Vì đang còn trong tuần lễ mừng Chúa Phục sinh, nên đã có hàng chục ngàn tín hữu hành hương từ khắp nơi trên thế giới tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 04/04/2018.
Sự phục sinh của Chúa Kitô khai hoa công chính và thánh thiện
Trước khi bắt đầu bài giáo lý cuối cùng về Thánh lễ, ĐTC đã dùng hình ảnh muôn ngàn hoa nở rực tại quảng trường để nói đến “Phục sinh nở hoa”, vì sự sống lại của Chúa Kitô làm nảy sinh bông hoa mới, nảy sinh sự công chính của chúng ta, nảy sinh sự thánh thiện của Giáo hội. Do đó, muôn vàn bông hoa này là niềm vui của chúng ta. Vì trong suốt cả tuần lễ này chúng ta mừng Phục sinh, ĐTC mời gọi mọi người cùng chúc mừng Phục sinh nhau. ĐTC cũng mời gọi các tín hữu chúc mừng Phục sinh Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức, nguyên là Giám mục của Roma; ngài đang theo dõi qua truyền hình. Các tín hữu đã vỗ tay thật lớn để chúc mừng ngài.
Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC nhắc rằng, sau lời nguyện Hiệp lễ, Linh mục chúc lành cho cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc như cách được bắt đầu, nghĩa là với dấu Thánh giá, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Chúa Ba Ngôi, Đấng mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống thần linh của Người qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Sau đó linh mục giải tán cộng đoàn với lời chúc ra đi bình an để mang chúc lành đến cho thế giới.
Thánh lễ kết thúc nhưng sứ vụ của Kitô hữu mang bình an cho người khác bắt đầu
Đặc biệt, chúng ta biết rõ rằng trong khi Thánh lễ kết thúc, sứ vụ làm chứng tá của người Kitô hữu bắt đầu. Có những người đi lễ như một công việc hàng tuần rồi thì quên đi. Không, chúng ta tham dự Thánh lễ để tham dự vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa và sống như Kitô hữu hơn nữa. Chúng ta ra khỏi nhà thờ để “ra đi bình an” và mang phúc lành của Chúa vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vào trong gia đình chúng ta, vào nơi làm việc, giữa những lo toan của cuộc sống dương thế, chúng ta vinh danh Thiên Chúa bằng cuộc sống của chúng ta.” Nếu chúng ta dự lễ xong và bàn tán “xem người này kìa, nhìn người kia kìa…”, Thánh lễ không đi vào tâm hồn chúng ta. Mỗi lần chúng ta tham dự lễ xong, chúng ta phải tốt hơn trước khi tham dự Thánh lễ, sống động, mạnh mẽ hơn, và mong muốn làm chứng tá Kitô hữu hơn. Qua Thánh Thể, Chúa Giêsu đi vào trong con người chúng ta, trong trái tim và thân xác của chúng ta, để chúng ta có thể “diễn tả bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận với đức tin trong đời sống”.
Tham dự Thánh lễ để học trở nên giống Chúa Kitô hơn
Do đó, từ việc cử hành đến cuộc sống, chúng ta ý thức rằng Thánh lễ được hoàn thành trong các chọn lựa cụ thể của những người tham dự trực tiếp vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta không được quên rằng chúng ta cử hành Thánh Thể để học trở thành những con người của Thánh Thể. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là để Chúa Kitô hành động trong các hoạt động của chúng ta: để các tư tưởng của ngài trở thành tư tưởng của chúng ta, tâm tình của ngài trở thành tâm tình của chúng ta, chọn lựa của ngài cũng trở thành chọn lựa của chúng ta. Đây là sự thánh thiện: làm như Chúa Kitô đã làm, đó là sự thánh thiện Kitô giáo.
Thánh Phaolô đã diễn tả chính xác điều này khi nói về việc trở nên giống Chúa Giêsu thật sự: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gal 2,19-20). Kinh nghiệm của thánh Phaolô soi sáng cho chúng ta: trong chính cách thức mà chúng ta chết cho tính ích kỷ của mình – nghĩa là chúng ta làm chết đi những gì trái ngược với Tin mừng và tình yêu của Chúa Giêsu – một không gian rộng lớn dành cho quyền năng của Thần Khí được tạo nên trong chúng ta. Các Kitô hữu là những người mở rộng tâm hồn mình với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô. Anh chị em hãy để cho tâm hồn mình được mở ra. Không phải là tâm hồn chật hẹp đóng kín, nhỏ nhen ích kỷ. Nhưng là tâm hồn rộng lớn, với những định hướng rộng lớn.
Sự hiện diện của Chúa Kitô không chấm dứt khi Thánh lễ kết thúc nhưng tiếp tục trong cuộc sống chúng ta
Bởi vì sự hiện diên thật của Chúa Kitô trong Bánh được thánh hiến không kết thúc với Thánh lễ, Thánh Thể được giữ trong Nhà Tạm để cho các bệnh nhân rước lễ và để thờ kính Chúa trong thinh lặng; việc thờ kính Thánh Thể ngoài Thánh lễ, cách cá nhân hoặc cộng đoàn, giúp chúng ta ở lại trong Chúa Kitô.
Vì thế, hoa trái của Thánh lễ được chín mùi trong cuộc sống hàng ngày. Thánh lễ như hạt lúa lớn lên trong cuộc sống thường ngày, lớn lên và chín trong các việc thiện, trong các ứng xử mà làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu. Thật thế, trong khi Thánh Thể làm gia tăng sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, Thánh Thể làm cho ơn sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức được gia tăng mỗi ngày, để cho chứng tá Kitô của chúng ta trở nên đáng tin cậy (cfr ibid., 1391-1392).
Thêm vào đó, trong khi thắp sáng tình yêu Chúa trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thể tách chúng ta ra khỏi tội lỗi: “Chúng ta càng tham gia vào sự sống của Chúa Kitô và tiến triển trong tình bạn với Ngài thì việc tội trọng tách rời chúng ta khỏi Ngài càng khó khăn hơn (ibid., 1395).
Việc thường xuyên đến gần với Bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối liên hệ với cộng đoàn Kitô hữu mà chúng ta thuộc về, theo nguyên lý: Thánh Thể tạo nên Giáo hội; Thánh Thể liên kết mọi người với nhau.
Cuối cùng, việc tham dự vào Thánh Thể cũng là dấn thân cho người khác, đặc biệt là cho người nghèo, khi dạy chúng ta đi từ thân thể Chúa Kitô đến thân thể của anh chị em, nơi đó Ngừơi chờ đợi để được chúng ta nhận ra, được chúng ta phục vụ, tôn trọng và yêu mến.
Trong khi mang gia tài quý giá là sự kết hiệp với Chúa Kitô trong những chiếc bình sành dễ vỡ (cfr 2 Cor 4,7), chúng ta cần tiếp tục trở lại bàn thờ, cho đến khi, chúng ta sẽ nếm hưởng hoàn toàn phúc lành của bàn tiệc cưới của Con Chiên, ở trên thiên đàng (cfr Ap 19,9).
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về hành trình tái khám phá Thánh lễ mà Người đã cho chúng ta được cùng nhau thực hiện và hãy để chúng ta được lôi kéo, với đức tin được canh tân, đến với cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại vì chúng ta, người anh em cùng thời với chúng ta. Cầu chúc cho cuộc sống của chúng ta luôn “nở hoa” như thế, như lễ Phục sinh, với các bông hoa của niềm hy vọng, của đức tin và việc thiện. Ước gì chúng ta luôn tìm thấy sức mạnh trong Thánh Thể, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu. Chúc mừng Phục sinh tất cả anh chị em. (REI 04/04/2018)
Hồng Thủy