dành chỗ cho Thiên Chúa là Đấng Vô Biên ấy, Người muốn đi vào trong cuộc sống của đôi vợ chồng, để “cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo của tình yêu nhân loại” (Benedict XVI, thông điệp Deus Caritas est, số 11) nơi họ, để dẫn họ đưa đến bến bờ cuộc sống viên mãn.

5. Thay lời kết

Hình ảnh anh chàng Jack nghèo khổ gỡ tay nàng Rose kiều diễm ra khỏi tay mình rồi từ từ chìm sâu xuống lòng đại dương thăm thẳm cùng với lời lẽ thống thiết của bản tình ca My heart will go on đã từng làm thổn thức con tim và lấy đi nước mắt của bao nhiêu thế hệ. Tình yêu ư? Tình yêu là gì? Trải qua bao thế hệ, có lẽ nhân loại vẫn không thể có được một định nghĩa nào chính xác về tình yêu là gì, tuy nhiên, người ta có thể diễn tả được tình yêu thật sự là như thế nào.

Mẫu gương tuyệt vời nhất của tình yêu đó là hãy yêu nhau như chính Chúa đã yêu thương con người. Đôi bạn trẻ, những người đang tiến bước trên con đường thuộc trọn về nhau cũng vậy, hãy yêu người bạn yêu như bạn yêu chính bản thân mình. Hãy đối xử với nhau bằng đức mến như lời dạy của Thánh Tông đồ, hãy “tha thứ tất cả” những lỗi lầm của nhau, hãy “tin tưởng” nhau trong mọi sự, luôn luôn “hy vọng” và “chịu đựng tất cả” vì nhau; sống được như thế là đôi bạn đã dành cho nhau một tình yêu đích thực rồi.

Phong Trần.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *