Video: Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày Chúa Nhật 11 tháng 2 vừa qua, Giáo Hội trên toàn thế giới đã cử hàng Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Trong sứ điệp nhân ngày này Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

Anh chị em thân mến, việc phục vụ của Giáo hội cho các bệnh nhân và cho những ai chăm sóc họ phải luôn được tiếp tục canh tân mạnh mẽ, trong sự trung thành với sứ mệnh của Thiên Chúa (x. Lc 9: 2-6; Mt 10: 1-8; Mc 6: 7-13) và noi theo mẫu gương rất hùng hồn của Đấng sáng lập và là Tôn sư. Năm nay chủ đề của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được giới thiệu cho chúng ta lấy từ lời của Chúa Giêsu, khi bị treo trên thập giá, Người đã nói với Mẹ của mình là Đức Maria và thánh Gioan: “Này là con bà…. Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19,26-27)

1. Những lời trên đây của Chúa Giêsu rọi chiếu sâu xa mầu nhiệm của Thập giá. Thập giá không được coi như một bi kịch không có hy vọng, nhưng đó chính là nơi mà Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người, và để lại những ước muốn yêu thương đến cùng của Người, qua đó chúng trở thành những quy luật của cộng đoàn tín hữu và của cuộc sống nơi mỗi người môn đệ. Đặc biệt là những lời của Chúa Giêsu làm nên căn nguyên ơn gọi của Mẹ Maria trong mối tương quan với toàn thể nhân loại. Cách riêng, Mẹ sẽ là mẹ các đồ đệ của Con của mình, Mẹ sẽ chăm sóc họ và mọi bước đường của họ. Và chúng ta biết rằng, việc người mẹ chăm sóc một người con trai, con gái nó bao gồm cả các khía cạnh vật chất và tinh thần đối với việc giáo dục của bà. Nỗi đớn đau không nói thành lời của thập giá đâm xuyên qua tâm hồn của Mẹ (xem Lc 2:35), nhưng Mẹ không bị tê liệt. Trái lại, như một người mẹ của Thiên Chúa, một hành trình mới của sự dâng hiến đã khởi sự nơi Mẹ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã lo lắng về Giáo hội và toàn thể nhân loại, và Đức Maria được mời gọi chia sẻ chính sự lo lắng ấy. Sách Tông Đồ Công Vụ khi diễn tả sự tràn đầy Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống, đã cho chúng ta thấy rằng Đức Maria bắt đầu thi hành sứ vụ của mình trong cộng đoàn đầu tiên của Giáo hội. Một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc.

2. Môn đệ Gioan, người được yêu, tượng trưng cho Giáo hội, cho dân thiên sai. Ngài phải nhìn nhận Đức Maria như là mẹ của mình. Và trong sự nhìn nhận này, ngài được mời gọi đón nhận Mẹ, chiêm ngắm nơi Mẹ mẫu gương của người môn đệ và cũng như ơn gọi làm mẹ mà Chúa Giêsu đã ủy thác, với những lo lắng và những dự phóng, điều ấy hàm ý: Mẹ là người mẹ yêu thương và sinh ra những đứa con có khả năng yêu thương theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ơn gọi làm mẹ của Đức Maria là chăm sóc cho các con cái của Mẹ, qua thánh Gioan và toàn thể Giáo hội. Toàn thể cộng đoàn các môn đệ được mời gọi tham dự vào ơn gọi làm mẹ của Đức Maria

3. Như thánh Gioan, người môn đệ đã chia sẻ mọi sự với Chúa Giêsu. Thánh Gioan biết rằng Thầy muốn đưa dẫn tất cả mọi người đến gặp Chúa Cha. Ngài có thể làm chứng rằng Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều người đau yếu trong tinh thần, vì lòng họ đầy kiêu căng (x. Ga 8,31-39) và những người bệnh tật trong thân xác (x. Ga 5,6). Chúa Giêsu đã ban cho họ lòng thương xót và tha thứ, và Người cũng cho các bệnh nhân ơn được chữa lành thể lý. Đó là dấu chỉ của cuộc sống dồi dào trong Nước Trời, nơi mà mọi giọt lệ được lau khô. Giống như Đức Maria, các môn đệ được mời gọi để chăm sóc lẫn nhau, chứ không phải riêng mình. Các môn đệ biết rằng trái tim Chúa Giêsu đã mở ra cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Tin mừng Nước trời phải được loan báo cho tất cả mọi người, và đức ái của các kitô hữu phải hướng đến tất cả những ai đang túng thiếu, vì đơn giản họ là con người, là con cái của Thiên Chúa.

4. Ơn gọi hiền mẫu này của Giáo hội hướng đến những người túng thiếu và bệnh tật được cụ thể hóa, qua 2000 năm lịch sử, qua hàng loạt những sáng kiến phong phú hữu ích cho các bệnh nhân. Không bao giờ được quên lịch sử về sự cống hiến này. Lịch sử ấy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, trên toàn thế giới. Ở các quốc gia có đầy đủ các hệ thống y tế công cộng, công việc của các dòng tu Công Giáo, các giáo phận và các nhà thương Công Giáo, không những cung cấp sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng mà còn tìm cách đặt con người ở trung tâm tiến trình trị liệu và thi hành việc nghiên cứu khoa học trong tinh thần tôn trọng sự sống và cá giá trị luân lý Kitô giáo. Tại các quốc gia không đầy đủ hoặc không có các hệ thống y tế, Giáo hội cố gắng cung cấp cho người dân hết sức có thể việc chăm sóc sức khỏe, loại trừ nạn trẻ em chết yểu và chống lại một số bệnh tật lan rộng. Ở khắp nơi, Giáo hội tìm cách săn sóc, ngay cả khi không thể chữa lành. Hình ảnh Giáo Hội như một “nhà thương dã chiến”, đón nhận tất cả những người bị tổn thương vì cuộc sống, là một thực tại rất cụ thể, bởi vì ở một vài nơi trên thế giới, chỉ có các nhà thương của các thừa sai và của các giáo phận cung cấp sự chăm sóc cần thiết cho người dân.

5. Việc nhớ lại lịch sử phục vụ lâu dài cho các bệnh nhân là nguồn vui đối với cộng đoàn kitô hữu và đặc biệt là đối với những người hiện tại đang thi hành công việc phục vụ này. Cũng cần nhìn lại quá khứ, trước hết là để thấy mình được phong phú. Từ đó chúng ta phải học hỏi: lòng quảng đại đến độ hy sinh hoàn toàn của nhiều vị sáng lập các cơ sở phục vụ cho các bệnh nhân; tính sáng tạo, được đề xuất bởi lòng bác ái, của rất nhiều sáng kiến được thực hiện qua nhiều thế kỷ; dấn thân trong việc nghiên cứu khoa học, để cống hiến cho các bệnh nhân các phương pháp trị liệu mới mẻ và đáng tin cậy. Di sản quá khứ ấy giúp đề ra những dự phóng tốt đẹp cho tương lai. Ví dụ, gìn giữ các nhà thương Công Giáo khỏi nguy cơ duy hãng xưởng, mà khắp nơi trên thế giới đang tìm cách đưa việc chăm sóc sức khỏe vào trong lĩnh vực thị trường, rồi sau đó gạt bỏ người nghèo. Sự khôn ngoan có tổ chức và lòng bác ái đòi hỏi phải làm sao để phẩm giá người bệnh được tôn trọng và luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình điều trị. Những hướng này phải là đường hướng của các kitô hữu, đang làm việc trong các cơ cấu chung và qua việc phục vụ, họ được mời gọi làm chứng hữu hiệu cho Tin mừng.

6. Chúa Giêsu đã để lại nơi món quà dành cho Giáo hội quyền năng chữa lành của Người: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin… nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ (Mc 16,17-18). Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ diễn tả những hoạt động chữa lành của thánh Phêrô (Cv 3,4-8) và của thánh Phaolô (Cv 14,8-11). Món quà của Chúa Giêsu thích hợp với nhiệm vụ của Giáo hội. Giáo hội biết rằng phải mang vác trên mình các bệnh nhân với cái nhìn đầy âu yếm và từ bi của chính Chúa. Mục vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn và luôn là nhiệm vụ thiết yếu và cần thiết, sống động với một đà tiến được đổi mới khởi đi từ các giáo xứ cho đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đến đây chúng ta không thể quên được sự dịu dàng và kiên trì của rất nhiều gia đình đang chăm sóc con cái của mình, cha mẹ và người thân, những bệnh nhân mãn tính hoặc khuyết tật nặng. Sự chăm sóc trong gia đình là một chứng tá phi thường của tình yêu thương đối với con người và cần phải được hỗ trợ bằng sự nhìn nhận thích đáng cùng với những chính sách phù hợp. Vì thế, các bác sĩ, y tá, các linh mục, những người sống đời sống thánh hiến và thiện nguyện viên, các thành viên gia đình và tất cả những ai dấn thân trong việc chăm sóc các bệnh nhân, đều tham dự vào sứ mạng này của Giáo hội. Đó là trách nhiệm chia sẻ, làm tăng thêm giá trị phục vụ hằng ngày của mọi người.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng lên lời nguyện sau:

7. Lạy Đức Maria, Mẹ hiền diệu, chúng con muốn phó dâng tất cả các bệnh nhân trong thể xác và tinh thần, để Mẹ nâng đỡ họ trong niềm hy vọng. Chúng con cũng xin Mẹ giúp chúng con biết đón nhận các anh chị em bệnh nhân. Giáo hội biết rằng cần có ân sủng đặc biệt để có thể sống cho sự cao quý trong việc phục vụ tin mừng chăm sóc cho các bệnh nhân. Vì thế lời cầu nguyện lên Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta thấy mọi người cùng hiệp nhất trong một lời khấn xin, để mỗi chi thể của Giáo hội biết sống với lòng mến yêu ơn gọi phục vụ cho sự sống và sức khỏe con người. Xin Đức Trinh nữ Maria cầu bầu cho ngày thế giới các bệnh nhân lần thứ XXVI này; xin Mẹ giúp các bệnh nhân biết sống kết hiệp sự đau khổ của mình với Chúa Giêsu, và xin Mẹ nâng đỡ những ai đang chăm sóc họ. Tôi ban Phép Lành Tòa Thánh của tôi cho tất cả mọi người, cho các bệnh nhân, các nhân viên y tế và các tình nguyện viên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *