Video: Đức Thánh Cha buồn bã trước những lời chỉ trích

 

1. Đức Thánh Cha tấn phong Tổng Giám Mục cho ba vị tân Sứ thần Tòa Thánh

Sáng thứ Hai 19 tháng Ba, Lễ Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong 3 Tổng Giám Mục mới.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc nhở về sự kế truyền tông đồ liên tục của các Giám Mục trong truyền thống sinh động của Giáo Hội, nhờ đó sứ vụ và hoạt động của Chúa Cứu Thế tiếp tục và phát tiển cho đến tận thế.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tiến chức rằng nghĩa vụ trên hết của các Giám Mục là cầu nguyện.

Các tân chức gồm có Đức Tân Tổng Giám Mục Waldemar Stanisław Sommertag, linh mục Giáo phận Pelplin (Ba Lan) sinh ngày 6 tháng 2 năm 1968 tại Więcbork (Ba Lan), thụ phong linh mục vào ngày 30 tháng 5 năm 1993. Ngài được tấn phong Tổng giám mục hiệu tòa Maastricht và được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Nicaragua từ ngày 15 tháng 2 năm 2018.

Đức Tân Tổng Giám Mục Alfred Xuereb, linh mục Giáo phận Gozo (Malta), sinh ngày 14 tháng 10 năm 1958 tại Gozo (Malta), thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 5 năm 1984. Ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Amantea và được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Hàn Quốc và Mông Cổ từ ngày 26 tháng 2 năm 2018.

Đức Tân Tổng Giám Mục José Avelino Bettencourt, linh mục Tổng Giáo phận Ottawa (Canada), sinh ngày 23 tháng 5 năm 1962 tại Azores (Bồ Đào Nha), thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 5 năm 1993. Ngài được tấn phong Tổng Giám Mục hiệu tòa Novigrad và được bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Georgia và Armenia ngày 26 tháng 2 năm 2018.

Hai vị phụ phong với Đức Thánh Cha trong buổi lễ là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo. Đồng tế với ngài có hơn 60 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.

2. Khóa họp tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ

Lúc 9 giờ sáng 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha đến Học viện Mẹ Giáo Hội là chủng viện của Con đường Tân Dự Tòng cách Vatican khoảng 5 cây số để khai mạc Khóa họp tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục về giới trẻ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc lắng nghe người trẻ, ơn Chúa gọi, và ngài mời gọi họ hãy phát biểu trong tự do những ý kiến trong tuần gặp gỡ này. Ngài nói:

“Các bạn được mời như những đại diện giới trẻ thế giới vì sự đóng góp của các bạn không thể thiếu được. Chúng tôi cần các bạn để chuẩn bị Thượng Hội đồng sẽ tập hợp các Giám Mục về Rôma để thảo luận về đề tài ‘Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi’. Trong lịch sử Giáo Hội, cũng như trong nhiều giai thoại Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nhiều lần nói qua người trẻ: ví dụ tôi nghĩ đến Samuel, David và Daniel. Cũng thế, tôi tin rằng trong những ngày này Chúa cũng sẽ nói qua các bạn.”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng “Để có cùng làn sóng với các thế hệ trẻ, cần có một cuộc đối thoại khẩn trương. Vì thế tôi mời gọi các bạn trong tuần này hãy thẳng thắn bày tỏ một cách hoàn toàn tự do. Các bạn giữ vai chính và điều quan trọng là các bạn hãy nói một cách cởi mở. Tôi cam đoan rằng sự đóng góp của các bạn sẽ được coi trọng. Ngay từ bây giờ tôi cám ơn các bản và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi”.

3. Các Giám Mục Ba Lan tiếp tục bác bỏ khả thể cho người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ

Hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan được tổ chức nhân kỷ niệm năm thứ 5 cuộc bầu cử Đức Phanxicô vào ngôi Giáo Hoàng vừa kết thúc

Kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của Ba Lan, Thượng Hội đồng về Giới trẻ và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, hôn nhân và gia đình, dự án “Chặn đứng phá thai”, quan hệ Ba Lan -Do Thái và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan (KAI) là chủ đề của Đại hội toàn thể lần thứ 378 của Hội đồng Giám mục Ba Lan ở Warsaw, diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng 3 vừa qua.

Hội nghị khoáng đại đã do Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, chủ tọa. Hiện diện trong hội nghị này còn có Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan, và các đại diện của các Hội Đồng Giám Mục từ Belarus, Cộng Hòa Tiệp, Kazakhstan, Latvia, Moldova, Đức, Scandinavia, Ukraine, Hung Gia Lợi, và Italy.

Hội nghị toàn thể Hội Đồng Giám mục Ba Lan đã được triệu tập vào dịp kỷ niệm 5 năm cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhân dịp này, các giám mục Ba Lan đã cử hành Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha tại Đền Thờ Chúa Quan Phòng tại Warsaw, do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio chủ sự, với sự tham dự của đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan ngoại giao và đông đảo các tín hữu. Các Đức Giám Mục đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha vì sự quan tâm liên tục của ngài đối với Giáo Hội tại Ba Lan, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, và chuyến tông du Ba Lan nhân Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow và các giáo huấn mục vụ.

Về lễ kỷ niệm 100 năm giành lại độc lập của Ba Lan, các Giám Mục đã suy tư về vai trò của Giáo Hội trong sự phát triển tinh thần của người dân Ba Lan và trong việc phát triển căn tính quốc gia “Ba Lan” trong thời kỳ nước này bị sống trong tình trạng nô lệ ngoại bang. Các Giám Mục đã chú ý tới tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo trong việc giữ gìn các giá trị quốc gia trong thời kỳ nô lệ và đánh giá cao lòng sùng kính của người Ba Lan.

Các Giám mục cũng thảo luận các sáng kiến mục vụ liên quan đến Thượng Hội Đồng về Thanh Niên và tình hình chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Panama. Trong các cuộc tranh luận, các ngài cũng đã thảo luận cách sâu sắc về các hình thức chăm sóc hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng của Tông Huấn Amoris Laetitia. Các Giám Mục tái khẳng định một lần nữa quyết tâm của các ngài giữ gìn giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, bác bỏ khả thể cho những người ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, trừ phi họ sống với người phối ngẫu mới một cách khiết tịnh. Tuy nhiên, các Giám mục kêu gọi các linh mục đồng hành và quan tâm nhiều hơn đến các trường hợp khó khăn trong hôn nhân, cả trên con đường trung thành với các bí tích của họ và trong sự phân định các tình huống bất thường của họ. Nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng vô điều kiện sự sống con người trong tất cả các khoảnh khắc của cuộc đời, các Giám mục kêu gọi các nhà lập pháp tiến hành ngay dự án “Chặn đứng phá thai”.

Liên quan đến vấn đề về quan hệ Ba Lan-Do Thái, các Giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại dựa trên sự thật, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Các ngài nhấn mạnh rằng tất cả các hình thức bài Do Thái là mâu thuẫn với các nguyên tắc yêu mến người lân cận của Kitô giáo. Các ngài cũng chỉ ra thái độ anh hùng của những người Ba Lan, có nguy cơ mất mạng sống, trong khi giúp những người Do Thái bị khủng bố trong Thế chiến thứ Hai.

Hội Đồng Giám mục Ba Lan cũng bày tỏ lòng biết ơn Cơ quan Thông tin Công Giáo Ba Lan (gọi tắt là KAI) trong 25 năm hoạt động vừa qua. Cuối cùng, các giám mục đã cảm ơn các linh mục vì sự phục vụ quảng đại của các ngài trong Mùa Chay và mong muốn tất cả các tín hữu cảm thấy hạnh phúc trong thời gian này. Đối với Lễ Phục Sinh sắp tới, các ngài cầu chúc các tín hữu qua việc cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô sẽ được tràn đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần.

4. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ca ngợi các thành quả của phong trào Focolare

Thứ Tư 14 tháng Ba là ngày kỷ niệm 10 năm qua đời của chị Chiara Lubich, người phụ nữ Công Giáo Ý nổi tiếng đã thành lập Phong trào Focolare trên toàn thế giới để canh tân tinh thần và xã hội nhằm xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn dựa trên lòng tôn kính lẫn nhau và sự tôn trọng những khác biệt.

Chị Chiara Lubich qua đời vào ngày 14 Tháng 3 năm 2008, tại trụ sở của phong trào tại Rocca di Papa, gần Rôma, sau một thời gian dài bệnh tật.

Nhũ danh là Silvia Lubich, chị sinh ra ở Trent, miền bắc Ý, vào ngày 22 tháng 1 năm 1920. Trong Thế chiến II, trong khi bom đạn đổ xuống thị trấn quê hương của mình, cô gái 23 tuổi Lubich có một cảm nghiệm tôn giáo mạnh mẽ, và cô quyết định dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 1943, cô đổi tên mình thành Chiara, theo tên của Thánh Clara thành Assisi. Ngày này được coi là khởi đầu của phong trào Focolore, nghĩa là Tổ Ấm.

Thông qua Focolare (các cộng đồng nhỏ của các giáo dân tình nguyện), cô góp phần tăng cường sự hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo và cổ vũ sự hiệp nhất Kitô giáo, đối thoại liên tôn và đối thoại với văn hoá đương đại. Ngày nay trong số các thành viên của phong trào Focolore cũng có nhiều người không theo một tôn giáo nào.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi một sứ điệp đến lễ an táng của chị Lubich được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, mô tả chị như một “người phụ nữ có đức tin dũng mãnh, một sứ giả hy vọng và bình an”.

Phát biểu trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày qua đời của chị, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhắc nhớ sự vâng phục và ngoan ngoãn của chị Chiara Lubich và phong tào Fololare đối với Giáo Hội, ngay cả trong những thời điểm rất khó khăn. Ngài đặc biệt nhấn mạnh hai đóng góp của chị. Đóng góp thứ nhất là làm sâu sắc thêm và làm sống động bản chất Thánh Mẫu và tông đồ của Giáo hội. Đóng góp thứ hai là mạnh mẽ kêu gọi sự hiệp nhất, để “tất cả mọi người nên một”, để thế giới có thể tin.

Ngày nay, phong trào Focolare hiện diện ở 194 quốc gia, và có khoảng 120,000 thành viên và một triệu rưỡi người là các cảm tình viên và thành viên không chính thức.

5. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà tù gần Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong một nhà tù gần Vatican và sẽ rửa chân cho 12 tù nhân.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 20 tháng Ba, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết năm nay Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày 29 tháng 3 tại nhà tù Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) của Rôma.

Trước Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm những người bị bệnh trong nhà tù. Ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho 12 tù nhân trong tu viện trung tâm của nhà tù, và sau đó sẽ gặp một số tù nhân trong Khu 8 của trại giam. Khu này được thiết kế để làm nơi cư trú được bảo vệ cho các tù nhân bị kết án về tội phạm tình dục và các tù nhân khác là những người có thể bị nguy hiểm khi sống chung với các tù nhân khác.

Nhà tù Regina Coeli là một tu viện cũ được xây dựng vào những năm 1600, và đã hoạt động liên tục cho đến nay từ những năm 1890. Mặc dù chính phủ cho biết sức chứa của nhà tù này không quá 600 tù nhân, nhưng các cuộc điều tra dân số hàng tháng kể từ tháng 3 năm 2017 đã cho thấy bình quân có tới hơn 900 người bị giam giữ nơi đây. Hơn một nửa số tù nhân không phải là người Ý.

Nhà tù chỉ cách quảng trường Thánh Phêrô không đến 1600m.

Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Phụng vụ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh hàng năm ở những nơi đặc biệt đau khổ. Các vị tiền nhiệm trước đó của ngài thường cử hành Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô hay Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để đông đảo dân chúng có thể tham dự được.

Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở Rôma, nơi ngài rửa chân cho những người trẻ phạm tội cả nam lẫn nữ. Năm sau, đó ngài chủ sự thánh lễ và rửa chân tại một cơ sở phục hồi chức năng cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rôma. Vào năm 2015, ngài đã tới nhà tù chính Rebibbia của Rôma, nơi ngài cử hành Thánh Lễ cho các tù nhân nam với sự tham dự của các phụ nữ trong một nhà giam phụ nữ gần đó. Năm 2016, ngài cử hành Thánh Lễ với người tị nạn ở một trung tâm phía bắc Rôma. Và, vào năm ngoái 2017, ngài đã đến một nhà tù ở Paliano, cách Rôma gần 80km.

6. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Chúng ta gặp được Chúa trong sự yên lặng suy tư

Một trong những nhà lãnh đạo thẳng thắn nhất của Giáo Hội Công Giáo đã kêu gọi các cử tọa hào hứng ở nhà thờ chánh tòa Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Toronto, Canada, hãy giữ im lặng và cảnh giác với nguy cơ bị choáng ngợp trước các tin tức thường xuyên và mất tập trung.

Đức Hồng Y Robert Sarah của Guinea, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói rằng trong im lặng, người ta tìm thấy Thiên Chúa, khám phá ra mình là ai và trang bị cho mình một cuộc sống có ý nghĩa.

“Một nhiệm vụ tuyệt vời đã được trao cho chúng ta, một nhiệm vụ rất khó khăn”, Đức Hồng Y người Châu Phi nói với đám đông 1,200 người vào ngày 12 tháng 3. “Mỗi người trong chúng ta có nhiệm vụ phải sống tự do, sống với phẩm giá con cái Chúa.”

Bài giảng của ngài đã được dự trù diễn ra tại nhà thờ Thánh Basil trong khuôn viên đại học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng các vé miễn phí, ghi danh trực tuyến đã nhanh chóng hết chỗ. Rõ ràng là nhà thờ quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu của anh chị em giáo dân.

Bài giảng ở Toronto đã tập trung vào sứ điệp của cuốn sách gần đây nhất của Đức Hồng Y về tầm quan trọng của sự im lặng trong đời sống thiêng liêng của con người. Ngài đã đặt vạch ra một cách chi tiết con đường các Kitô hữu phải theo để có được tự do, phẩm giá và ý chí khám phá cuộc sống sâu xa hơn trong Chúa Kitô. Đức Hồng Y Sarah nói rằng con đường này ở mọi nơi, mọi thời chính là sự im lặng.

Ngài nói: “Khi chúng ta rút lui khỏi tiếng ồn của thế giới, ẩn mình trong im lặng, chúng ta có được một quan điểm mới về tiếng ồn của thế giới. Rút lui vào im lặng để biết mình, biết phẩm giá của mình.”

Đức Hồng Y nói rằng sự im lặng là không gian cho phép Thiên Chúa bước vào cuộc sống của chúng ta.

“Nếu chúng ta lấp đầy chính mình với những điều phù phiếm và không quan trọng, chúng ta sẽ thấy bản thân chúng ta chỉ là những thứ tạm bợ và vô nghĩa. Nếu chúng ta hướng đến những điều đẹp đẽ và vĩnh cửu, chúng ta sẽ thấy mình đẹp đẽ và vĩnh hằng”

Buổi thuyết trình của Đức Hồng Y được bắt đầu bằng kinh chiều do Đức Hồng Y Thomas Collins cử hành, cùng với hai chủng sinh được dự định thụ phong linh mục vào tháng 5.

Mặc dù số sinh viên đại học chỉ là thiểu số trong cử tọa, Đức Hồng Y Sarah đã chuẩn bị một phần bài chia sẻ của mình cho những người trẻ. Ngài thách thức các sinh viên từ bỏ điện thoại thông minh và những phiền nhiễu khác và khám phá sự cầu nguyện và chiêm ngưỡng trong im lặng.

7. Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiết lộ: Đức Giáo Hoàng buồn bã trước những lời chỉ trích

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu cho biết đứng trước những lời chỉ trích càng ngày càng nhiều ngay bên trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha bình tĩnh, nhưng những lời này vẫn làm ngài bị tổn thương.

Nhìn chung, nhiều người vẫn có cảm tình với triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng các chỉ trích nặng nề vẫn tiếp tục không ngớt nổi lên.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, nhân vật thứ ba trong giáo triều Rôma, sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã cho biết như trên trong buổi giới thiệu cuốn “Francis the rebel” – “Phanxicô người nổi loạn”. Cần nói ngay rằng cuốn sách, với cái tựa nghe giật gân này, không đề cập đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng nói về Thánh Phanxicô thành Assisi.

Tác giả cuốn sách là Enzo Fortunato cho rằng thông điệp của Thánh Phanxicô thành Assisi vẫn là một thông điệp có tính chất thời sự. Thậm chí, ngày hôm nay thông điệp của thánh nhân còn cần thiết hơn bao giờ đến mức ngay cả một vị giáo hoàng cũng đã quyết định lấy làm tông hiệu của mình.

“Ngài rất bình tĩnh. Để đương đầu với những chỉ trích, ngài sử dụng tinh thần Dòng Tên và mức độ khổ hạnh thứ ba là tịnh tâm trước một số điều, nhưng ngài là một con người, vì vậy ngài cũng phải chịu đau khổ. Một số nhà phê bình đưa ra cả các chỉ trích vô căn cứ lẫn các phê phán thấu đến tận cùng của con người. Chẳng hạn, họ nói ngài phản bội tín lý của Giáo hội … điều này không đúng. Ngài không chấp nhận điều này và đó là cáo buộc nghiêm trọng nhất đối với một người”.

Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu cũng tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không kỷ niệm tưng bừng 5 năm triều Giáo Hoàng của ngài nhưng trải qua ngày này với một bầu khí âm thầm, lặng lẽ.

“Ngài bình tĩnh và hài lòng, nhưng không tổ chức một bữa tiệc nào, thay vào đó ngài tiếp tục các kế hoạch làm việc và các cuộc họp, như thể không có gì xảy ra.”

8. Các Giáo Hội Kitô tại Hoa Kỳ đồng loạt phản đối Israel đóng thuế các tài sản của các Giáo Hội tại Giêrusalem

Các Giáo Hội địa phương tại Israel đã đóng góp rất nhiều vào các dịch vụ xã hội như trường học, nhà thương và các viện chăm sóc cô nhi và người già, và góp phần đáng kể vào thu nhập chung toàn xã hội qua việc du lịch của các tín hữu Kitô đến miền đất này. Tuy nhiên, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, và thị trưởng Jerusalem, Nir Barkat, đã ra tuyên bố tiến hành việc đóng thuế các tài sản của các Giáo Hội Kitô tại Thánh Địa bất chấp các phản ứng quyết liệt của các Giáo Hội tại Giêrusalem đến mức đóng cửa các nhà thờ để bày tỏ sự bất bình.

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB), cùng với các vị lãnh đạo khác của Anh Giáo, Tin Lành Luther, và Giáo hội Armenia Tông Truyền tại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Israel đừng tịch thu đất đai của các Giáo Hội hay đóng thuế các tài sản này.

Trong bức thư chung gởi đến thủ tướng Israel và thị trưởng Giêrusalem các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Hoa Kỳ bày tỏ mối quan tâm sâu sắc rằng biện pháp này sẽ “gây nguy hiểm cho sự sống còn của các cộng đồng Kitô hữu tại Thánh Địa”. Một lá thư thứ hai đã được gửi đến tất cả những vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Giêrusalem để trấn an các vị và cam kết tiếp tục gây áp lực với chính phủ Israel.

Bản tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo và các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tại Hoa Kỳ viết như sau:

“Là những nhà lãnh đạo của các Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo tại Hoa Kỳ, chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan tâm mạnh mẽ của chúng tôi trước các đề xuất pháp lý và kế hoạch đánh thuế gần đây có thể gây nên những trở ngại cho công việc của các Giáo Hội trong và xung quanh Giêrusalem, tạo ra một tình huống gây nguy hiểm cho sự sống còn của cộng đồng Kitô hữu tại Thánh Địa.

Chúng tôi đã bày tỏ với các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội ở Giêrusalem, trong bức thư đính kèm, về sự liên đới vững chắc của chúng tôi với các ngài trong cuộc khủng hoảng này, bao gồm cả việc vận động mạnh mẽ trước chính phủ của chúng tôi.

Chúng ta đều biết rằng các Giáo Hội đã tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và hành hương và chúng tôi nhìn nhận rằng những hoạt động này là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của các Giáo Hội và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng Giêrusalem vượt ra cả bên ngoài phạm vi các Giáo Hội.

Chúng tôi yêu cầu quý vị kết thúc các biện pháp phá vỡ Thoả Ước Nguyên Trạng. Chúng tôi cam kết với các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Giêrusalem về sự ủng hộ không lay chuyển của chúng tôi đối với tất cả các biện pháp hòa bình và hợp pháp mà các ngài có thể theo đuổi để bảo đảm sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng Kitô hữu hiện nay và trong tương lai”

9. Người Công Giáo tại Hoa Kỳ âu lo về thay đổi khí hậu hơn là tình trạng các tín hữu Kitô bị bách hại

90% người Công Giáo tại Hoa Kỳ tin rằng cuộc bách hại các Kitô hữu trên toàn thế giới là nghiêm trọng (trong đó có đến 40% cho rằng rất nghiêm trọng). Tuy nhiên, chỉ có gần một nửa, cụ thể là 49%, cho biết họ rất quan tâm đến điều này; và 18% cho rằng họ không quan tâm lắm đến vấn đề đó.

Thay vào đó, nghiên cứu của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ trên 1,000 người Công Giáo trưởng thành tại Mỹ được tiến hành trực tuyến vào tháng Giêng cho thấy người Công Giáo Mỹ lo lắng nhiều hơn về những vấn đề khác.

90% người Công Giáo Hoa Kỳ lo ngại về nạn buôn người (72% rất quan tâm, 21% có phần lo ngại) và tình trạng nghèo đói (68% rất quan tâm, 26% tương đối quan tâm). Hơn 80% lo lắng về cuộc khủng hoảng người tị nạn; 55% rất quan ngại về tình trạng thay đổi khí hậu.

Theo John Allen, một nhà báo và là một nhà phân tích Công Giáo kỳ cựu, kết quả này cho thấy “Đối với người Công Giáo Hoa Kỳ, việc giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại không phải là một ưu tiên khẩn cấp.”

10. Bất chấp các phản kháng của Giáo Hội, Rodrigo Duterte thúc giục Quốc Hội thông qua luật ly dị trước lễ Phục sinh

Chính phủ Phi Luật Tân do tổng thống Rodrigo Duterte đứng đầu dự định thông qua luật ly dị tại Quốc hội trước ngày lễ Phục Sinh. Phát ngôn viên của Thượng viện là ông Pantaleon Alvarez cho biết một phiên bản cuối cùng của dự luật sẽ được đưa ra tại quốc hội lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng vào ngày 23 tháng 3.

Dự luật có tựa đề “Đạo luật về ly dị và tiêu hủy hôn nhân” nhằm bổ sung cho những đề xuất được đưa ra trong vài tháng qua bởi một số nhà lập pháp ở Hạ viện. Luật này nhằm mục đích cung cấp cho các cặp vợ chồng trong cuộc khủng hoảng một cách hợp pháp để chấm dứt hôn nhân.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong một cuộc khảo sát gần đây, 53% người được hỏi ủng hộ việc hợp pháp hoá ly dị, 32% chống lại và 15% không có ý kiến.

Giáo Hội tại Phi Luật Tân đang phản đối mạnh mẽ dự luật này. Các hiệp hội và các phong trào Công Giáo đã ký một văn bản chung, trong đó nhấn mạnh rằng “Hiến pháp Phi Luật Tân coi hôn nhân là một thể chế xã hội bất khả xâm phạm, là nền tảng của gia đình và phải được Nhà nước bảo vệ”.

11. Ấn giáo cực đoan đánh đập các nữ tu và phá phách một bệnh viện Công Giáo

Những thành phần Ấn giáo cực đoan đã phá hủy bức tường của một bệnh viện Công Giáo và đánh đập các nhân viên, trong đó có cả các nữ tu, trong vụ tấn công mới nhất ở bang Madhya Pradesh, một cứ điểm chống Kitô Giáo bằng các hình thái bạo lực ở trung tâm Ấn Độ.

Ucanews cho biết có khoảng 60 người, đã dùng một xe ủi đất để san bằng bức tường biên giới của Bệnh viện Pushpa Mission ở thị trấn Ujjain hôm 12 tháng 3 vừa qua. Họ chặn lối vào khu cấp cứu và phá hủy các thiết bị, bao gồm cả những máy phát điện của bệnh viện.

Theo bác sĩ Anthony Pulickamandapam, giám đốc bệnh viện, nhà thương của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái được xây dựng và hoạt động liên tục trong 44 năm qua đã gặp phải rắc rối kể từ tháng Giêng năm nay sau khi Gagan Singh, trợ lý của một nhà lập pháp địa phương, tuyên bố chủ quyền trên một mảnh đất của bệnh viện.

Bác sĩ Anthony nói rằng miếng đất trước bệnh viện đã được cơ quan dân sự địa phương cho các nữ tu để sử dụng như một khu vực đậu xe và để duy trì cây xanh.

Vụ tranh chấp này đã được đưa ra tòa sau khi các thành viên của Đảng Bharatiya Janata, là một đảng Ấn Độ giáo cực đoan, và là đảng cầm quyền bang này, đã cố chiếm miếng đất vào ngày 27 tháng Giêng, và buộc tội Giáo Hội chiếm dụng bất hợp pháp khu vực này.

Đức Giám Mục Vadakel nói rằng nhân viên bệnh viện rất ngạc nhiên vì cảnh sát không hành động để giúp đỡ họ trước cuộc tấn công này. Trạm cảnh sát địa phương và các quan chức cấp cao khác từ chối trả lời các yêu cầu giúp đỡ.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

12. Asia Bibi vui mừng vì được phép giữ cỗ tràng hạt Đức Giáo Hoàng tặng cho cô

Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo người Pakistan đang ngồi tù vì tội báng bổ, cho biết cô đã được phép giữ giữ cỗ tràng hạt Đức Giáo Hoàng tặng cho cô, và cho rằng đây là một “phép lạ”.

Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Asia Bibi tiết lộ rằng đây là lần đầu tiên trong chín năm tù giam cô đã được phép giữ một vật thể tôn giáo bên mình trong tù.

Trong chương trình ủng hộ các Kitô hữu bị bách hại, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái Công Giáo được Tòa Thánh công nhận như một tổ chức giáo hoàng, đã tổ chức một cuộc họp ở Vatican vào ngày 24 tháng 2 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và chồng của Asia Bibi là anh Ashiq và cô con gái Eisham. Chính trong dịp này, Phanxicô đã trao cho họ một chuỗi Mân côi tặng cho Asia Bibi và yêu cầu họ nói với bà rằng ngài đang cầu nguyện cho bà.

Asia Bibi bị bỏ tù vào tháng 6 năm 2009 và bị kết án tử hình vì tội báng bổ. Sau hai lần chuyển trại, giờ đây cô đang bị giữ trong một phòng giam hoàn toàn không có cửa sổ tại tỉnh Multan ở bang Punjab để chờ ngày tử hình.

“Tôi đã nhận được món quà của Đức Giáo Hoàng với lòng mộ mến và biết ơn”, bà nói. Bà nói thêm rằng chuỗi Mân Côi mang đến cho bà ơn an ủi lớn lao. Biết rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện cho bà và nghĩ đến bà là một nguồn an ủi tuyệt vời.

13. Đức Hồng Y Louis Raphael Sako được đề cử giải Nobel hòa bình

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, là Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê thành Babylon, Iraq, vừa được đề cử Giải Nobel Hoà bình năm 2018.

Đức Hồng Y nói với thông tấn xã AsiaNews rằng đối với ngài nhận giải “không quan trọng”. Điều đáng nói là “giá trị tượng trưng của cử chỉ này” bởi vì nó giúp “hướng sự chú ý của thế giới vào người dân Iraq, và cộng đồng Kitô hữu”, ngày nay vẫn là nạn nhân của các vụ tấn công. Nó cũng giúp xây dựng “tương lai của đất nước”.

“Trong cuộc gặp gỡ gần đây với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi đã nhờ ngài hỗ trợ tinh thần”. và đó “là những gì chúng tôi cần.”

Tại Iraq và nhiều nước trên thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo, trí thức và các nhóm xã hội dân sự đã ủng hộ sáng kiến này, như là sự thừa nhận các hoạt động vì hoà bình, vì sự sống chung và hoà giải mà ngài đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Đây là một nhiệm vụ thiết yếu trong một quốc gia vẫn còn bị đánh dấu bằng bạo lực, mâu thuẫn nội bộ và các cuộc thanh trừng vì giáo phái.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng từng được đề cử giải Nobel Hoà bình. Tuy nhiên, vì những lý do chính trị, giải Nobel Hoà bình chưa từng được trao cho một vị Giáo Hoàng.

Trong số những giải Nobel hòa bình bị phê phán nặng nề nhất là giải thưởng được trao cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ. Điều này đã dẫn đến sự từ chức của hai thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy. Kissinger và Thọ đã được trao giải thưởng cho việc đàm phán ngừng bắn giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 1973. Tuy nhiên, khi giải thưởng được công bố, cuộc chiến vẫn đang diễn ra ở mức tàn khốc.

14. Bất kể luật mới, các quán rượu ở Ái Nhĩ Lan sẽ đóng cửa vào Ngày Thứ Sáu Tòa Thánh

Các quán rượu ở Ái Nhĩ Lan sẽ được mở và phục vụ rượu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 30 tháng 3 tới đây, lần đầu tiên trong 91 năm. Nhưng một số chủ quán rượu đã thề sẽ đóng cửa để giữ truyền thống tốt đẹp ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Tổng thống Michael D. Higgins đã ký quyết định thay đổi luật có hiệu lực trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm nay sau khi ông nhận được sự ủng hộ của Quốc Hội.

Lệnh cấm uống rượu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã được áp dụng từ năm 1927, khi các nhà lập pháp quyết định rằng ý nghĩa của ngày ăn chay và kiêng thịt này đã được công chúng chấp nhận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các chủ quán rượu đã phàn nàn rằng lệnh cấm đã có một ảnh hưởng bất lợi đối với ngành du lịch khi các du khách đến thăm Ái Nhĩ Lan vào dịp Lễ Phục Sinh.

Tuy nhiên, bất kể luật mới chủ nhân tại ít nhất hai thị trấn nói rằng họ sẽ đóng cửa như mọi năm. Tại Drumconrath, thuộc quận Meath – ở phía bắc Dublin – ba chủ quán rượu địa phương cũng đã cho biết họ giữ truyền thống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

15. Bộ Giáo Lý Đức Tin ra thông cáo tước bỏ chức vụ của Tổng Giám Mục Anthony Apuron

Tổng Giám mục Anthony Apuron của tổng giáo phận Guam, đã bị Tòa án Vatican buộc tội lạm dụng tình dục và tước bỏ chức vụ của mình. Quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã được đưa ra hôm thứ Sáu 16 tháng Ba, 2018.

Vị Tổng Giám Mục bị buộc tội được tường thuật rằng đã kháng cáo phán quyết này.

Tổng Giám mục Apuron đã bị tạm đình chỉ các nhiệm vụ mục vụ của mình vào tháng 6 năm 2106, và bị triệu hồi về Vatican, sau một loạt các phàn nàn rằng ông đã lạm dụng tình dục các thanh niên trẻ. Một trong những người tố cáo ông lại chính là người cháu ruột của ông. Vatican đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Michael Byrnes, làm Tổng Giám Mục Phó của tổng giáo phận Guam, với các năng quyền đặc biệt để điều hành tổng giáo phận cho đến khi các cáo buộc chống lại Tổng giám mục Apuron được giải quyết. Trong khi đó Tổng giám mục Apuron vẫn ở Rôma.

Vào tháng 10 năm 2017, Đức Cha Byrnes thông báo rằng một Tòa án Vatican đã xử những cáo buộc lạm dụng tình dục này và đã đạt đến một phán quyết. Nhưng vài tháng đã trôi qua trước khi phán quyết đó được chính thức thông báo vào ngày 16 tháng 3 năm 2018. Không có lời giải thích nào về sự trì hoãn này. Tháng Hai vừa qua, Tổng Giám mục Apuron có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau buổi triều yết chung hàng tuần, có lẽ để tìm kiếm một sự can thiệp vào phút chót.

Phiên xử về giáo luật Tổng giám mục đã được thực hiện bởi một ủy ban gồm năm thẩm phán, dưới sự chủ tọa của Bộ Giáo lý Đức tin. Tòa án đã áp đặt các hình phạt “tước bỏ các chức vụ và cấm cư trú trong Tổng Giáo phận Guam”. Tuy nhiên, vì Tổng giám mục Apuron kháng cáo nên các hình phạt được công bố hôm thứ Sáu 16 tháng Ba sẽ bị tạm thời đình chỉ.

Trừ khi bản án của ông bị đảo ngược trong phiên tòa sắp tới, Tổng Giám mục Apuron sẽ là vị tổng giám mục thứ hai bị tước danh hiệu giáo sĩ của mình sau một phiên toà giáo luật về tội lạm dụng. Vào năm 2014, Tổng Giám mục Jozef Wesolowski, người đã là từng là sứ thần Tòa thánh ở Cộng hòa Dominican, đã bị tước bỏ chức vụ của mình và bị cho hồi tục. Theo dự trù, vị giám chức Ba Lan này cũng phải đối mặt với một vụ xét xử hình sự, về cáo buộc lạm dụng tình dục, nhưng ông đã chết đột ngột trước khi phiên xử bắt đầu.

Ở Guam, một số thanh niên đã nộp đơn kiện chống lại Tổng giám mục Apuron. Năm ngoái, luật sư của vị giám chức nói rằng Apuron sẽ không đàm phán các tranh chấp cho đến khi kết thúc phiên tòa giáo luật tại Vatican. Nếu tòa án Vatican bác bỏ kháng cáo của Tổng giám mục Apuron, sau khi hồi tục, ông sẽ phải đối diện với các phiên tòa dân sự và phải bồi thường cho các thanh niên này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *