Tĩnh tâm là dịp giúp các Kitô hữu lắng đọng tâm hồn, qua đó nhìn lại bản thân mình trong mối tương quan với chúa và tha nhân. Đối với những người đang gánh trọng trách trong các hội đoàn, tĩnh tâm còn là dịp để nhìn lại những gì mình đã, đang và chưa làm được mà kịp thời điều chỉnh, từ đó đưa ra phương hướng tốt hơn.
Chính vì lẽ đó, Ban phục vụ Huynh đoàn giáo dân Đaminh- Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức tĩnh tâm từ ngày 6 – 7/6/2018 tại Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn – Vũng Tàu với chủ đề “Người giáo dân đứng trước chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa cá nhân”. Thành phần tham dự gồm: cha Antôn Trần Bảo Toàn, Đặc trách Huynh đoàn Giáo phận Xuân Lộc, cha giảng phòng Phanxicô Đờ san Lê Văn La Vinh và các phụ tá Ban phục vụ.
Ngày đầu tiên, sau giờ kinh chiều và nghe huấn từ của cha Đặc trách, mọi người bắt đầu bước vào buổi tĩnh tâm đầu tiên với đề tài thứ nhất ” Người giáo dân đứng trước chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa cá nhân”. Ở bài chia sẻ này cha giảng phòng nhấn mạnh: Đã theo Chúa Giêsu là phải bỏ đi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là quan niệm đạo nào cũng tốt nên sống đạo nửa vời, bàng quang với mọi thứ xung quanh hòng tìm yên ổn cho bản thân. Phục vụ thì đại khái cho qua lần chiếu lệ… Nếu ta cứ sống như thế thì hỏi làm sao công việc cứ dậm chân tại chỗ, làm sao có thể làm chứng cho Chúa được.
Để khắc phục tình trạng này, cha đưa ra hướng giải quyết:
1/ Cần biết mình là ai, đang làm gì và cần phải làm gì.
Mỗi người Chúa đặt vào một hoàn cảnh, địa vị khác nhau và trao cho số lượng bạc cũng khác nhau. Ai cũng có bổn phận làm sinh sôi những nén bạc ấy tùy theo khả năng của mình một cách an vui, không so đo, tính toán. Phải làm sao cho công việc được tiến triển với mục đích sáng danh Chúa.
2/ Phải làm mọi việc theo đúng luật Chúa và tinh thần Tin Mừng.
Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh chị em phải trở nên chứng tá Tin Mừng dù có phải hy sinh, thua thiệt. Trước mọi tình huống luôn đặt câu hỏi: “Nếu Chúa đang đứng đây thì Người sẽ làm gì ?” để xử sự theo thánh ý Chúa.
Trong công việc phục vụ, cần có lòng khiêm nhường, đừng đề cao cái tôi quá mức, tránh thái độ muốn thể hiện, khoe mẽ…Phục vụ trong tinh thần tự nguyện, chấp nhận hy sinh thời gian, tiền bạc, sức khỏe, ý riêng…để nước Chúa được triển nở. Đặc biệt phải vâng phục các vị mục tử có trách nhiệm hướng dẫn mình.
3/ Nguồn mạch của người Kitô hữu giáo dân.
Thánh lễ, lời Chúa, các bí tích, kinh nguyện… là những phương thế hữu hiệu giúp người tín hữu thánh thiện hơn, nhờ đó họ có sức đề kháng trước cám dỗ. Nhờ đời sống kết hợp với Chúa, mỗi người tìm được sự cân bằng giữa đời và đạo để biết sống thánh giữa đời.
Cuối cùng cha đưa ra kết luận: ” Người Kitô hữu giáo dân được mời gọi nên men, nên muối giữa đời. Vì thế cần phải làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhuần vào nơi mình sống và làm việc”.
Tiếp theo bài chia sẻ là phần thảo luận, mọi thắc mắc đều được giải quyết một cách thỏa đáng. Tuy nhiên vì thời gian có hạn và những vướng mắc còn nhiều, nên giờ nghỉ giải lao, chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi với nhau những vấn đề liên quan. Một anh tâm đắc chia sẻ: ” Những ví dụ của cha rất cụ thể, cha nói đúng quá làm con cứ giật mình thon thót”. Có những người còn thức đến gần 12 giờ đêm để bàn luận về đề tài được nghe ban sáng. Quả thật vấn đề này vẫn chưa ngừng “nóng”.
Sau một đêm ngon giấc, đoàn bước sang ngày mới với việc cử hành giờ kinh sáng và Thánh lễ, đề tài thứ hai : “Tinh thần phục vụ” được triển khai giúp mọi người hiểu rằng: Phục vụ là phải biết dấn thân không ngại khó, ngại khổ để nhắm đến công ích cho cộng đoàn. Phải phục vụ trong đức ái theo gương Chúa Giêsu, dám chết cho người mình yêu. Cố gắng chu toàn trách nhiệm dù lớn hay nhỏ với sự tận tụy, dù công việc đó chẳng ai biết, chẳng ai khen nhưng nếu biết kết hợp với Chúa thì nó trở thành món quà vô giá dâng lên Người. Tập tinh thần phục vụ đó để rồi khi trở về cuộc cuộc sống bình thường, biết đem tinh thần ấy thấm nhập vào đời sống của mỗi người.
Kết thúc đề tài thứ hai, anh chị em giải lao 15 phút để cho đầu óc thư giãn rồi tiếp tục đề tài thứ ba, tìm hiểu về tông huấn “Niềm vui hoan hỷ” của Đức thánh cha Phanxicô. Trong tông huấn này, cha giảng phòng nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay. Đời sống chúng ta có thể không hoàn hảo, nhưng phải cố gắng từng ngày để sống thánh bằng sự hy sinh và phục vụ lẫn nhau, biết sống cho người khác và vì người khác. Người vợ đang sống thánh khi biết chấp nhận người chồng rượu chè, cờ bạc. Người chồng sống thánh khi biết đón nhận người vợ suốt ngày chỉ biết làm đẹp mà bỏ bê việc chăm sóc gia đình. Người mẹ nên thánh khi biết nâng đỡ đứa con hư hỏng… Mỗi người có thể nên thánh khi biết từ bỏ những thói hư tật xấu của mình, biết làm việc tốt mỗi ngày.
Xuyên suốt trong ba đề tài ,với từng vấn đề, cha giảng phòng đều đưa ra những ví dụ hết sức cụ thể và sinh động, không quá cao siêu nhưng sát với thực tế khiến người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.
Phần thảo luận tiếp diễn ngay sau đề tài thứ ba, cha giảng phòng mời gọi mỗi người hãy chia sẻ những cảm nghĩ của mình hoặc có thể nói lên những thao thức, trăn trở trong quá trình phục vụ. Mỗi người đều có những khó khăn, thiếu xót do chủ quan hoặc khách quan gây ra, những nỗi niềm mà lần đầu tiên mới có dịp bày tỏ để mong muốn anh chị em lắng nghe, thấu hiểu, để rồi xin cộng đoàn cầu nguyện và nâng đỡ. Đồng thời quyết tâm sẽ cố gắng hơn để giúp cho Huynh đoàn mỗi ngày một thăng tiến.
Giờ Chầu Thánh Thể diễn ra để khép lại hai ngày tĩnh tâm. Mọi người cảm tạ Chúa đã ban cho mình có thời gian, sức khỏe để tham dự chương trình ý nghĩa này, qua đó cùng nhau nhìn lại những chặng đường đã qua, quyết tâm khắc phục những khó khăn và cùng bắt tay thực hiện những kế hoạch sắp tới. Thành tâm xin Chúa thánh hóa và nâng đỡ để mỗi người biết ra đi khỏi con người cũ ,khỏi cái tôi ích kỷ, hăng say dấn thân cho sứ vụ mà Chúa và cộng đoàn đã tin tưởng trao phó.
Nhờ ơn Chúa, chương trình tĩnh tâm đã mang lại những kết quả tích cực, nhờ dịp này anh chị em có cơ hội gần gũi nhau hơn, biết thông cảm cho những khó khăn của từng ban để hỗ trợ chứ không có cục bộ như trước kia. Khi ra về, hành trang chúng tôi mang theo là lời nhắn nhủ của cha giảng phòng: “Là những người đầu nghành, hãy đến gặp gỡ các Liên huynh, Huynh đoàn trong Giáo phận của mình để lắng nghe những thao thức của họ, để hiểu và nâng đỡ từng hoàn cảnh, từng con người. Chấp nhận ‘lấm lem’ để Chúa được vinh danh và con người được hạnh phúc”.
KimMary