Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Adu Dhabi trở về Rôma

Theo tin Zenit, trên chuyến bay từ Adu Dhabi trở về Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói tới Venezuela, Hồi giáo, lạm dụng, và nhiều vấn đề khác.

Các ký giả đặc biệt ghi nhận lời ngài cho biết: trong chuyến viếng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngài đã nhìn thấy thiện chí đang khởi đầu diễn trình hòa bình tại Yemen.

Ngài nói như thế để trả lời câu hỏi liệu ngài có tin các cảnh cáo của ngài về các đau khổ và đổ máu tại quốc gia Ả rập ấy có một tác dụng gì không.

Nhân dịp này, Zenit nhắc nhở độc giả rằng chuyến đi của Đức Phanxicô tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là chuyến viếng thăm đầu tiên của 1 vị giáo hoàng từ trước đến nay và Thánh Lễ ngài cử hành tại vận động trường Adu Dhabi là thánh lễ công cộng đầu tiên trên 1 đất nước đa số theo Hồi Giáo.

Được như thế, vì Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vốn được nhiều người coi là mẫu mực của việc sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và nền văn hóa, dù vẫn có nhiều giới hạn. Họ đã công bố năm 2019 là Năm Khoan Dung, thành lập một bộ gọi là Bộ Khoan Dung, đặt tên lại cho Đền Thờ Lớn (Grand Mosque) là Đền Thờ Lớn “Maria, Mẹ Chúa Giêsu”, và cổ vũ các sáng kiến giúp đỡ người Ấn giáo.

Trong chuyến viếng thăm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Đức Phanxicô đã cùng Đại Imam của Al Azhar ký bản tuyên bố chung về Tình Anh Em của Con Người, kêu gọi mọi bên liên hệ cổ vũ tự do tôn giáo, bảo vệ các nơi thờ phượng, và cung cấp tư cách công dân cho cả các nhóm thiểu số tôn giáo.

Khi được hỏi về bản tuyên bố trên, Đức Phanxicô nói rằng nó lên án mọi hình thức khủng bố.

Được hỏi nó sẽ được áp dụng ra sao, ngài nói: “Văn kiện đã được soạn thảo nhờ suy tư và cầu nguyện rất nhiều. Cả Đại Imam lẫn tôi… chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Để có thể đưa ra văn kiện này”.

Ngài cảnh cáo “Tại thời điểm này chỉ có một mối nguy hiểm lớn duy nhất: sự hủy diệt, chiến tranh và thù hận giữa chúng ta, nếu các tín hữu chúng ta không thể giúp nhau một tay và ôm hôn nhau, niềm tin của chúng ta sẽ bị đánh bại”.

“ Văn kiện này phát xuất từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cha của mọi người, cha của hòa bình. Và nó lên án mọi hủy diệt, mọi khủng bố”.

Ngài giải thích để trả lời một câu hỏi liên quan rằng Văn kiện đã được soạn thảo theo tinh thần của Công đồng Vatican II. “Trước khi lấy quyết định, tôi muốn một số nhà thần học nói rằng nó có thể được chấp nhận, kể cả nhà thần học chính thức của phủ giáo hoàng, một cha dòng Đaminh, để chắc chắn rằng nó đúng. Đức Phanxicô cho biết “Ngài đã chấp thuận” và chúng tôi đã ký nó.

Trong bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tại Hội nghị liên tôn quốc tế về tình huynh đệ của con người, ngài đã ca ngợi mô hình chung sống và khoan dung mà ngài tìm thấy ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nhưng cũng đề cập đến sự đau khổ ở Yemen, nơi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là đồng minh của Ả Rập Saudi trong liên minh quân sự của Cuộc nội chiến đã kéo dài trong bốn năm chống lại Iran. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cuộc khủng hoảng nhân đạo đã khiến gần 10 triệu người chịu đói, trong đó có nhiều trẻ em.

Khi được các nhà báo hỏi trên chuyến bay về sự hỗ trợ của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trong cuộc chiến chống phiến quân ở Yemen, Đức Phanxicô phát biểu rằng ngài “đã tìm thấy thiện chí trong việc bắt đầu diễn trình hòa bình”.

Khi được hỏi về các báo cáo gần đây về việc một số giáo sĩ lạm dụng tình dục các nữ tu, Đức Giáo Hoàng thừa nhận “đây là một vấn đề” và “nên làm nhiều hơn nữa” để ngăn chặn điều đó. Ngài cũng ca ngợi vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêdictô XVI, người đã đích thân hết sức cố gắng để giải quyết vấn đề này.

Hôm qua, các nhà báo đã nói chuyện với Quốc vụ khanh Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, người từng là Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela. Khi được hỏi Đức Giáo Hoàng có nhận được thư của Maduro ở Venezuela yêu cầu hòa giải, Đức Hồng Y Parolin đã xác nhận điều này. Hôm nay, trong cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng đã nói rõ rằng ngài đã nhận được một lá thư của Tổng thống Venezuela trước khi lên đường đi Abu Dhabi, nhưng ngài chưa có cơ hội đọc nó.

Đức Phanxicô nhấn mạnh “Tôi sẽ mở thư. Tôi sẽ xem có thể làm được gì, nhưng các điều kiện ban đầu là cả hai bên cần phải yêu cầu điều đó”; ngài lưu ý: cũng giống như khi cả hai bên đi gặp vị linh mục, bởi vì có vấn đề giữa vợ và chồng. Ngài nói [người kia] đến hay không đến? Ai đó muốn nó hay không muốn muốn nó? Luôn luôn phải có yêu cầu hoặc cả hai bên phải muốn”.

Khi được một nhà báo địa phương hỏi về cô gái bất ngờ chạy đến giáo hoàng xa trong Thánh lễ lịch sử hôm nay, ngài thừa nhận chưa có thời gian để đọc lá thư, nhưng vẫn cho biết ấn tượng của ngài: “Cô ấy rất can đảm… Tôi nói không, hãy để cô ấy đến… Cô gái đó có tương lai… tôi dám nói: “ông chồng tội nghiệp!” Cô ấy rất can đảm, tôi thích điều đó… Phải can đảm lắm mới làm được điều đó… rồi một cô gái khác theo chân cô ta…”

Kết thúc cuộc họp báo trên không, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chúc mừng một nhà báo trên chuyến bay, Valentina Alazraki Crastich, vì đến nay đã tham dự chuyến bay thứ 150 của Đức Giáo Hoàng. Phi hành đoàn đã mang đến một chiếc bánh, và Đức Giáo Hoàng nói (nói đùa): “Họ nói với tôi rằng chúng tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 150 của Valentina (cười) Tôi không thấy cô ấy bị ướp xác (mummified) chút nào… Cô ấy là một người phụ nữ có gốc rễ rất thú vị. Nếu cô đi xét nghiệm máu, bác sĩ huyết học sẽ rất ngạc nhiên”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận, bằng cách nói với các nhà báo có mặt cầu nguyện cho ngài. Ngài nói “Tôi cần nó”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *