Ấm áp tình Chúa, tình người

Thời tiết mùa hè nóng nực, tôi mon men ra chợ tìm mua một ly sâm bổ lượng để giải nhiệt. Đang thưởng thức hương vị thơm ngon của ly chè, bỗng đập vào mắt tôi là hình ảnh một bà cụ ngoài bảy mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn, lưng còng gần như gập xuống, bước đi khó nhọc, theo sau bà là một người phụ nữ trung niên ôm mấy bó rau muống rồi đặt xuống khoảng đất trống. Bà cụ lại gần, đôi tay run rẩy mở bó rau ra rồi chầm chậm tuốt lá, mười phút trôi qua mà bà chỉ làm được một nhúm rau nhỏ. Thấy vậy tôi tò mò hỏi thì được chị bán chè cho biết: “Bà cụ không gia đình, con cái, sống bằng nghề tuốt rau muống thuê. Mỗi ngày ngồi từ sáng đến chiều chỉ làm được năm bó, công mỗi bó 4000 đồng nhưng người ta thấy thương nên thường trả thêm tiền cho bà ăn quà”.

Nghe đến đây, tôi không khỏi chạnh lòng. Ở tuổi bà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thì mỗi ngày phải nỗ lực làm việc để kiếm mấy chục ngàn. Số tiền này đối với chúng tôi chẳng đáng là bao, chỉ đủ tiền uống một ly nước nhưng với bà là cả một ngày sống, chưa kể những lúc trái gió trở trời thì biết xoay sở ra sao?

Để giải đáp cho câu hỏi trên, tôi liền đứng dậy tiến lại gần bà cụ đề nghị được nhặt rau phụ, bà móm mém cười duyên trò chuyện: “Buổi sáng sau khi đi lễ và ở lại lần hạt năm chục kinh xong, tôi đi ngay cho kịp phiên chợ. Người ta đã bê rau ra chỗ này cho tôi rồi, chỉ việc tuốt sạch lá rồi đưa họ chẻ ra để bán, vừa làm vừa chuyện trò với người này người kia, vừa khỏe người mà lại vui cô ạ”. Cảm phục sự lạc quan của bà, tôi cất tiếng hỏi: “Có bao giờ bà nghĩ là Chúa bất công không?”. Lập tức nhận được ngay câu trả lời “Không, Chúa thương tôi lắm nên hay cử người này người kia đến giúp. Khi thì đồng quà tấm bánh, lúc thì nhặt rau phụ… Vì thế tôi cứ phó thác mọi sự để Chúa lo liệu”. Nghe bà nói, tôi tự hỏi tại sao Đức tin của bà lại mạnh đến như vậy? Phải chăng là nhờ đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa qua Thánh lễ và lần chuỗi mân côi hàng ngày.

Đang mải nói chuyện thì chị bán trái cây hàng bên tiến lại gần, trên tay cầm một tô bún nóng hổi vẫn để nguyên trong bọc đon đả mời: “Bà Hai nghỉ tay ăn bún đã rồi hãy làm”. Thấy bà có vẻ ái ngại, chị khéo léo nỉ non “Bà ăn hộ con, sáng nay con ăn rồi mà bé Thảo không biết, nó lại đi mua thành ra dư một tô, bà ăn cho con vui”. Chị vừa nói vừa mở bọc bún đổ ra tô rồi mời bà Hai ăn, không quên hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà, cả hai cười vang khi nói đến một câu chuyện vui vừa xảy ra ban sáng.

Hình ảnh đó với tôi thật ấm áp, nó ấm áp bởi sự chân thành, bình dị của những người lao động dành cho nhau. Họ có con mắt tế nhị để nhận ra những điều người khác cần giúp đỡ mà không dám ngỏ vì ngần ngại hoặc mặc cảm. Họ cho đi  không phải vì mình  dư giả hay thích phô trương mà là muốn biểu lộ tình yêu của Đức Kitô cho  những người xung quanh. Tôi chợt nhận ra rằng: sự cho đi không chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất mà nó còn là sự hiện diện, thấu hiểu và cảm thông với những người kém may mắn hơn mình.

Trong giây phút đó, tôi thầm cảm ơn Chúa vì Người đã dạy tôi những bài học thật bổ ích. Học được sự lạc quan và vui sống của bà Hai,  sự giúp đỡ ân cần của những chị bán hàng dành cho người thân cô thế cô, sự tinh tế khi biếu ít lương thực cho người đang đói lòng hay chỉ đơn giản là ngồi xuống chuyện trò cho người già cảm thấy bớt cô đơn… Cuộc đời vì thế mà đẹp biết bao.

Đôi khi những tất bật lo toan trong cuộc sống làm mình quên mất những giá trị đầy nhân văn này. Tôi tự nhủ lòng phải sống chậm lại, sống khác đi, biết chia sẻ nhiều hơn như những con người nơi góc chợ sáng hôm ấy, để tình Chúa, tình người được tỏa lan giữa thế giới hôm nay.

KimMary

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *