Tình cờ …!!

Hai mươi năm mọi thứ lắng xuống, trôi dạt vào vùng ký ức. Ai cũng nghĩ vậy! Ai cũng tin thế! Vậy mà hai mươi năm với chúng tôi vẫn tròn trịa nghĩa tình, vẫn thường xuyên liên lạc, vẫn gọi cho nhau lúc tâm hồn muốn tìm về bến bình yên cũ “ Phòng 6- B11”: ký túc xá trường Đại Học Cần Thơ.

– Chị ơi lên em đi, có chuyện này hay lắm! …

Tôi khăn gói lên đường vì tin rằng câu chuyện sắp diễn ra là hay. Ừ mà hay thiệt! ” Chị cứ đến đây, cứ vào đó mà gặm nhấm cái hay để mà còn về dạy các con.”

Mối thâm tình hai mươi năm lắm khi là một chuyến đi ngắn ngắn của hai ba đứa từ các tỉnh khác nhào về nhanh gọn, vắn tắt như từ trong qua khứ nhảy xổm ra rồi lại biến ngay vào cái vị trí thăm thẳm cũ, để lại tring nhau ngững ấn tượng mới, rồi để mãi nhớ về nhau.

– Cho chị nhìn lại sự thay đổi của một người sau hai mươi năm.

– Ơ hay! Cần gì nhìn ai. Cứ tụi mình nhìn vào nhau là rõ rồi, đứa nào đứa nấy ú ù u mà xinh đẹp hơn xưa tí xíu. Đó là quy luật chung. Tới lúc nào đó con người ta chạm mức của danh vọng tiền tài và tiếp tục đi trên đoạn đường khác: hoặc là trải rợp yêu thương, hoặc là với những hy sinh dâng hiến trọn vẹn vì biết rằng cuộc đời này xứng đáng để sống vì lẽ đó. ….

Tôi được một em đón và đưa thẳng lên tầng ba của một trường tiểu học Nguyễn Du, Cần Thơ. “Em để dành ghế đầu tiên cho cô đó.”

Hú hồn! Tôi bước vào chào cô giáo và mọi người. Ánh mắt tôi chạm phải khuôn mặt rất quen từ hai mươi năm trước. Vẫn vậy, vóc dáng ấy chưa hao mòn, có chút thay đổi mặn mà hơn, tôi ngồi xuống ký ức ùa về mát mẻ một khoảng tâm hồn. Bài giảng rất hay, chắc là tích cóp được từ hơn hai mươi năm vững chãi trên giảng đường đại học và những cọ sát khốc liệt trong dòng xoáy mang tên “đời thường”.

Tôi lặng người dõi theo, bài học chuyên môn đã hay nhưng bài học từ cách cho đi của cô và đội ngũ tình nguyện viên làm tôi càng thấy yêu thương và trân trọng hơn. Cô đã tình nguyện giúp bồi dưỡng chuyên môn cho hơn 300 giáo viên dạy Tiếng Anh bậc tiểu học về phương pháp nói tiếng Anh đúng, nói tiếng anh hay, phương pháp tự luyện giọng theo CD, phương pháp giảng dạy tích cực thu hút sự ham học của học sinh. Vượt lên trên những thứ đó là thông điệp mà cô gửi gắm đến các nhà giáo về cung cách biết tri ân. Cô khuyên các giáo viên nên biết tri ân học sinh, “nhờ có trò, chúng ta mới được làm thầy”. “Chúng ta nên nắm tay dẫn dắt các em vào đời bằng sự trân trọng và tình yêu thương chân thật”. Nhìn cách truyền đạt nội dung của cô và các cộng sự, tôi xúc động đưa máy lên chớp nhanh vài bức ảnh đẹp. Họ là những giảng viên, thạc sĩ, là những sinh viên xuất sắc, họ đã hy sinh thời gian của mình cùng với cô, tình nguyện giúp mà không nhận bất kỳ đồng thù lao nào. Nhìn cách mà họ cho đi tận cùng của tình yêu và lòng khiêm hạ. Họ đã quỳ xuống bên bàn của các học viên, tận tình chỉnh sửa từng âm, từng nét cuốn lưỡi, cong môi…

Nét đẹp của những người quỳ xuống bên người khác để cho đi cái mình có, cho đi cái mình vất vả mới đạt được sáng đẹp và lung linh. Thấy lạ, tôi hỏi chuyện, thì ra họ quỳ xuống vì ba lẽ:

  1. Thực tập đức tính khiêm cung,
  2. thể hiện hình ảnh người chia sẻ hơn là người giáo huấn,
  3. để dễ nhìn thấy khẩu hình miệng của đối tượng khi mắt mình ngang miệng họ.

Tôi hân hạnh được nếm cảm sự trân trọng của cô và cộng sự. Họ là những trí thức “có văn hóa”. Sỡ dĩ tôi nói vậy vì có nhiều người có học nhưng chưa ắt hẳn họ đã hấp thụ được văn hóa ứng xử cho trọn nghĩa trọn tình. Tôi thấy yêu và tôn trọng tình yêu mềm mại mà cô chuyển tải cho tôi qua những thông điệp nho nhỏ về các cộng sự mà cô đã đang dẫn dắt, đa phần họ là những sinh viên xuất sắc với nhiều cảnh ngộ đời thường khác nhau mà cô dang rộng vòng tay mình để ôm ấp, chở che, dẫn dắt, để rồi họ cùng cô dấn thân trao gửi yêu thương đến mọi người.

Tranh thủ mấy phút ngắn ngủi giờ nghỉ cô chia sẻ với tôi, cô muốn giúp hết giáo viên Tiếng Anh bậc Tiểu học các tỉnh vùng đồng bằng Cửu Long một cách tự nguyện, không nhận bất cứ chi phí nào trừ “tình thương”. Cô đùa rằng cô “sống bằng năng lượng yêu thương”. Tôi tin chắc rằng cô đang và mãi mãi sẽ được yêu thương vì cái gì xuất phát bằng tình thương sẽ được đáp trả bằng những yêu thương.

Cô kể lần đầu tiên cô quyết tâm thực hiện chương trình này là cho khoa Công nghệ và Thủy sản vào dịp Giáng sinh 2015 vì cô muốn tri ân đức hạnh hiến dâng không giới hạn của Chúa, tình yêu mà Thiên Chúa mang đến cho con người không giới hạn biên giới.

Cô am tường về tình yêu thập giá mặc dù cô chưa phải là người công giáo. Trong tình yêu và âm hưởng lời giảng của cô tôi nhận ra hơi thở của thập giá, màu đỏ hồng lung linh của tình yêu thập giá hy sinh đến tận cùng.

Cô cũng sẵn lòng giúp các tu sĩ mà không nhận học phí khi đến với Cơ sở Ngoại ngữ Huyền Lê học tiếng Anh. Tôi tin từ trong sâu thẳm tâm hồn, cô đã có được bình an trong việc hiến dâng phần tốt nhất để gieo trồng thế hệ con người mới trở nên xanh tươi hơn.

Hai mươi năm, một khoảng thời gian đủ để nhào lộn theo vòng xoáy cuộc đời, để rồi trên đường đời vô tình chúng tôi lại đi chung lối, cùng dang tay ra kết nối yêu thương. Đến đây, tôi lại nhớ cái cách cô động viên các giáo viên khi nhắc đến người chuyên viên phụ trách mảng Tiếng Anh Tiểu học của Sở Giáo dục Cần Thơ:”

Cô ấy là nô bộc rất tận tuỵ của các bạn đó. Các bạn hãy thương và siêng năng, đừng để cô ấy thất vọng nhé.” Phải chăng vì họ đã chọn đi chung một con đường: làm ngọn đèn, đốt cháy mình cho người khác sáng. Tôi trân quý hai người họ, một người muốn tôi tham dự để làm mai mối giúp cho giáo viên và học sinh tỉnh nhà, một người sẵn sàng nhận lời giúp, cho bằng trái tim yêu thương không đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào. Họ chỉ mong được sống và làm lan tỏa tình thương đến mọi người.

Tôi nốc cạn liều thuốc nhân ái phiên bản yêu thương này, để vị ngọt của niềm tin và lòng hiến dâng lan tỏa trong tôi, với quyết tâm mang phác đồ thẩm mỹ này cho đi rộng khắp, để cả thế giới quanh tôi nhuốm màu hồng yêu thương. Tôi biết 20 năm làm chúng tôi thay đổi thật nhiều, duy chỉ một điều còn mãi. Đó là “Bản chất tình người”!

 

Tiểu Hổ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *