ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự buôi tiếp kiến sáng thứ tư 7-6-2017 – ANSA
** Chúng ta có thể xa vắng, thù nghịch, chúng ta cũng có thể xưng mình “không có Thiên Chúa”, nhưng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một vì Thiên Chúa không có con người. Đó là niềm hy vọng mà chúng ta tìm thấy được duy trì trong tất cả mọi lời cầu của Kinh Lậy Cha, một lời cầu cách mạng tâm lý tôn giáo của con người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên vói 40.000 tín hữu hành hương trong buổi tiếp kiến CHUNG sáng thứ tư hôm qua. Trong số các nhóm hiện diện cũng có hai nhóm tín hữu Việt Nam do hai cha Nguyễn Tầm Thường và Bùi Trọng Biên hướng dẫn. Ngoài ra cũng có một số tín hữu đi riêng không theo phái đoàn.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn phúc âm theo thánh Luca (11,1-4) kể lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ Kinh Lậy Cha. Thánh Luca viết: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,1-4).
ĐTC nói: có cái gì đó hấp dẫn trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đến độ một ngày kia các môn đệ Người xin được dẫn đưa vào trong đó. Giai thoại được kể lại trong Phúc Âm thánh Luca, là thánh sử đã cung cấp tài liệu liên quan tới mầu nhiệm của Chúa Kitô cầu nguyện hơn các vị khác: Chúa cầu nguyện. Các môn đệ bị đánh động bởi sự kiện Chúa Giêsu, đặc biệt ban sáng và ban chiều, rút lui vào nơi thanh vắng và chìm sâu trong lời cầu nguyện. Chính vì vậy mà một ngày kia họ xin Ngài dậy họ cầu nguyện (Lc 11,1). Và khi đó Chúa Giêsu truyền lại cho họ điều đã trở thành lời cầu kitô tuyệt diệu là Kinh Lậy Cha. Thật ra so sánh với thánh Mátthêu thánh Luca kể lại lời cầu của Chúa Giêsu trong một hình thức hơi ngắn gọn, bắt đầu với lời khẩn nài đơn sơ: Lậy Cha” (c.2).
** Tất cả mầu nhiệm lời cầu kitô được tóm gọn ở đây, trong từ này: có can đảm gọi Thiên Chúa với tên gọi là Cha. Phụng vụ cũng khẳng định điều đó, khi dùng kiểu nói “chúng con dám nguyện rằng” để mời gọi chúng ta cùng nhau đọc lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu. ĐTC quảng diễn thêm như sau:
Thật thế, gọi Thiên Chúa với tên gọi là Cha không phải là một sự kiện đương nhiên. Chúng ta sẽ có khuynh hướng dùng các tước hiệu cao cả hơn xem ra kính trọng sự siêu việt của Chúa hơn. Trái lại, kêu cầu Ngài như là “Cha” đặt để chúng ra trước một tương quan tin tưởng với Ngài, như một đứa bé hướng tới cha mình, vì biết rằng mình được cha yêu thương và săn sóc. Đây là cuộc cách mạnh lớn lao mà Kitô giáo in sâu vào trong tâm lý tôn giáo của con người. Mầu nhiệm của Thiên Chúa luôn luôn hấp dẫn chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, nhưng không khiến cho chúng ta sợ hãi, không đè bẹp chúng ta, không làm cho chúng ta lo lắng. Đó là một cuộc cách mạng khó chấp nhận trong tâm hồn chúng ta. Đến độ trong các trình thuật sự Phục Sinh người ta nói rằng các phụ nữ sau khi thấy mộ trống và thiên thần “đã chạy trốn vì họ kinh hoàng khiếp sợ” Mc 16,8). Nhưng Chúa Giêsu vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là cha nhân lành và Ngài nói với chúng ta: “Đừng sợ!” ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
Chúng ta hãy nghĩ tới dụ ngôn người cha thương xót (x. Lc 15,11-32). Chúa Giêsu kể về một người cha chỉ biết là tình yêu đối với con cái ông. Một người cha không đánh phạt đứa con vì thái độ ngạo mạn của nó, và ông có khả năng tín thác cho nó phần gia tài của mình và để cho nó đi khỏi nhà. Thiên Chúa là Cha, nhưng không phải theo kiểu của con người trần gian, bởi vì không có người cha nào trên thế giới này hành xử như vậy như người cha trong dụ ngôn. Thiên Chúa là Cha theo kiểu của Ngài: tốt lành, không được bênh đỡ trước sự tự do của con người, có khả năng chia động từ “yêu thương”. Khi người con nổi loạn, sau khi phung phí mọi sự, rốt cuộc trở về nhà nơi nó sinh ra, người cha đó không áp dụng các tiêu chuẩn của công lý nhân loại, nhưng trước hết cảm thấy cần tha thứ, và với vòng tay ôm của mình ông làm cho người con hiểu rằng trong suốt thời gian dài vắng bóng ấy ông thiếu nó, ông thiếu nó một cách đau đớn trong tình yêu là cha của ông.
** Ôi mầu nhiệm khôn dò biết bao một vì Thiên Chúa dưỡng nuôi kiểu yêu thương đó đối với con cái Ngài!
Có lẽ vì thế mà khi gợi lại nòng cốt mầu nhiệm kitô, tông đồ Phaolô không dịch ra tiếng Hy lạp một từ mà Chúa Giêsu đã nói trong tiếng Aramây là từ “abba”. Trong các thư của ngài hai lần thánh Phaolô đề cập tới đề tài này và hai lần nài để nguyên từ này không dịch trong cùng công thức trong đó từ “abba” đã tươi nở trên môi Chúa Giêsu, một từ còn thân thiết hơn từ “cha” và có ai đó dịch là “ba, bố”.
Anh chị em thân mến, chúng ta không bao giờ cô đơn. Chúng ta có thể xa vắng, thù nghịch, chúng ta cũng có thể xưng mình “không có Thiên Chúa”, nhưng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một vì Thiên Chúa “không có con người”. Ngài không thể sống mà không có chúng ta, và đây là một mầu nhiệm lớn lao… Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa mà không có con người: đó là một mầu nhiệm lớn lao. Sự chắc chắn này là suối nguồn niềm hy vọng của chúng ta, mà chúng ta tìm thấy được giữ gìn trong Kinh Lậy Cha. Khi chúng ta cần sự trợ giúp, Chúa Giêsu không nói với chúng ra hãy nhẫn nhục và đóng kín trong chính mình, nhưng hướng tới Chúa Cha và cầu xin Ngài với lòng tin tưởng. Tất cả các nhu cầu của chúng ta, từ những nhu cầu hiển nhiên và thường nhật như thực phẩm, sức khoẻ, việc làm, cho tới nhu cầu được tha thứ và nâng đỡ trong các cám dỗ, chúng không phải là tấm gương phản chiếu sự cô đơn của chúng ta: trái lại có một người Cha luôn luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương và chắc chắn không bỏ rơi chúng ta.
Đó là niềm hy vọng mà chúng ta tìm thấy được duy trì trong tất cả mọi lời cầu của Kinh Lậy Cha, một lời cầu cách mạng tâm lý tôn giáo của con người. Bây giờ tôi đề nghi với anh chị em: mỗi người trong chúng ta có biết bao nhiêu vấn đề, biết bao nhiêu nhu cầu…Trong thinh lặng, chúng ta hãy suy nghĩ một chút các vấn đề và các nhu cầu đó. Chúng ta cũng hãy nghĩ tới Chúa Cha, Cha của chúng ta, là Đấng không bao giờ có thể sống mà không có chúng ta, và trong lúc này đang nhìn chúng ta. Và tất cả cùng nhau với lòng tin tưởng và hy vọng chúng ta cầu nguyện. Lậy Cha chúng con ở trên trời.. ĐTC đã cùng tín hữu đọc kinh Lậy Cha.
** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các phái đoàn đến từ Pháp, Côte d’’ Ivoire và Benin; ngài xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa mọi người vào trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và biết sống các tương quan con thảo của tình yêu thương và sự tin tưởng với Thiên Chúa Cha, một tương quan loại bỏ mọi sợ hãi.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ecốt, Đức, Hoà Lan, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha, trong đó có Brasil và mời gọi họ luôn tin tưởng hướng tới Chúa là Cha trong mọi lúc và mọi nhu cầu của cuộc sống. Sự phục sinh của Chúa Kitô đã mở ra con đường vượt qua cái chết. Vì vậy không có gì có thể ngăn cản chúng ta sống trong tình bạn với Thiên Chúa Cha, và làm chứng cho lòng nhân lành thương xót vô biên của Ngài.
Trong các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào hiệp hội Nữ Vương hoà bình tỉnh Radom, lấy hứng từ 12 ngôi sao trên triều thiên của Đức Mẹ, đang thực hiện 12 trung tâm chầu Thánh Thể để liên lỉ cầu nguyện cho hoà bình tại những vùng đất nóng bỏng trên thế giới. Vì lời tín hữu Nam Hàn xin ĐTC cho biết ngài đã làm phép bàn thờ “Thờ lậy Chúa trong hiệp nhất và hòa bình” cho đền thánh Đức Bà Mân Côi Namyang. Trong tháng 6 này là tháng kính Thánh Tâm ĐTC xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình.
Ngày thứ năm 8-6 lúc 13 giờ tại nhiều nước có sáng kiến “Một phút cho hoà bình”, kỷ niệm buổi cầu nguyện giữa ĐTC, cố tồng thống Peres của Israel và tổng thống Palestin Abbas. Thời đại ngày nay cần lời cầu nguyện cho hoà bình biết bao nhiêu giữa các tín hữu Kitô, do thái và hồi giáo.
Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu Bác ái của các thánh nữ Capitanio và Vicenza Gerosa tham dự tổng tu nghị, các lực sĩ trẻ tham dự cuộc hành hương “đuốc hoà bình” Macerata-Loreto, do ĐC Nazzareno Marconi hướng dẫn, cũng như các tu sĩ anh em hèn mọn Phanxicô, tín hữu San Cipriano Picentino và Airola mừng kỷ niệm 100 năm lễ Đức Mẹ Sầu Bi, các tham dự viên đại hội quốc tế về Sản khoa, trẻ em nhà thương nhi đồng thánh Mátthêu tỉnh Pavia. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người nhớ tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. ĐTC ước mong người trẻ học trường Thánh Tâm Chúa để lớn lên trong đạo hạnh, người đau yếu biết kết hiệp khổ đau của họ với khổ đau của Chúa, các cặp vợ chồng mới cuới biết nhìn lên Thánh Tâm Chúa để học sống tình yêu thương vô điều kiện.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải