Michele Farina là một nhân viên bưu điện ở thành phố Bari, miền nam nước Ý. Sau khi chàng thiếu niên 16 tuổi Vincenzo, con trai của ông, qua đời vì bệnh ung thư máu, với tất cả lòng can đảm, sự kiên trì và quảng đại của một người cha mất con, ông Farina chọn cách đưa tay ra với tha nhân, dấn thân giúp đỡ cho những người cha người mẹ có con bị ung thư máu. Từ nhiều năm nay, ông Farina đã đón tiếp nhiều gia đình có con bị ung thư phải nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Bari. Ban đầu ông đón tiếp họ tại chính ngôi nhà của ông, sau đó ông đã thành lập Hiệp hội Agebeo và tổ chức phi lợi nhuận “các bạn của Vincenzo”, ông bắt đầu thực hiện giấc mơ: thành lập ngôi làng đón tiếp.
Công việc của ông Farina không chỉ là một hứng khởi nhất thời, nhưng còn là công việc được linh hứng bởi tinh thần Kitô giáo cách mạnh mẽ, để xây dựng một công trình tương trợ, có khả thể đón tiếp những người cha mẹ và con cái của họ, những người thường bị buộc phải ở Bari lâu dài trong các chu kỳ chữa trị dài hạn.
Ông Farina chia sẻ: “Vào tháng 2 năm 2000, con trai tôi, Vincenzo, bắt đầu cảm nhận những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh. Khi đó cháu 14 tuổi, là một thiếu niên năng động và tham gia phong trào hướng đạo. Hành trình khổ giá của cháu kéo dài khoảng 2,5 năm, sau khi chẩn đoán cho biết cháu mắc bệnh ung thư máu. Đó là những ngày tháng khó khăn mà hy vọng cháu được chữa lành thật mong manh; và cuối cùng cháu cũng bị hôn mê. Lần đó đã xảy ra một điều ngạc nhiên không thể tin được. Cháu được đưa vào khoa huyết học nhi khoa của bệnh viện đa khoa. Lúc đó dường như là không còn điều gì có thể làm thêm cho cháu được nữa. Linh mục đã đến xức dầu cho cháu, vài giờ trước ngày 16 tháng 6 năm 2002, ngày mà cha Pio được ĐGH Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh. Chiara, vợ tôi, con gái Valeria của tôi và tôi, đang đau khổ thất vọng. Vào một lúc, trong sự ngạc nhiên của chúng tôi, khi đang hôn mê, Vincenzo tỉnh lại và đã đến với chúng tôi, dù thể trạng của cháu lúc đó rất yếu. Cháu ôm chúng tôi và nói với chúng tôi rằng cháu cũng ngửi thấy trong phòng cháu hương thơm không thể nhầm lẫn được của các bông hoa.”
Trong thời gian Vincenzo nằm trong bệnh viện, ông Farina nhận ra rằng một số cha mẹ của những đứa trẻ bị ung thư mà gia đình ở xa bệnh viện, không có khả năng chi trả cho việc cư trú của họ ở Bari. Ông Farina đã quyết định chia sẻ chỗ trọ trong phòng của Vincenzo với một gia đình ở vùng Calabria và sau đó là những người khác nữa. Trong khi đó, tình trạng của Vincenzo trở nên tồi tệ hơn. Cậu được đưa vào bệnh viện “Burlo Garofolo” ở Trieste trong khi chờ ghép tế bào gốc. Nhưng thật không may, vào ngày 24 tháng 11 năm 2002, trái tim của Vincenzo đã ngừng đập.
Ông Farina chia sẻ: “Đó là một nỗi đau không thể nói đối với tất cả chúng tôi. Ngay trước khi cháu qua đời, trong lúc đau đớn không thể nói được, tôi nhìn vào đôi mắt xanh như biển của Vincenzo và hứa với cháu rằng tôi sẽ giúp đỡ cha mẹ của những trẻ em và thiếu niên bị bệnh khác.”
Tháng 6 năm 2003 là bước đầu tiên của hiệp hội Agebeo; hiện nay hội có 50 đối tác và hơn 5.000 người ủng hộ. Năm 2007, trong một căn hộ được tịch thu của tội phạm, nhiều gia đình từ một số vùng phía nam, từ Bắc Phi và Đông Âu đã được đón tiếp ở đây. Nhưng ông Farina đã mở rộng dự án liên đới của mình và đã đạt được một mốc quan trọng có ý nghĩa xã hội rất lớn. Trên một khu đất rộng 6.000 mét vuông thành phố tịch thu của mafia, gần bệnh viện ung thư “Gioan Phaolô II”, ngôi làng đón tiếp đang được xây dựng, với 10 đơn vị, trong đó có 8 nhà ở, mỗi nhà rộng 47 mét vuông, còn một nhà dành cho lễ tân và một cho phục hồi chức năng.
Sau khi đặt viên đá đầu tiên vào ngày 24 tháng 11 năm 2015, cho đến nay công trình đã hoàn thành phần cơ bản, nhờ sự cộng tác tích cực của tổ chức “Ba mươi giờ cho cuộc sống” và sự đóng góp của vô số người khác. Ông Farina cho biết: “Để hoàn thành dự án, cần có ít nhất 800 nghìn euro; tôi hy vọng sẽ quyên góp được với sự giúp đỡ của mọi người. Tôi hy vọng sẽ hoàn thành ngôi làng vào tháng 6 năm 2019. Tôi làm việc cả ngày lẫn đêm để biến ước mơ này trở thành hiện thực. Vincenzo cho tôi sức mạnh để tiếp tục và không từ bỏ công việc. Khi tôi nhìn vào những đứa trẻ đang đau khổ, trái tim tôi bị bóp nghẹt lại. Đối với những đứa trẻ và các cha mẹ buộc phải sống một cuộc sống khó khăn, thực sự cần một sự tương trợ liên đới và hiểu biết cảm thông của con người rất nhiều.”
Hồng Thủy – Vatican