Video: Ngày Thế Giới Ý Thức Việc Người Cao Niên Bị Lạm Dụng

 

Tòa Thánh cho biết Ngày Thế Giới Ý Thức Việc Người Cao Niên Bị Lạm Dụng 15 tháng 6 có mục đích gây ý thức liên quan đến tình trạng lạm dụng người cao niên, và tìm cách bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm các ngài.

Những hình thức nổi bật trong việc lạm dụng người cao niên

– Khoảng 1 trong 6 người từ 60 tuổi trở lên đã trải qua một số hình thức lạm dụng nào đó trong các môi trường cộng đồng trong năm qua;

– Trong phạm vi gia đình, một con số khó thống kê được liên quan đến các trường hợp lạm dụng các ông bà nội ngoại trong việc trong nom con cái và làm việc nhà. Không thiếu các trường hợp đay nghiến những người cao niên này khi không vừa ý.

– Ở các quốc gia nơi không có an sinh xã hội như Việt Nam, không thiếu các trường hợp bỏ bê không chu cấp cho cha mẹ già khiến các ngài phải lang thang khất thực đầu đường xó chợ.

– Tỷ lệ người cao niên bị lạm dụng rất cao ở các định chế như viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn, với 2 trong 3 nhân viên báo cáo rằng họ đã phạm tội lạm dụng trong năm qua;

– Việc lạm dụng người cao niên có thể dẫn đến tổn thương thể chất nghiêm trọng và hậu quả tâm lý lâu dài;

– Việc lạm dụng người cao niên được tiên đóan sẽ gia tăng khi nhiều quốc gia đang trải qua việc dân số lão hóa nhanh chóng;

– Dân số hoàn cầu của những người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, từ 900 triệu vào năm 2015 lên khoảng 2 tỷ vào năm 2050.

Các con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới

Theo các ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong sáu người trên 60 tuổi bị lạm dụng, nghĩa là gần 141 triệu người khắp thế giới. Con số này có thể còn cao hơn nữa vì việc lạm dụng người cao niên là một trong những vi phạm bị dấu giếm và ít được tường trình hơn hết.

Claudia Mahler, Chuyên gia Độc lập của Liên Hiệp Quốc về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên, lên tiếng kêu gọi mọi chính phủ và cộng đồng quốc tế thực hiện tình liên đới hoàn cầu và đẩy mạnh hành động để hữu hiệu ngăn chặn và bảo vệ người cao niên khỏi bị lạm dụng về thể chất và tâm lý, khỏi cả việc bị bỏ bê nữa.

WHO định nghĩa việc lạm dụng người cao niên như là “một hành động đơn lẻ hoặc lặp đi lặp lại hoặc thiếu hành động thích hợp, diễn ra trong bất cứ mối liên hệ nào, trong đó có kỳ vọng tín thác, gây tổn hại hoặc đau khổ cho người cao niên”. Việc lạm dụng người cao niên có thể có nhiều hình thức khác nhau như lạm dụng về thể chất, tâm lý hoặc cảm xúc, tình dục và tài chính. Nó cũng có thể là kết quả của sự bỏ bê có chủ ý hoặc vô ý.

Bà Mahler nói trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới Ý thức Việc Người cao niên Bị Lạm dụng, diễn ra hôm nay: “Dù các vị cao niên trở nên hiển thị nhiều hơn trong đợt bùng phát COVID-19, tiếng nói, ý kiến và các mối quan tâm của các vị vẫn chưa được nghe biết”.

Lạm dụng bằng lời nói

Bà nói rằng “Với số lượng cao niên chết trong nhà, tại bệnh viện và các định chế đang tăng theo cấp số nhân trên toàn thế giới, quả đau lòng khi tiếp tục đọc thấy các ngôn từ độc ác và hạ nhân phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội khi nói đến người cao niên. Lạm dụng bằng lời nói rõ ràng xảy ra trong những bối cảnh khi người cao niên đối đầu với sự kỳ thị tuổi già (‘chủ nghĩa tuổi tác’).

Được bổ nhiệm làm Chuyên gia Độc lập về việc hưởng thụ mọi nhân quyền của người cao niên vào tháng 5, Mahler nói rằng bà “muốn người ta ý thức rằng bạo lực, lạm dụng và bỏ bê [người lớn tuổi] không những xảy ra ở những nơi công khai mà rất thường còn ở những nơi xã hội không trông thấy nữa”. Bà nói “Các xã hội phải lên tiếng chống lại việc lạm dụng bằng lời nói và các người cao niên, nhất là các phụ nữ lớn tuổi, phải được đưa vào cuộc thảo luận về phòng chống mọi loại bạo lực đối với các ngài”.

Liên Hiệp Quốc có một ngày khác nữa dành cho người cao niên. Đó là Ngày Quốc tế Người Cao niên, 1 tháng 10, nhằm nêu bật các đóng góp quan trọng mà người cao niên vốn dành cho xã hội và gây ý thức về các cơ hội và thách thức của sự lão hóa trong thế giới ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và người cao niên

Trong nhiều dịp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến giá trị của người cao niên và việc bảo vệ các ngài.

Trong thời gian kiểm dịch Covid-19 ở Ý, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ ngày 15 tháng 4 cho người cao niên, nhất là những người bị cô lập vì đại dịch Covid-19. Theo ngài, nhiều người trong số này sợ chết một mình nhưng “các ngài là gốc rễ của chúng ta, là câu chuyện của chúng ta, là lịch sử của chúng ta”, ngài nói thế lúc bắt đầu Thánh lễ, được truyền hình trực tiếp. Ngài mời mọi người cầu nguyện cho các ngài, “Xin Chúa gần gũi với các ngài trong thời điểm này”.

Đức Thánh Cha cũng dành toàn bộ buổi yết kiến chung cho người cao niên; ngài nói rằng làm lơ và bỏ rơi người cao niên “là một điều tàn bạo, đó là một tội lỗi”. Phát biểu trong buổi yết kiến chung vào ngày 4 tháng 3 năm 2015, ngài nhắc đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, người từng nói rằng “Phẩm chất của một xã hội, ý tôi muốn nói của một nền văn minh, cũng được phán kết qua cách nó đối xử với người cao niên và qua vị thế nó dành cho các ngài trong đời sống cộng đồng”.

Đức Giáo Hoàng ghi nhận “một điều hèn hạ” trong “nền văn hóa vứt bỏ” này, một nền văn hóa vứt bỏ những người không còn hữu ích hoặc tạo lợi nhuận. “Chúng ta muốn loại bỏ nỗi sợ hãi ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương; nhưng nếu làm như thế, chúng ta sẽ gia tăng nơi người cao niên sự lo lắng ít được khoan dung và bị bỏ bê”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng “Trong một nền văn minh không dành chỗ cho người cao niên hoặc họ bị vứt bỏ vì họ gây ra nhiều vấn đề, xã hội này quả đang mang theo vi-rút tử thần”.

Liên Hiệp Quốc về Covid-19 và người cao niên

Ngày 1 tháng 5 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một sáng kiến mới về chính sách nhằm giải quyết các thách thức mà người cao niên phải đối đầu trong và sau đại dịch.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, lưu ý trong một thông điệp video về việc ra mắt bản tóm tắt chính sách mang tên “Tác động của COVID-19 đối với người lớn tuổi”: “Tỷ lệ tử vong đối với người cao niên nói chung cao hơn và đối với những người trên 80 tuổi, nó cao gấp năm lần mức trung bình hoàn cầu”.

Ông Guterres lưu ý rằng ngoài tác động sức khỏe tức thời của nó, “đại dịch đang đặt người cao niên vào nguy cơ đói nghèo, kỳ thị và cô lập cao hơn, với tác động tàn phá đặc biệt đối với người cao niên ở các nước đang phát triển”.

Một báo cáo của WHO hồi đầu tháng 4 đã cho thấy: trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới có tỷ lệ người cao niên lớn nhất, hơn 95% trường hợp tử vong vì Covid-19 xảy ra nơi những người trên 60 tuổi. Hơn 50% mọi trường hợp tử vong liên quan đến những người từ 80 tuổi trở lên.

Lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đang gây ra nỗi sợ hãi và đau khổ chưa từng thấy cho người cao niên trên khắp thế giới, ông đã kêu gọi nhân loại phản ứng đối với virus này bằng cách tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá người cao niên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *