Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 V 19,9a.11-16 (năm chẵn), Mt 5,27-32
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,27-32)
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình. 28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30 Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi ; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
31 “Luật còn dạy rằng : Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, bất cứ ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình ; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Chống lại cơn cám dỗ (14.06.2024)
Lời Chúa Giêsu hôm nay một lần nữa giúp chúng ta có cái nhìn tận căn về tội ngoại tình. Hôn nhân là một thể chế thánh thiêng do Thiên Chúa thiết lập từ thuở tạo dựng nên con người. Chúa dạy phải sống chung thủy trong đời hôn nhân. Muốn được như vậy, phải cương quyết không chiều theo những thèm muốn tội lỗi và cương quyết cắt đứt dịp tội.
Bản tính con người là yếu đuối dễ sa ngã theo đường xấu, nhưng Chúa cũng ban cho ta nghị lực để chống cự và chiến thắng nó. Mỗi người đều có nguy cơ rơi vào cám dỗ, dù đã trưởng thành. Suy cho cùng, cám dỗ có thể đến qua nhiều hình thức: phim ảnh, truyền hình, âm nhạc và sách báo, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay. Nó đặc biệt nhắm vào người trẻ và thường là ngòi nổ châm ngòi cho những đam mê này, nhưng Thiên Chúa quan phòng đầy Lòng Thương xót đã ban cho chúng ta nhiều cách để chống lại chước cám dỗ.
Chuyện xưa có kể rằng:
“ Ở nước Lỗ có một người nam sống độc thân trong một ngôi nhà. Hàng xóm của anh ta là một quả phụ, cũng sống trong nhà một mình.
Vào một đêm mưa to gió lớn làm sập mất ngôi nhà, người quả phụ vội chạy đến nương nhờ nhà của anh kia, nhưng anh ta lại đóng cửa không cho vào.
Người quả phụ đứng ngoài cửa sổ hỏi anh ta: “Sao anh không cho tôi vào?”
Người nam đáp: “Tôi nghe nói rằng, nam nữ chưa quá 60 tuổi thì không thể ở cùng một chỗ; bây giờ cô còn trẻ, tôi cũng còn trẻ; tôi không thể để cho cô vào được.”
Người phụ nữ nói tiếp: “Sao anh không thể giống Liễu Hạ Huệ, dùng thân mình sưởi ấm cho cô gái không kịp vào thành tránh rét, cả nước không ai dám nói ông ấy làm bậy.”
Người nam đáp lời: “Liễu Hạ Huệ có thể mở cửa, nhưng tôi thì không thể, vậy nên tôi muốn dùng cách của mình mà học tập Liễu Hạ Huệ”.
Từ câu chuyện trên có thể thấy rằng ức chế ham muốn sắc dục là bản lĩnh cần có nhất của bậc thánh hiền từ xưa tới nay. Tuy vậy, nếu không tự tin có thể ức chế được ham muốn, thì người ta cũng có thể nhân lúc bản thân còn tỉnh táo mà tự ước thúc lấy hành vi của mình, tránh để chuyện xấu ác xảy ra.( nguồn: Tri Thức VN)
Quả thật, đúng như vậy, bậc thánh hiền có khả năng kiềm chế cơn cám dỗ, nhưng con người đa phần vốn bản tính yếu đuối, chúng ta có thể chọn các tránh xa nó và kêu cầu đến ơn Chúa phù giúp.
Để tránh cơn cám dỗ:
1) Đừng ở một mình với người khác phái.
2) Tránh dùng Internet vào những lúc hoặc nơi làm bạn bị cám dỗ xem tài liệu khiêu dâm.
3) Tránh xa những người có lối nói chuyện và hạnh kiểm biến điều sai trái thành điều có vẻ lôi cuốn.
4) Chọn bạn bè có thể hỗ trợ. Chúng ta có thể tránh được đa phần cám dỗ trong đời bằng cách chọn bạn bè có cùng quan điểm về đạo đức.
5) Và điều quan trọng nhất là kiên trì tin tưởng cầu nguyện cùng Chúa. Chúa Giê-su đã chẳng dạy chúng ta rằng: “Hãy luôn cầu nguyện để anh em không rơi vào cám dỗ đó sao? Thánh Phaolô trong thư Corintô cũng nói: “Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ”.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con và ban cho có tự do, đồng thời Chúa cho phép chúng con sử dụng sự tự do đó để làm điều thiện hay xấu. Xin Chúa ban ơn trợ lực, để chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban mà làm việc tốt, hầu sinh ích cho phần hồn chúng con. Amen.
Têrêsa Hảo
Lề luật của Chúa (10.06.2022)
Thật là muôn hồng ân đổ xuống trên những đôi vợ chồng có đời sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài, mỗi năm vào ngày lễ Thánh Gia ở giáo xứ tôi rất vui vì có nhiều đôi vợ chồng trẻ đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm ngày cưới, nhiều nhất vẫn là những cặp vợ chồng trung niên kỷ niệm 30 năm, 40 năm và đã có đôi vợ chồng già kỷ niệm 60 năm. Ngày vui tưng bừng của đại gia đình có đông con cháu, và bạn bè đến hiệp dâng thánh lễ Tạ ơn, trên những khuôn mặt đã có nếp nhăn theo thời gian là nụ cười hạnh phúc, hân hoan vì nhận nhiều lời chúc mừng và hình ảnh lưu niệm. Tạ ơn Chúa, Người ban cho thế gian biết thế nào là đời sống yêu thương trong gia đình. Lời Cha chủ tế chúc phúc và nhắc nhở các đôi vợ chồng giữ trọn yêu thương, chăm sóc nhau như gia đình Thánh Gia. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen từng chia sẻ: “Cần có ba người để là vợ chồng, không phải là hai: Bạn, người bạn đời của bạn và Chúa. Khi những người yêu nhau không có việc gì hơn là để chỉ yêu nhau, chẳng bao lâu tìm thấy chẳng có việc gì khác nữa. Nếu không có một sự trung thành tại cốt lõi, thì cuộc sống vẫn chưa hoàn tất.”
Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêô, là lời giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng ước muốn tình dục. “Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi.” Mt 5,28. Lời giáo huấn rất nghiêm, chỉ là ước muốn trong suy nghĩ đã là phạm tội, vì sao Chúa đưa ra điều ấy? Có phải từ trong suy nghĩ sẽ là động cơ đưa đến hành động? Chúng ta nhận ra văn minh thời nay đề cao tự do tính dục, nhưng thực chất coi đó là thú vui ích kỷ, một nhu cầu mà mình có quyền thỏa mãn một cách dễ dàng. Tình trạng một số thanh niên nam nữ thực hành sống thử trước khi đi đến hôn nhân đang lan tràn và trở thành vấn nạn cho gia đình xã hội, sự bế tắc sau cuộc tình dở dang và hậu quả thiệt thòi mà người nữ phải gánh chịu. Không ít tình huống của các anh, chị đã có gia đình nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc với người bạn đời, dễ giao động trước những ân cần chăm sóc của người khác phái. Hoặc những anh đã yên bề gia đình nhưng vẫn còn ham muốn chinh phục người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình. Thánh Augustino từng khuyên răn: “Tội là lời nói, việc làm, ước muốn phản lại luật Chúa”
Khi ngắm nhìn vẻ đẹp của người phụ nữ ta có ca ngợi bàn tay tài hoa của Đấng Tạo Hóa đã cho mọi người chiêm ngưỡng một tuyệt tác về sắc đẹp. Quà tặng tuyệt vời là một thân xác, chúng ta có nhận ra đây là kỳ quan mà Thiên Chúa đã sáng tạo và ban tặng cho con người. Khi chúng ta giữ khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là biết tôn trọng thân xác của mình cũng như người khác, “ Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” 1Cr 6,15. Như vậy, chúng ta sẽ không để bất cứ sự gì có thể đẩy mình vi phạm lời Chúa dạy, không để: một cái nhìn, một ước muốn … làm tinh thần xao động đến nhu cầu không chính đáng của thể xác.
Lạy Chúa, Chúa dựng nên mỗi người giống hình ảnh Chúa. Xin đừng để con đánh mất hình ảnh của Chúa. “Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” 1Cr 6,20. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra hồng ân sự sống mà Chúa đã ban tặng trong thân xác này.
Anna Anh
Ngăn chặn ngay từ đầu (12.06.2020)
Ghi nhớ:
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.” (Mt 5, 29)
Suy niệm:
Có một câu chuyên hư cấu, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Câu chuyên nội dung như sau: Quỷ đến cám dỗ một người đàn ông nọ. Nó nói:
– Cái nhà hiên tại chúng mày đang ở, gọi là nhà nhưng thực ra nó có hơn gì một cái chòi đâu! Thôi mày cứ đốt quách nó đi. Xong tao sẽ chỉ cách cho mày kiếm tiền, chịu khó nghe lời tao đi chỉ một thời gian ngắn là mày có đủ tiền xây nhà mới thôi.
Người đàn ông trả lời.
– Không. Tao không dại gì mà đi đốt nhà của mình. Còn việc xây nhà chừng nào tao có tiền thì sẽ xây. Còn làm ra tiền theo cách chóng vánh của mày thì chỉ có nước đi ăn cướp!
Thấy không êm. Quỷ đổi đề tài.
– Tao thấy con vợ của mày nó láo quá! Chồng con mà nó chẳng coi ra gì. Mày nên đánh cho nó một trận để nó biết thế nào là lễ độ!
– Vợ là người cùng đồng cam cộng khổ với tao. Đó là phân nửa của đời tao. Đánh nó khác nào tao tự đánh mình! Tao đâu có khùng!
– Thôi bây giờ tao không bảo mày làm những điều mà mày cho là điên khùng ngu ngốc nữa. Bây giờ chúng ta đi uống rượu cho vui.
Thế là người đàn ông thuận tình đi uống rượu. Lúc đầu anh ta định uống một chút thôi để sau đó đi về nhà xới vườn cho vợ gieo hạt, vì hạt giống đã ngâm ra mầm rồi. Thế nhưng do bàn bè chèo kéo, nài ép cứ hết ly này lại rót ly kia…cho đến khi say bí tỉ. Ở nhà vợ không thấy chồng về liền đi kiếm. Khi tìm thấy chồng đang uống rượu thì liền to tiếng. Trong cơn say, cộng với những lời khích bác của các“chiến hữu” anh ta đã ra tay đánh vợ tàn nhẫn. Chị vợ bị đau quá nên chạy trốn, không tìm được vợ để đánh, tức máu anh ta quay ra lấy hộp quẹt nổi nửa đốt nhà!!!
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta một khuyến cáo rất quan trọng mang tính sống còn cho sự sống mai sau của chúng ta. Người bảo: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy. Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục”
Đức Giê-su muốn chúng ta phải ngăn chặn ngay từ đầu những nguy cơ có thể dẫn đến phạm tội. Khởi đầu là những suy nghĩ, ước ao trong tâm trí và từ đó nó sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự sa ngã. Người xưa có câu: “phòng bềnh hơn là chữa bệnh”. Vì vậy, cách tốt nhất là phải tránh xa dịp tội, bởi vì tinh thần thì nhẹ nhàng nhưng thể xác thì yếu đuối nên chúng ta khó tránh khỏi những sự cám dỗ nếu như chúng ta cứ liều mình không tránh đi những cơ hội có thể phạm tội đó!
Ai cũng biết rằng đời sống dương thế này chỉ là cõi tạm mà thôi.Quê Hương vĩnh viễn của chúng ta là ở trên trời. Sự sống đời này mau qua. Sự sống vĩnh cửu mai sau mới là sự sống thật mà chúng ta phải phấn đẫu, nỗ lức gìn giữ. Nói cách khác là: Cứu cánh của chúng ta là sự sống đời đời trên thiên đàng. Nhưng để đạt được sự sống đó Đức Giê-su dạy ta phải kiên quyết lựa chọn đi theo con đường từ bỏ. Phải từ bỏ những gì không đẹp lòng Chúa. Phải tuân giữ các giới răn, phải thi hành những điều Hội Thánh dạy. Để làm được những việc đó chúng sẵn sàng từ bỏ mọi điều bất chính, từ bỏ những gì có nguy cơ dẫn chúng đến sa ngã và thậm chí phải từ bỏ ngay cả những gì được coi là chính đáng nhưng có nguy cơ làm cớ cho chúng xa Chúa!
Trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải có sự khôn ngoan để đưa ra những quyết định cho sự lựa chọn được hoàn hảo nhất. Như vua Salamon xưa, ông chỉ xin Thiên Chúa cho ông được Đức Khôn Ngoan để phân biệt phải trái, đúng sai. Cũng vậy, ngày nay sống giữa thời đại vàng thau lẫn lộn chúng ta cũng phải cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Trí Khôn Ngoan để chúng ta có thể phân định điều gì nên làm, điều gì cần tránh. Có như thế chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại mà tìm kiếm được nước Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, để đạt đến sự sống trường sinh, Chúa muốn chúng con phải biết lựa chọn và từ bỏ. Trước hết, chúng con xin chọn Chúa làm gia nghiệp của đời mình và ra sức phấn đấu để đạt được chính Chúa, và chúng con cũng cương quyết từ bỏ những gì không phù hợp với đức tin Công Giáo. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để Ngài soi trí mở lòng cho chúng con biết phân biệt tốt xấu, phải trái. Và nguyện xin đi theo con đường Thánh Linh hướng dẫn hầu đạt đến sự sống muôn đời. Amen.
Sống Lời Chúa:
Tránh xa dịp tội. Từ chối những cuộc vui có nguy cơ dẫn đến sa ngã! Hạn chế uống rượu, bia!
Đaminh Trần Văn Chính.
Ham muốn… (14.06.2019)
Chữ Dục (慾) bộ tâm (心) trong Hán tự; hàm nghĩa là lòng ham muốn. Gồm ba bộ tự hợp lại:
Bộ cốc (谷) nghĩa là khe suối; là cái hang.
Bộ khiếm (欠) nghĩa là thiếu thốn.
Bộ tâm (心) nghĩa là tâm lòng.
Vì vậy, chữ Dục là hình tượng diễn tả một tâm lòng thiếu thốn tình người, giống như dòng suối khô hạn, hoặc như cái hang trống rỗng lẽ nghĩa, điều nhân. Vì khô hạn, thiếu thốn cho nên thèm khát, ước muốn thuần bản năng một động vật.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su lên án những ai chủ ý dùng đôi mắt của mình để khơi gợi những ước muốn bất chính. Hay nói cách khác, Chúa cảnh báo những tâm hồn chứa đầy những ước muốn tội lỗi và dùng con mắt để thoả mãn những ham muốn lệch lạc thấp hèn ấy.
Bởi thế, trong chữ Dục có chữ Tâm và chữ Khuyết cấu thành ngữ nghĩa. Thiết nghĩ, là người thì phải biết làm chủ con tim của mình để hãm dẹp những ham muốn đen tối; là người thì phải có cái nhìn bao quát, tránh cái nhìn khiếm khuyết, lệch lạc để con mắt là cửa sổ tâm hồn luôn được trong sáng, tinh ròng vậy.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con một tâm hồn trong trắng, cố tránh những ô uế cho dù đó là những ô uế nhỏ mọn, để luôn xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Trung thành trong đời sống hôn nhân (15.06.2018)
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở những ai đang sống trong đời sống hôn nhân và gia đình: không được ngoại tình và không được ly dị. Không được ngoại tình để bảo vệ tính cách đơn hôn của hôn nhân là một vợ một chồng, Không được ly dị để duy trì tính cách vĩnh viễn của hôn nhân. Người Kitô hữu sống Bí tích hôn nhân là luôn trung thành, bền đỗ với ơn gọi hôn nhân và gia đình, quyết tâm từ bỏ thái độ phản bội bất trung, để một lòng trung tín yêu thươ ng nhau cho đến cùng như lề luật của Chúa đã dạy.
Vườn Địa Đàng buổi đầu nguyên thủy
Chúa tạo thành có chỉ Ađam
Bốn bề rộng lớn không gian
Ađam đơn lẻ, một thân một mình
*
Chúa nhân từ thương tình chia sẻ
Cho Ađam: bạn trẻ Eva
Hai người kết nghĩa giao hòa
Nên duyên chồng vợ mặn mà yêu thương
Ngoại tình và ly dị là đi ngược lại giáo huấn của Thiên Chúa về hôn nhân, là xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân, làm tổn hại đến hạnh phúc của gia đình và vi phạm giao ước với Thiên Chúa. Người Kitô hữu cần phải ý thức hơn nữa về tính đơn hôn và vĩnh viễn của đời sống hôn nhân, hai đặc tính này là đặc điểm, cốt lõi của hôn nhân Công giáo. Bởi vì, ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ, cả hai cùng liên kết với nhau bằng giao ước hôn nhân, đòi buộc phải chung thủy với nhau để bảo vệ tính toàn vẹn vĩnh viễn của đời sống vợ chồng. Đó cũng là ý định của Thiên Chúa về hôn nhân. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
Để tiếp nối nơi dương trần đó
Con cháu cùng cũng có lứa đôi
Hôn nhân kết hợp cao vời
Lưu truyền nòi giống cho đời ngát hương
*
Cuộc sống mãi vấn vương quyến luyến
Để chân thành tận hiến cho nhau
Tình yêu chung thủy trước sau
Tình dục kết hợp nghĩa sâu tình nồng
Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ bài học về sự thanh bạch, khiết tịnh từ bên trong, Ngài nói: “Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”. Tiếp đó, Ngài đã nói lên tính cẩn trọng, dứt khoát đối với tội để có sự toàn vẹn trong cuộc sống mai sau. Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt, thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt, vì làm thế cũng chẳng khiến chúng ta hết dục vọng. Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.
Sinh con cái vợ chồng thuận thảo
Cho cuộc đời tuyệt hảo thân thương
Mẹ Cha sáng tỏ mẫu gương
Con cái hòa thuận nhịn nhường cảm thông
*
Hôn nhân – Tình dục hòa chung
Tạo nên hạnh phúc tương phùng nhân gian
Vợ chồng kết hợp hân hoan
Làm cho cuộc sống vô vàn niềm vui
Lạy Chúa! Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa và mời gọi chúng con sống cho những điều cao quý hơn. Xin cho chúng con biết kết hiệp với Chúa để nhờ sức mạnh của ơn thánh, chúng con có thể vượt thắng những cám dỗ trong đời sống thường ngày. Amen.
HOÀI THANH
Sa ngã (16.06.2017)
Sa ngã là sự yếu đuối của lý trí, đắm đuối của xác thịt.
Có hai loại sa ngã:
– Sa ngã do ngoại cảnh: Những cảnh vật, hình ảnh dâm tục, những cám dỗ…
– Sa ngã bởi tự tại: Trí tưởng tượng, tự bản ngã tìm kiếm thoả mãn đam mê xấu.
Sa ngã là bản ngã yếu đuối của con người. Ngay từ khi có con người, thì con người (Eva) đã sa ngã vào lời mật ngọt của con rắn. Người đàn bà ấy đã nói lời mật ngọt để Adam cũng sa ngã theo.
Sự sa ngã sẽ làm cho con người đi từ sa ngã này đến sa ngã tiếp theo khác. Nó nâng cao tính tự ái, tự đại, tự kiêu, để rồi con người sa ngã không còn nghe được lời khuyên khôn ngoan, không phân biệt được thiện ác – đúng sai.
Khi sa ngã, lời khôn ngoan trở thành sự cay đắng, khó nghe.
Do bản ngã của con người thì nặng nề, tinh thần thì nhẹ nhàng. Cho nên khi con người suy nghĩ, toan tính thì tỏ ra khôn ngoan, nhưng khi thực hành thì bị bản ngã kéo xuống, làm cho tinh thần bị nặng nề, trì trệ, con người trở nên yếu đuối, không (hướng thượng) chống lại được những đam mê, khoái lạc. Luôn làm theo hướng ngược lại của lý trí, Thần Khí. Như Thánh Phaolô đã nói: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi cứ làm” (Rm 7,15).
Sự lôi kéo con người vào sa ngã là những kiêu căng, tự đắc, ảo mộng, hão huyền, đam mê, vô tình… Mấy ai trên đời không sa ngã.
Sa ngã đôi khi không có căn nguyên nhất định, nó vô tình đến ở một thời gian rất vô tình, trong một không gian tưởng như hy hữu vậy. Ví như ngọn lửa bên đống rơm, lâu dần sẽ bén lửa mà cháy.
“Nam nữ thụ thụ bất thân”, đó là lý do những nơi tâm sự của đôi trai gái ở nơi hoang vắng, mênh mông cô quạnh, trong một phòng kín thì khó tránh được sa ngã.
Tránh được sa ngã nó tùy thuộc vào lý trí và những nhân đức đã được tích luỹ trong thời gian dài nơi con người ấy. Cốt yếu ta phải tránh xa sự cám dỗ.
Suy niệm:
Để kéo dài được sự sống trên đời, mỗi ngày có biết bao nhiêu người phải cắt bỏ một phần thân thể như: bỏ con mắt, cắt quả thận, tháo cái chân… Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại để có được cả mạng sống. Sự cắt bỏ này có khi nguy hiểm đến mạng sống, nhưng họ vẫn chấp nhận vì hy vọng mình còn sống.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và lo sợ. Lo sợ vì lời ảnh báo của Chúa, có nhiều câu được lặp lại đi lặp lại:
“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…
Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…”
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không? Khi Chúa đã nhiều lần chữa lành bệnh tật, toại nguyền cho người bị đui mù được sáng (Mc 8, 25); cho người bị bại liệt được khoẻ mạnh vác chõng mà đi (Mc 2, 11). Chắc chắn Chúa không muốn một kitô hữu nào tật nguyền mà phải được lành mạnh. Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, để có can đảm cắt đứt với những ham muốn đang làm hư hỏng đời ta. Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm, hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người, những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay. Đối với xác thịt: “Càng ăn càng thấy đói.”
Chúa muốn nói cho chúng ta biết một sứ điệp rất quan trọng: Đó là giá trị vô giá của Nước Trời. Giá trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn cho chúng ta phải coi trọng đó là: Sự sống đời đời – Nước Thiên Chúa.
Để có được giá trị này, ta phải chấp nhận từ bỏ tất cả những gì làm ta sa ngã, những cản trở làm ta không thể đến được Nước Trời. Chúng ta, thậm chí cần bỏ cả mạng sống của mình ở đời này để được hạnh phúc vô cùng đời sau. Chúa nói: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được” (Mt 10, 39).
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời, nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.
Muốn tránh được sa ngã, cách tốt nhất là tránh sa cám dỗ, đam mê… sống thanh sạch, khiết tịnh và thực thi Lời Chúa hằng ngày. Vì “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần xuống cho con để con biết tránh xa chước cám dỗ, để con nhận ra những giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều luôn làm con sa ngã.
Xin cho con cảm nhận và yêu mến kho tàng vĩnh cứu trên trời. Amen./.
Gã Đầu Bạc
Thái độ tích cực (10.06.2016)
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném nó đi, vì thà mất một phần thân thể còn hơn cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.”(Mt 5,29)
“Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Lời Chúa không dạy chúng ta sống cực đoan, nhưng là dạy phải có một thái độ tích cực, dứt khoát tận căn đối với tội lỗi: Muốn tránh tội phải khử trừ nguyên nhân và phương tiện phạm tội. “Thà mất một phần thân thể còn hơn là cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.”
Nhìn vào thực tế hiện nay, ta thấy những giá trị của đời sống đạo đức bị trì trệ tới mức tiêu cực. Hiện tượng nhiều gia đình và hội đoàn sứt mẻ, chia rẽ, bất hoà nhan nhản khắp nơi. Các vụ “ăn cơm trước kẻng” của tuổi trẻ đếm không hết, tự do phá thai vô số kể, rồi hôn nhân ly dị ngày càng nhiều, đặc biệt nơi các gia đình trẻ luôn cả trung niên nữa. Những giải pháp của xã hội và cả Giáo Hội nữa sẽ không có hiệu quả nếu không có thái độ tích cực dứt khoát tận căn. Trước tiên đó là thái độ tôn trọng “Sự sống thai nhi”, hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa: một vợ một chồng bất khả phân ly. Tiếp đến phải tiêu diệt tận gốc rễ lòng ham muốn hưởng thụ ích kỷ nơi mỗi người. Có lẽ trong đời sống gia đình chúng ta cũng có những lúc xào xáo, xung đột, thậm chí cả những lần có nguy cơ bị tan vỡ. Những lúc như vậy chúng ta hãy nhớ đến “Lời Chúa dạy”, biết dùng liệu pháp trị bệnh tận căn này.
Nhiều khi có những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình, tôi đã cố gắng kiềm chế miệng lưỡi không phát ngôn bừa bãi…, để lòng mình bình tĩnh, dịu dàng, đối thoại trong tinh thần cảm thông tôn trọng lẫn nhau, dù đối tượng nhỏ tuổi hơn mình đi nữa, từ đó cuộc xung đột đã hóa giải êm xuôi, mọi vấn đề dù nan giải đến đâu vẫn tháo gỡ từng gút mắc ra được, sự nhịn nhục tha thứ “chín bỏ làm mười”sẽ hóa giải mọi chuyện nên tốt đẹp bình an.
Lạy Trái Tim đầy tình thương yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết nhìn lại lối sống tự do vô lối của mình, để quyết tâm có thái độ tích cực tìm về nguồn “Chân- thiện-mỹ”trong lòng Chúa đầy xót thương, hầu biến đổi con người xấu xa nơi chúng con nên tốt đẹp hơn mỗi ngày, để Giáo Hội và cả xã hội bớt đi những tệ nạn…,thôi băng hoại đạo đức và giảm thiểu tối đa các hệ lụy quá đau lòng.
Lạy Thánh Tâm từ ái Chúa Giêsu!
Xin thương xót và hoán cải nhân loại đầy dẫy tội lỗi của chúng con ngày hôm nay, trong thế kỷ 21 bùng nổ nhiều biến cố…, và lắm sự suy tàn đến là vậy Chúa ơi!! Xin dủ lòng xót thương chúng con. Amen.
BCT
Đòi hỏi để kiện toàn lề luật
“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.” (Mt 5,29).
Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần chỉ trích người Do Thái giữ luật dựa trên mặt chữ với đủ thứ tiểu tiết chi li và hình thức trong khi những đòi hỏi cốt yếu của Lề Luật thì lại bỏ qua. Nói như thế không phải là Chúa Giê-su “bãi bỏ Luật Mô-sê” (Mt 5,17); trái lại Ngài đòi hỏi phải kiện toàn Lề Luật bằng cách có một thái độ quyết liệt, dứt khoát đối với tất cả những tư tưởng đen tối, những ước muốn bất chính, và thậm chí phải “chặt tay, móc mắt” quăng đi nếu chúng “làm cớ cho anh sa ngã”. Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giê-su có ý nhấn mạnh ý thức sâu xa và nhạy bén trước tội lỗi và đến tinh thần giữ luật cách triệt để chứ không phải là nghĩa đen của ngôn từ. Đây chính là sự “kiện toàn lề luật” mà Chúa nói đến để có thể trở nên hoàn thiện “như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Mời Bạn: Con người trong xã hội hôm nay đang mau chóng đánh mất cảm thức về tội lỗi. Người ta hăm hở tìm kiếm sự “hoàn hảo” về tri thức, của cải, sắc đẹp… hơn là “trở nên hoàn thiện” trước mặt Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở bạn biết quý trọng vẻ đẹp của linh hồn và dốc sức để bảo vệ và trau dồi nó dù có phải trả giá lớn lao thế nào đi nữa.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm chống lại cơn cám dỗ cách quyết liệt dứt khoát ngay khi nó vừa mới chớm phát sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa và lề luật của Ngài, cho con biết quyết lòng từ bỏ những gì không đẹp ý Chúa, để con trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.