1. Con số trẻ em bị bệnh mập phì trên toàn thế giới đã tăng gấp hơn 10 lần
Hãng thông tấn AFP đăng hôm 10.10.2017 vừa qua, cho biết con số trẻ em bị bệnh mập phì trên toàn thế giới đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ năm 1975 đến nay. Con số người trẻ từ 2 đến 19 tuổi bị mập phì ở Hoa Kỳ đã tăng từ gần 14% dạo năm 1999 lên đến 18,5% năm 2016.
Đó là kết quả một cuộc nghiên cứu do tổ chức OMS Sức khỏe thế giới thực hiện cùng với học viện hoàng gia London của Anh quốc. Theo đó, vào năm 2016, có 124 triệu người trẻ từ 5 đến 19 tuổi bị xem là mập phì so với 11 triệu hồi năm 1975.
Hiện tượng này xảy ra tại tất cả mọi nơi trên toàn thế giới, từ các quần đảo vùng Polinesie với 30% tổng số người trẻ, đến Hoa Kỳ với trên 20%, như là Ai Cập hay Arap Saudi. Hiện tượng mập phì tăng mạnh tại các nước nghèo hay chỉ có lợi tức trung bình. Trong khi đó, số người trẻ gầy yếu từ từ sút giảm.
Giáo sư Majid Ezzati thuộc học viện hoàng gia Anh ở London, một trong các chuyên viên thực hiện cuộc nghiên cứu nói trên nhận định rằng: Gầy yếu quá làm cho người trẻ dễ bị nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm, nhưng mập phì cũng đưa đến nhiều loại bệnh khác như về đường tim mạch, tiểu đường v.v…
Nhiều người trẻ đi từ trạng thái gầy ốm sang mập phì vì thiếu những chính sách giúp dinh dưỡng chuẩn mực. Thế giới ngày nay không có những chương trình giúp người ta biết cách ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như ăn ngũ cốc, trái cây và rau cỏ nhiều hơn.
2. Mỗi năm trên thế giới có 6 triệu trẻ em chết trước khi đầy 5 tuổi
Hôm 12.10 vừa qua, tổ chức Save The Children “Cứu Trẻ Em” lại lên tiếng báo động là mỗi năm có khoảng 6 triệu trẻ em trên toàn thế giới chết trước khi đầy 5 tuổi vì những chứng bệnh có thể phòng ngừa hoặc có thể chạy chữa dễ dàng. Và trong số các trẻ em bạc mệnh này, có gần một nửa, tức khoảng trên dưới 3 triệu, chết vì thiếu dinh dưỡng.
Lời báo động vừa nói đã được đưa ra trong báo cáo mới công bố của tổ chức Cứu Trẻ em, tựa đề “Đói chết được – những thách đố mới và cũ để ngăn chặn nạn thiếu dinh dưỡng.” Tài liệu ấy cho biết trong lúc này, thế giới có 52 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị thiếu dinh dưỡng. Tổng cộng có 155 triệu trẻ em bị đói thường xuyên và bị đe dọa chịu nhiều hậu quả trầm trọng của nạn thiếu dinh dưỡng trong lãnh vực phát triển thể xác và tâm trí, chi phối tiêu cực tương lai của các em.
Tổ chức Cứu Trẻ Em nhận đinh rằng: nghèo khổ, thay đổi khí hậu và chiến tranh giữ một vai trò quyết định trong sự lan tràn của nạn suy dinh dưỡng.
Trong khối các quốc gia có lợi tức thấp, 2 trên 5 trẻ em sống trong tình trạng nghèo khổ thiếu thốn, không được săn sóc sức khỏe hay giáo dục. Tại các nước vùng sừng Phi châu và Kenya, vì hiện tượng thay đổi thời tiết gọi là El Nino, 7 triệu trẻ em bị thiếu ăn thiếu uống. Về mặt chiến tranh, chỉ trong năm 2016, các cuộc xung đột đã khiến 65,6 triệu người phải tản cư tỵ nạn và 122 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng sống trong những lãnh thổ có nhiều giao tranh.
Trong số 155 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, hơn một nửa sống tại Nam Á và 30% sống tại Phi châu. Ngược lại, có khoảng 41 triệu trẻ em bị bệnh béo phì, trong số này 4 triệu tại các quốc gia giàu mạnh. Trong số các nước có nhiều trẻ suy dinh dưỡng nhất, có Eritrea với 50%, kế đó là Ấn Độ với gần 48%. Ông Claudio Tesauro, chủ tịch tổ chức Save The Children, tuyên bố: Đơn giản là không thể chấp nhận sự kiện còn có quá nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng như thế. Đây là một sát thủ âm thầm, nhưng có thể phòng ngừa được. Vì thế, tổ chức Cứu trẻ em tung ra chiến dịch hoàn vũ “Cho đến đứa trẻ cuối cùng” để cứu và cống hiến một tương lai cho các trẻ em hiện không có một ngày mai.
Nhân dịp này, ông Valerio Neri, tổng giám đốc tổ chức Cứu trẻ em nhận định rằng “Từ thập niên 1990 đến nay, đã có nhiều tiến bộ vượt bậc đạt được trong lãnh vực chống nạn suy dinh dưỡng. Con số trẻ em thiếu dinh dưỡng đã giảm từ 254 triệu hồi năm 1990 xuống còn 155 triệu hiện nay. Mặc dù điều này, thế giới vẫn còn ở rất xa mục tiêu đề ra hồi ngàn năm mới, đó là giảm 40% các trường hợp suy dinh dưỡng trầm trọng trong vòng năm 2025 và loại bỏ tất cả mọi hình thức thiếu dinh dưỡng trong vòng năm 2030.
Mai Anh – http://vi.radiovaticana.va/