Lá Thư Đặc Trách Tháng 11 / 2018
Đức hiếu hòa nơi các thánh Tử đạo
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Cao điểm mùa tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam, xin đề cập đến đức tính đặc biệt của các vị tuẫn giáo, sẵn sàng chịu bách hại vì lẽ công chính, đó là đức hiếu hòa, lòng bao dung. Các vị họa lại chân dung Đức Kitô, người tôi trung Thiên Chúa, Đấng đã dạy và nêu gương cho họ yêu thương cả kẻ thù
Chân dung Người Tôi Trung
Khi lãnh nhận phép rửa khai mạc sứ vụ, Đức Giêsu được Chúa Cha làm chứng qua lời sấm từ trời : “Đây là Con Yêu Dấu của Ta”. Lời sấm ấy sẽ được trịnh trọng nhắc lại trên núi Tabor, chính là âm vang câu mở đầu Bài Ca về Người Tôi Trung của Giavê trong sách Isaia Đệ Nhị.
Người Tôi Trung Giavê có chân dung nhân hậu, hiền hòa và kiên nhẫn: “sẵn sàng đưa lưng cho người ta đánh” (Is 50, 6); “Bị ngược đãi, chẳng mở miệng kêu ca, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7). Người Tôi Trung có sứ mạng loan báo công lý trước muôn dân, với cung cách hiền hòa : “không cãi vã, không kêu to… Cây lau bị giập, không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi công lý toàn thắng” (Mt 12, 15-21).
Ngài chỉ dẫn một cung cách sống mới cho các môn đệ : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
Chứng nhân đức tin qua mọi thời.
Kitô hữu không bất ngờ trước việc bị bách hại. “Tôi tớ không hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15, 20). Nhưng theo gương thánh Phaolô, họ sẵn sàng vác Thập giá của Đức Kitô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”. (Cl 1,24)
Làm chứng cho tin mừng, kitô hữu cũng làm chứng cho tình yêu, là giới răn lớn nhất của Tin mừng. Vác thập giá theo Đức Kitô, chính là lấy tình yêu để chu toàn việc bổn phận hằng ngày, và theo gương Thầy trên đỉnh cao thập giá, họ sẵn sàng bao dung tha thứ cho những kẻ giết hại mình.
Vị chứng nhân tiên khởi, thánh Stêphanô đã làm thế khi cầu nguyện cho đám đông ném đá : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Thánh nữ Maria Goretti trong vũng máu vẫn xin mọi người tha thứ cho kẻ sát nhân Alexandre. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đã đến thăm và tha thứ cho Ali Acca, sát thủ đã bắn ngài trọng thương.
Đức cha Rertord viếng xác linh mục Bonnand Hương
Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam
Lòng bao dung thứ tha chính là điểm sáng nơi các thánh tử đạo Việt Nam. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho kẻ giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và chính những người hành xử mình.
Thánh linh mục Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè : “Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi”.
Thánh linh mục Vénard Ven, khi viên quan nói : “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, đã trả lời : “Tôi chẳng ghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”.
Cụ Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười, vì khi họ yêu cầu, cụ đọc lời kinh sau : “Cầu Chúa Giêsu, xin cho vua quan trị nước cho yên càng ngày càng thịnh”.
Thánh Phan Văn Minh trong tù đã giải tội cho kẻ dẫn lối cho quan quân bắt ngài. Cũng vậy, thánh Đặng Đình Viên, trên đường ra pháp trường, ban phép lành xá giải cho hai phụ nữ tố giác nơi cha trú ẩn.
Thánh Lê Văn Phụng tại pháp trường nhắn nhủ với con trai : “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé”. Và dặn dò các thân hữu : “Hãy tha thứ các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì chính tôi đã thứ tha”.
Việc chiêm ngưỡng đức hiếu hòa của các vị tử đạo cho phép chúng ta mường tượng ra khuôn mặt các ngài : không một chút bất mãn tức tối, không một chút oán ghét hận thù, ánh mắt và nụ cười của các ngài toát lên nét dịu hiền thông cảm. Và, còn hơn thế nữa, các ngài tràn trề hân hoan ngước nhìn về trời cao vì trong thâm tâm, các ngài tin tưởng rằng : cái chết tử đạo là cái chết vinh quang, sẽ khai mở cho các ngài vào cuộc sống mới muôn đời bất diệt.
Cuộc tử đạo, cha Khoan, hai thày Thanh và Hiếu
Niềm tin phục sinh các thánh tử đạo
Với các vị tử đạo, cái chết chính là cuộc thử thách cuối cùng mà họ sẵn sàng mong đợi. Thày Hà Trọng Mậu đại diện cho anh em nói với quan : “Thưa quan, chúng tôi mong ước về bên Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy”.
Ông Án Khảm vui vẻ chào mọi người : “Cha con chúng tôi hôm nay vào nước thiên đàng đây”. Cha Đa Minh Hạnh cũng tươi tỉnh nói : “Anh em ở lại, chúng tôi đi về thiên đàng nhé”. Ông Gioan Cỏn đã nói khi thấy người anh em sụt sùi nước mắt : “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ”.
Trong những bức thư trao đổi với gia đình và bạn bè, các vị tử đạo không chào vĩnh biệt ai cả mà chỉ chào tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ. Thày Nguyễn Đình Uyển trả lời thắc mắc kẻ dọa chém đầu mà thấy thày không sợ rằng : “Hãy chém đi, đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.
Linh mục Nguyễn Văn Xuyên diễn tả niềm tin này như sau : “Thưa quan, tôi chọn cái chết để được sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt”.
Linh mục Lê Bảo Tịnh thì nói : “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, tôi sẵn sàng không oán thán, nó chết đi, nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang”.
Như khúc khải hoàn ca
Hình ảnh tuyệt đẹp về niềm tin phục sinh của các thánh tử đạo Viiệt Nam là linh mục Phạm Khắc Khoan, và hai thày Đinh Văn Thanh, Nguyễn Văn Hiếu. Trong trại giam cũng như trên đường ra pháp trường, ba vị đã cùng hát vang kinh Tạ Ơn (Te Deum). Lời kinh nối kết với hội thánh sơ khai khi bách hại chấm dứt. Lời kinh tràn trề tin tưởng, phó thác cho Thiên Chúa, và nối kết với cộng đoàn các thánh trên Thiên quốc :
“… Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài…
Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh,
Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang”.
Rồi ngay tại pháp trường, ba vị lại tiếp tục cầu nguyện bằng thánh ca. Như trong đêm phục sinh, cha Khoan hát ba lần lời Allêluia, mỗi lần với cung giọng cao hơn. Xen kẽ vào đó, hai thày giảng cùng hát thay cộng đoàn theo cao độ của vị chủ sự : Allêluia, Allêluia, Allêluia.
Nguyện chúc anh chị em biết theo gương các tiền bối, luôn sống bao dung, nhân ái và hiếu hòa, làm chứng cho Chúa giữa lòng đời, để mai sau được đoàn tụ với các Ngài.
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP.