Đường Đi Lên Nhà Chúa

 

Khi đọc kinh Mân côi mầu nhiệm 4 mùa vui, ta suy niệm về biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật, không buộc phải dâng cho Chúa. Đức Mẹ đồng trinh không cần phải thanh tẩy theo luật Do Thái. Thánh Giuse cũng không buộc phải lên đền thờ hôm ấy. Nhưng cả nhà cùng vượt đường khó khăn, với sức khỏe còn non nớt, yếu đuối, để tiến về đền thờ theo luật cách trọn hảo nhất. Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ còn mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Khi suy niệm mầu nhiệm Mân côi này, tôi thường xin ơn biết noi gương thánh gia để biết vâng theo lề luật Chúa, vâng lời Hội thánh, vâng lời nơi gia đình và cả xã hội nữa. Xin mạo muội chia sẻ một điều: “đường đi lên nhà Chúa”, đường đi lễ của tôi.

Thấy tôi đi lễ có phần khó khăn, nhiều người cám cảnh khuyên cứ ở nhà, Chúa không bắt buộc, sáng nay đi rồi, sao đi lắm thế? Vâng, Chúa nào buộc tôi? nhưng sao tôi vẫn khát khao, đi mãi đi hoài không đủ, bất kể ngày nào? “Ôi nói sao được niềm vui khi lên bàn thánh Chúa Trời?” Tôi im lặng, để Chúa trả lời…

Nhớ hồi xưa thiếu Linh mục, để đi lễ Chúa nhật 3 cây số với tôi là bao nỗi niềm, thao thức lo lắng vì đường khá xa, khi thì giữa trời nắng nóng, lúc mùa đông gió lạnh rét mướt. Để được đi lễ tôi phải lo thu xếp, năn nỉ người thân, nhiều lần bị cản trở, la rầy oán trách. Lần kia bé cháu chở tôi bằng xe đạp được gần nửa đường, bỗng đâu chiếc xe honđa chạy vụt qua, người ngồi sau xe đó vác một chiếc xe đạp. Xe đạp trên vai họ móc tôi văng xuống đường sõng soài, mặc kệ tôi họ chạy mất hút. Một người bạn đưa tôi vào nhà sơ cứu. Lát sau hoàn hồn cô cháu lên xe đi tiếp, ngồi xe sóc giần giật tôi đau lắm, nhưng mất lễ còn tiếc hơn nhiều. Lễ vật hôm nay dâng lên là những cơn đau vì tai nạn nhỏ và nỗi lo ngày mai. Tôi mường tượng 5 vết thương của mình “gần giống Chúa” khi chịu đóng đinh. Lúc rước lễ xong hai gối đã sưng lù cứng lại, hai bàn tay bị mài xuống đường đau quá, đầu thì sưng u như quả chanh phía sau. Về tới nhà tôi thành “kẻ liệt giường” luôn! Lần khác tôi bị bỏng nặng ở cánh tay. Ở nhà mặc áo sát nách không sao, nhưng khi đi lễ bị tay áo sơ mi cọ vào, tôi lại mong hết giờ để về cởi bỏ cái tay áo đang hành hạ mình.

Lần kia đang ngon giấc, thấy đồng hồ báo thức giục dậy đi lễ sáng sớm, vừa ép mình rời bỏ chăn ấm, tôi lồm cồm bò dậy thì điện lưới bỗng tắt vụt làm căn phòng tối om, lại thêm rủi vì cái đèn pin chết tiệt hết điện cứ tắt ngủm! Vậy mới biết năm cô khờ dại bức bí chừng nào? Chỉ còn mỗi cách đi xin dầu mà chẳng ai cho. Ngoài trời lại nghe mưa rơi lạch tạch, làm nhiệt độ càng thêm lạnh giá, ai cũng muốn say giấc điệp, thử thách cám dỗ bủa vây tư bề… Làm sao bây giờ? tôi loạng choạng rờ rẫm, sửa soạn chải tóc, áo quần để chuẩn bị ngoài “thể xác” thôi, mà lật đật khó khăn quá! Anh mù Bactimê ơi! anh làm sao để giải quyết mọi sự trong cảnh tối tăm mù mịt ngày xưa đấy? xin mau chỉ giúp cho em! Tôi bấm điện thoại kêu cứu bà chị cách cả cây số, thì chỉ nghe thấy mỗi câu: “mưa rét thế này không đi được đâu”, lại thêm thất vọng. Lục đục xoay sở mãi, giờ chót tôi cũng vào được nhà thờ vì có Chúa cứu nguy.

Từ khi giáo xứ có Cha tại trực, lòng tôi như mở cờ trong bụng vì sẽ được tham dự Thánh lễ hằng ngày. Đã 5 năm nay, được Chúa yêu chiều, hình như tôi chưa bao giờ phải nghỉ lễ vì ốm đau bệnh tật hoặc mưa gió, rét đậm rét hại, đau chân vẫn đi. Chỉ một lần mưa lớn và ngập sâu quá, không ai khiêng, tôi ngồi nhà vừa nghe Thánh lễ bên đó vừa… khóc! Nếu bị ốm tôi uống thuốc xong, lại “lên đền thánh” liền, lễ xong khắc về nghỉ. Trời mưa phùn, mưa tầm tã ướt áo quần, thậm chí sấm chớp bão bùng, tôi vẫn cố xoay sở nhờ cho bằng được. Khó khăn thử thách nhất là các thánh lễ vào sáng sớm, tôi hết sức nài nỉ, ỉ ôi để có người đưa đi lễ từ lúc nhà nhà còn say giấc điệp. Để đến được với Chúa hằng ngày, tôi mang nặng ơn của người thân, chị em bạn bè, những người vì Chúa sẵn sàng “làm chân làm tay” cho tôi.

Vì được ở giáp vách nhà thờ, xe tôi lăn chưa đầy trăm mét đã tới cửa đền, nhờ người đưa vào là xong. Bao giờ tôi cũng “chọn chỗ nhất” mà ngồi, bởi “gần bàn thờ Chúa, tâm hồn con thảnh thơi” và trong tình yêu thì… nhất cự ly, nhì cường độ, tha hồ gần Chúa để dốc hết vui buồn sướng khổ. Tôi khóc cười với Chúa, cám ơn tạ lỗi, xin xỏ… Nhiều lúc tôi dám thầm thì: “Lạy Chúa! con đến thờ lạy Chúa, trông cậy và kính mến Chúa thay cho nhiều người, nhất là những người trong gia đình con, những người thuộc về con đã không đến thờ lạy, không trông cậy và không kính mến Chúa”. Mỗi lần vào thánh cung tôi hớn hở như người đi xa được trở về nhà mình. Ngày nào cũng đến mà vẫn thích say sưa hát như lần đầu được đến đây: “Bao năm tháng con hằng ước mơ, về bên Chúa hát khúc tạ ơn. Ôi giây phút chan hòa thánh ân, trong cõi lòng dâng trào ý thơ”. Của lễ con dâng lên Chúa chả có gì ngoài con người hèn yếu, tội lỗi với những bức bí, nhọc nhằn nặng gánh tật bệnh, cảm giác bị bỏ rơi, lạnh lùng, cả những lời tai con chẳng muốn nghe… Hết lễ tôi lại mang Chúa về nhà với cuộc sống nhiều khi không êm ả, nhưng có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, tâm tư vẫn lắng dịu bình an.

Ngày xuân ai cũng có ước mơ, năm nay đón năm mới tôi thầm nguyện ước với Chúa, xin cho con có người đưa đi lễ hằng ngày suốt năm Chúa nhé!

Đường đi lên nhà Chúa Chúa ơi! cung thánh Ngài ngời bao huyền diệu, ngất ngây trong cõi lòng. Lạy Chúa con mơ ước ngày đêm, khúc hát hiến dâng đời Chúa ơi!  Phụng sự nhà Chúa vui sướng nhường bao! Có Chúa làm gia nghiệp đời con, nguồn hạnh phúc con trông cậy Ngài.” (Thánh ca).

Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *