Ngày 06/06/2017 vừa qua, Toà Thánh đã bổ nhiệm linh mục Hiêrônimô Nguyễn Đình Công, giáo phận Xuân Lộc, làm giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam, thay thế linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, Tổng giáo phận Sài Gòn, đã mãn nhiệm. Vietcatholic xin được phỏng vấn Cha Hiêrônimô.
PV. Kính chào Cha, chúng con xin chúc mừng Cha trong sứ vụ mới. Xin Cha cho chúng con biết khái quát về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.
Cha Hiêrônimô: Xin chào anh Quang Vinh cùng quý độc giả Vietcatholic. Từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin tôi đươc Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám đốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo (Pontifical Mission Societies) tại Việt Nam, có nhiều người chúc mừng. Tôi hết lòng cám ơn. Để chu toàn trách nhiệm này, tôi rất cần lời cầu nguyện và sự cộng tác của mọi người.
Về mặt chức năng, các Hội Giáo hoàng truyền giáo là những Hội truyền giáo của Hội Thánh được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng, vị Thủ Lãnh của Giám mục đoàn và là nguyên lý cũng như dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta biết rằng Hội Thánh có nhiều tổ chức (hội, nhóm…) truyền giáo khác nhau nhưng chỉ có 4 Hội được đặt dưới quyền Đức Giáo Hoàng và được ủy thác cho Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc trông coi. Bốn Hội ấy là: 1) Hội Giáo hoàng truyền bá Đức Tin (Pontifical Society for The Propagation of the Faith – PSPF), 2) Hội Giáo hoàng truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ (Pontifical Society of Saint Peter the Apostle – PSSPA), 3) Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo (Pontifical Society of Missionary Childhood – MCA) và 4) Hiệp hội Giáo sỹ truyền giáo (Pontifical Missionary Union – PMU). Các Hội này giữ vai trò quan trọng trong việc hợp tác truyền giáo của Hội Thánh trên toàn thế giới. Đây là công cụ rất quý giá để khắc ghi vào lòng người tín hữu, ngay từ lúc còn tuổi thơ đến khi trưởng thành, và cả hàng giáo sỹ, tinh thần loan báo tin mừng không mệt mỏi.
Về mặt tổ chức, Tòa Thánh yêu cầu các Hội này phải được thiết lập trong tất cả các Giáo Hội địa phương, dù là Giáo Hội kỳ cựu hay non trẻ, và được coi là cơ quan chính thức phối hợp truyền giáo của Hội Thánh và mọi tín hữu. Cơ cấu tổ chức của các Hội này đi theo hàng dọc từ Tòa Thánh xuống các châu lục, vùng, quốc gia và giáo phận. Có một ủy ban tối cao do Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc là người đứng đầu điều hành. Ở cấp quốc gia, một vị giám đốc, do Tòa Thánh bổ nhiệm, có nhiệm vụ cổ võ, phối hợp và điều hành hoạt động truyền giáo của các Hội theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục.
Ở Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau, các Hội Giáo hoàng truyền giáo vẫn còn khá mới đối với nhiều người. Cho đến nay tiến trình thiết lập các Hội này vẫn đang được thực hiện. Vị giám đốc tiên khởi tại Việt Nam là cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, được bổ nhiệm năm 2010 và tôi là người thứ hai. Điều này cho thấy rằng công việc phía trước còn nhiều và rất cần lời cầu nguyện cũng như sự cộng tác đắc lực của mọi người.
PV. Thưa Cha, xin Cha cho độc giả biết đôi nét về cá nhân và hành trình ơn gọi của Cha.
Cha Hiêrônimô: Tôi sinh ngày 03/03/1971, là út trong một gia đình 8 anh chị em. Năm 1990, tôi bắt đầu hành trình đời dâng hiến, học triết học và thần học tại Đại chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn (1997–2003) và thụ phong linh mục ngày 30/09/2005 tại giáo phận Xuân Lộc. Sau khi thụ phong, tôi được bổ nhiệm làm phó xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc (2005–2007). Từ năm 2007 đến 2015 tôi được gửi đi du học tại Học viện Đời sống Thánh hiến Á châu (ICLA) và Đại học Giáo hoàng Santo Tomas (UST), Manila, Philippines, tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ thần học, chuyên ngành Truyền giáo học. Từ năm 2011 đến nay, tôi làm Phó ban Loan báo Tin mừng, sau đó, làm Trưởng ban. Từ năm 2012 đến nay, cha làm giáo sư môn Truyền giáo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Xuân Lộc. Hiện nay tôi đang làm chánh xứ giáo xứ Thịnh An, giáo phận Xuân Lộc và là linh mục Thừa sai Lòng Chúa Thương Xót của Toà Thánh.
PV. Thưa Cha, khi Cha đảm nhận sứ vụ mới, sứ vụ liên quan đến chính bản chất của Hội Thánh, thì đâu là những “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Cha, nói theo ngôn từ của Thánh Công đồng Vatican II?
Cha Hiêrônimô: Tôi là con của Hội Thánh nên tôi chia sẻ tất cả “vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng” của Mẹ mình. Nói cách cụ thể hơn, tôi là người Việt Nam, tôi chia sẻ tất cả vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo lắng của Hội Thánh tại Việt Nam. Tôi mong ước cùng mọi người Công Giáo phục vụ Tin Mừng tại Quê hương thân yêu của chúng ta.
PV. Thưa Cha, việc truyền giáo ở Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn nào, và theo Cha, cộng đoàn dân Chúa cần phải làm gì trong giai đoạn này để thực thi một cách cụ thể lệnh truyền “Hãy đi rao giảng” của Đức Kitô?
Cha Hiêrônimô: Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng đồng thời cũng đang đối diện với nhiều thách đố. Thuận lợi lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo nơi tâm hồn các tín hữu. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam vẫn trung thành sống Tin Mừng từng ngày cho dù gặp nhiều gian nan thử thách. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có một hàng ngũ mục tử khôn ngoan, tài đức, thánh thiện hướng dẫn Dân Chúa qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Chính nhờ lòng đạo này Hội Thánh Việt Nam có đội ngũ linh mục, tu sỹ và giáo dân biết vâng lời bề trên và tận tụy phục vụ Tin Mừng. Chúng ta có được như hôm nay là nhờ những nỗ lực vất vả của cha ông, các vị tử đạo, đã gieo trồng hạt giống Đức Tin để hôm nay được trổ sinh hoa trái. Thách đố lớn nhất, theo tôi nghĩ, là lòng đạo ấy, ngày nay, đang bị thử thách trầm trọng, bị bào mòn bởi nếp nghĩ và chọn lựa theo thế tục hơn theo Tin Mừng. Tôi nghĩ rằng cộng đoàn dân Chúa cần phải quan tâm đến vấn đề sống như thế nào (hiện diện) hơn là làm cái gì (hoạt động) để thông truyền sứ điệp Tin Mừng. Nếu đời sống người môn đệ không chuyển tải được sứ điệp Tin Mừng thì cho dù họ có làm nhiều “việc lớn” đi chăng nữa, cũng chỉ là hoạt động chứ chưa phải là hoạt động loan báo Tin Mừng.
PV. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Truyền Giáo năm nay 2017 có viết “Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo”. Xin Cha cho chúng con biết sơ lược cái nhìn của Cha về giới trẻ và truyền giáo hôm nay.
Cha Hiêrônimô: Trong lãnh vực truyền giáo, tôi luôn tin tưởng và hy vọng vào người trẻ vì tôi nhận thấy càng ngày càng có nhiều bạn trẻ việc dấn thân cách tích cực hơn cho Tin Mừng. Tôi ước mơ rằng trong Giáo Hội tại Việt Nam ngày càng có nhiều người dấn thân đồng hành với người trẻ để cùng với họ phục vụ Tin Mừng theo cách thức của người trẻ.
PV. Chúng con xin cám ơn Cha và cầu chúc Cha tràn đầy ơn Chúa để Cha thi hành sứ mạng mà Thiên Chúa và Hội Thánh trao phó.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
***
Vị thừa sai luôn bừng lửa mến
Cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công, GP. Xuân Lộc, là một trong số hơn 1.000 mục tử trên toàn thế giới nhận được sự ủy thác từ Đức Thánh Cha Phanxicô trong vai trò Thừa sai Năm Thánh Lòng Thương Xót (LTX).
Đến với người khuyết tật |
1. Sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Phú Tảo, hạt Hố Nai, GP. Xuân Lộc, cha Công mồ côi mẹ khi vừa lên 4 và mồ côi cha năm 9 tuổi. Từ ngày ấy, cha được sống trong vòng tay yêu thương của các anh chị trong gia đình và người thân, do vậy, cha sớm cảm nhận được tình yêu chia sẻ khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Dường như những ngày tháng ấy cũng đã hun đúc nơi cha nghị lực vươn lên một cách mạnh mẽ.
Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi tu nhưng ơn gọi đến với cha như một sự sắp đặt vô hình. Vào năm lớp 11, một ngày trên đường đi học, quãng đường khoảng bốn cây số từ nhà đến trường THPT Nguyễn Trãi vốn có rất nhiều giáo xứ, cậu học sinh dường như bị đánh động khi ngắm nhìn các ngôi thánh đường uy nghi, thánh thiêng dọc hai bên đường. Một ý nghĩ lóe lên thôi thúc cha đi tu làm linh mục để có thể đêm ngày cận kề nơi nhà Chúa.
Cha Công và giáo dân ở Keya (Châu Phi) |
Sau khi tốt nghiệp THPT, cha tìm hiểu ơn gọi và trở thành chủng sinh của giáo phận Xuân Lộc. Sau đó cha được gởi vào học tại Đại Chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn vào năm 1997. Sau những năm tu học trong ĐCV, cha được thụ phong linh mục (năm 2005) và được bài sai về làm cha phó giáo xứ Hà Nội, giáo phận Xuân Lộc. Sau hai năm gắn bó với xứ Hà Nội, cha được cử đi du học Philippines môn Truyền giáo học vào năm 2007.
Những năm tháng sống và học tập tại Philippines đã làm cho cuộc sống của một linh mục trẻ thay đổi rất nhiều, mà nguyên nhân chính yếu đến từ những người nghèo. Có một lần, trên đường đi học, nhìn thấy một người ăn xin ở bên đường đang ngồi chờ đợi sự bố thí, cha đã chạnh lòng thương và lấy trong túi ra 20 peso (đơn vị tiền tệ của Philippines) tặng ông ta. Vừa cúi xuống đưa tiền, người đàn ông đói khổ đó không nhận mà nói: “Hãy cho người ăn xin kế bên, vì tôi đã được những người khác cho. Còn anh kia chưa ai cho đồng nào…”. Vị tông đồ xa xứ ngỡ ngàng và vô cùng xúc động. “Câu chuyện đó vẫn luôn ẩn hiện trong lòng và làm tôi thay đổi cách suy nghĩ về người nghèo. Họ nghèo nhưng vẫn biết sống yêu thương, chia sẻ cho nhau. Chính tôi ngày xưa cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ nên từ trong sâu thẳm, có một cái gì đó thôi thúc bản thân hãy tìm đến những người nghèo khó và kém may mắn để chia sẻ với họ. Vì chính họ đã dạy cho tôi biết cách quan sát và sống đồng cảm với những người xung quanh”, cha hồi tưởng.
Ngôi nhà vệ sinh công cộng, món quà kỷ niệm cha đã tặng những người vô gia cư ở Philippines |
Những ngày sau đó, khi có thời gian rảnh rỗi, cha tìm đến những người lang thang, cơ nhỡ, đôi khi chỉ để chia sẻ vài mẩu bánh hay ngồi tâm sự với họ. Trước khi về nước, cha muốn tặng cho những con người bất hạnh ở đảo quốc ấy một món quà. Biết được thao thức của cha, tu sĩ Fermin, dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, đã gợi ý cha xây nhà vệ sinh cho người vô gia cư. Vậy là với sự vận động của cha, một nhà vệ sinh đã được làm trên phần đất của Nhà Dòng, dành cho những người không nơi nương tựa có một chỗ để tắm gội. “Từ đó, mỗi khi đêm về, họ không còn mang trên mình tấm thân dơ bẩn sau cả ngày chui rúc ở gầm cầu lỗ cống để kiếm sống…”, cha Công nói với ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc.
2. Năm 2011, cha về lại Việt Nam, tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ phó xứ Hà Nội kiêm Phó Ban Loan báo Tin Mừng (LBTM) của giáo phận, và là cha giáo dạy môn Truyền giáo học ở ĐCV thánh Giuse, Xuân Lộc. Với lòng nhiệt thành của một mục tử luôn hướng ra “ngoại biên”, năm 2013, cha Công lại lên đường đi Philippines dọn tiến sĩ về môn truyền giáo học. Trong thời gian này, cha cũng sang Kenya, Phi châu nghiên cứu học hỏi. Trong thời gian ở đất nước Kenya nắng nóng và nhiều hoang mạc, vị tông đồ vẫn không ngừng giúp đỡ những người nghèo khổ. Hằng ngày, cha thường xuyên lui tới những khu nhà ổ chuột để chia sẻ từng miếng bánh, tấm áo, dùng tình yêu và sự quan tâm để xoa dịu mọi đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống của họ.
Hằng tháng cha vẫn gởi lương thực cho những người nghèo ở Châu Phi |
Năm 2015, trở về nước, cha làm việc ở Tòa Giám mục Xuân Lộc. Trong lòng người mục tử vẫn luôn nhớ đến nỗi vất vả, đói khổ nơi vùng đất châu Phi. Thế là, cùng với tu sĩ người Kenya Joseph Mutuse Musau, dòng Phanxicô và nữ tu Ngân Hà, dòng Đức Bà Truyền Giáo (hiện cả hai đang truyền giáo ở châu Phi) là những người chung chí hướng, cha lập nên chương trình chia sẻ lương thực cho những người nghèo đói. Mỗi tháng, chương trình giúp cho 100 gia đình thuộc vùng quê nghèo ở Kenya có lương thực sinh sống, với chi phí khoảng 1000 – 1.500 USD. Ngoài ra, chương trình cũng giúp xây dựng những nguyện đường cho người bản địa. Tính đến nay, có bốn ngôi nhà nguyện đã được dựng lên tại các vùng chưa có điều kiện làm nhà thờ.
Thánh lễ cho người tâm thần vào mỗi tháng |
Linh mục Giêrônimô Nguyễn Đình Công đã tìm đến những người bé nhỏ với tất cả lòng nhiệt thành, xuất phát từ tình yêu tận hiến. Chính những cử chỉ ấy, đã trở nên một hình ảnh khó quên trong lòng những ai đã từng tiếp xúc và làm việc với cha. “Tôi nhận thấy một tình yêu lớn với những người nghèo qua các chương trình thiện nguyện của cha Công. Trong từng lời nói, trong mỗi câu chuyện của người mục tử ấy luôn ẩn hiện bóng dáng của họ…”, ông Ngô Xuân Đằng, giáo dân xứ Thuận Hòa, hạt Biên Hòa, người cộng tác với cha trong các chương trình từ thiện nhận xét.
Ban Bí tích Giải tội |
Ngày thứ Tư lễ Tro năm 2016, cha được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm Thừa sai LTX. Cha cho biết, trước khi nộp đơn lên Tòa Thánh, bản thân chỉ có mỗi khát vọng được dấn thân nhiều vào đời sống của những người nghèo khổ, những người cần được ủi an, nâng đỡ. Hơn nữa, cha cũng mong mọi người hiểu đúng ý nghĩa của Lòng Chúa Thương Xót là không chỉ chữa lành những vết thương bề ngoài mà còn xoa dịu những vết thương và những nỗi đau đớn sâu thẳm bên trong tâm hồn. Lửa mến và sự tận tụy hình như chưa bao giờ bớt bừng cháy trong lòng vị mục tử này. “Tôi vẫn luôn tìm đến các anh chị em nghèo khó, mỗi tháng đều đến dâng lễ cho những người khuyết tật, neo đơn ở Mái Ấm Phan Sinh (Đồng Nai) và những bệnh nhân tâm thần ở Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Trọng Đức (Đức Trọng – Lâm Đồng), cũng như giải tội cho các hối nhân. Niềm vui của tôi chính là nhìn thấy những người đã lâu năm chưa xưng tội nay lại tìm đến tôi. Họ giống như những đứa con thứ hai trong dụ ngôn Người Cha Nhân Lành, cần được tha thứ và ủi an”, cha ví von.
NGỌC QUỲNH
Nguồn: http://www.cgvdt.vn/