ĐHY Stella: Hãy chân thành yêu thương và nâng đỡ các linh mục

“Các linh mục là món quà của tình yêu Chúa. Như thánh Gioan Vianey đã nói rằng ‘một linh mục là món quà tốt đep nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho Dân Người… Có rất nhiều gương mẫu của các linh mục. Chắc chắn cũng có cả mầu nhiệm về Giuđa, nhưng chúng ta đừng quên: nếu có một Giuđa thì lại có 11 tông đồ chịu chết để làm chứng cho Chúa. Có một cái giá mà chức linh mục phải trả cho sự yếu đuối con người nhưng có bao nhiêu thánh linh mục, bao vẻ đẹp của chức linh mục lan tỏa khắp nơi. Chúng ta cảm tạ Chúa: linh mục là một món quà của Thánh Tâm Chúa Giêsu”.

Mỗi năm, vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta cử hành Ngày Quốc tế thánh hóa các linh mục. Tại sao lại cử hành ngày thánh hóa linh mục vào lễ Thánh Tâm? ĐHY Angelo Comastri, Giám quản đền thờ thánh Phêrô và Đại diện của ĐTC tại thành Vatican, giải thích về điều này: “Các linh mục là món quà của tình yêu Chúa. Như thánh Gioan Vianey đã nói rằng ‘một linh mục là món quà tốt đep nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho Dân Người. Chúng ta hãy nghĩ về thánh Vinh Sơn Phaolô, về điều tốt ngài đã làm: ngài là một linh mục. Chúng ta hãy nghĩ đến thánh Gioan Bosco, về điều tốt ngài đã làm và về những chỉ dẫn của ngài trong việc giáo dục giới trẻ: ngài là một linh mục. Chúng ta hãy nghĩ đến cha Luigi Orione, ngài đã có thể đánh động chàng trai Ignazio Silone… Còn rất nhiều gương mẫu của các linh mục. Chắc chắn cũng có cả mầu nhiệm về Giuđa, nhưng chúng ta đừng quên: nếu có một Giuđa thì lại có 11 tông đồ chịu chết để làm chứng cho Chúa. Có một cái giá mà chức linh mục phải trả cho sự yếu đuối con người nhưng có bao nhiêu thánh linh mục, bao vẻ đẹp của chức linh mục lan tỏa khắp nơi. Chúng ta cảm tạ Chúa: linh mục là một món quà của Thánh Tâm Chúa Giêsu”.

Vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hàng năm, Bộ Giáo sĩ cũng có những sáng kiến, những gợi ý để các giáo phận tổ chức ngày cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục. Báo Quan sát viên Roma đã phỏng vấn ĐHY Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, về ngày thánh hóa các linh mục năm nay, về chân dung vị mục tử đích thực mà các linh mục cần phải sống về những khó khăn thách đố của các ngài và sự nâng đỡ của cộng đoàn đối với các ngài.

* Kính thưa ĐHY, vào Ngày Quốc tế thánh hóa các linh mục năm nay, Bộ giáo sĩ đã nghĩ đến việc đề nghị các giáo phận có thời gian suy tư về các bài giảng của ĐTC Phanxicô trong các ngày lễ truyền dầu vừa được xuất bản. Đâu là ý nghĩa của đề nghị này?

– Ngày Ngày Quốc tế thánh hóa các linh mục là một cơ hội quan trọng để đào sâu, cầu nguyện, nhưng cũng là cơ hội để chia sẻ huynh đệ giữa các linh mục. Năm nay, trong dịp lễ truyền dầu cử hành tại đền thờ thánh Phêrô ngày 18/04, ĐTC Phanxicô đã muốn tặng cho các linh mục một cuốn sách nhỏ có tựa đề “Sự mệt mỏi của chúng ta là điều quý giá đối với Chúa Giêsu”, trong đó có 7 bài giảng ĐTC nói với các linh mục trong các thánh lễ truyền Dầu được cử hành từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Đó là các sứ điệp rất súc tích mà ĐTC muốn nói với các linh mục với tình yêu thương và hiền dịu, như một người cha nói với các con; các bài giảng này nói đến sự mệt mỏi tông đồ của các linh mục và chỉ cho họ một định hướng thiêng liêng và mục vụ cho sứ vụ. Ngày hôm nay, khi đọc lại các bài giảng này, người ta có thể thấy từ giáo huấn dành riêng cho các linh mục này xuất hiện một chân dung linh mục thực sự, là hình ảnh có thể tìm thấy trong bài giảng Thánh lễ truyền Dầu đầu tiên do ĐTC Phanxicô chủ sự vào ngày 28 tháng 3 năm 2013: “Linh mục thực thi sứ vụ bằng cách mang lấy trên vai mình những người dân được ủy thác cho ngài và bằng cách mang tên của họ đã được ghi khắc trong trái tim ngài”.

Phác họa linh mục như là vị mục tử của Dân Chúa là một hình ảnh thật đẹp. Thưa ĐHY, ngày nay, các linh mục phải làm gì để sống như chân dung này?

– ĐTC Phanxicô thường nhấn mạnh về đặc tính của lời mời gọi linh mục, điều trao cho linh mục sứ vụ trở thành một mục tử như hình ảnh của Chúa Kitô; đặc biệt, trong các bài giảng các lễ truyền Dầu, ĐTC đã khẳng định rằng mục tử được Chúa Thánh Thần xức dầu để đến lượt mình, họ xức dầu cuộc sống của những người được ủy thác cho họ, với niềm vui của Tin mừng và sự an ủi của tình yêu Thiên Chúa. Trong bài giảng mới đây vào dịp lễ truyền Dầu năm nay, khi chú giải về Tin mừng thánh Luca, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh bốn nhóm người mà Chúa ưu tiên xức dầu, đó là người nghèo, các tù nhân, những người mù và người bị áp bức; như thế – Đức Thánh Cha khẳng định – như Chúa Giêsu đã thể hiện sự gần gũi với họ và mang lấy tình cảnh của họ, cả chúng ta “không được quên rằng các mô hình truyền giáo của chúng ta là ‘những người dân’ này, là đám đông với những khuôn mặt cụ thể này, đám đông được sự xức dầu của Chúa nâng dậy và làm cho sinh động. Họ là những người hoàn thành và làm cho sự xức dầu của Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta trở nên thật sự, vì chúng ta được được xức dầu để xức dầu”.

Đó là một sự xức dầu đòi hỏi phải hiến dâng cuộc sống của một người, nghĩa là –nói theo lời của ĐTC – “chúng ta xức dầu bằng cách phân phát chính mình, phân phát ơn gọi và trái tim của chúng ta”. Theo nghĩa này, với sự tiết độ và khiêm nhường trong cuộc sống, và tôi lấy lại một trong những ý cầu nguyện trong tháng này, các linh mục được kêu gọi dấn thấn vào hoạt động liên đới tích cực với những người nghèo nhất, và như thế các linh mục trở thành dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng hiến mạng sống cho dân Người. Khi một linh mục sống như thế này, la bàn của trái tim của ngài chỉ vào hai tình yêu này: Thiên Chúa và con người. Ngài không gắn bó với bản thân hay với những thứ của cải thế gian này, nhưng trái lại, qua nghèo khó, khiết tịnh và vâng lời, từ sâu thẳm, ngài thể hiện sự tự do nội tâm này; sự tự do nội tâm ấy thúc đẩy ngài vì người khác, nhưng không ràng buộc với bất cứ điều gì hay với bất cứ ai.

Về vấn đề này, tôi bị đánh động bởi bài giảng của ĐTC Phanxicô vào ngày 15 tháng 6, trong lễ tang của Đức cha Léon Kalenga Badikebele, Sứ thần Tòa Thánh ở Argentina; ĐTC  đã nói về “sự chia tay của mục tử”, nghĩa là sự tách rời lành mạnh “của người đã quen không dính bén với của cải của thế gian này, không gắn bó với thế gian”, của người rời đi để ủy thác cho người khác tiếp tục cuộc hành trình “như thể nói rằng: ‘chính anh em hãy tỉnh thức và hãy trông chừng cả đàn chiên nữa’. Tỉnh thức, chiến đấu: anh em là những người trưởng thành, tôi để anh em một mình, anh em hãy tiến bước”. Cuộc sống của linh mục là một hơi thở tự do, trong đó chúng ta dâng chính mình cho Chúa và mỗi ngày chúng ta thực hiện các bước từ biệt, trước khi đi đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa. Chắc chắn, đây là một nhiệm vụ không phải lúc nào cũng dễ dàng, cả vì sự phức tạp của bối cảnh xã hội và văn hóa ngày nay, nó đòi hỏi một sự trưởng thành ổn định về mặt tâm lý, một năng lực nội tâm mạnh mẽ để đối mặt với những mệt nhọc và khó khăn, một mối quan hệ thanh thản và đích thật và, tất nhiên, một linh đạo vững chắc bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu và lời của Người.

* Nền tảng khởi đầu nhân bản và tu đức này cũng được khuyến nghị trong “Hướng dẫn căn bản” và trên hết nó thuộc về giai đoạn khởi đầu của việc đào tạo. Sau đó, trên đường đi, đôi khi phát sinh nhiều khó khăn. Những trở ngại quan trọng nhất đối với các linh mục ngày nay là gì thưa ĐHY?

Trước tiên, tôi muốn nói rằng chính khi suy nghĩ về những thất bại và trở ngại mà các linh mục đối mặt trên hành trình cuộc sống của linh mục, Bộ giáo sĩ muốn đề xuất các bài giảng Thánh lễ truyền Dầu, là những bài giảng có đặc tính như những sứ điệp gắn liền với thực tế và với những gì các linh mục trải nghiệm trong chức vụ và trong sâu thẳm tâm tư của họ. Về vấn đề này, tôi muốn nói: chúng ta đọc và suy gẫm về những gì ĐTC nói và viết, chứ không phải những gì mà truyền thông đôi khi bỏ qua, nhưng lại thường làm nổi bật các khía cạnh thứ cấp hoặc trích xuất từ ​​ngữ cảnh một số cụm từ có thể tạo ra tin giật gân; nếu chúng ta chú ý lắng nghe lời của ĐTC, chúng ta sẽ nhận thấy sự quan tâm chân thành và đau khổ của vị mục tử đối với những vất vả của các linh mục và tình yêu mà ngài muốn đồng hành với họ.

Chẳng hạn, trước sự mệt mỏi của linh mục, ĐTC Phanxicô đã dành những lời nói thực sự quý giá, những lời làm hồi sinh con tim của các linh mục gặp gỡ ngài, đặc biệt là ngày nay, khó khăn thuộc nhiều loại khác nhau. Trên thực tế, các linh mục sống sự mệt mỏi vì các hoạt động tông đồ, nhưng cũng là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “sự mệt mỏi của hy vọng”, nó làm nặng lòng và biến linh mục – nói theo một hình ảnh trong Kinh thánh – giống như một bồn nước bị rò rỉ. Những trở ngại thì rất nhiều; trong những bối cảnh nhất định, sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục làm cho đức tin và việc rao giảng Tin Mừng không còn có ý nghĩa; ở những nơi khác, các cộng đồng Kitô giáo phải chịu bạo lực bách hại; những thay đổi về văn hóa và xã hội của những năm gần đây đã làm giảm đi sự coi trọng Giáo hội về mặt xã hội và, nếu điều này tước khỏi Giáo hội những yêu sách bá quyền và trả nó lại cho sự đơn giản của Tin Mừng, thì cũng đúng là nó làm cho sứ vụ trở nên khó khăn hơn và đòi phải cập nhật liên tục về tư tưởng, ngôn ngữ và sự hiện diện trên thế giới.

Thêm vào những lĩnh vực này, những điều chủ yếu về mặt xã hội học, là những khó khăn của đời sống cá nhân và tâm linh của linh mục: những khủng hoảng mà họ trải qua khi thay đổi tuổi tác, những hiểu lầm, chán nản, đôi khi là sự mệt mỏi trong mối quan hệ với giám mục và với các anh em linh mục, sự khô khan trong đời sống cầu nguyện. Đây là những khía cạnh có thể làm suy yếu sức sống của cuộc hành trình. Những điều này đáng để chúng ta cùng nhau dừng lại, không phải để làm cho chúng trở thành các chủ đề để thảo luận, nhưng còn là không gian để chia sẻ của các linh mục giáo phận.

* Thưa ĐHY, về sự mệt mỏi của các linh mục, mới đây khi nói chuyện với các Giám Mục Ý, ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng “các linh mục luôn cảm thấy mình bị truyền thông tấn công” hay “họ bị lên án vì một vài sai lỗi và hành động của một số anh em linh mục”.

Một cách tự nhiên, chuỗi các sự kiện đề cập đến các sai lỗi của một số linh mục, được truyền thông lấy lại và đôi khi nhấn mạnh, chỉ có thể tạo ra sự nhầm lẫn nơi các tín hữu và trong dư luận. Trên hết, sự nguy hiểm là ngày nay người ta tuyệt đối hóa các dữ liệu tiêu cực và tổng quát hóa nó một cách vội vã, liên kết nhân vật và cùng từ ngữ “linh mục” với một chân dung mơ hồ hoặc thậm chí đen tối. Thật ra, trong thực tế, trong Giáo hội, đại đa số các linh mục làm việc hiến dâng cuộc sống của họ cách quảng đại, sử dụng năng lực tốt nhất để loan báo Tin Mừng và chăm sóc dân Chúa, và dành thời gian cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cho người trẻ, người già, các bệnh nhân, người nghèo.

Sứ điệp video mà ĐTC muốn thực hiện cách đây vài ngày để bắt đầu trong tháng 6 này chương trình cầu nguyện cho các linh mục, đã đánh động tôi, khi ngài khẳng định rằng: “Nhiều linh mục tham gia hoạt động cho đến hiến dâng chính mình cách khiêm nhường và vui tươi. Họ là những linh mục gần gũi, sẵn sàng làm việc hăng say vì mọi người. Chúng ta cảm tạ Chúa về gương mẫu và chứng tá của các ngài.” Họ là những linh mục hàng ngày làm việc trong thinh lặng, đôi khi bị hiểu lầm hay được mời gọi để đối phó với sự cô đơn và việc không có kết quả trong sứ vụ của họ; như ĐTC Phanxicô đã khuyên nhủ, các linh mục này cần sự gần gũi, lắng nghe, đồng hành, trên hết từ Giám mục của họ, nhưng – tôi muốn nói – cách chung từ phía chính linh mục đoàn, của cộng đoàn Kitô hữu và của các gia đình.

* Thưa ĐHY, cộng đoàn Kitô hữu có thể đồng hành và nâng đỡ hành trình của các linh mục bằng cách nào?

Có rất nhiều đề nghị và lời khuyên khác nhau và những con đường để chống lại các sai lỗi và các vụ xì căng đan; trên hết, tôi cảm thấy có thể nói rằng thuốc chữa đầu tiên phải là làm cho các linh mục của chúng ta cảm thấy được yêu thương, là sống với tình cảm và sự thận trọng sự cô đơn của họ, là không phán xét họ cách tàn nhẫn, là không làm cho họ cảm thấy mình bị áp lực khi đòi hỏi họ hầu như là những chiếc máy phân phát các dịch vụ thánh và trên hết, là quý mến họ cách chân thành. Chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn và nâng đỡ họ và cách thế đầu tiên để làm điều này có lễ là yêu thương họ cách đơn giản và hiền dịu. Về vấn đề này, chính trong những ngày này, một cơ sở trị liệu quan trọng được khánh thành tại bệnh viện Francesco Miulli ở Acquaviva delle Fonti ở Puglia, trước sự chứng kiến của chính quyền và một cộng đồng giáo dân, tôi muốn nhớ – như tôi vẫn thường làm –  tầm quan trọng của tình yêu đối với các linh mục, của sự nâng đỡ tinh thần và đạo đức trong sứ vụ của họ và sự cần thiết của việc hiểu được sự mong manh của họ và tha thứ cho họ trong một số khoảnh khắc của bóng tối và chán nản.

Tôi đảm bảo với bạn rằng làm cho các linh mục nghe những điều tốt, ví dụ, một lời khen về bài giảng của họ hoặc kết quả tốt của một số buổi cử hành đặc biệt như rước lễ lần đầu hoặc, còn nữa, về sự thành công mà trong mùa hè này có thể có với các hoạt động với các thiếu niên như lễ hội Grest. Hãy làm cho các linh mục cảm thấy rằng trong sự yếu đuối nhân loại, có những người đồng hành với họ bằng lời cầu nguyện, nhìn nhận sự phục vụ của họ và với sự khuyến khích để họ không bỏ cuộc trong những thử thách và khó khăn. Do đó, Ngày thánh hóa các linh mục là một dịp cầu nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch và là nơi nương tựa của mọi cuộc đời linh mục, đồng hành trên các bước đi của các linh mục với sức mạnh của ân sủng thiêng liêng.

Hồng Thủy – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *