Đêm hoài niệm

Trăng mười sáu tròn đầy như chiếc đĩa bạc, treo lơ lửng trên vòm trời cao vời vợi, điểm mấy vì sao lấp lánh như những hạt kim sa rơi vãi. Chị ngồi đó, lặng lẽ trên con đê nhỏ nối liền hai xóm, thả tâm hồn bay về cái ngày xa lắc, ngày chị diện… quần lụa đen, áo lon trắng, đầu đội nón lá cọ, bước chân vào nhà: “người ta” trong tiếng pháo nổ đì đùng, xen lẫn tiếng đám trẻ vừa lon ton chạy theo đằng sau vừa gân cổ đọc vè:

                                                  Cô dâu chú rể

                                                  Đội rế lên đầu

                                                  Đi qua đầu cầu

                                                  Làm rơi mất rế

                                                 Chú rể nhặt lên

                                                 Cô dâu khóc nhè

                                                 Ò e đám cưới…

Bài vè còn văng vẳng bên tai, vậy mà đã gần bốn mươi năm chị bước theo chồng, bỏ cuộc chơi với đám bạn cùng thôn xóm, khi mới bước sang tuổi mười tám. Chặng đường đó tuy chưa phải là dài lắm, nhưng cũng đủ để một phụ nữ nay đã gần chạm ngưỡng lục tuần, cảm nhận và trải qua những cung bậc thăng trầm, vui buồn sướng khổ của đời sống lứa đôi. Gia đình chị thuộc diện bần cố nông, bên nhà chồng cũng chẳng chịu kém, vì vậy, anh chị cưới được một tháng thì bố mẹ chồng cho ra ở riêng, gia tài được hưởng là năm mươi cân lúa, một chiếc mâm gỗ, một chiếc nồi, bát đũa và bếp củi thì dùng chung. Gian liếp của vợ chồng chị ở, được làm từ ba đoạn kèo bằng tre gác lên đầu hồi nhà bố mẹ rồi kéo xuống, quê chị thường gọi đó là cánh gà, mái được lợp bằng lá cọ, tường được vắt bằng rơm và đất nhào lẫn với nhau.

Giang sơn hạnh phúc này rộng khoảng sáu mét vuông, trời nắng thì còn đỡ, trời mưa thì nước tạt vào đầy nhà, vì tường chỉ vắt có một nửa dưới, còn nửa trên thì bỏ không, lý do rất chính đáng: rơm phải để dành cho trâu ăn. Nghe thì thật là nực cười, đúng là chuyện tiếu lâm ở thế kỷ hai mươi, nhưng đó là sự thật một trăm phần trăm trong thời bao cấp, nhà ai có trâu thì mới được đội sản xuất chia rơm. Nhà chồng chị cũng được hợp tác xã giao cho nuôi  một con trâu, vì vậy mới có… rơm, rơm để cho trâu ăn, rơm còn để lót dưới chiếu nằm trong những ngày đông giá rét, vì vậy, rơm rất quý đối với người nông dân thời đó.

Ra ở riêng, hai vợ chồng chung gánh lo toan, chị đi đánh giậm, kéo chũm, chạy chợ cá tôm, đêm còn đi bắt ếch, chồng chị thì đánh lưới, đánh tôm, cuộc sống cứ vậy trôi đi, các con lần lượt chào đời, trai gái đủ đầy. Chín năm dài cóp nhặt, rồi anh chị cũng xây được căn nhà ấm cúng, kín trên bền dưới, với mảnh vườn nhỏ quanh năm xanh mát. Thời gian chẳng chờ đợi ai, ngoảnh đi ngoảnh lại chị thấy mình đã ở bên kia con dốc cuộc đời, bệnh tật thì cứ đội nón xếp hàng gõ cửa hỏi thăm: khi thì chị phải phẫu thuật cắt bỏ khối u, lúc thì lại nhập viện để tán sỏi thận, rồi thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, rối loạn tiền đình…

Mấy mươi năm cùng chồng đi trên con đường xây đắp và bảo vệ hạnh phúc gia đình, rồi những năm tháng gồng mình chống chọi với bệnh tật và bao đêm dài thức trắng vì những cơn đau hành hạ, hôm nay chị thèm được ngồi một mình trong đêm vắng, say sưa chu du về miền quá khứ. Vốn là một người sống hướng nội và gắn bó với làng quê từ nhỏ, chị yêu lắm lũy tre xanh kẽo kẹt, run rẩy trong những cơn gió heo may của miền Bắc. Rồi mỗi độ thu về, lá vàng rơi lác đác, xào xạc trong tia nắng mỏng tang như sợi tơ giăng trước ngõ, để lòng ai bâng khuâng xao xuyến. Đây nữa, những chiều hoàng hôn phủ tím làng quê, khói lam vương vấn trên những mái nhà, thoang thoảng mùi cơm chín tỏa lan, nhưng giờ đây, tất tất cả đã chìm vào dĩ vãng.

Lũy tre cao vút chạy dọc theo đường làng, ngọn uốn cong như cần câu rủ xuống, làm thành chiếc lọng xanh khổng lồ, đu đưa trong chiều lộng gió, nay đã bị chặt phá hết để làm đường bê tông. Thu về, đâu còn thấy lá vàng bay trong tơ nắng mộng mơ, mà chỉ có tiếng bước chân vội vàng, gấp gáp, chạy trốn cái nóng hầm hập bốc lên từ những con đường bê tông. Chiều hoàng hôn càng buồn man mác, khi chẳng còn những làn khói lam ngoằn ngoèo chui lên từ những mái tranh, vì ngày nay, nhà ai cũng dùng bếp ga, bếp điện. Cái khung cảnh đêm đông cả gia đình quây quần quanh bếp củi than hồng, vừa nướng khoai, nướng sắn, vừa chuyện trò vui vẻ bên tiếng củi nổ lách tách, đã chỉ còn trong dư âm của những người hoài cổ như chị.

Còn đâu nữa cánh đồng rộng mênh mông ngút tầm mắt, từng là nơi cung cấp tôm cá cho một thị trường rộng lớn bao gồm cả mấy huyện. Nói đến quê chị là nói đến cái… thương hiệu cá ngon nổi tiếng, được loan truyền một cách hài hước: “ cá thiến”. Quê chị là đồng chiêm trũng, cứ vào khoảng đầu tháng tư âm lịch, cả cánh đồng bát ngát rực lên màu lúa chín, trông như một biển vàng gợn sóng. Cuối tháng, khi lúa ngoài đồng vừa kịp “bò” vào bồ, vào cót, là đến mùa nước lũ tràn về nhấn chìm đồng ruộng, đường xá, ngăn cách xóm này với xóm kia, lũ về cuốn theo phù sa đục ngầu sủi bọt và bao loài tôm cá.

Làng quê vào mùa nước nổi trông như một quần đảo, thuyền nan đi lại tựa thoi đưa, những chiếc vó bè cao lớn lênh khênh đậu khắp cánh đồng, trông chẳng khác gì những chiếc cần cẩu khổng lồ. Bao cụm súng và chang chang nằm ngủ vùi dưới đất, chỉ đợi nước lũ về là vội vàng thức giấc, đua nhau trồi ra tua tủa những cọng dây tròn to như chiếc đũa và dài đến mấy mét, vươn lên rồi trải những chiếc lá xòe ra trên mặt nước, tựa như ngàn chiếc quạt lụa xanh óng ả, làm nền cho đám hoa trắng tinh khôi rung rinh trong gió. Nằm sâu dưới đáy là thảm tóc tiên, tảo vậy và các loại rong rêu dày đặc, đó là nơi trú ngụ lý tưởng của những đàn tôm cá.

Ngày ngày, tiếng gõ lưới lốc cốc, lanh canh cứ vang vọng như khúc nhạc đồng quê. Vào khoảng tháng chạp hằng năm, khi bầu trời ngả màu xám xịt, gió mùa đông bắc thổi tái tê trên cánh đồng, mặt nước bốc lên một làn hơi mỏng như sương khói. Đó cũng là thời gian trạm thủy nông bơm hết công suất, dẫn nước đổ ra sông Hồng, để nông dân làm vụ đông xuân, rồi tháng tư  tháng năm tới, lại một mùa nước mới, với những háo hức đợi chờ. Cánh đồng thơ mộng ấy tưởng sẽ gắn bó với người dân quê chị muôn thủa, vậy mà nay đã mãi mãi: “an nghỉ” sâu dưới những khu công nghiệp đông đúc náo nhiệt, khu dân cư mới, rối đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, ầm ầm tiếng xe cộ chạy ngày đêm không ngớt.

Suy nghĩ, chị thấy mình thật mâu thuẫn, mừng vì quê hương đổi thay, ấm no, giầu mạnh, những căn lầu kiên cố, những mái ngói, mái tôn đỏ tươi mọc lên san sát, lấn đuổi hết những ngôi nhà lụp xụp mái lá, mái tranh. Những cây cầu, con đường bê tông rộng rãi, bằng phẳng, thay thế những cây cầu dừa, cầu cọ, những con đường đất, đường mòn gập ghềnh khúc khuỷu. Nhưng sao chị vẫn đau đáu mơ về lũy tre, con đò, bến nước, về những buổi chiều chơi trò kéo mo cau trên con đường làng quanh co uốn khúc, về những đêm hè rủ nhau đi bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn lồng, những nét quê, hồn quê đó, đâu dễ phai mờ.

Đêm về khuya, làng quê thật yên tĩnh, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ. Chị chậm rãi đưa bước về nhà, tạm gác lại những ký ức vào tận đáy lòng và tự nhủ: “chẳng ai có thể níu kéo được quá khứ, hãy sống tốt cho hiện tại, hãy cùng một nửa của mình ghé vai gánh mối chung tình”.

 Mờ -inh

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *