ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa độc nhất, Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa dựng nên toàn thể vũ trụ, vạn vật, hữu hình và vô hình; tự nhiên và siêu nhiên. Trong tương giao với thụ tạo của Người, thụ tạo nhận biết được về Người: Thiên Chúa có Ba Ngôi, qua các mạc khải chính thức của người Con Duy Nhất là Đức Ki-tô Giê-su. Nhờ đó, từ những trang đầu mạc khải của Thánh Kinh cho đến hết, Lời Thiên Chúa nói với nhân loại qua các ngôn sứ và Con Thiên Chúa, được Thánh Thần soi sáng để con người có thể hiểu.
Vì Thiên Chúa từng tỏ mình ra qua nhiều sự kiện hay lời nói của Người trong thời Cựu Ước, và Chúa Giê-su Ki-tô đã làm trọn việc mạc khải cao trọng này trong thời Tân Ước. Tôi viết đây, không nghĩ mình sẽ viết điều gì mới cả, chẳng qua đến thời, đúng buổi, Thiên Chúa muốn tỏ cho con người biết rõ hơn những điều Ngài đã mạc khải trong Thánh Kinh, trong cuộc sống. Giờ đây, đang khi Thiên Chúa dùng tôi để viết, Người sẽ thực hiện ý muốn nhiệm lạ của Người, muốn ngỏ với độc giả điều gì, thì xin Người cứ thực hiện.
Nơi ĐỨC CHÚA, bản thể Tự Hữu siêu nhiên sâu thẳm nhất, sâu thẳm khôn cùng, gồm các bản tính: Thiêng Liêng – Hằng Hữu – Bất Biến – Toàn Năng – Tình Yêu. Có tính Toàn Chân – Toàn Thiện – Toàn Mỹ, chính vì vậy nơi Người có nhiều thuộc tính: công bằng, yêu thương, trung tín, nhân hậu, nhẫn nại, khoan dung, khôn ngoan, thương xót… mà không một thụ tạo nào có thể hiểu, có thể suy biết, hay cảm nhận được một trong những thuộc tính của Người đến cạn cùng. So với thọ vật, đây là những vực thẳm nhiệm mầu khôn tả, nhiệm sâu khôn xiết, cao xa khôn dò.
Theo hiểu biết của tôi, bản thể, yếu tính, bản tính và thuộc tính của Thiên Chúa không khác nhau về bản chất. Giống như nguồn sáng tỏa ra ánh sáng, con người phân biệt giữa ánh sáng tràn đầy của nguồn sáng và luồng sáng phát ra, hoặc tia sáng phát ra từ nguồn sáng hay luồng sáng. Tất cả đều là ánh sáng, ánh sáng là bản chất. Song con người nhận biết trong thực tế lúc đó (trong thời gian) có thể là nguồn sáng, hay luồng ánh sáng hoặc tia ánh sáng. Như vậy, hình thức bên ngoài của ánh sáng có thay đổi theo bối cảnh mà nó thể hiện (trong không gian, trong trạng thái), là do ở sự nhận biết của con người khi phân định về nó. Còn ánh sáng ở dạng nào vẫn nguyên là ánh sáng.
Trong cách viết của tôi, tôi tạm phân biệt:
– Nguồn sáng là yếu tính của Thiên Chúa.
– Luồng sáng là bản tính của Thiên Chúa.
– Tia sáng là thuộc tính, là ưu phẩm của Thiên Chúa.
– Tất cả hợp nhất, là một, thành bản thể Thiên Chúa.
Về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta có thể hình dung hữu thể Người như MỘT KHỐI ÁNH SÁNG CÓ LÝ TRÍ SIÊU VIỆT, Ý CHÍ VÔ SONG VÀ TỰ DO VIÊN MÃN – ÁNH SÁNG PHI VẬT CHẤT – TỎA SÁNG KHÔNG BIÊN GIỚI – SẢN SINH NĂNG LƯỢNG SỰ SỐNG VÀ SỨC MẠNH VÔ CÙNG VÔ HẠN[1]. Nên vĩ đại vô biên vô cùng, siêu việt khôn tả và NGUỒN ÁNH SÁNG TỪ TRUNG TÂM TỎA RA LUÔN PHẢN HỒI lại chính TÂM ĐIỂM (chúng ta nên nhớ, vì là Khối Ánh Sáng Vô Biên nên tâm điểm không “nằm yên”, không định vị ở một vị trí. Hay nói khác đi, nơi bản thể Thiên Chúa không có khái niệm về không gian).
Nói theo cách của loài người, Trung Tâm Quả Cầu Sáng[2], có thể di chuyển đến bất cứ “vị trí” nào trong Khối Ánh Sáng Thiêng Liêng, đồng thời phủ tràn lên vùng sáng ấy nguồn năng lượng: Sự Hiện Hữu Vĩnh Hằng: là Ánh Sáng Hoan Lạc Vô Biên – Sự Sống Sung Mãn Vĩnh Hằng – Sự Mới Mẻ Vô Tận – Tình Yêu Tuyệt Đối – Đức Khôn Ngoan – Sự Toàn Năng – Tính Bất Biến… trong tương giao giữa Ba Ngôi – một Chúa.
Nguồn năng lượng vĩnh cửu nơi Người: Sự Hiện Hữu Vĩnh Hằng tràn đầy, tỏa ra Ánh Sáng Hoan Lạc Vô Biên – Sự Sống Sung Mãn Vĩnh Hằng – Sự Mới Mẻ Vô Tận – Tình Yêu Tuyệt Đối – Đức Khôn Ngoan – Sự Toàn Năng – Tính Bất Biến ở bản thể Thiên Chúa, được thông ban theo từng cấp độ, nhiều hay ít cho mỗi loài thụ tạo Người đã dựng nên.
Bản thể Ánh Sáng Phi Vật Chất của Thiên Chúa Ba Ngôi sáng ngời, sáng chói, sáng tỏa muôn trùng, sáng thiêng rực rỡ, sáng thấu muôn thụ tạo, sáng mạnh đánh đổ mọi quyền năng trên trời hay dưới đất; xán lạn vinh diệu, ngời sáng nhiệm mầu, sáng láng vinh quang vĩnh hằng; các thuộc tính của Người cùng tỏa sáng ra muôn ngàn sắc màu đẹp lộng lẫy, cao sang, thánh khiết, thánh thiện và yêu thương vô hạn… từ bản thể ÁNH SÁNG HOÀN HẢO VÔ BIÊN VÔ CÙNG ấy.
“Thiên Chúa là Ánh Sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (GLHT số 214)
Thân lạy Chúa!
Con sấp mình thờ lạy Bản Thể Ánh Sáng Vinh Diệu của Thiên Chúa, Cha của con, Đấng tác tạo nên muôn thụ tạo từ hư không.
Kính xin cho ánh sáng quang vinh của Người phủ lấy con, phủ lấy toàn thọ vật, trải ban Lòng Thương Xót mông mênh không bờ bến.
Linh hồn cỏ dại của con hoàn toàn không ngờ, từ tay con sẽ viết ra điều mà trí tưởng tượng của con có phong phú đến đâu cũng không hình dung được. Ngợi khen ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa các đạo binh. Kính xin Thiên Chúa hãy hoàn tất điều Người muốn nơi con, cho Danh Người vinh hiển thiên thu. Allêluia.
Chúc tụng, ngợi khen Đấng Thánh, linh hồn con tung hô mừng hát tạ ơn Người. Amen.
*******
* Trung Tâm và là Nguồn Sáng của Khối Sáng Vô Biên là Chúa Cha
“Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ nầy mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ tôi đây!” (Xh 3,2-4).
“Ánh sáng ban ngày của ngươi không còn là mặt trời nữa,
Và ban đêm, ngươi chẳng cần ánh trăng soi:
ĐỨC CHÚA sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi,
Ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 60.19).
“Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, Ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.” (1Tm 6,16)
Chúa Cha đã mạc khải về Người, song đến bây giờ con người mới được hiểu nhiều hơn về bản thể Thiên Chúa, qua những lời thật bí nhiệm trên đây. Hình ảnh “đám lửa” cháy, và “từ giữa bụi cây” Thiên Chúa phán, là mạc khải đầu tiên về hữu thể Thiên Chúa, Chúa Cha là Nguồn Sáng. Còn chi tiết “bụi cây không cháy rụi” cho thấy ý Chúa muốn ngỏ “đám lửa” phi vật chất.
Ánh sáng nơi bản thể Chúa Cha, không những là ánh sáng để soi sáng bên ngoài, bên trong thọ tạo, mà còn là ánh sáng làm cho thụ tạo được hiện hữu trong sự sáng rạng ngời vinh quang hoan lạc, miên trường hạnh phúc.
Ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi: Ánh sáng cưu mang toàn thể thụ tạo đã được phân rẽ khỏi bóng tối (sự chết, sự dữ, sự tội), tức là đã qua cơn thử thách và thanh luyện, giờ ở trong sướng vui thánh thiện vĩnh hằng.
*Ánh Sáng là Chúa Ngôi Hai
“Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trắng tinh như ánh sáng.” (Mt 17,2)
“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1,9).
“Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” (1Ga 1,7).
Trí năng đầy Thần Khí, được nâng lên tựa cánh chim phượng hoàng bay cao vút trên bầu trời mầu nhiệm Thiên Chúa của thánh Gio-an tông đồ, đã nhìn ra bản thể của Thiên Chúa là ánh sáng nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Nên ngài viết, thánh Gio-an Tẩy Giả đã đến làm chứng về ánh sáng.
“Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật…” (Kinh Tin Kính công đồng Nicêa).
Sau khi nhập thế, Chúa Ngôi Lời, Đấng hiệp nhất Thần Tính cùng Nhân Tính đã mạc khải về mình “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” (Ga 12,46).
*Sự Xung Động luôn phản hồi về Tâm là Chúa Thánh Thần
“và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2b)
“bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Cv 2,2-4).
“Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con
Chúa Thánh Thần được nhiệm xuất từ tương giao tình ái giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, nên đặc tính nơi Ngôi Ba là Xung Động Tương Giao – Quan Phòng – Bảo Trợ – Thánh Hóa – Biến Đổi Nên Tốt Hơn – Biến Đổi Nên Hoàn Thiện – Sự Công Thẳng. Thật khốn khổ cho bất cứ ai từ khước Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Họ sẽ lãnh lấy đặc tính cuối cùng nơi Người, một đặc tính mà Người không bao giờ muốn sử dụng: Sự Công Thẳng sau khi phán xét họ.
Với đặc tính hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người đã cùng với hai Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con sáng tạo nên thụ tạo và quan phòng cho tất cả các chương trình của Thiên Chúa. Bởi vậy, biểu tượng về Chúa Thánh Thần hay danh xưng của Người hầu hết đều mang tính hoạt động để duy trì sự sống tự nhiên lẫn siêu nhiên; làm phong phú, sinh động, tràn đầy tính nghệ thuật siêu phàm, chứa chan tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành cho thụ tạo của Người. Đơn cử như: “nước, gió, lửa, mây, ánh sáng, sự xức dầu…; Thần Khí, Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Vệ…” (GLHT số 691-701)
- Nước: đặc tính của nước không những mang lại sự sống, mà còn lặng lẽ dưỡng nuôi sự sống trong tự nhiên, có khả năng thanh tẩy mọi vật, đem lại sự tươi mới.
Nước tự tuần hoàn, âm thầm chuyển động, biến đổi muôn sắc thái, lắm sắc màu diễm lệ, dễ dàng náu mình trong mọi hình thể. Nước có lúc thật tĩnh lặng hay êm ả nhẹ nhàng, khi lại ào ạt trào tuôn; mang tiềm lực lớn lao, mạnh mẽ khôn lường…
Hoạt động Chúa Thánh Thần cũng vậy, Người quan phòng duy trì sự sống và tình yêu cho muôn loài, thanh tẩy, thánh hóa thụ tạo. Nhưng công việc của Người ngỡ như lặng thầm trước mắt thụ tạo có lý trí, song dưỡng nuôi và duy trì tinh tế, thích ứng trong mọi hoàn cảnh của con người, nhiệm mầu với mọi thọ vật. Có lúc hoạt động của Người êm ái dịu dàng, nhưng cũng có lúc lại tràn lan, dồn dập, mạnh mẽ vô cùng.
- Gió: đặc tính của gió phần nào giống như nước, nhưng sâu xa hơn, thiêng liêng hơn, vì gió vô hình. Gió mang đến không khí, thay đổi sinh động dưỡng khí làm sống và phát triển bộ mặt trái đất. Gió nhẹ hiền hòa mát mẻ, nhưng gió cũng đầy mạnh mẽ, có khi mang lại bão tố kinh hoàng, tỏ ra sức mạnh khôn lường không khác gì nước.
Đặc tính vô hình của gió cho ta thêm cảm nghiệm về bản thể thiêng liêng của Thiên Chúa, nhất là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Khi ở trong khung trời lặng, ta ngỡ gió như không tồn tại, nhưng thật sự gió có mặt ở khắp nơi trên trái đất (x. Ga 3,5-8).
- Lửa: đặc tính lửa là ánh sáng – nhiệt lượng – sức đốt: ba trong một và một của ba: hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lửa cũng mang lại sự sống, ta hình dung xem trái đất sẽ ra sao nếu ngọn lửa mặt trời tắt lạnh. Sẽ không còn ánh sáng và sự sống, trái đất trở thành một hành tinh chết trong lạnh lẽo và tối tăm khôn cùng. Nhưng hoạt động của lửa cũng tạo ra sức nóng thật khủng khiếp nếu lửa lớn, hoặc khi vật gì đụng chạm đến lửa, sức đốt của lửa sẽ biến nó trở nên như lửa.
Lửa đem lại sự sống, soi sáng cho muôn loài là hình ảnh tinh khôi kỳ diệu việc làm của Chúa Thánh Thần cho nhân gian, soi sáng bên trong lẫn bên ngoài cho con người. Nhưng sức hủy diệt của nước, của gió, của lửa là hình ảnh của quyền năng và sự công thẳng của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Không gì có thể ngăn cản nổi, nếu như con người khước từ chân lý, xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Như Chúa Giê-su đã thẳng thừng tuyên bố: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12.10)
- Mây: đặc tính của mây là do nước và gió tạo thành: mây che mát, trang điểm cho bầu trời, đem mưa về: luân chuyển nguồn nước đem lại sự sống cho trái đất. Mây mỏng manh nhưng không thể xua tan, mây có thể dồn về rợp trời kín đất; mây như khói, nhẹ nhàng nhưng có sức chứa đựng khối lượng nước nặng không thể hình dung. Mây nhiều màu sắc, nhiều hình ảnh, nhiều tầng, nhiều tác động lên cuộc sống, con người có quan tâm, nhận biết hay không thì mây vẫn hiện hữu. Con người có muốn giữ mây cũng không xong, có muốn xua đi cũng không được. Bởi vì mây chỉ một áng mong manh, nhưng mây cũng lồng lộng ngàn trùng.
Đây cũng là hình ảnh thật mầu nhiệm của Thần Linh Diệu Ái, của Đấng là Thần Khí.
- Ánh sáng: đặc tính của ánh sáng là soi sáng, và ánh sáng có rất nhiều cấp độ:
ánh sáng vật chất tự nhiên: từ lửa, mặt trời, mặt trăng, điện…
ánh sáng phi vật chất: sự sáng tâm trí, ánh sáng đức tin.
ánh sáng siêu nhiên: ánh sáng phát ra từ Thiên Chúa.
Ánh sáng mang lại sự sống, soi sáng cho thế giới tự nhiên, thứ ánh sáng này mang đặc tính của lửa; ánh sáng cao hơn, soi sáng tâm linh dẫn đưa về thế giới vĩnh hằng, loại ánh sáng nầy mang tính chất của tình mến: tình mến từ Trời ban xuống soi sáng tâm hồn, tình mến dưới đất dâng lên nâng phận người bay bổng về thiên quốc. Ánh sáng siêu việt từ bản thể Thiên Chúa, quang huy soi sọi cho thụ tạo được hiện hữu trong thế giới hạnh phúc vĩnh hằng.
Nơi Chúa Thánh Thần có tất cả các cấp độ ánh sáng, vì Người cùng có bản thể Ánh Sáng Thiên Chúa như Ngôi Cha và Ngôi Con.
- Sự xức dầu: đặc tính của sự xức dầu là dấu chỉ bên ngoài để thông ban ơn bên trong: ơn chữa lành bệnh tật thể xác, ơn mang lại bình an, ơn ban sức mạnh kiện toàn tâm linh, ơn tấn tới trong ân sủng, ơn lãnh nhận quyền năng Chúa trao ban.
Sự xức dầu là một trong những tính năng hoạt động của Chúa Thánh Thần, chuyên biệt trong việc thánh hóa, ban sức mạnh siêu nhiên cho con người tiến tới ơn cứu độ, đồng thời cũng nâng họ lên trong địa vị ân sủng, trao cho họ trọng trách.
Nói chung các biểu tượng của Chúa Thánh Thần, mỗi biểu tượng nói về một vài hình ảnh hay hoạt động của Người. Nhưng dù có nói hết các biểu tượng về Người, cũng không thể nói hết về Chúa Thánh Thần. Nên ở đây, tôi chỉ chia sẻ tính chất của vài ba biểu tượng về hình ảnh hay hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì nó không phải là chủ đích của ý Chúa muốn tôi phải viết.
Những hoạt động của Chúa Thánh Thần đều quy về Chúa Cha, Trung Tâm bản thể Thần Linh. Người cũng như Chúa Con được Chúa Cha sai đi “Khi Chúa Cha sai Lời của Ngài đến, Ngài sai luôn Thần Khí của Ngài nữa: một sứ vụ phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được phân biệt, nhưng không thể tách biệt.” (GLHT số 689) Mọi vinh quang Chúa Giê-su làm đều quy về Chúa Cha (x. Ga 17,1-4), Chúa Thánh Thần cũng như vậy.
***
Ánh Sáng Sự Sống sinh ra Ánh Sáng Vĩnh Hằng, Ánh Sáng Sự Sống và Ánh Sáng Vĩnh Hằng giao hoan phát ra Ánh Sáng Tình Yêu.
Ánh Sáng Sự Sống chủ định tác sinh ra các cõi và muôn vật muôn loài và ban cho nó linh khí từ Ngài, tùy theo cấp độ mỗi loài được có.
Ánh Sáng Vĩnh Hằng dựng nên thụ tạo, tràn lên muôn vật, soi sáng nhân gian, làm thành Đường về Miền Ánh Sáng.
Ánh Sáng Tình Yêu nối kết – tái sinh thụ tạo cho giống Nguồn Sáng Vô Biên, để những thụ tạo được Người yêu dấu có thể ở lại miên viễn trong Miền Ánh Sáng.
Con chiêm ngưỡng, suy tôn bản thể Ánh Sáng Huy Hoàng vô vàn nhiệm lạ của Người, ngây ngất trước muôn ngàn sắc màu lộng lẫy các mầu nhiệm vô biên. Ôi, Ánh Sáng đã choàng ôm con vào tình ái, vào lòng xót thương vô hạn. Con kính cẩn tôn vinh Thiên Chúa, Cha của con. Amen. Amen.
***
Bản Thể Thiêng Liêng của Thiên Chúa Ba Ngôi
Một người kém học, dốt nát như tôi, thật khó khi phải chọn từ ngữ để diễn tả đôi chút về mầu nhiệm Thiên Chúa. Xin quý vị thông cảm nếu như thấy có những chỗ tôi đã diễn đạt không sáng sủa vấn đề. Và nếu được, nếu có thể, xin quý vị có ơn hiểu biết sâu rộng hơn về Người, chỉ cho tôi phải viết như thế nào cho đúng.
Để hình dung được một tí gì về bản thể Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi xin khai mở ánh nhìn như sau:
- Tính Thiêng Liêng của bản thể Thiên Chúa: Một bản thể Ánh Sáng Thiêng Liêng mầu nhiệm, vút cao trên thượng tầng siêu nhiên, vô hình, đơn nhất, đơn giản nhưng phong phú lạ lùng, không thể thêm hay bớt, không bị giới hạn hay có thể thay đổi bởi bất cứ điều gì hay sự gì.
“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo.” (Cl 1,15).
“Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (1Tm 1,17).
“Chúng tôi tin cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng chỉ có một Thiên Chúa chân thật, vĩnh cửu, vô hạn và bất biến, vô phương thấu hiểu, toàn năng và khôn tả…” (GLHT, số 202).
“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.” (Gc 1,17).
Trong thế giới tự nhiên có sự vật hữu hình và vô hình, có những vấn đề hay sự vật cụ thể, nhưng cũng có những trường hợp vượt lên trên hiện tượng và sự vật cụ thể làm thành thực tại trừu tượng. Vô hình – trừu tượng: đây là những nấc thang để chúng ta có thể bước lên, tạo khái niệm, hình dung về bản tính thiêng liêng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống tinh thần của con người: trí hiểu + trí nhớ + trí tưởng tượng + tình yêu, người ta không thể mô phỏng, mô tả hay diễn tả được nó cách đầy đủ, đúng thật như một sự vật cụ thể. Chỉ có thể hình dung, hay nói đến một phần nào, một khía cạnh nào, một vài điểm nào của thế giới tinh thần này mà thôi. Điều chắc chắn không một trí tuệ nào, có thể biết thấu đáo đến cạn cùng thế giới tinh thần của một con người, đừng nói chi đến biết hết thế giới tinh thần của nhân loại.
Tính thiêng liêng của bản thể Thiên Chúa, sâu nhiệm hơn rất nhiều so với toàn bộ thế giới tinh thần của cả nhân loại, kể từ khi có con người đầu tiên cho đến tận thế. Nếu có thể, trí tưởng tượng của cả loài người gộp lại, dù thông sáng đến đâu, cũng không thể hình dung được trọn phần một tính cách nào về tính thiêng liêng của bản thể Thiên Chúa.
Mầu nhiệm thiêng liêng của bản thể Thiên Chúa Ba Ngôi vượt trên xa, trên cao vợi điều gọi là vô hình đối với thị giác và cả nhận thức của con người. Hơn thế nữa, ý niệm về những gì là trừu tượng trong suy nghĩ của con người, chỉ mới như nấc thang đầu tiên của cầu thang đi lên đỉnh núi cao chọc trời: Tính thiêng liêng của bản thể Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bản thể Thiên Chúa thiêng liêng, nên không hề bị giới hạn như nhãn quan của con người nhìn vào muôn sự vật. Những từ ngữ bao la, bát ngát, mênh mông… của con người không thể áp dụng cho bản thể Người. Bản thể Thiên Chúa vượt xa muôn trùng, ngất cao vời vợi, sâu thẳm khôn lường so với những khái niệm của con người nhìn về Người. Trí khôn con người bế tắc trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự bế tắc này không chỉ ở con người tự nhiên, mà ngay cả các thiên thần tinh anh nhất cũng mù tịt về bản thể Người.
Bản thể thiêng liêng nơi Người sâu thẳm diệu vợi, mang một trí năng toàn hảo – sáng suốt vô hạn – thấu biết mọi sự – thấu đạt mọi lẽ – tinh tế vi diệu – mạnh mẽ khôn lường – uy dũng vô biên – khôn ngoan vô cùng – trắc ẩn vô song – đại lượng khôn tả – khoan dung tột cùng; do được phối hợp với sự toàn năng của bản thể Người, nên uy lực không cùng so với bản thể thiêng liêng đầy giới hạn của các thiên thần. Dù rằng các thiên thần được chính Chúa Ba Ngôi thông ban cho phần bản thể thuần thiêng liêng của Người. Bởi vì, nơi bản thể thiêng liêng của các thiên thần chỉ được thêm một phần bản tính hằng hữu, và một ít quyền năng cùng đôi vẻ xinh đẹp của bản thể Thiên Chúa. Còn yếu tính của Thiên Chúa, bên cạnh sự tự hữu làm cho Mình hằng hữu, lại có cả tính bất biến, và tính toàn năng trong sự viên mãn khôn lường.
Riêng về sự toàn năng nơi bản thể Thiên Chúa, dù Chúa có ban cho, không có thụ tạo nào có thể mang nổi mà không vỡ tan chính bản thể mình. Ví như cái vỏ sò, chẳng bao giờ có thể chứa hết nước đại dương, hay nâng nổi ngọn núi đá lên trên nó mà không làm nát tan chính nó. Ngoại trừ trường hợp, Chúa ban cho thụ tạo đó một bản thể giống hệt như bản thể Người. “Giống hệt” đó chỉ là một cách nói theo kiểu con người, là thụ tạo chỉ có thể được thông ban và nhận lãnh, chứ không thể sao chép bản thể vô biên Thiên Chúa thành thụ tạo thiên chúa.
Bản thể thiêng liêng nơi Thiên Chúa là một thực tại nhiệm mầu chứa đựng cả thế giới tự nhiên và siêu nhiên. Vì thế, chứa đựng muôn loài, chứa đựng cả không gian và thời gian.
Chứa đựng cả thế giới tự nhiên và siêu nhiên:
Thánh Phaolô tông đồ đã xác quyết niềm tin này qua những câu tuyên xưng
“Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen!” (Rm 11,36);
“Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời và dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.” (Cl 1,16-17)
***
Kính lạy Cha là Thiên Chúa!
Kính lạy Đấng Thiêng Liêng vô cùng cao sáng!
Con mù lòa khi phải nhìn vào Chúa, vì tâm trí con chẳng thấy được gì. Chúa cao xa vượt quá trí khôn lẫn trí tưởng tượng của con, cõi siêu nhiên ở trong Người, từ Người mà có, nhờ Người mà tồn tại. Thì một thọ vật nhỏ nhoi, kém cỏi, trong cõi tự nhiên là con, mang thân cát bụi làm sao có thể tự biết Người. Người là thực tại hằng hữu, còn con vốn hư không, thế mà con không nhận ra thân phận mình, để khiêm cung từng bước đời tro bụi. Một thời con chăm chú đi tìm Đấng Hiện Hữu, vô hình giữa cõi hữu hình, con muốn nắm bắt Chúa như nắm bắt một sự vật; muốn nhìn thấy Chúa như thấy một thọ vật trong thế giới tự nhiên. Ôi! Con biết nói sao đây? Biết nói gì khi ngôn ngữ con trở nên tầm thường, thô thiển, trước tình yêu của Đấng Cao Cả đã tỏ mình cho một tội nhân biết bao lần xúc phạm đến Người! Con không thể hiểu vì sao Chúa lại xót thương con, bởi con cũng không đáng được Chúa xót thương con nữa. Tại vì đâu Người lại phá vỡ vực thẳm cách ngăn nhiệm mầu giữa con và Chúa, nâng con lên, nhận con làm nghĩa tử, cho phép con gọi Chúa là Cha!?
Người là Cha con, Người vẫn là Thiên Chúa chí tôn, vì sao Người hạ mình xuống nói chuyện với con? Ban cho con mối tương giao trong tình thân mật, nâng con lên, ôm con vào lòng, âu yếm yêu thương? Chúa ơi! Cha ơi! Linh hồn con vỡ ra vì xúc động, nó hạ mình xuống đáy thẳm hư không mà tri ân, cảm tạ. Nó thờ lạy Cha, tôn vinh Cha bằng hết cả quan năng và sức lực nó có.
***
- Tính Hằng Hữu của bản thể Thiên Chúa: Một bản thể duy nhất, bất phân, độc tôn, hiện hữu vĩnh hằng trong tự tại; không thể sao chép, không thể khám phá và cả không thể hình dung nếu như không được mạc khải.
“Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩnh cửu,
là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.
Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,
trí thông minh của Người khôn dò thấu.”
(Is 40,28).
“Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.” (Mc 12,29).
Người có trước muôn vật, còn sau mọi loài (x. Kh 22,13), chứa đựng tất cả mà như không chứa đựng gì cả, vì so với bản thể thiêng liêng và hằng hữu của Thiên Chúa, mọi thọ vật chỉ là không.
“Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của Cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi vì sợ nhìn phải Thiên Chúa. Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.’” Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.” (Xh 3,6.14-15)
“Mọi nước chỉ là không không trước mặt Người, Người coi chúng là hư vô trống rỗng.” (Is 40,17).
“Chính các ngươi là nhân chứng của Ta
-sấm ngôn của ĐỨC CHÚA-
là bề tôi Ta tuyển chọn
để các ngươi nhận biết và tin Ta, hiểu rõ Ta vẫn là Ta:
trước Ta chẳng có thần nào khác được hình thành,
và sau Ta cũng vậy.
Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA,
ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.
Chính Ta đã báo cho biết, đã cứu độ và nói cho nghe,
chứ giữa các ngươi, chẳng có thần lạ nào.
Vậy chính các ngươi là nhân chứng của Ta
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -,
và chính Ta là Thiên Chúa,
Tự muôn đời Ta vẫn là Ta:
Không ai cứu thoát khỏi tay Ta,
Ta đã làm, ai dám làm ngược lại?”
(Is 43,10-13)
Chúng ta, con người hiện hữu trong thời gian, chịu giới hạn bởi thời gian. Cho nên kiến thức, từ ngữ hay những khái niệm về thế giới vĩnh hằng, đều phải nằm trong sự giới hạn nầy. Do đó, không thể nào con người có thể hình dung được về bản thể cưu mang cả thế giới vĩnh hằng và thế giới tự nhiên của thọ tạo (GLHT số 40).
Tính hằng hữu của bản thể Thiên Chúa, cưu mang và sản sinh ra thế giới vĩnh hằng của thụ tạo, không giống như người mẹ sinh ra người con, để rồi sau một thời gian người con đó có thể trở thành người mẹ khác. Nghĩa là không có sự đồng vị, đồng bản chất, đồng tồn tại giữa tính hằng hữu của bản thể Thiên Chúa và thế giới vĩnh hằng của thọ tạo.
Thọ vật có được ban ơn hằng hữu cũng là sự hằng hữu đang phát triển, không như Thiên Chúa, Người hằng hữu bởi bản thể Người là Hiện Hữu, sự hiện hữu viên mãn. Như các thiên thần được hiện hữu vĩnh hằng đi nữa, thì sự hiện hữu vĩnh hằng của thọ vật cũng nhờ được thông phần vào tính hằng hữu của bản thể Thiên Chúa mà thôi.
Nói cách khác, nếu Thiên Chúa không muốn, ngay lập tức thế giới vĩnh hằng của thụ tạo sẽ tức thì tan biến, còn Thiên Chúa vẫn hiện hữu vĩnh hằng. Nói cách khác nữa, cõi vĩnh hằng của thụ tạo, phụ thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, và nó được miên viễn tồn tại bởi vì ý muốn của Người không thay đổi. Chứ không giống như sự hiện hữu vĩnh hằng tự bản chất của bản thể hằng hữu của Thiên Chúa.
Thiên Chúa hằng hữu bởi Người là Đấng Hiện Hữu (x. Xh 3,14).
Sự Sống Động Hằng Hữu của bản thể Thiên Chúa, tỏa ra trí năng và sự khôn ngoan vô lượng – vô biên – vô hạn và tính toàn năng nơi Thiên Chúa. Tôi dùng từ “tỏa ra” đó là diễn tả theo cái nhìn của thụ tạo về Thiên Chúa, những điều mà con người gọi là “bản tính” Thiên Chúa. Bởi vì con người không thể biết về Người, nếu như không được Người mạc khải cho.
Còn nơi bản thể Người, sự thông chuyển những bản tính của Người, như máu âm thầm chuyển động trong cơ thể con người, tựa những làn sóng ánh sáng vô biên hằng sôi động dâng trào viên mãn, nhưng lại im lìm tuyệt đối với thọ vật Người dựng nên. Bởi vậy Thánh Kinh mới nói “Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.” (1Tm 6,16b). Sự sống động hằng hữu này nơi Thiên Chúa, phủ lên và cưu mang thụ tạo Người tạo dựng một cách hoàn mỹ tuyệt đối, chúng ta gọi là bản tính Chân – Thiện – Mỹ nơi Người.
Bởi vì bản thể Thiên Chúa vừa siêu nhiên, vừa thiêng liêng vô biên và im lìm tuyệt đối với thụ tạo của Người, cho nên Người mãi mãi là Mầu Nhiệm sâu thẳm khôn cùng đối với thụ tạo.
* Thụ tạo được ở với Người, hiện hữu vĩnh hằng cùng Người. Nghĩa là được hiện hữu miên trường trong vui tươi, mới mẻ, hân hoan và hạnh phúc ngập tràn; thụ hưởng chiêm say ngây ngất, trong yêu thương và được yêu thương miên viễn – tràn đầy, tôn thờ và chúc tụng Thiên Chúa trong ánh sáng vinh quang vĩnh cửu đầy khác lạ của Người “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 22,5).
Sự hiện hữu vươn lên mãi mãi trong hoan lạc, trong sự sống dồi dào miên viễn, vui sướng trong bản thể hằng hữu của Thiên Chúa; hạnh phúc tuyệt vời trong tương giao với tha nhân, và với muôn thọ tạo. Sự hiện hữu không bao giờ còn vương vấn, hay bị nhuốm bẩn bởi những điều phàm tục như trong cõi hồng trần. Chúng ta gọi trạng thái hiện hữu nầy, là được ở trong cõi Thiên Đàng.
* Còn thụ tạo từng được ban cho thông phần bản thể thiêng liêng của Thiên Chúa, không được ở với Người, dầu Người cho phép nó miên viễn tồn tại, cũng không được hiện hữu vĩnh hằng. Bởi vì những thụ tạo đó luôn muốn chối bỏ sự hiện hữu của chính mình và của nhau, không muốn gần nhau nhưng lại phải tồn tại trong cảnh giày vò, tra tấn lẫn nhau. Và họ triền miên tự hủy chính mình bằng sự mâu thuẫn nội tại, đau đớn, đau khổ và sự căm hận, căm ghét bản thân đến cực độ, nhưng không thể không tồn tại trong tình trạng đó.
Tình trạng này được thánh Tê-rê-sa A-vi-la tả lại giống như linh hồn tự bức xé chính mình “Linh hồn như bị bóp nghẹt, khắc khoải kinh hoàng, và sầu khổ vô hạn, một thứ sầu khổ tuyệt vọng và cùng cực không thể diễn tả. Nói rằng nỗi đau ấy giống như linh hồn bị xé rời khỏi thân xác thì còn quá êm dịu, vì nói như thế có thể có nghĩa là một người nào khác đoạt lấy sự sống của mình; còn trong trường hợp này, chính linh hồn tự xé mình ra từng mảnh” (Tiểu Sử Tự Thuật C XXXII).
Diễn tả theo cách của con người, những thụ tạo như vậy càng lúc càng xa dần sự hiện hữu thiện hảo vĩnh hằng của Thiên Chúa. Họ tồn tại trong tối tăm không cùng, trong đêm đen vĩnh cửu, trong hận ghét khôn nguôi, bị giòi bọ rúc rỉa, rắn rết cắn xé, lạnh giá cực độ bên ngoài, trái lại bị thứ lửa thiêng thiêu đốt cơ hồ cháy rụi bản thể bên trong, tất cả giày vò liên lỉ cho nên khổ sở vô hạn, đau khổ vô cùng tận. Tình trạng này là cái chết vĩnh hằng mà không chết, tồn tại mà không hiện hữu. Cuối cùng phải dồn vào tồn tại trong đáy thẳm của hư vô đời đời, tồn tại cùng với nỗi tuyệt vọng và đau khổ khôn cùng, khiến cho hư vô lại tồn tại với kẻ dữ, mà không hề hiện hữu với người lành. Hỏa ngục là vậy đó.
***
Mang kiếp ve sầu vắn vỏi, sống không qua hết mùa đông, làm sao con có thể biết tới mùa xuân đầy nắng ấm với trăm hoa đua nở! Phận người mong manh ngắn ngủi trong thời gian, con hiểu được gì về hằng hữu! Thêm vào đó, con vốn là
Học chi văn dốt toán tồi,
Bao năm gom lại một lời rỗng không.
Con tri ân Cha đã tỏ Mình cho con, mạc khải cho linh hồn bé mọn nhất trong những linh hồn bé mọn, về bản thể hằng hữu của Cha. Cha cho con biết một tí xíu thôi, vẫn quá lớn lao với bản thể hư không của con rồi. Ôi lạy Cha! Hạt bụi ơn Cha ban, nặng oằn bản thể con, con đâu thể nào mang nổi, mà sao Cha vẫn cứ ban cho? Cha không sợ cái bình ngọc phỉ thúy quý giá ơn Cha, bị làm vỡ tan trong tay một hồn nhỏ như con sao?
Xin kính dâng lên Cha tình yêu của Chúa Con dành cho Cha, Đấng đã dùng tình yêu hoàn hảo của Người để cứu chuộc con, cho con hiệp nhất với Người. Ở trong Người con tạ ơn Cha, xin tôn vinh Cha đời đời. Amen.
***
- Tính Bất Biến của bản thể Thiên Chúa: Sự đơn nhất, thánh khiết nguyên tuyền, sáng trong vẹn vẽ, tuyệt đối không thay đổi nơi bản thể Thiên Chúa: là sự đơn nhất thiêng liêng, hằng hữu, toàn năng đến dư tràn Chân, Thiện, Mỹ. Cho nên tự bản thể Người phát ra sự khôn ngoan hoàn hảo, uy lực mạnh mẽ khôn cùng; hoàn toàn tự do, thánh thiện mọi bề, thánh khiết đến cực thánh; vĩnh viễn không hề hệ lụy bởi bất cứ điều gì, hay chịu sự tác động nào của thụ tạo.
“Qủa thật, chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta không hề thay đổi;
Còn các người là con cái Gia-cop, các ngươi vẫn là thế.” (Ml 3,6) .
“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.” (Gc 1,17).
Do đó, bản thể Thiên Chúa không hề thay đổi, không hề phụ thuộc, luôn luôn mới mẻ, luôn luôn khác lạ, luôn luôn mầu nhiệm với thụ tạo
“Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự
luôn luôn bất biến” (Kn 7,27).
Chính vì thế Đấng Tối Cao đã mở lời mạc khải chính Mình
“Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên?
-chính Đấng từ nguyên thủy
đã an bài cho các thời đại nối tiếp nhau.
Chính là Ta, Ta là ĐỨC CHÚA, Ta là khởi nguyên
Và giữa những người sau hết, Ta vẫn là Ta.” (Is 41,4)
“Chính các ngươi là nhân chứng của Ta
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA-, là bề tôi Ta tuyển chọn,
Để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta:
trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành, và sau Ta cũng vậy.” (Is 43,10)
“Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cop, hỡi Ít-ra-en, kẻ Ta đã gọi!
Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận.” (Is 48.12)
“Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.” (Kh 22,13)
Tính bất biến ở bản thể Thiên Chúa, tạo nên sự đồng nhất hoàn hảo tuyệt đối cho các thuộc tính của Người. Bản tính này vô cùng sâu nhiệm, chỉ có ở nơi Thiên Chúa và tự có trong bản thể Người, điều mà không có thụ tạo nào có được. Dù thụ tạo có được ban ơn bất biến, thì cũng giống như một chiếc áo được đem đi nhuộm màu, nó được biến đổi, song là sự biến đổi do bên ngoài tác động, chứ không phải do nội tại phát sinh – một sự phát sinh viên mãn và trường tồn.
Con người nhận biết Thiên Chúa qua các thuộc tính của Người, như nhìn thấy những tia sáng bởi khối ánh sáng. Trong thực tế, tia sáng và khối ánh sáng vốn là một, ánh sáng phát ra tia sáng, chỉ một phần của nó nhưng cũng là chính nó.
Bản thể bất biến nơi Thiên Chúa sung mãn tuyệt đối, kỳ tuyệt và cao vời, đến không thọ tạo nào đã được Người thông ban ơn bất biến, mà còn ở trong quy luật của thọ tạo (có khởi đầu, có kết thúc; có sinh, có tử; có cấu thành có hủy diệt; có phát triển, có lụn tàn; có hợp nhất, có rã tan; có nguyên tuyền, có thay đổi; có bay lên, có chìm xuống; có tồn tại, có không tồn tại; có ở trong quy luật và không có ở trong quy luật v.v… & v.v…).
Được ơn bất biến, lập tức thọ tạo thay đổi bản thể, liền ở trong tình trạng không còn bị thay đổi hay biến chất, nhưng lại được thăng hoa mãi mãi trong sự tốt đẹp vĩnh cửu, chìm sâu dần cho đến khi mất hút vào mầu nhiệm Thiên Chúa.
***
Cha kính yêu! Thiên Chúa của con, con thấy rất cần phải cầu nguyện với Cha như thế này. Mắt linh hồn con không thể xao lãng buông rời Cha, dầu chỉ một cái nháy mắt. Vì con biết, con không hề có tính bất biến của Chúa, chỉ cần mắt tâm linh con không nhìn Chúa mà nhìn vào bất cứ sự gì. Lập tức, con sẽ bị chìm xuống biển, sẽ ngưng tay không dám viết nữa, hay ngông cuồng viết ra điều xằng bậy.
Đôi tay con trên bàn phím mang hơi thở của Chúa, Thần Khí sự thật, con tin Người và con tiếp tục viết. Kính xin Cha sử dụng khí cụ này, cho danh Cha vinh hiển miên trường. Amen.
Cha chọn con, một khí cụ bất xứng ngần nào, một người tín hữu bị các chủ chăn cho là lạc đạo. Loại ra khỏi cuộc sống bình thường trong Hội Thánh, liệt gia đình con vào hàng “phạm nhân” phải triệt bỏ. Cha làm chi điều trớ trêu này hở Cha? Vô tình, vì chọn con, mà Cha lại chấp nhận cho nhiều người phải vấp phạm vì con. Sao tội nghiệp họ vậy hở Cha, con không hiểu việc Cha làm nên đau khổ và xót xa thương cảm họ. Kính xin Cha tha thứ cho sự vô tình vấp phạm của những linh hồn ấy! Xin Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Cha cứu chữa chúng con!
***
- Tính Toàn Năng của bản thể Thiên Chúa: là nguyên ủy toàn năng, bản chất toàn năng, năng lượng toàn năng sinh năng lực toàn năng – quyền uy toàn năng, tính toàn năng bởi bản thể Toàn Năng.
Với cái nhìn của thụ tạo có lý trí nhận biết về Thiên Chúa, trong thế giới thụ tạo, không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được
“Thiên Chúa chúng ta ở trên trời,
muốn làm gì là Chúa làm nên.” (Tv 115,3).
“Lạy ĐỨC CHÚA, Chúa Thượng của con, này Ngài đã tạo thành trời đất bằng sức mạnh vĩ đại và cánh tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được.” (Gr 32,17).
Người đã dựng nên toàn thể thụ tạo từ hư vô, và quan phòng thế giới thụ tạo của Người bằng các quy luật đầy khôn ngoan và tinh tế lạ lùng. Chúa quan tâm đặc biệt đến con dân Người
“Lạy Chúa, Chúa là Vua toàn năng,
Chúa nắm quyền điều khiển vũ trụ.
Khi Chúa muốn cứu độ Ít-ra-en,
nào ai đương đầu nổi với Ngài!
Chính Ngài đã tạo dựng trời đất
và thực hiện mọi kỳ công dưới bầu trời.
Lạy Chúa, Ngài là Chúa vạn vật.
Ai chống lại được Ngài?” (Et 4,17b-17c).
Chúa điều khiển cả bên trong những con người có uy quyền mạnh nhất: “Trong tay ĐỨC CHÚA, lòng vua tựa dòng nước chảy, Người lèo lái đi đâu tùy ý Người.” (Cn 21,1).
Người không những có uy quyền tuyệt đối ở đời này, mà cả đời sau:
“Chúa tụng Thiên Chúa,
Đấng muôn đời hằng sống,
chúc tụng vương triều Người.
Chính Người đánh phạt rồi lại xót thương,
đẩy xuống tận âm ty trong lòng đất sâu thẳm,
rồi kéo ra khỏi đại họa tiêu vong,
chẳng có chi thoát khỏi tay Người.” (Tb 13,2).
“Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10,28).
“ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc ngươi,
Đấng đã nắn ngươi ra từ khi ngươi còn trong lòng mẹ, Người phán thế này: Chính Ta là ĐỨC CHÚA đã dựng nên vạn vật, một tay Ta đã căng vòm trời, đã trải rộng trái đất chẳng cần ai giúp đỡ.” (Is 44,24).
Thiên Chúa làm được cả những điều mà khả năng thụ tạo thông sáng như các thiên thần tinh anh nhất, cũng không thể nhận biết, không thể hình dung, không thể tưởng tượng một tí nào.
Trong yếu tính của Thiên Chúa, tính toàn năng nơi Người đồng nhất với tính thiêng liêng, tính hằng hữu, tính bất biến, nên sâu nhiệm vô biên và uy lực khôn cùng. Đối với sự nhận biết của lý trí rất hữu hạn của con người, và tính toàn năng nơi bản thể Thiên Chúa, chẳng khác gì khoảng cách giữa không và có, giữa hiện hữu và hư vô, cao xa hơn vời vợi cả khoảng cách giữa trời cao và đất thấp.
“Cái không” chẳng bao giờ hiểu được “cái có” có nghĩa là gì, hay như thế nào; được hiện hữu và không hiện hữu là khoảng cách thật mầu nhiệm, không thể so sánh, không thể biết gì. Năm bản tính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta qua Lời Người, cùng với những bản tính mà con người không biết và không thể biết, làm thành yếu tính nơi bản thể Thiên Chúa. Một bản thể, lý trí thụ tạo không thể nhận biết, không thể hình dung, không thể tiếp cận, ngoài trừ trường hợp chính Người tỏ ra cho thụ tạo đã được ân sủng chuẩn bị chu đáo để nhận biết, như trường hợp của Mẹ Thiên Chúa.
Vì khi thụ tạo của Người tự ý vượt ra ngoài ý muốn của Thiên Chúa, đối mặt với tính toàn năng nơi Người, sẽ lập tức bị tan chảy, bị thiêu hủy thành không. Đây là lý do Thánh Kinh ghi lại “Người phán: ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” (Xh 33,20)
Thọ vật được Thiên Chúa dựng nên bởi quyền toàn năng, cho hiện hữu và sinh tồn trong quy luật của Người đặt ra cho thế giới thụ tạo. Vượt ra ngoài quy luật của thế giới tự nhiên hay siêu nhiên mà Thiên Chúa đã ấn định, các thọ tạo có lý trí sẽ không thể suy biết thêm gì cả. Nếu không nói rằng, khi ra ngoài quy luật của Thiên Chúa là thành trì bảo vệ thụ tạo được hiện hữu, thì thụ tạo sẽ tự tan biến bản thể mình mà trở lại với hư không.
Ở đây, tôi muốn nói đến việc thụ tạo tự ý vượt ra ngoài thế giới và những quy luật mà Thiên Chúa muốn nó phải ở đó, trong giới hạn đó. Nếu thụ tạo có tự do, ý chí và lý trí, có bản thể thiêng liêng hằng hữu không thể tự mình trở về với hư vô, mà cố tình vượt ra ngoài quy luật của Người, nó có muốn làm như vậy cũng không làm được «Hơn nữa, giữa chúng ta đây với các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.» (x. Lx 16,26). Ngoại trừ trường hợp Chúa cho phép, và dĩ nhiên cho phép trong bối cảnh nào, vào thời gian nào. Hay cho phép rộng hơn, gián tiếp qua việc Người đặt để một quy luật khác, trong thời điểm lịch sử nào đó, hoặc nới lõng trong những trường hợp riêng biệt nào cụ thể.
Ví dụ: Trường hợp người trần bị ma quỷ, các linh hồn, các thai nhi nhập vào. Tất cả đều có phép của Thiên Chúa, có những trường hợp gián tiếp được phép nhờ quy luật mở rộng, nhưng cũng có những trường hợp phải trực tiếp được phép.
***
Lạy Thiên Chúa!
Đấng quyền năng vô địch, vô song. Đấng làm được mọi sự mà con người thách đố Người. Viết tới đây, con chợt nhớ, một lần nữa con cảm tạ ơn Người đã khai sáng cho con, giúp con chiến thắng những người đã chống nghịch Chúa, từng đối mặt với con.
Thuở con mới biết tí ti về Chúa, có người đã muốn bắt bí chúng con, họ hỏi chúng con rằng “Thiên Chúa toàn năng phải không? Vậy Thiên Chúa có thể dựng nên một hòn đá mà Ngài vác không nổi, hay làm ra một thụ tạo lớn hơn Ngài không?”
Người khác lại hỏi “Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu phải không? Nếu có một Thiên Chúa tự hữu, thì có thể có nhiều Thiên Chúa tự hữu, làm sao anh tin chắc chỉ có một Thiên Chúa?”
Kẻ khác nữa lại đặt vấn đề “Thiên Chúa có thể vẽ ra một hình vừa tròn vừa vuông không?”
Ôi lạy Chúa! Con xưng tụng Chúa bao giờ cho đủ, cho nên. Điều Chúa làm chẳng ai hiểu thấu, khi hiểu được rồi sẽ ngỡ ngàng biết bao, thán phục Chúa dường nào.
Họ muốn bắt bí chúng con, muốn thách đố Chúa, nhưng Chúa đâu có như họ nghĩ. Họ không thể đánh bại Người, bởi vậy Chúa đã đặt để nơi môi miệng một kẻ thật dốt là con, câu trả lời. Như lời Chúa đã nói trong Thánh Kinh
“Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.”
(Tv 8,3).
-Trả lời câu hỏi thứ nhất:
Con đã cho họ biết, trong bản tính nhân loại[3], Chúa làm người không vác nổi hòn đá quá to; không vác nổi cây Thánh Giá quá nặng, nên Người ngã xuống đất nhiều lần. Còn thụ tạo lớn hơn Chúa, có chứ! Mẹ Thiên Chúa đấy!
-Trả lời câu hỏi thứ hai:
Thiên Chúa – Đấng Tự Hữu duy nhất, bởi vì toàn thể vạn vật Người dựng nên đều trật tự, vận hành đều đặn, trường cửu với thời gian. Không thể có hai ý chí toàn năng cùng quản cai vũ trụ, mà có trật tự lâu bền.
-Trả lời câu hỏi thứ ba:
Ô hay! Với con người thế nào là vừa tròn vừa vuông? Xin nói rõ, khái niệm này không có nơi cõi tự nhiên, nên cứ vẽ mô phỏng rồi chính tôi sẽ vẽ cho bạn thấy, không cần phải Thiên Chúa vẽ. Lòng kiêu căng đã làm cho bạn ra mù tối rồi đấy, bạn ra đề toán sai, ai giải cho ra đúng hỡi bạn?
Con kính cẩn tôn thờ Đấng Toàn Năng, con hoàn toàn tin cậy Đấng Toàn Năng.
***
- Tính Tình Yêu của bản thể Thiên Chúa: một bản tính nhiệm mầu sâu thẳm đến không có ngôn từ để diễn tả. Tình yêu nơi bản thể Thiên Chúa siêu vượt hơn cả sự tương tự như máu trong cơ thể con người, có khắp mình mẩy, nuôi sống toàn thân thể. Máu chảy về tim và chuyển động đi khắp châu thân nhưng vẫn ở lại trong mình. Còn tình yêu nơi bản thể Thiên Chúa từ Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Cha, không những tràn trào thông chia dư đầy giữa các Ngôi, nhuần thấm đến tỏa sáng rạng ngời trọn vẹn nơi bản thể thiêng liêng của Người, làm thành Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi.
Mà còn trào thông sinh ra muôn thọ tạo, khiến chúng được Người dựng lên từ hư vô và thông ban – quan phòng cách đầy yêu thương cho mỗi một thọ vật, cùng hết thảy muôn thọ tạo. Nhưng càng thông chia tràn lấp thật tinh tế vi diệu, chăm chút ân cần dấu ái từng mảy may sự hiện hữu và tồn tại của chúng, tình yêu nơi Thiên Chúa càng dồi dào phong phú, càng mạnh mẽ thiết tha, càng vĩ đại mông mênh, càng khôn cùng diễm tuyệt; luôn thích thú trân trọng đối tượng đáp ứng tình yêu, nên càng muốn níu kéo đối tượng muốn buông thả tình yêu của Người.
Đó chính là Lòng Thương Xót Vô Biên Vô Hạn, xuyên suốt thời gian đến vô tận và phủ lấp mọi không gian các cõi trời lẫn vô vàn khuôn đất. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi tắm rửa linh hồn các tội nhân bằng máu Đức Ki-tô Giê-su, Con Duy Nhất của Người, để linh hồn tội nhân nên trắng trong, tinh sạch, hầu xứng đáng ở với Người trong sự hiện hữu vinh phúc vĩnh tồn.
Tình yêu của Người thẩm thấu mọi tâm linh, chiến thắng vô vàn sự dữ và sự chết nơi những tâm hồn thật yếu đuối, vực chúng lên ban cho sự sống bất diệt. Muôn triệu linh hồn dưới mắt nhân gian, ngỡ không thể nào được tồn tại trong miền ánh sáng, nhưng nhờ tình yêu vô biên Thiên Chúa, rất rất nhiều những linh hồn đại tội nhân vẫn được góp mặt chốn Thiên đường.
Nhưng đau đớn thay, có vô số linh hồn dùng tự do của mình chối từ tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cứu độ!
Ôi! Nếu ai đó biết mình mạng nặng phận đại tội nhân như hồn cỏ, đến một ngày cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đang phân hủy cái phận người nơi mình, đang giày xéo, cày vỡ, băm vằm nó bằng muôn ngàn đớn đau và sỉ nhục.
Để thay vào đó sủng ân của sự sống, của vinh quang vĩnh hằng, của những tia ánh sáng thuộc tính thần linh rạng ngời đến vùi lấp một kiếp người, cho nên con Thiên Chúa trên cõi hồng trần. Mới có chút ít cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, không những bằng ý thức thần khí mà còn bằng những tia sáng tình yêu cháy rực chiếm lĩnh con tim dám chịu đau khổ vì yêu cho đến cùng.
Linh hồn tận hiến ấy, với nhân gian đang chới với giữa khung trời Núi Sọ, đang tiêu tan đi trong ô nhục, nhưng với Thiên Chúa họ đang được tái sinh trong mầu nhiệm sự sáng bởi Ánh Sáng Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Thánh Gioan tông đồ, người được Chúa Ngôi Hai yêu thương đặc biệt, cho ở lại nhân gian lâu nhất trong các tông đồ, và được nâng cao – mặc cho tâm linh ngài đôi cánh thiên linh của phượng hoàng mạc khải, đặng ngài hiểu những điều sâu nhiệm về Ngôi Lời Thiên Chúa “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa tựa đầu vào lòng Đức Giê-su…
Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” (Ga 13,23; 21,22)
Ngài đã tuyên tín
“Còn chúng ta, chúng ta đã biết, tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó.
Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu, thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4,16). Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa cũng đã tỏ cho con người về bản tính Tình Yêu nơi Người
“ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với ngàn muôn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.” (Xh 34,5-7).
Lời của Người đây là bằng chứng tuyệt hảo về bản tính tình yêu nơi bản thể Thiên Chúa. A! Chúng ta đừng vội nghĩ rằng “việc Thiên Chúa trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông, lại không phát xuất từ tình yêu”. Chắc chắn vì yêu thương con người, Thiên Chúa mới làm thế. Tình yêu nơi Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, cái nhìn của Người là ánh nhìn trong thực tại vĩnh hằng, nên Người biết rõ điều chi lợi ích cho con người trong vĩnh cửu mới là điều lợi ích thật sự.
Hai chữ “trừng phạt” làm cho chúng ta có ấn tượng Thiên Chúa làm vậy vì tính công thẳng của Người, hay vì ghét bỏ tội nhân. Nhưng thật ra vì yêu thương linh hồn người phạm tội, yêu linh hồn con cháu người phạm tội, Thiên Chúa mới cho họ cơ hội được đền tội ở đời này, và cho con cháu họ cũng đền tội cho họ nữa. Nếu không, chính tội lỗi của họ sẽ thành lửa thiêu đốt họ ở đời sau, một sự đền bù công thẳng đến khủng khiếp cho linh hồn các tội nhân. Đồng thời gien tội ác sẽ di truyền xuống con cháu họ, tội ác sẽ chất chồng tội ác, hậu quả không thể lường được.
Sự “trừng phạt” của Thiên Chúa không dừng lại nơi giá trị đền tội, nhưng còn để ngăn chận dòng chảy của tội trong dòng chảy huyết nhục tự nhiên. Chúa quan phòng cho con cháu gặp đau khổ, gian truân, hầu thanh tẩy tâm hồn con cháu họ cho được thiện lương. Nếu khi con cháu được “trừng phạt” trở thành cha ông, có được tấm lòng thiện lương, công chính, thì con cháu họ lại được thưởng công đến ba bốn đời.
Ngoài điểm này ra, chúng ta thấy chính Người nói “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với ngàn muôn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi”. Thánh Phao-lô tông đồ cũng đã trải nghiệm về tình yêu Thiên Chúa “nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20)
Như đã nói ở trên, Thiên Chúa là tình yêu, vì bản thể Người là tình yêu. Chứ tình yêu nơi Người không phải đơn thuần là tình yêu trong ý tưởng, hay được bộc lộ ra hành động, hoặc nơi lời nói như con người. Với con người, tình yêu đơn thuần là sản phẩm của quan năng linh hồn: những điều sản sinh từ ý thức hay biểu hiện trong nhất thời được xem là tình yêu, chứ bản chất của nó chưa hẳn là tình yêu đích thực và thủy chung.
Khác xa với con người, mọi sự quan phòng của Thiên Chúa, mọi hành động can thiệp của Người trong lịch sử thụ tạo, mọi lời phán truyền của Người đều vì tình yêu, tự bản thể Tình Yêu. Cho nên Kinh Thánh mới có những bài ca ca tụng tình yêu Thiên Chúa
“Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (1Sb 16,34).
Bản thể Tình Yêu sung mãn nơi Thiên Chúa đã phát sinh Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp theo.
Tình Yêu Hoa Cỏ
***
1 Tôi dùng từ “Một Khối Ánh Sáng” vì Đức Chúa là Thiên Chúa độc nhất, Đấng Tự Hữu duy nhất.
– Bản thể Thiên Chúa là Ánh Sáng Mầu Nhiệm: thiêng liêng, song có trọn những đặc tính của ánh sáng vật chất và hơn thế.
– Hữu thể Ánh Sáng của Người thuần thiêng liêng nên hoàn toàn vô hình với thị giác con người tự nhiên, nhưng có “lý trí – ý chí – tự do” trong sự hoàn hảo tuyệt đối.
– Bản thể Thiên Chúa vượt trên cao vợi những tính chất của không gian và thời gian, vì bản thể Người là Hằng Hữu, chính Người đã tác tạo nên không gian và thời gian trong Người. Do đó, bản thể Ánh Sáng của Thiên Chúa là vô biên – vô cùng.
– Năng Lượng Sự Sống và Sức Mạnh nơi bản thể Thiên Chúa được thể hiện nơi bản tính Toàn Năng của Người. Thông qua việc Người cai quản vũ trụ, vận hành các hành tinh, làm nên sấm sét, gió bão trong thiên nhiên, hay động đất mà chúng ta biết được, đó chỉ là hành động thật nhẹ tay của Người thôi. Thiên Chúa muốn gì là làm nên điều đó.
2 Trước đây hơn mười một năm, tôi được ơn Thiên Chúa soi sáng cho biết về bản thể Người tựa như Quả Cầu Ánh Sáng. Sau đó rất lâu, một hôm tôi đọc được trong sứ điệp Sự Sống Thật Trong Thiên Chúa của bà Vassula Rydén, viết ngày 26.1.1988 làm tôi ngỡ ngàng hết sức. Bà đã nói đến Thiên Chúa như “Quả Cầu Ánh Sáng”. Tôi liền ghi lại trong nhật ký “mầu nhiệm Thiên Chúa như Quả Cầu Ánh Sáng – mầu nhiệm Thiên Chúa là Quả Cầu Ánh Sáng – và mầu nhiệm sáng tạo của Ngài trong Quả Cầu Ánh Sáng” rồi quên bẵng đi. Như thế, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tôi từ trước xa, để sau này tôi thấu đáo hơn mà viết ra đây. (Nhật ký TYHC ngày 3.3.2013)
“Vassula, con đừng quên sự kiện về Nơi Cực Thánh của Thiên Chúa, Mẹ nói điều này để nhắc cho con nhớ là Thiên Chúa đã đặt con trong Thánh Tâm Người, Người đã cho phép con thâm nhập vào trong Ánh Sáng Người, đúng vậy, vào trong Mặt Trời; con đã trông thấy Nơi Cực Thánh của Thiên Chúa rồi đó.
Thưa Thánh Maria, hồi đó con không nhận thức được rằng “Quả Cầu Ánh Sáng” khổng lồ đó lại cũng chính là quả cầu ở Fatima.” (26.1.1988).
3 Vì bản tính Thiên Chúa không có “vác”, Người là Đấng Thiêng Liêng, mọi sự được Người tạo dựng trong Người từ không, nên không thể cho rằng “Thiên Chúa vác”. Động từ: vác, chỉ dành cho con người.