1. Tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp ước về khí hậu Paris
Trong một diễn biến gây bẽ bàng cho Tòa Thánh, tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ Năm mùng 1 tháng 6 rằng Hoa Kỳ đã quyết định rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris.
Trong bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump cho biết ông sẵn sàng thương lượng lại các khía cạnh của hiệp định, được ký kết bởi người tiền nhiệm của ông và tất cả các quốc gia khác trên thế giới ngoại trừ hai nước là Syria và Nicaragua.
Nhưng ông không tiếc lời chỉ trích hiệp ước này, mà ông coi như là một thất bại nhục nhã cho các công nhân Mỹ và tạo ra những thuận lợi cho các nước khác một cách bất công.
Ông nói trong một buổi họp báo tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc:
“Tại sao người Mỹ lại bị làm nhục? Tại thời điểm nào thiên hạ bắt đầu cười vào mặt toàn thể đất nước chúng ta?”
“Chúng ta muốn được đối xử công bằng. Chúng ta không muốn các nước khác và các nhà lãnh đạo khác cười vào mặt chúng ta nữa.”
Ông Trump là người cổ vũ cho chính sách “Người Mỹ là trên hết”, cho biết ông đang thực hiện ý nguyện của cử tri khi họ bầu cho ông vào Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump nói: “Tôi được bầu bởi các công dân ở Pittsburgh, chứ không phải Paris.”
Con gái của ông Trump là Ivanka, đã vận động rất nhiều để ông đừng rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris nhưng cuối cùng cô đã thất bại.
Trong cuộc viếng thăm Tòa Thánh vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, trong lúc chờ đợi Đức Thánh Cha thảo luận với ông Trump trong phòng làm việc của ngài tại Dinh Tông Tòa, cô Ivanka nói với các viên chức Tòa Thánh là cô hy vọng ông Trump sẽ không rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, ông Trump và phái đoàn Hoa Kỳ đã có một cuộc họp với Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Hồng Y đã đưa ra lời đề nghị đừng rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris.
2. Sự nóng dần lên của trái đất.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trái đất nóng lên vì một số lý do, bao gồm hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm và lượng khí thải carbon.
Bầu khí quyển Trái Đất được tạo ra từ các chất khí, một số trong đó hấp thụ bức xạ hồng ngoại có nghĩa là chúng giữ nhiệt từ mặt trời, tạo thành một lớp nhiệt xung quanh hành tinh. Nếu không có cái gọi là “hiệu ứng nhà kính” hay “greenhouse effect” này, nhiệt độ trên mặt đất sẽ chỉ khoảng âm 18 độ Celsius, tức là 18 độ dưới 0 độ, quá lạnh đến mức sẽ không có, hoặc nếu có thì chỉ có rất ít sự sống trên trái đất này.
Nhưng quá trình hâm nóng đã không được ổn định và vượt xa mức tự nhiên và cân bằng của hiệu ứng nhà kính. Các lượng khí carbon dioxode, gọi tắt là CO2, mêtan và oxýt nitrô đã đạt đến mức cao nhất trong 800,000 năm qua. Vì thế, trong 130 năm qua, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng lên 0.86 độ Celcisus. Nếu chúng ta không biết chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, với tình trạng như hiện nay, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng đến 4 độ sau 80 năm nữa.
Các nhà khoa học đồng ý rằng con người đang ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu khi đốt các nhiên liệu hóa thạch. Khoảng 2000 tỷ tấn carbon dioxode đã được thải ra kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào năm 1750.
Với sự phát triển mạnh của nông nghiệp, khí mê-tan do ngành này sản sinh ra chiếm khoảng 10 đến 12% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, 40% trong số này phát sinh từ việc chăn nuôi gia súc. Rừng có khả năng hấp thụ carbon dioxide và do đó giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tiếc rằng người ta không ý thức điều đó nên xảy ra việc phá rừng bừa bãi.
Những thay đổi khí hậu gần đây đã ảnh hưởng đến con người và các hệ thống sinh thái trên thế giới. Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều những hiện tượng như hạn hán tồi tệ, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, các vùng sông băng mở rộng, axit hóa đại dương và sự tuyệt chủng của các loài. Các chuyên gia về khí hậu của các quốc gia đồng loạt cảnh báo về những hậu quả tàn phá thê thảm và không thể đảo ngược nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được nhanh chóng hạn chế.
3. Những hậu quả khi trái đất nóng dần lên
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như chúng tôi vừa trình bày ở trên, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 0.86 độ Celcisus kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp vào năm 1750 vì nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển ở mức cao nhất trong 800,000 năm qua. Tùy thuộc vào cách chúng ta quản lý khí thải trong tương lai, lượng khí chúng ta thải vào khí quyển có thể tăng thêm 5% vào năm 2020 và sẽ có một tác động tàn phá đối với cuộc sống trên trái đất.
Ngay cả trong những tình huống lạc quan nhất, việc trái đất nóng lên đe doạ nguồn nước uống và an ninh lương thực của hàng triệu người. Việc sản xuất 4 cây lương thực chính của thế giới là lúa mì, ngô, gạo và đậu nành đã giảm xuống; trong khi đến năm 2050 sản lượng lương thực sẽ cần phải tăng gấp đôi để nuôi sống 9 tỷ người trên hành tinh này.
Đồng thời 20 đến 30% các loài động vật và thực vật đang phải đối mặt với sự tuyệt chủng vì nhiệt độ thay đổi quá nhanh đến mức chúng không thích ứng kịp.
Mực nước biển dự báo sẽ tăng từ 26 đến 98cm vào cuối thế kỷ này do việc tan chảy các tảng băng ở Nam Cực và Bắc Cực và sự giãn nở nhiệt của nước biển. Điều này có thể gây ra sự di cư trên quy mô rất lớn của người dân trên khắp thế giới hiện đang sống ở các đồng bằng sông ngòi đất trũng. Các chuyên gia cảnh báo rằng mực nước biển chỉ cần tăng đến 30cm cũng đã có thể làm trầm trọng thêm các sự kiện khí hậu khắc nghiệt.
Trữ lượng nước ngọt được giữ trong băng tuyết sẽ trở nên khan hiếm, và dòng chảy của sông sẽ giảm mạnh dẫn đến một sự sút giảm nghiêm trọng trong việc sản xuất thủy điện và nông nghiệp.
Các đại dương sẽ tiếp tục bị axit hoá và việc di chuyển của các loài cá tìm kiếm các vùng nước có nhiệt độ thích hợp hơn sẽ có tác động mạnh đến các vùng đánh cá, làm mất đi một số nguồn thực phẩm thiết yếu.
Các ảnh hưởng tích lũy của sự ấm lên toàn cầu cũng sẽ làm trầm trọng thêm những xung đột bạo lực ở một số quốc gia nhất định trong việc giành giật các nguồn cung cấp nước.
Rất nhiều những tác động này đã xảy ra và chúng ta không thể làm gì hơn được bởi vì hàng ngàn tỷ tấn carbon dioxode vẫn tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng phạm vi và tác động đầy đủ của những thay đổi này vẫn phụ thuộc vào các lựa chọn được chúng ta đưa ra hiện nay.
4. Những bước tiến của nhân loại hướng đến hiệp ước về khí hậu Paris
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đứng trước tình hình nghiêm trọng của trái đất, các quốc gia đã có những nỗ lực bàn thảo với nhau để đối phó với tình hình. Hàng loạt các cuộc thảo luận đã được tổ chức trên toàn cầu từ năm 1992 với tên gọi chung là Conference of the Parties, viết tắt là COP.
Vào ngày 12 tháng 12 năm 2015 sau các cuộc thảo luận căng thẳng của Liên Hiệp Quốc tại hội nghị COP21 ở Paris, 195 quốc gia đã đồng ý ký vào hiệp định kiểm soát khí hậu toàn cầu đầu tiên trên thế giới nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới mức 2 độ Celsius và 1.5 độ Celsius nếu có thể. Chỉ có 2 nước không ký là Syria và Nicaragua.
COP21 là đỉnh cao của 2 thập kỷ ngoại giao về cách phân chia trách nhiệm về tài chính giữa các nước giàu và các nước đang phát triển, giữa các nhà đầu tư gây ô nhiễm và các nước dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Theo thỏa hiệp này, các nước đang phát triển sẽ nhận được khoản tiền tối thiểu là 100 tỷ đô la hàng năm khi dự luật này có hiệu lực.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất về phát triển bền vững vào năm 1972 tại Stockholm được xem là hội nghị đầu tiên đưa vấn đề môi trường vào các chương trình nghị sự quốc tế. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh năm 1992 tại Rio De Janeiro được xem là đóng vai trò nền tảng cho các thương thảo ngoại giao về môi trường. Kết quả của hội nghị này là việc định hình nên khuôn khổ cho các cuộc thảo luận của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.
Hàng năm kể từ năm 1992, các bên tham gia vào công ước COP cố gắng chống lại sự thay đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu lượng khí thải đưa vào khí quyển. Cuộc họp này cũng là cơ sở cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Tại Kyoto, 37 nước công nghiệp đã cam kết giảm thiểu lượng khí thải đưa vào khí quyển xuống 5.2% so với mức năm 1990 vào năm 2012. Tuy nhiên, không có hạn chế nào được đặt ra đối với các nước đang phát triển là Trung Quốc và Ấn Độ mặc dù cả hai quốc gia này đều là những kẻ gây ô nhiễm trầm trọng nhất trên thế giới.
Năm 2009, COP15 ở Copenhagen đã thất bại trong việc đưa ra một hiệp ước mới thay thế hiệp định không ràng buộc ở Kyoto. Một thông cáo chung khích lệ những hành động nhằm giữ cho nhiệt độ tăng dưới 2 độ Celsius đã được đưa ra nhưng người ta không đạt được bất cứ thỏa thuận nào nhằm đạt đến điều này.
Hội nghị thượng đỉnh COP 17 vào năm 2011 đã dẫn đến một nền tảng được thiết lập tại Durban nhằm tăng cường những cam kết của cả Mỹ lẫn Trung Quốc trong việc đưa ra một thỏa thuận bắt buộc mới vào năm 2015 tại Paris.
5. Thông điệp Laudeto Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thông điệp Laudato Sí là thông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. “Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa).
Thông điệp có phụ đề “Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, trong đó, Đức Thánh Cha chỉ trích chủ nghĩa tiêu thụ và phát triển vô trách nhiệm, than thở về sự suy thoái môi trường và sự ấm lên toàn cầu, và kêu gọi mọi người trên thế giới “hành động nhanh chóng và thống nhất”.
Thông điệp, đề ngày 24 tháng 5 năm 2015, đã được chính thức công bố vào trưa ngày 18 tháng 6 năm 2015 cùng với một cuộc họp báo. Tòa Thánh đã phát hành tài liệu bằng tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ả Rập cùng với tiếng Latinh.
Thông điệp này đã được đưa ra hơn 5 tháng trước hội nghị thượng đỉnh COP21 được diễn ra từ 30 tháng 11 đến 12 tháng 12, 2015. Các quan sát viên cho rằng thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một tác động mạnh dẫn đến sự thành công của hiệp ước về khí hậu Paris.
Trong lời nói đầu, Đức Thánh Cha viết:
“Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên? Câu hỏi này không phải chỉ liên quan riêng đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi một phần”, và điều này khiến ta tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: “Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?”.
Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng”.
6. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về quyết định của Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris
Đức Cha Oscar Cantú của giáo phận Las Cruces, là chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố như sau trước quyết định của tổng thống Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris
“Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội Công Giáo, luôn đề cao hiệp định Paris như cơ chế quốc tế quan trọng nhằm cổ vũ việc quản lý môi trường và khuyến khích việc giảm thiểu những thay đổi về khí hậu. Quyết định của Tổng Thống không tôn trọng những cam kết của Hiệp Chúng Quốc đối với hiệp định Paris là một điều gây bối rối sâu xa cho chúng tôi.
Thánh Kinh khẳng định giá trị của việc săn sóc thiên nhiên và săn sóc lẫn nhau trong tình liên đới. Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ các giá trị này. Quyết định của Tổng Thống Trump sẽ có hại cho nhân dân Hiệp Chúng Quốc và thế giới, đặc biệt là những người nghèo nhất, và những cộng đồng dễ bị thương tổn hơn cả. Các tác động của việc thay đổi khí hậu đã được cảm nghiệm qua việc dâng cao mực nước biển, những vụ tan băng đá, nhiều cơn bão tăng tốc, và nhiều vụ hạn hán thường xuyên hơn. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng: Tổng Thống sẽ đề xuất các phương cách cụ thể nhằm giải quyết việc thay đổi khí hậu hoàn cầu và cổ vũ việc quản lý môi trường”.
7. Phản ứng của các viên chức tại Vatican trước quyết định của Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris
Các vị cố vấn cao cấp của Đức Giáo Hoàng “rõ ràng đã thất vọng” trước quyết định của Mỹ rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu Paris. Các ngài đã hy vọng rất nhiều là điều này sẽ không xảy ra, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và tổng thống Hoa Kỳ. Các nguồn tin từ Vatican cho tờ American Magazine biết như trên.
Một vài viên chức Tòa Thánh cho rằng trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Donald Trump một tuần trước đó, các cố vấn của Tòa Bạch Ốc cùng đi với Tổng thống đã trò chuyện với các quan chức cấp cao của Tòa Thánh và trong cuộc nói chuyện họ dường như ủng hộ việc Hoa Kỳ tuân thủ những thỏa thuận đã được ký kết. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng ông Trump dường như đang đi theo một hướng khác. Dù vậy, các cuộc họp ở Vatican đã đem lại một tia hy vọng rằng tổng thống sẽ không đi theo đường hướng này.
Đức Thánh Cha Phanxicô chưa đưa ra bất cứ lời bình luận công khai nào về quyết định của ông Trump, nhưng ngài đã làm rõ lập trường về vấn đề biến đổi khí hậu trong thông điệp Laudato Si và trong những nhận xét của ngài về hội nghị thượng đỉnh COP21 của Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu ở Paris vào năm 2015.
Đức Tổng Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, Giám Đốc Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, đã không che giấu sự thất vọng của mình trước quyết định của tổng thống Trump. Ngài nhấn mạnh rằng đó là “thảm hoạ cho toàn thế giới bởi vì tầm quan trọng của Hoa Kỳ trên trường thế giới ngày nay” và ngài e sợ là nhiều nước sẽ theo chân Hoa Kỳ.
Ngài mô tả quyết định này là “một điều vô luân và bất hợp lý” vì nó trái ngược với khoa học và những bằng chứng không thể chối cãi rằng thay đổi khí hậu “đang tác động đến sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới.”
Đức Tổng Giám Mục nhận xét cay đắng rằng quyết định của Tổng thống Trump đã “chống lại”, thông điệp Laudato Si về sự chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta “mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trao cho ông” hôm 24 tháng 5.
8. Phản ứng của các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Người ta lo ngại rằng việc Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp ước về khí hậu Paris có thể dẫn đến việc rút lui của nhiều nước khác; đáng kể nhất là Trung quốc và Ấn Độ là hai nước gây ô nhiễm nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nước khác tuyên bố sẽ không thoái lui trước quyết định của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết “hành động quyết liệt hơn bao giờ hết” để bảo vệ trái đất sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris.
Bà nói:
“Nhẹ nhàng nhất, tôi cũng phải nói rằng quyết định của Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp ước về khí hậu Paris là một điều rất đáng tiếc. Quyết định này không thể và sẽ không ngăn nổi chúng ta là những người cảm thấy bắt buộc phải bảo vệ Trái Đất của chúng ta. Trái lại, chúng tôi tại Đức, tại Âu Châu và trên thế giới sẽ cùng nhau đưa ra các hành động quyết liệt hơn bao giờ nhằm đối phó và thành công vượt qua những thách đố chủ yếu của nhân loại như việc thay đổi khí hậu.”