A. CÁC TÍN HỮU VIỆT NAM CÒN XA LẠ VỚI “ĐÀNG ÁNH SÁNG”
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Trong Mùa Chay và thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu thường đi Đàng Thánh Giá. Điều này thật dễ hiểu và hợp lý vì khi ngắm Đàng Thánh Giá, chúng ta dừng lại tại một trong 14 nơi (chặng) khác nhau để cầu nguyện hay suy gẫm về những biến cố trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong Mùa Phục Sinh, tốt nhất, chúng ta nên ngừng đi Đàng Thánh Giá để chuyển sang đi Đàng Ánh Sáng (còn được gọi là Đường Ánh Sáng/ Các Chặng Ánh Sáng/ Các Chặng Phục Sinh), tức suy niệm về Mầu Nhiệm Phục Sinh cùng các biến cố sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Thực hành này vừa phù hợp với khung cảnh và bầu khí của Mùa Phục Sinh lại vừa đáp ứng được những đòi hỏi của phụng vụ là việc đạo đức phải tùy thuộc vào phụng vụ, mô phỏng theo phụng vụ, tiếp nối phụng vụ, và bổ túc cho phụng vụ.
CÒN XA LẠ VỚI ĐÀNG ÁNH SÁNG
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tín hữu chỉ quen thuộc với Đàng Thánh Giá (Via crucis) hằng trăm năm qua, còn hầu như không biết đến Đàng Ánh Sáng (Via lucis). Bằng chứng là các nhà thờ và nhà nguyện đều có Các Chặng Thánh Giá hầu giúp các tín hữu dễ dàng thực hành lòng sùng kính đi Đàng Thánh Giá vốn có bề dày lịch sử lâu đời và lại rất cần thiết, nhưng hiếm thấy nơi nào có Các Chặng Ánh Sáng/ Các Chặng Phục Sinh. Nhiều giáo xứ đã có Đàng Thánh Giá trong thánh đường, vẫn làm thêm Đàng Thánh Giá chung quanh nhà thờ, lại còn xây dựng thêm Đàng Thánh Giá tại Đất Thánh nữa, nhưng không thấy Các Chặng Phục Sinh ở đâu cả. Cho đến nay, chỉ có hai tác giả của Việt Nam trình bày về Đường Ánh Sáng: đó là Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn với cuốn sách nhỏ mang tựa đề “Đường Ánh Sáng Theo Thánh Ignatio Loyola” (xem tại đây) và Lm. Phan Tấn Thành, OP với bản văn “Đường Ánh Sáng: Suy Ngắm 14 Chặng Đường Phục Sinh” (xem tại đây). Chúng ta có thói quen đi Đàng Thánh Giá suốt năm phụng vụ, đặc biệt là trong Mùa Chay và thứ Sáu Tuần Thánh, vừa như một hình thức cầu nguyện vừa như là cách huấn giáo về những khổ nạn Chúa Giêsu phải chịu, nhưng vì không biết hay không quan tâm, hiếm khi thấy ai thực hành đi Đàng Ánh Sáng, cả xứ đạo và cộng đoàn tu sĩ cũng vậy.
ĐÀNG ÁNH SÁNG LÀ GÌ?
Đàng Ánh Sáng hay còn gọi là Các Chặng Phục Sinh là một thực hành đạo đức bình dân trong đó chúng ta sẽ lần lượt chiêm ngắm và suy niệm về biến cố phục sinh của Chúa, những lần hiện ra của Ngài sau phục sinh và việc Chúa cử Chúa Thánh Thần đến với Hội Thánh như được ghi lại trong 4 Sách Tin Mừng và Sách Tông đồ Công vụ. Như vậy, Các Chặng Phục Sinh sẽ hoàn tất Các Chặng Thánh Giá.
HÌNH THÀNH NÊN ĐÀNG ÁNH SÁNG
Có những lý do sau đây góp phần hình thành nên thực hành đi Đàng Ánh Sáng ngày nay:
- Thứ nhất, lòng sùng mộ này được truyền cảm hứng khi người ta khám phá ra những lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu Côrintô được khắc ghi trên các bức tường cổ xưa tại hang toại đạo thánh Callisto ở Rôma. Câu này là: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15,3-8). Những lời trên đầy nhằm đáp lại một bản báo cáo cho biết rằng vài thành viên trong Hội Thánh đã phủ nhận mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.
- Thứ hai, đã có nhiều dân tộc đón nhận và thực hành việc đạo đức đi Đàng Ánh Sáng bằng cách suy niệm về những lần Chúa hiện ra và những bài học đạo đức kèm theo. Nghĩa là, thực hành chiêm ngắm và suy niệm Các Chặng Phục Sinh có thể đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử.
- Thứ ba, các tín hữu ngày nay không thỏa mãn với chặng kết của 14 Đàng Thánh Giá khi suy niệm về Mầu nhiệm Vượt qua. Theo đó, Mầu nhiệm Vượt qua đạt tới đỉnh cao với biến cố Chúa sống lại và Mầu nhiệm này không thể không có biến cố Chúa Phục Sinh: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1 Cr 15, 17–20). Nói cách khác, Mầu nhiệm Vượt qua là một thể thống nhất, trong đó bao gồm cả toàn bộ biến cố Chúa Kitô chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển. Vì thế, trong phụng vụ chính thức của Giáo Hội hiện nay, biến cố Chúa trỗi dậy từ cõi chết không bị tách rời, nhưng được đưa vào ngay cả thứ Sáu Tuần Thánh. Và đây cũng là lý do tại sao vào Năm Thánh 1975, Đức Phaolô VI đã phê chuẩn một bộ Các Chặng Thánh Giá mới với 15 chặng dựa sát trên bản văn Tin Mừng hơn: từ Bữa Tiệc Ly cho đến kết thúc là biến cố Chúa Kitô phục sinh, chặng thứ XV mang nội dung Chúa sống lại từ cõi chết.
- Thứ tư, trong 20 Mầu nhiệm kinh Mân côi, rõ ràng chúng ta có cả 5 mầu nhiệm mùa Thương (suy niệm về các biến cố Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, chịu đánh đòn, chịu đội mũ gai, vác cây thánh giá, và chịu chết trên cây thánh giá) lẫn 5 mầu nhiệm mùa Mừng (suy niệm về các biến cố Chúa Giêsu sống lại, lên trời, và cử Chúa Thánh Thần xuống);
- Thứ năm, bằng việc phát triển ý tưởng phối hợp những biến cố được khắc ghi ở hang toại đạo của thánh Callisto với các biến cố hậu phục sinh để tạo ra Các Chặng Phục Sinh, cha Sabino Palumbieri, giáo sư môn nhân chủng học tại Đại học Salêdiêng ở Rôma, được coi là người khởi xướng thực hành Đàng Ánh Sáng hiện nay. Vào mùa hè năm 1988, cha đã đề xuất việc tạo ra một hình thức thực hành đạo đức bình dân mới là đi Đàng Ánh Sáng theo mẫu của Các Chặng Thánh Giá, nhưng khác với Các Chặng Thánh Giá, các Chặng mới sẽ tập trung vào biến cố Chúa Phục Sinh và các sự kiện tiếp theo biến cố trọng đại này cho đến thời điểm Chúa Thánh Thần hiện xuống để giúp các tín hữu tham dự vào sự sống và niềm vui của Chúa Phục Sinh. Đàng Ánh Sáng như thế sẽ hướng chúng ta đến khía cạnh lạc quan tích cực và tràn đầy hy vọng trong câu chuyện cuộc đời của người Kitô hữu. Mặc dù không vắng mặt Các Chặng Thánh Giá, nghĩa là không ai tránh khỏi những đau khổ, buồn phiền và thử thách trong cuộc sống, nhưng đời người Kitô hữu không thể bị che khuất bởi sự nhấn mạnh quá đáng về đau khổ. Đúng hơn, đời sống của người Kitô hữu phải nhấn mạnh hơn đến niềm vui và ngập tràn hơn trong hy vọng, bình an và sự sống kỳ diệu của Đấng Phục Sinh
Lòng sùng mộ Đàng Ánh Sáng đã được thừa nhận bởi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đồng thời được cử hành cách công khai và quy mô lần đầu tiên vào năm 1990, sau đó, ngày càng lan truyền rộng rãi hơn. Xuất hiện từ năm 1988, nhưng 3 năm sau, hình thức đạo đức này mới được ĐGH Gioan Phaolô II giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội nhân dịp thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991.
HUẤN QUYỀN CỦA HỘI THÁNH
Tài liệu của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích mang tên “Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ” nói về Đàng Ánh Sáng như sau (số 153):
Trong những năm gần đây, có một việc đạo đức, gọi là “Đàng Ánh Sáng” (Via lucis) được phổ biến ở nhiều nơi. Lấy mẫu từ Đàng Thánh Giá, trong Đàng Ánh Sáng các tín hữu được mời bước theo một hành trình lần lượt nhìn lại các lần Chúa hiện ra từ khi Người sống lại cho đến khi lên trời. Qua những lần Chúa hiện ra như thế, và trong cả viễn cảnh Chúa quang lâm sau này, Chúa đã bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ, trong khi các ngài chờ đợi đón nhận Chúa Thánh Thần mà Người đã hứa ban hiện xuống (x. Ga 14,26; 16,13-15; Lc 24, 29), để củng cố đức tin của các ngài, hoàn thành các lời Người giảng dạy về Nước Trời, và sau cùng, định hình cơ cấu bí tích và phẩm trật của Giáo Hội.
Việc đạo đức đi Đàng Ánh Sáng giúp giáo dân nhớ lại biến cố trung tâm của đức tin – sự Phục Sinh của Đức Kitô – và địa vị làm môn đệ của mình, mà bí tích Rửa Tội đã đưa họ từ đêm tối của tội lỗi đến ánh sáng của ân sủng (x. Cl 1,13; Ep 5,8).
Qua nhiều thế kỷ, Đàng Thánh Giá, vốn giúp cho các tín hữu tham dự vào biến cố khởi đầu của mầu nhiệm Phục Sinh – cuộc Thương Khó – đã góp phần vào việc định hình những khía cạnh khác nhau của nội dung cuộc thương khó ấu trong cảm thức của giáo dân, Ở thời đại chúng ta, cũng tương tự như thế, Đàng Ánh Sáng cũng giúp hiện tại hóa nơi các tín hữu thời điểm thứ hai hết sức trọng yếu của cuộc Vượt Qua của Chúa, là sự Phục Sinh, với điều kiện việc đạo đức này diễn ra theo đúng với nội dung Tin Mừng.
Người ta thường nói “qua thập giá tới ánh sáng”. Đàng Ánh Sáng thật sự có thể trở nên một bài sư phạm tuyệt hảo về đức tin. Thực vậy, Đàng Ánh Sáng lấy ẩn dụ là một con đường phải đi, giúp các tín hữu hiểu rõ hơn hành trình thiêng liêng, khởi đi từ nhận thức về thực tại đau khổ, mà theo ý định của Thiên Chúa, thực tại này không phải là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời con người, và tiến đến niềm hy vọng được đạt tới mục đích đích thực mỗi người theo đuổi: sự giải thoát, niềm vui, bình an, vốn là những giá trị chủ yếu của Phục Sinh.
Sau cùng, trong một xã hội thường được mang dấu ấn của lo âu và hư vô, tiêu biểu cho “nền văn hóa sự chết”, Đàng Ánh Sáng, ngược lại, làm nên một kích thích tố hiệu quả giúp xây dựng “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là nền văn hóa biết đón nhận những trông đợi của hy vọng và các xác quyết của đức tin.”
DANH SÁCH CÁC CHẶNG PHỤC SINH
Kể từ năm 2007, người ta thấy danh sách Các Chặng Phục Sinh không thống nhất trên toàn cầu, cũng như không có thẩm quyền nào trong Giáo Hội tìm cách áp đặt một danh sách dứt khoát cả. Kết quả là một số nhà thờ đã xây dựng Các Chặng Phục Sinh theo sơ đồ và ý định riêng không trùng với những nơi khác. Điều này cũng tương tự như lịch sử hình thành nên danh sách Các Chặng Thánh Giá, nghĩa là Đàng Thánh Giá chỉ đạt được hình thức chính thức và thống nhất như hiện nay sau nhiều thế kỷ trước những thực hành khác nhau ở các địa phương khác nhau. Thật vậy, từ ban đầu, con số Các Chặng Thánh Giá tại Giêrusalem ít hơn 14 và thay đổi theo vùng cũng như theo thời gian, có thể là 11, 12, 19, 25, 37 hay 43 Chặng riêng rẽ; thậm chí ngay tại một nơi, con số cũng không chính xác như nhau. Truyền thống 14 Chặng có lẽ phát xuất từ Louvain (năm 1505), rồi tại Tây Ban Nha hồi đầu thế kỷ XVII, đặc biệt trong các cộng đoàn Dòng Phanxicô. Hình thức 14 Chặng Thánh Giá được chọn lựa và thiết lập một cách vững chắc và chính thức vào thế kỷ XVIII bởi Đức Clêmentê XII (năm 1731).
Về số lượng Các Chặng Ánh Sáng, nhằm nhấn mạnh đến tính bổ túc và cân đối giữa Các Chặng Thánh Giá và Các Chặng Phục Sinh, mặc dù Kinh Thánh chỉ kể ra 7-8 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, người ta đã đồng thuận với nhau là chia nhỏ những lần hiện ra để tạo ra phiên bản 14 Chặng Phục Sinh tương ứng với 14 Chặng Thánh Giá theo truyền thống. Dầu có thể tồn tại những phiên bản khác biệt ở cấp địa phương về danh sách Các Chặng Phục Sinh, dường như danh sách sau đây ngày càng được công nhận (có thể xem hình ảnh 14 Chặng Đàng Phục Sinh tại “Stations of the Resurrection with Pictures – Via Lucis” ):
1) Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (Mt 28, 5b-6a)
2) Các môn đệ tìm thấy ngôi mộ trống (Ga 20,8)
3) Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Mácđala (Ga 20, 14b-18)
4) Chúa Giêsu hiện ra trên đường đi Emmaus (Lc 24, 15. 25-27)
5) Nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh (Lc 24, 29-32)
6) Chúa Giêsu hiện ra với cộng đoàn các môn đệ tại Giêrusalem (Lc 24, 38-40)
7) Chúa Giêsu ban cho các môn đệ bình an và quyền tha tội (Ga 20, 19b. 20b-23)
8) Chúa Giêsu củng cố đức tin của Tôma (Ga 20, 24-29)
9) Chúa Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria (Ga 21, 10-12)
10) Chúa Giêsu tha thứ cho Phêrô và trao phó cho ông chăm sóc đoàn chiên của Ngài (Ga 21, 15. 17b. 19b)
11) Chúa Giêsu sai các môn đệ đi đến với muôn dân (Mt 28, 19-20)
12) Chúa Giêsu lên trời (Mc 16, 19-20)
13) Đức Maria và các môn đệ canh thức cầu nguyện tại lầu trên (Cv 1, 13a. 14)
14) Chúa Phục sinh phái Thánh Thần đến các môn đệ (Cv 2,1-6)
THAY LỜI KẾT
Với những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi ước mong rằng:
- Thứ nhất, ngoài Các Chặng Thánh Giá, nếu thuận tiện, các giáo xứ, tu viện và nhất là các trung tâm hành hương, nên xây dựng Các Chặng Phục Sinh;
- Thứ hai, khuyến khích các họa sĩ và nghệ sĩ, dựa vào các đoạn Tin Mừng của từng Chặng Phục Sinh [nêu trên] để sáng tạo những tác phẩm [hội họa, điêu khắc…] giúp cho việc thiết kế và xây dựng Đàng Ánh Sáng được dễ dàng và mang tính nghệ thuật;
- Thứ ba, phổ biến bản văn “Đường Ánh Sáng Theo Thánh Ignatio Loyola” của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và“Đường Ánh Sáng: Suy Ngắm 14 Chặng Đường Phục Sinh”của Lm. Phan Tấn Thành, OP cũng như biên soạn /dịch thuật và xuất bản những bản văn khác giúp cho các tín hữu thuận tiện sử dụng trong việc ngắm Đàng Ánh Sáng;
- Thứ tư, cổ võ việc đi Đàng Ánh Sáng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh và những ngày khác trong suốt 50 ngày của Mùa Phục Sinh. Còn trong các Mùa khác ngoài Mùa Chay, đi Đàng Ánh Sáng vào một ngày trong tuần theo sau ngày đi Đàng Thánh Giá để tạo sự quân bình trong đời sống. Có thể đi Đàng Ánh Sáng bất cứ khi nào cần ơn trợ lực của Đấng Phục sinh, cần niềm vui, bình an, hy vọng và tình yêu của Ngài; cũng đi Đàng Ánh Sáng mỗi khi nhận được thành công, may mắn, ân phúc như một lời tạ ơn Chúa.
B. ĐƯỜNG ÁNH SÁNG:
SUY NGẮM 14 CHẶNG ĐƯỜNG PHỤC SINH
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Trong Mùa Chay, các tín hữu có thói quen suy ngắm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu qua 14 chặng đàng thánh giá (Via Crucis). Dựa theo tục lệ ấy, một việc đạo đức khác đã được phổ biến trong những thập niên gần đây, đó là suy ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa qua 14 chặng đàng ánh sáng (Via Lucis), dựa theo châm ngôn nổi tiếng Per crucem ad lucem : “từ thập giá đến ánh sáng” (hoặc: từ thập giá đến vinh quang). Qua việc đạo đức này, các tín hữu suy ngắm biến cố trọng tâm của đức tin – cuộc sống lại của Đức Kitô – mà chúng ta được thông dự nhờ bí tích Thánh tẩy. Từ đó chúng ta nhớ đến ơn gọi của Kitô hữu là làm chứng nhân cho ánh sáng. Việc chiêm ngắm các mầu nhiệm hiển vinh của Chúa – bao gồm từ cuộc Phục sinh đến lễ Hiện xuống – sẽ dạy chúng ta hãy tiến bước như là “con cái ánh sáng”, gieo rắc niềm hy vọng vào một thế giới bị xâu xé vì hận thù tang tóc.
Cũng như trên Đường Thánh giá, người tín hữu dừng lại ở 14 “chặng” (statio trong tiếng Latinh có nghĩa là: trạm dừng) để suy niệm cuộc thương khó, thì Đường Ánh sáng cũng được chia làm 14 “chặng”, dựa theo các trình thuật của sách Tin mừng và Tông đồ công vụ. Đó là:
1/ Đức Kitô sống lại từ cõi chết (Mt 28,5-6).
2/ Các môn đệ nhận thấy mộ trống (Ga 20,8).
3/ Chúa hiện ra với bà Mađalêna (Ga 20,16).
4/ Chúa hiện ra với các môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24,2-27).
5/ Chúa bẻ bánh cho các môn đệ (Lc 24,38-39).
6/ Chúa hiện ra với các tông đồ (Lc 24,38-39).
7/ Chúa ban cho các tông đồ quyền tha tội (Ga 20,22-23).
8/ Chúa củng cố đức tin cho ông Tôma (Ga 20-27-28).
9/ Chúa hiện ra cho các môn đệ trên hồ Tiberia (Ga 21,7.13).
10/ Chúa trao quyền thủ lãnh cho thánh Phêrô (Ga 21,15).
11/ Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng (Mt 28,19-20).
12/ Chúa lên trời (Cv 1,11).
13/ Các môn đệ cầu nguyện với Mẹ Maria để chuẩn bị đón Thánh Linh (Cv 1,14).
14/ Chúa Phục sinh cử Thánh Linh đến với Hội thánh (Cv 2,2-4).
Cấu trúc của “Đàng Ánh sáng” cũng tương tự như việc đi “Đàng Thánh giá”:
1/- Mở đầu: Làm Dấu Thánh giá. Lời chào
2/- Điệp ca: “Lạy Mẹ Maria, nhờ cuộc phục sinh của Đức Kitô, xin giữ gìn chúng con trong ánh sáng”. Hoặc: “Lạy Đức trinh nữ Maria, hãy vui mừng, vì Chúa đã sống lại thật, Alleluia”.
3/- Suy gẫm 14 mầu nhiệm:
a). Đọc đoạn Tin mừng
b). Chú giải (hoặc đọc bài suy niệm)
c). Một kinh Lạy Cha (hoặc: dâng ý chỉ cầu nguyện)
d). Lời nguyện
e). Điệp ca
4/- Kết thúc. Phép lành. Kinh Lạy Nữ vương thiên đàng. Giải tán.
Có nhiều cách thức suy ngắm Đàng Thánh giá. Tại Rôma, các bài suy ngắm tối thứ 6 Tuần thánh thay đổi hằng năm. Một cách tương tự như vậy, có nhiều cách thức suy ngắm Đàng Ánh Sáng. Mẫu sau đây trích từ đền Chúa Cứu Thế ở Andria (Bari, Italia).
C: Chủ tế
T: Tất cả cộng đoàn
X: Người xướng bài đọc hay kinh nguyện.
***
MỞ ĐẦU
C: Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.
T: Amen
C: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.
T: Và ở cùng cha.
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Đời là một cuộc hành trình. Trên con đường đời, chúng ta không lẻ loi. Chúa Phục Sinh đã hứa: “Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế”. Cuộc đời phải là một sự sống lại liên tục. Chúng ta sẽ khám phá sự phục sinh như nguồn của bình an và hân hoan.
X: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu lại lên đường với chúng ta. Chúng ta hãy ôn lại những chặng đường ấy để xác định hướng đi. Cuộc đời người Kitô hữu là làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh, nghĩa là mỗi ngày một thêm vui tươi, can đảm, tích cực hơn.
Chúng ta hãy cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha, xin đổ xuống trên chúng con Thần khí ánh sáng của Cha, để chúng con hiểu biết mầu nhiệm cuộc Phục Sinh của Con Cha. Xin ban cho chúng con Thần khí của Đấng Phục sinh ngõ hầu chúng con có khả năng yêu thương, nhờ thế chúng con trở thành những chứng nhân của cuộc sống lại của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen.
Kinh Lạy Cha, Điệp ca
CHẶNG THỨ NHẤT:
CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI TỪ CÕI CHẾT
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Matthêu:Thình lình, đất rung chuyển dữ dội : thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;, diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : “Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy (Mt 28,2-7).
Dẫn giải. Cuộc đời chúng ta thường bị đè nặng bởi biết bao thứ đêm tối của lo lắng, sợ hãi, ức chế, bất động, thất vọng, chán chường. Nhưng lời của thiên thần đã vang lên: “Đừng sợ, Người đã trỗi dậy”. Các Kitô hữu cần trở nên những người loan báo tin mừng trọng đại ấy, để giúp cho anh chị em mình thêm can đảm và hy vọng.
Chúng ta biết rằng cuộc sống mới của Đức Kitô là nguồn hy vọng cho chúng ta. Vì thế chúng ta sống trong hân hoan, và chúng ta hãy xin Người: Xin hãy đến và sống giữa chúng con.
Chúa là Đấng đã thắng tội lỗi và sự chết: Xin hãy đến và sống giữa chúng con.
Chúa đã không bị tan rã trong nấm mồ: Xin hãy đến và sống giữa chúng con.
Chúa đã hiện ra với các môn đệ bàng hoàng: Xin hãy đến và sống giữa chúng con.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Kitô phục sinh. Thế giới đang cần được nghe Tin mừng của Chúa. Xin hãy gợi lên những người hăng say với cuộc Phục sinh của Chúa. Xin ban cho tất cả các Kitô hữu một con tim mới và một sức sống mới. Xin làm cho chúng con nghĩ như Chúa, yêu mến như Chúa, và biết phục vụ như chính Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca
CHẶNG THỨ HAI:
CÁC MÔN ĐỆ NHẬN THẤY MỘ TRỐNG
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan:Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. (Ga 20,3-9).
Chú giải. Chúa Giêsu đã giết cái chết. Có như vậy thì niềm vui mới bộc phát được. Tình yêu chiến thắng tất cả. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã thắng cái chết và tất cả mọi hình thức chết chóc, thì chúng ta sẽ hiên ngang tiến bước.
Ngôi mộ đã không thể cầm giữ thân xác của Chúa Giêsu. Các khăn liệm không còn công dụng gì nữa. Sau cuộc thử thách đau thương, Con Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết. Chúng ta hãy tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô phục sinh: Chúa đã sống lại và ở giữa chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, là Đấng được Chúa Cha sai đến để giải thoát thế giới khỏi tội lỗi, chúng con tin tưởng tung hô: Chúa đã sống lại và ở giữa chúng con.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã mang lại sứ điệp cứu độ vĩnh viễn, chúng con tin tưởng tung hô: Chúa đã sống lại và ở giữa chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, là Đấng đổ tràn niềm vui cho những ai tin vào Chúa, chúng con tin tưởng tung hô: Chúa đã sống lại và ở giữa chúng con.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu phục sinh, duy chỉ có Chúa mới mang lại niềm vui sự sống, duy chỉ có Chúa mới cho thấy ngôi mộ trống rỗng. Xin cho chúng con thầm tín rằng, nếu không có Chúa thì chúng con thúc thủ trước cái chết. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của tình yêu thắng vượt cái chết. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ BA:
CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA VỚI BÀ MAĐALÊNA
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là `Lạy Thầy“). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: `Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em“.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 20,11-18).
Chú giải. Bà Maria Mácđala mời gọi chúng ta hãy tiếp tục tìm kiếm Chúa kể cả trong lúc nghi nan, khi thiếu vắng mặt trời, khi con đường trở nên gồ ghề. Chúa Giêsu đã kêu tên của chị. Chị cảm thấy xúc động. Tim chị tràn ngập niềm vui. Chúa Giêsu cũng ở bên cạnh bạn, và uỷ thác cho bạn một trọng trách: “Hãy loan báo rằng Chúa Kitô đang sống, và Người muốn cho tất cả chúng ta được sống”.
Khi gặp nguy nan, ta cần phải bám chặt vào lời cầu nguyện, và kêu cầu Chúa Giêsu với tất cả lòng tin: Lạy Chúa, xin chiếu sáng cho chúng con nhờ sự hiện diện của Chúa
Khi bóng đêm của nghi nan đè nặng trên chúng con khiến chúng con không có khả năng nhìn thấy ánh sáng, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa, xin chiếu sáng cho chúng con nhờ sự hiện diện của Chúa.
Khi tội lỗi làm lu mờ tâm trí chúng ta khiến chúng con không đủ sức trỗi dậy, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa, xin chiếu sáng cho chúng con nhờ sự hiện diện của Chúa.
Khi những biến cố làm chúng con chao đảo khiến chúng con khó tin vào tình thương của Chúa, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa, xin chiếu sáng cho chúng con nhờ sự hiện diện của Chúa.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa phục sinh, Chúa gọi chính tên của con vì Chúa yêu con. Chúa nói: “hãy đi loan báo Tin mừng cho các anh chị em”. Xin Chúa giúp con nhận ra Chúa trong mọi chuyện xảy ra hằng ngày, và giúp con đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới, trong gia đình, trong trường học, trong xí nghiệp, trong các nơi lao động và giải trí, để chu toàn sứ mạng loan báo niềm vui của sự sống. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca
CHẶNG THỨ BỐN:
CHÚA PHỤC SINH ĐI TRÊN ĐƯỜNG VỀ EMMAUS
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Luca. Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (Lc 24,13-26).
Chú giải. Câu trả lời của hai môn đệ trên đường Emmáus cho thấy nỗi chán chường vì đã mất niềm hy vọng. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đến, đi bên cạnh những con người lạnh lùng. Dần dần, ngọn lửa đã đánh tan sự lạnh lùng, ánh sáng đã loé lên trong đêm tối. Thế giới đang cần đến ngọn lửa hăng say của các tín hữu. Chúa Phục sinh đang ở bên cạnh chúng ta, giải thích ý nghĩa của cuộc đời, nhắc nhở chúng ta rằng sự sống đã chiến thắng cái chết.
Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể trỏ cho chúng ta thấy con đường của sự sống. Vì thế chúng ta hãy tin tưởng van nài: Xin chỉ cho chúng con đường dẫn tới cõi sống.
Khi đám mây của những dục vọng che khuất lối đi, chúng con cầu xin Chúa: Xin chỉ cho chúng con đường dẫn tới cõi sống.
Khi tính thờ ơ và ngu muội làm cho nhiều người không thấy đường ngay nẻo chính, chúng con cầu xin Chúa: Xin chỉ cho chúng con đường dẫn tới cõi sống
Khi chán nản, do dự làm tê liệt mọi hoạt động và ngăn chặn con đường về với Chúa, chúng con cầu xin Chúa: Xin chỉ cho chúng con đường dẫn tới cõi sống.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng Chúa đồng hành với chúng ta mặc dù chúng con không nhận ra Chúa. Xin tiếp tục ngỏ lời với chúng con, soi sáng cho chúng con và khích lệ chúng con, cách riêng khi cơn nguy nan, sợ hãi, buồn phiền bóp nghẹt trái tim chúng con, chặn đứng niềm hy vọng. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con vì trời đã tối. Xin biến chúng con thành những chứng nhân của cuộc Phục sinh của Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ NĂM:
CHÚA PHỤC SINH TỎ MÌNH KHI BẺ BÁNH
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Luca. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”(Lc 24,28-32).
Chú giải. Các môn đệ mời Chúa vào bàn. Và họ đã chứng kiến cảnh một chiếc bàn mộc mạc trong quán trọ nhỏ bé trở thành bàn Tiệc Ly. Cặp mắt của họ được mở ra. Họ đã tìm thấy ánh sáng và sức mạnh để trở về Giêrusalem. Mỗi khi chúng ta đón tiếp người nghèo cơm bánh, người nghèo tình thương là chúng ta chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón tiếp Chúa Kitô và rảo quanh khắp mọi nẻo đường để loan báo Tin vui mừng là Đấng chịu đóng đinh hiện đang sống.
Cần có đức tin mạnh mẽ để nhận ra nơi bí tích Thánh Thể lương thực ban sự sống. Chúng ta hãy nguyện cầu: Lạy Bánh hằng sống, xin hãy đến!
Chúa là nguồn sự sống và tình yêu, Lạy Bánh hằng sống, xin hãy đến!
Chúa là nguồn mọi ân sủng tuôn tràn xuống Hội thánh, Lạy Bánh hằng sống, xin hãy đến!
Chúa là hy vọng của Nước Trời bất tận, Lạy Bánh hằng sống, xin hãy đến!
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.Lạy Chúa Giêsu, trước cuộc Tử nạn, Chúa dạy cho chúng con ý nghĩa của bí tích Thánh Thể qua việc rửa chân cho các môn đệ. Trong bữa tối ngày Phục sinh, Chúa đã cho thấy sự tiếp đón như là con đường hiệp thông với Chúa. Xin giúp chúng con sống bí tích Thánh Thể bằng việc rửa những đôi chân rã rời của những kẻ thấp hèn bằng cách đón tiếp họ vào lòng chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
T- Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ SÁU:
CHÚA PHỤC SINH TỎ MÌNH CHO CÁC MÔN ĐỆ
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Luca.Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em !” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. (Lc 24.36-43).
Chú giải. Chúa Giêsu mời các môn đệ: “Cứ rờ xem”. Nhưng họ ngỡ ngàng vì không thể tin nổi. Chúa Giêsu lại nói tiếp và yêu cầu dùng bữa với họ. Thế rồi niềm vui bùng lên: Thật thế sao? Giấc mơ có thể thành sự thật sao? Có thể mơ rằng tình yêu thắng thù hận, sự sống thắng sự chết, kinh nghiệm thắng thách thức. Thật vậy, Đức Giêsu đang sống đây. Chúng ta có thể tin tưởng rằng Người đã phục sinh. Để duy trì đức tin tươi trẻ, chúng ta cần phải sinh lại mỗi ngày trong Chúa Kitô, chấp nhận vượt qua sợ hãi để đến an toàn, vượt qua rụt rè để đến mạnh dạn, giống như các thánh tông đồ.
Lạy Chúa Giêsu, ước chi các linh mục của Chúa nói được ngôn ngữ của Chúa. Xin cho các ngài nhắc nhở cho chúng con những lời của các tiên tri, những lời Chúa Cha đã hứa sẽ phái Đấng Cứu tinh đến, những chứng cớ mà Chúa đã ban cho các môn đệ khi sai họ đi truyền giáo. Vì thế chúng con hết lòng nài xin Chúa: Xin ban cho Hội thánh nhiều linh mục thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho các gia đình đừng ngăn trở các bạn trẻ đi theo tiếng Chúa gọi:Xin ban cho Hội thánh nhiều linh mục thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho những kẻ được kêu gọi hãy đáp lại cách quảng đại và mau mắn. Xin ban cho Hội thánh nhiều linh mục thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho các linh mục thi hành chức vụ cách tận tâm và tài khéo. Xin ban cho Hội thánh nhiều linh mục thánh thiện.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho chúng con nhìn nhận Chúa là Đấng hằng sống, và dẹp tan những bóng ma làm chúng con xa cách Chúa. Xin giúp chúng con có khả năng trình bày những dấu chỉ của Chúa, ngõ hầu thế giới tin nhận Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen, Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ BẢY:
CHÚA PHỤC SINH BAN QUYỀN THA TỘI
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan. Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”(Ga 20, 19-23).
Chú giải. Sự sợ hãi thì khép kín, tình yêu thì cởi mở. Và tình yêu thâm nhập vào nơi cửa đóng then cài. Tình yêu của Đấng Phục sinh đã bước vào, khích lệ, trao ban. Người trao ban hơi thở của sự sống là Thánh Linh. Người trao ban một luồng khí mới, làm tươi trẻ linh hồn, phá vỡ bức tường mà tội lỗi đã dựng lên. Ngày nay, chúng ta có thể lãnh nhận hơi thở của Chúa Phục sinh qua bí tích giải tội: “con là một thụ tạo mới, hãy ra đi và mang luồng khí mới cho mọi người”.
Chỉ sau khi đã sống lại Chúa Giêsu mới thông ban cho các thánh tông đồ quyền tha tội. Trước đó, Người cần dang đôi tay trên thập giá. Thập giá là cái giá của tội lỗi; thập giá là cái chết mang lại sự sống cho chúng ta. Với lòng biết ơn sâu xa, chúng ta hãy cầu xin: Lạy Chúa Giêsu, nhờ cây thánh giá của Chúa, xin cứu độ chúng con!
Khi làn sóng của cơn cám dỗ nổi lên và đe doạ nhận chìm chúng con, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nhờ cây thánh giá của Chúa, xin cứu độ chúng con!
Khi số tội lỗi nặng nề khiến chúng con đâm ra nghi ngờ ơn thứ tha của Chúa, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, nhờ cây thánh giá của Chúa, xin cứu độ chúng con!
Khi ý nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu khiến chúng con lo sợ sự phán xét của Chúa, chúng con tin tưởng thưa lên: Lạy Chúa Giêsu, nhờ cây thánh giá của Chúa, xin cứu độ chúng con!
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Thánh Thần là sức sống mãnh liệt do Chúa Cha phái đến thế trần, xin thổi lên làn gió để thúc đẩy chúng con đến bờ biển công lý và an bình, xin thổi lên sự sống trên những đám xương khô cằn của chúng con, và biến chúng con thành những chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ TÁM:
CHÚA PHỤC SINH CỦNG CỐ ĐỨC TIN CỦA THÁNH TÔMA
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan. Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”(Ga 20,24-29)
Chú giải.Ông Tôma vẫn còn nghi ngờ về Chúa Phục sinh. Nhưng chính nhờ mối nghi ngờ ấy mà Chúa Phục sinh đã đến để chữa lành ông cũng như chúng ta: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây … hãy đưa tay ra”. Ông đã khuất phục và đã để cho Chúa Thánh Thần giục ông thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tin là chấp nhận mầu nhiệm: tin vào thái dương khi trời tối đen, tin vào tình yêu giữa cảnh hận thù. Tin là lao mình vào trong tay của Chúa. Cuộc đời của ta có ý nghĩa nhờ đức tin vào Thiên Chúa của sự sống, tin rằng dù khi mọi sự sụp đổ thì Ngài vẫn bền vững.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kiên nhẫn giải thích cho các tông đồ về ý nghĩa của sự chết và sự sống. Chúng con vẫn còn cần đến Chúa. Chúng con xin lặp lại lời tuyên xưng của tông đồ Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Chúng con cầu xin khi gặp nguy nan, khi tâm trí chúng con bị chao đảo trước những học thuyết thách đố đức tin, chúng con thưa lên rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”.
Chúng con cầu xin khi gặp khô khan, khi Chúa xem ra xa vắng đang khi chúng con mong cảm thấy Chúa gần gũi, cùng với tông đồ Tôma, chúng con thưa lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”.
Chúng con cầu xin khi bị lầm lẫn, khi khó nhận ra sự thật, và khi gặp nguy cơ rơi vào những kết luận sai lạc, chúng con thưa lên cùng với tông đồ Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu phục sinh, chúng con biết rằng đức tin đưa chúng con đến sự sống đời đời, nhưng không phải lúc nào đức tin cũng dễ dàng, Tin là phó thác cho Chúa trong những cơn thử thách. Lạy Chúa của sự sống, xin tăng thêm đức tin cho chúng con, đức tin là hoa trái của cuộc Phục sinh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ CHÍN:
CHÚA PHỤC SINH GẶP CÁC MÔN ĐỆ Ở HỒ TIBERIA
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan.Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (Ga 21,2-13)
Chú giải. Chúa Phục sinh đến gặp gỡ chúng ta giữa những hoàn cảnh sinh sống thường nhật: trong nhà, ngoài đường, trên đường phố, dọc theo bờ biển. Người xâm nhập vào những niềm vui nỗi buồn, những hy vọng và lo âu của nhân loại. Người mang lại luồng gió trẻ trung khi làm tăng thêm những điều tốt lành, tựa như những con cá, những bữa ăn. Bên bờ hồ Tibêria, Người dạy một bài học mới về sự sống: hễ càng chia sẻ thì càng tăng thêm. Chúa Giêsu vẫn còn đói nơi một nửa nhân loại trên địa cầu. Tin vào Chúa Giêsu là có khả năng làm gợi lên niềm hy vọng nơi những nấm mồ.
Đấng đang xin miếng ăn là Chúa tể vạn vật. Đấng chìa tay xin chiếc bánh là chính Đấng Toàn năng. “Ta đói và các ngươi đã cho ta ăn”. Chúa Giêsu tỏ lộ sự hiện diện của mình nơi những người nghèo đang đói khổ. Với lòng tin, chúng ta hãy thưa với Người: “Lạy Chúa xin biến chúng con thành những kẻ phục vụ tình thương của Chúa”.
Những người nghèo không có gì trong tay, những em bé chết vì không có gì để ăn, chúng con nghĩ đến họ và cầu xin: “Lạy Chúa xin biến chúng con thành những kẻ phục vụ tình thương của Chúa”.
Những gia đình không nhà ở, những bạn trẻ không có công ăn việc làm, chúng con nghĩ đến họ và cầu xin: “Lạy Chúa xin biến chúng con thành những kẻ phục vụ tình thương của Chúa”.
Những người bệnh không ai chăm sóc, những người già cả lâm cảnh neo đơn, chúng con nghĩ đến họ và cầu xin: “Lạy Chúa xin biến chúng con thành những kẻ phục vụ tình thương của Chúa”.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, Chúa không hiện ra oai phong lẫm liệt giữa sấm chớp, nhưng đã tỏ lộ như là Thiên Chúa của cuộc sống bình dị, trên bờ hồ. Chúa ngồi vào bàn những người đang thiếu thốn chứ không dư dật. Chúa ngồi vào bàn những người nghèo, thiếu niềm hy vọng. Xin biến chúng con thành những chứng nhân của Chúa Phục sinh trong cuộc sống thường ngày, và thế giới sẽ được biến đổi theo khuôn mẫu của cuộc Phục sinh của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ MƯỜI:
CHÚA PHỤC SINH TRAO QUYỀN THỦ LÃNH CHO ÔNG PHÊRÔ
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Gioan. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.(Ga 21,15-17).
Chú giải.Chúa Phục sinh hỏi ông Phêrô đến ba lần: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?”. Chúa Giêsu là chàng rể của nhân loại mới. Người muốn chia sẻ với cô dâu tất cả: Cha của Người, Thân mẫu, Mình và Máu của Người trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng được kêu gọi đích danh giống như ông Phêrô: “con có yêu mến Thầy không?”. Và chúng ta cũng thấy lúng túng để trả lời. Tuy nhiên, cùng với ông, cùng với lòng can đảm của do Thần khí mang lại, chúng ta hãy thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết hết mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Yêu là trao hiến mình, trao hiến mãi mãi.
Chúa Giêsu đã đặt tình yêu làm trung tâm của sứ điệp Tin mừng, tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu thì cần chứa đầy tình yêu trong trái tim. Chúng ta hãy cầu nguyện: Xin đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn chúng con.
Tình yêu chiến thắng sự chết. Chúng ta hãy thưa với Chúa: Xin đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn chúng con.
Tình yêu của Chúa đã được trút đổ xuống tâm hồn chúng ta, vì thế chúng ta hãy nguyện xin: Xin đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn chúng con.
Tình yêu thắng tất cả và chịu đựng tất cả. Vì thế chúng ta khẩn nài: Xin đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn chúng con.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Chúa vì hồng ân Hội thánh, được thiết lập trên đức tin và lòng yêu mến của tông đồ Phêrô. Mỗi ngày, Chúa chất vấn chúng con: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”, và mời gọi chúng con góp phần vào việc xây dựng Hội thánh. Xin cho chúng con xác tín rằng chỉ nhờ tình yêu mà chúng con mới có thể trở thành những viên đá sống động của Hội thánh, và chỉ nhờ hy sinh thì chúng con mới có thể làm cho Hội thánh tăng trưởng trong chân lý và bình an. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT:
CHÚA PHỤC SINH UỶ THÁC CHO CÁC MÔN ĐỆ SỨ MỆNH PHỔ THẾ
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Tin mừng theo thánh Matthêu. Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”(Mt 28,16-20).
Chú giải. Thật là một vinh dự được Chúa tuyển chọn và kêu gọi. Ơn gọi kèm theo một nhiệm vụ được uỷ thác. Nhiệm vụ Chúa trao cho các môn đệ thật là nặng nề, bởi vì họ phải hành động nhân danh Người. Tuy nhiên, Người đã hứa sẽ ở lại với họ, để nâng đỡ họ. Trong Hội thánh có nhiều công tác khác nhau, nhiều chỗ đứng khác nhau, nhưng chỉ có một sứ mạng duy nhất, đó là: loan báo Tin mừng của công lý, tình yêu, hoà bình. Chúng ta hãy mang tin vui này cho hết mọi người đang mong chờ.
Vâng theo lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nguyện xin Chúa Cha: Xin Cha sai thợ gặt đến đồng lúa của Cha.
Xin cho các giám mục và linh mục không ngừng loan báo và dạy dỗ đức tin, chúng ta hãy nguyện cầu: Xin Cha sai thợ gặt đến đồng lúa của Cha.
Xin cho các nhà truyền giáo không thối chí trước những khó khăn, chúng ta hãy nguyện cầu: Xin Cha sai thợ gặt đến đồng lúa của Cha.
Xin cho tất cả các tín hữu ý thức nhiệm vụ loan báo Tin mừng khắp nơi, chúng ta hãy nguyện cầu: Xin Cha sai thợ gặt đến đồng lúa của Cha.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã hứa với các môn đệ: “Thầy ở với các con mọi ngày”. Chúng con là những người yếu ớt, không thể gánh vác những nhiệm vụ được uỷ thác. Những lời trấn an của Chúa mang lại sức mạnh cho những kẻ yếu đuối, kiên trì cho những kẻ bấp bênh, can đảm cho những kẻ sợ sệt, hân hoan cho những kẻ sầu buồn. Xin Chúa hãy trở thành ánh sáng dẫn đường cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ MƯỜI HAI:
CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Trích sách Công vụ các tông đồ. Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1,6-11).
Chú giải. Trời và đất gắn chặt với nhau. Nhờ mầu nhiệm Nhập thể, trời đã xuống đất. Nhờ mầu nhiệm Thăng thiên, đất được đưa lên trời. Chúng ta xây dựng thành phố của con người ở dưới đất, để được cư ngụ trong thành phố của Thiên Chúa ở trên trời. Chúng ta thường dồn hết tâm lực vào thế giới ở dưới đất này, muốn xây dựng một thế giới hạnh phúc ở đời này, nhưng chúng ta không tìm thấy hạnh phúc. Chúng ta cần tìm cách đưa thế giới này lên trời, bằng cách giúp cho những kẻ nghèo hèn, những kẻ bị gạt ra lề xã hội được ngẩng đầu lên, khôi phục lại phẩm giá của mình.
Chúng ta là thành phần của Hội thánh là đoàn dân được Chúa Kitô cứu độ. Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng nơi Người và tha thiết nài xin: Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con”. Trong niềm mong đợi, chúng con nguyện cầu: Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha để tất cả chúng con được đoàn tu với Chúa trên thiên quốc. Với niềm hy vọng ấy, chúng con nguyện cầu: Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, các thiên sứ đã đoan chắc rằng Chúa sẽ trở lại để kết liễu lịch sử cứu độ. Chúng con hy vọng ngày ấy sẽ là ngày hân hoan trọng đại, vì thế chúng con nguyện cầu: Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã đi trước để dọn chỗ cho chúng con. Xin cho chúng con cắm mắt nhìn về nơi hoan hỉ đích thực. Đang khi nhìn về cuộc Phục sinh viên mãn, chúng con cố gắng thực hiện lễ Phục sinh ở dưới trần gian này cho tất cả mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ MƯỜI BA:
HỘI THÁNH CÙNG VỚI MẸ MARIA CHỜ ĐỢI CHÚA THÁNH THẦN
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Trích sách Công vụ các tông đồ.Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. (Cv 1,12-14).
Chú giải. Trong kinh Magnificat, Đức Mẹ đã ca tụng Thiên Chúa của sự phục sinh vì đã ban cho lịch sử một khuôn mặt con người: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm người. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”. Giờ đây cùng với các môn đệ của Chúa, Mẹ tỉnh thức trông chờ khai nguyên của buổi bình minh mới. Các Kitô hữu cũng được mời gọi tỉnh thức cùng với Mẹ Maria. Mẹ dạy chúng ta hãy chắp tay lại để biết mở tay ra, những bàn tay dâng hiến, những bàn tay trong sạch, những bàn tay bị thương tích vì yêu thương giống như Chúa Phục sinh.
Lạy Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, Chúa đã mang lại ý nghĩa cho những khát mong của nhân loại trong suốt dòng lịch sử, cùng với Mẹ Maria, chúng con khẩn nguyện:Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến.
Lạy Thần khí khôn ngoan, Đấng gợi lên những lựa chọn thích đáng cho đời sống, cùng với Mẹ Maria, chúng con khẩn nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến.
Lạy Thần khí dũng mạnh, Đấng củng cố các ý chí mỏng giòn để chống đối sự dữ, cùng với Mẹ Maria, chúng con khẩn nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến.
Lạy Thần khí sùng mộ, Đấng gợi lên những tâm tình sốt sắng với công việc của Thiên Chúa và thuận theo ý của Ngài, cùng với Mẹ Maria, chúng con khẩn nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện. Lạy Chúa Kitô phục sinh, hằng hiện diện trong cộng đoàn Hội thánh, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin hãy đổ tràn Thánh Thần xuống trên chúng con, Thần khí sự sống, Thần khí vui tươi, Thần khí bình an, Thần khí dũng mạnh, Thần khí yêu thương. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen. Lạy Cha. Điệp ca.
CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN:
CHÚA PHỤC SINH PHÁI THÁNH THẦN ĐẾN CÁC MÔN ĐỆ
C: Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa.
T: Vì nhờ cuộc Phục sinh mà Chúa đã ban sự sống cho nhân loại.
Trích sách Công vụ các tông đồ. Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.(Cv 2,1-6).
Chú giải. Chúa Thánh Thần đến, và Ngài biến đổi những gì mà Ngài chạm đến. Ngài chạm đến cũng lòng của một trinh nữ, và người ấy trở thành bà mẹ. Ngài chạm đến một thân xác bị vùi dập, và thân xác ấy được phục sinh. Ngài chạm đến một đám đông, thế rồi nảy sinh một đoàn các tín hữu sẵn sàng hiến mạng để làm chứng cho đức tin. Lễ Ngũ tuần là luồng gió thổi vào một thế giới tầm thường và thiếu niềm hy vọng. Lễ Ngũ tuần là lửa hăng say nhiệt thành. Mặt trời lặn xuống hôm nay thì ngày mai sẽ mọc lên huy hoàng. Thiên Chúa không đặt vào bàn tay chúng ta những giải đáp cho các vấn đề, nhưng Ngài ban cho chúng ta những bàn tay để giải quyết các vấn đề.
Chúa Thánh Thần là sự sống của Hội thánh. Hội thánh do Chúa Giêsu thiết lập, bắt đầu sinh sống và bành trướng vào ngày lễ Ngũ tuần. Chúa Thánh Thần gìn giữ ngọn lửa yêu mến luôn cháy sáng trong lòng Hội thánh. Chúng ta tin tưởng cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin nhóm lửa yêu mến trong lòng chúng con.
Khi lòng hăng hái đã suy giảm và niềm phấn khởi trở nên yếu kém, chúng con cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin nhóm lửa yêu mến trong lòng chúng con.
Khi chân đã chùn bước , và bóng tối nghi nan không cho thấy lối đi, chúng con cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin nhóm lửa yêu mến trong lòng chúng con.
Khi tính uể oải muốn dừng lại hoặc lòng nhút nhát xóa bỏ mọi quyết tâm, chúng con cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin nhóm lửa yêu mến trong lòng chúng con.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện.Lạy Chúa Thánh Thần là mối liên kết giữa Chúa Cha với Chúa Con, Chúa là Đấng kết hợp chúng con với Đức Kitô Phục sinh; Chúa là Đấng liên kết chúng con trong Hội thánh. Chúng con nài xin Chúa. Xin Chúa thở hơi trên chúng con để chúng con nghĩ đến điều thánh thiện; xin Chúa thúc đẩy chúng con để chúng con làm điều thánh thiện; xin Chúa thu hút chúng con, để chúng con yêu mến điều thánh thiện”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen, Lạy Cha. Điệp ca.
***
LỜI NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch an vui và hy vọng, chúng con đã sống những biến cố của cuộc sống lại và lên trời của Con Cha cho đến lúc Thánh Thần ngự xuống. Xin cho việc suy gẫm những mầu nhiệm này mang lại cho chúng con ân sủng tràn đầy của Cha, và giúp chúng con có khả năng làm chứng cho Tin mừng của Đức Giêsu Kitô giữa lòng thế giới. Chúng con cầu xin cho Hội thánh biết phản chiếu trung thực những bước chân của Đức Kitô trong lịch sử. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, nguyện xin cho Hội thánh tỏ bày cho thế giới những kho tàng phong phú của tình yêu của Cha qua việc cử thành các bí tích, và giúp cho hết mọi người đạt đến sự phục sinh vĩnh viễn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
T. Amen
C. Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
T. Amen
C. Chúc anh chị em ra về bình an.
T. Tạ ơn Chúa.
Nguồn: Tổng hợp