Từ thế kỷ I, ở Trung Đông, bộ sách Tân Ước được ghi chép trên giấy làm từ cọng cây papirút, hoặc trên da súc vật. Các tông đồ viết những tập sách này, gửi cho một giáo đoàn nhất định để họ đọc chung, rồi từ đó lại gửi đến cho các giáo đoàn khác lân cận (Cl 4,16). Bằng cách này, bộ sách Tân Ước được dân Chúa thu thập và bảo quản trong cộng đoàn.
Các giáo đoàn Kitô hữu tiên khởi dựa theo cách thức sinh hoạt phượng tự ở các hội đường Do thái, đọc sứ điệp của các tông đồ trong cuộc hội họp phụng vụ của giáo đoàn. Việc làm này đem lại uy tín lớn lao cho bộ sách của các tông đồ, nâng các tập sách này lên ngang hàng với sách Thánh, tức là bộ Cựu Ước kể từ cuối thế kỷ I (2Pr 3, 15-16). Từ đó, bộ sách Tân Ước được thu thập dần dần và được công nhận là “Lời Chúa”. Các tác giả ở thế kỷ II đã trân trọng bộ sách này như là Lời Chúa. Sứ điệp Tân Ước đã giúp cho các tín hữu hiểu biết về những chân lý đức tin. Qua đó, các giáo đoàn Kitô nhận thấy có Thần Khí Đức Giêsu hoạt động trong việc hình thành bộ Tân Ước để tạo nên giá trị đích thực cho bộ Tân Ước. Chính các giáo đoàn Kitô trong đời sống đức tin của họ đã đón nhận giá trị tuyệt đối của Tân Ước, chứ không phải do sự áp đặt của hàng giáo phẩm.
rYylgiaGGpo