Xin định nghĩa tình yêu?

Nhiều người khi yêu có lẽ sẽ tự chất vấn mình bằng câu hỏi: Tình yêu là gì? Phải chăng đó là khi trái tim đang đập những nhịp đập khác thường, phải chăng là khi đôi mắt không thể rời khỏi, là được sống bên nhau, được quan tâm, chia sẻ; tình yêu phải chăng cũng có thể là mong muốn cho người khác được hạnh phúc. (Bài viết do chính tác giả gửi đến BBT)

XIN ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU?

Con người tự thuở đưa nôi cho đến khi xế bóng là một hành trình sống trong tương quan với người khác, hẳn mỗi người không còn xa lạ gì với một thứ mang tên tình yêu. Đây là một chủ đề muôn thuở của loài người. Tình yêu thật gần gũi, nhưng tình yêu cũng là thứ mà con người e ngại nói thành lời nhất. Con người dù có thể làm được những điều phi thường như lên mặt trăng hay đi sâu vào trong lòng đất, nhưng dù có đến những nơi ấy để tìm kiếm, chẳng ai có thể có được một định nghĩa chính xác về tình yêu. Bởi lẽ, tình yêu là một khái niệm trừu tượng. Nói như thế, không có nghĩa tình yêu là điều gì đó hoang tưởng, mà là điều ta hoàn toàn có thể nhận thức được.

Tình yêu và cảm xúc 

Nhiều người khi yêu có lẽ sẽ tự chất vấn mình bằng câu hỏi: Tình yêu là gì?  Phải chăng đó là khi trái tim đang đập những nhịp đập khác thường, phải chăng là khi đôi mắt không thể rời khỏi, là được sống bên nhau, được quan tâm, chia sẻ; tình yêu phải chăng cũng có thể là mong muốn cho người khác được hạnh phúc. Trong kho tàng văn học, có biết bao câu ca dao, tục ngữ; trong nền âm nhạc, biết bao bài ca bất hủ được dệt nên để nói lên ý nghĩa của hai chữ “tình yêu”.

Có vô vàn cách định nghĩa khác nhau về tình yêu. Nhưng ở đây, với cái nhìn của cá nhân, xin đề cập đến tình yêu trong mối tương quan giữa người với người. Theo nhãn quan này, tình yêu là một trạng thái gồm nhiều cung bậc cảm xúc, thái độ khác nhau. Đây là những thứ ta hoàn toàn không thấy nhưng ta có thể cảm nhận cách rõ ràng như thể đi đó đang gõ cửa, và chạm tới trái tim. Trạng thái ấy còn thể hiện một thái độ muốn sống gắn bó với người khác. Tình yêu nói thì thật dễ, nhưng mấy ai có thể hiểu thấu, bởi tình yêu là ngôn ngữ của con tim, mà ngôn ngữ của con tim thì hẳn là lí trí không thể hiểu thấu. Chính vì thế, dùng lí trí chẳng thể nào có thể hiểu được hết một ai đó ngoài mình mà cách duy nhất để có thể thấu hiểu một thụ tạo hữu hình như con người đó là tình yêu. Khi yêu có người thì hạnh phúc, có người thì đau khổ nhưng một điều chắc chắn đó là con người vẫn muốn yêu và yêu thật say đắm.

Tình yêu và giá trị vĩnh cửu

Có một điều thật thú vị mà ít ai trong chúng ta để ý đó là khi cầu nguyện hoặc khi hôn, con người ta thường nhắm mắt. Đó chính là lúc con người ta thấy được cái đẹp nhất trên thế gian này, mà để thấy nó ta không cần đến thị giác. Thị giác giúp ta nhìn vạn vật nhưng chẳng thể nhìn được tình yêu. Sau mỗi cuộc tình tan vỡ, người ta thường cho rằng tình yêu vĩnh cửu là điều không tưởng. Tình yêu theo nhiều người cũng chỉ vô thường, hữu hạn như bao thực tại khác trên cõi nhân sinh. Nếu vậy, tình yêu chỉ là một mảnh thời gian xác định nào đó mà con người cảm thấy hạnh phúc và được yêu thương. Khi con cá dìm mình xuống lòng biển, nó hẳn chẳng biết bơi trong dòng chảy vô tận của đại dương bao la. Con người ta đôi khi chỉ yêu mà chẳng hay cái dòng chảy vô tận của tình yêu. Chỉ khi ta nhận được cái đẹp, cái thiêng liêng trong tình yêu ta như thấy một viễn cảnh của sự vĩnh hằng và ta dường như được cảm nếm, đụng chạm tới sự vĩnh hằng ấy. Tình yêu là vậy! Tuy nhiên, tình yêu có vĩnh hằng hay không còn lệ thuộc vào dung lượng của con tim và sức mạnh của lí trí.

Còn lại gì nơi tình yêu

Tại sao khi yêu nhau cách say đắm mà con người ta vẫn đôi lúc như thấy có một nỗi cô đơn trống vắng? Tại sao con người ai nấy cũng khao khát được yêu và yêu thật say đắm mà hàng ngày bên ta vẫn thấy thật nhiều những cuộc chia ly? Qủa là thật khó khi con người ta bước vào một mối tương quan thật sự. Khi ta chưa hiểu được huyền nhiệm của tình yêu, cái thiếu vắng từ thẳm sâu cõi lòng sẽ khơi lên. Nhiều người nghĩ rằng, yêu là phải thật hạnh phúc, yêu là phải thật sung sướng, yêu là phải nhận lại được nhiều thành công. Nhưng thật ra, tình yêu không phải thế, người ta vẫn hay ngủ quên để rồi không biết rằng tình yêu vẹn hảo phải trải qua nhiều nỗi đau và thử thách. Dòng sông kia chẳng bao giờ chạy theo một đường thẳng, đám mây kia có bao giờ cứ bay theo một hướng đâu?

Dùng thắng, bại để nói về tình yêu quả là không đúng, nhưng trong tình yêu luôn có sự đau thương, mất mát và nhiều khi là cái chết. Khi ác mộng của tình yêu xảy đến, nhiều người thấy mình đau khổ và cảm giác ấy tựa như ngày tận thế vậy. Ta than trách đời, trách người với những từ “giá như…”. Nếu cuộc đời này cho phép ta làm lại những cái mà gọi là “giá như…” ấy thì hẳn là cuộc sống này là chốn thiên đường rồi. Đến đây, văng vẳng bên tôi những lời ca ngọt ngào trong ca khúc “Love paradise” của Guangdong Chen:

You’re always on my mind
All day just all the time
You’re everything to me
Brightest star to let me see
You touch me in my dreams
We kiss in every scene
I pray to be with you through rain and shiny days…

Tạm dịch:

Anh lúc nào cũng trong tâm trí em

Hàng ngày, hàng giờ

Với em anh là tất cả

Là ngôi sao sáng nhất dẫn đường cho em

Anh chạm vào em trong những giấc mơ

Và trong khung cảnh ấy, mình đã trao cho nhau những nụ hôn

Em mong ước được bên anh, dù ngày nắng cũng như ngày mưa

Khi mới yêu, ta dễ đưa mình vào những khung cảnh thiên đường (Paradise) như vậy. Nhưng không, một tình yêu thực sự không phải vậy, bởi tình yêu con người được đặt trong cuộc sống nhân sinh, mà guồng quay thời gian luôn tiếp tục, điều ấy có nghĩa tình yêu cứ thế mà nối tiếp. Chính vì vậy mà sau những thiên đường ấy, ta thấy mất tiếng yêu thương, và kết thúc khi nghe hai tiếng chia tay. Tuy nhiên, một tình yêu qua đi chỉ để ta biết quý trọng những thực tại hiện có và là bước đệm cho một tình yêu lớn hơn, trưởng thành hơn mà ta chưa thực sự tìm đến.

Phải chăng khổ đau xảy đến cho tình yêu là vì ta bị thu hút những vẻ bề ngoài hấp dẫn hoặc bởi những cái mà ta tự lí luận để cho nó là hay, là tốt để rồi không tìm đến bản chất bên trong. Nếu ta yêu một chú công đủ sắc màu, yêu một chú họa mi hót líu lo, khi ta yêu một chú rùa chậm chạm…phải chăng đó là khổ đau? Khi ta yêu một người nào đó bằng nét đẹp sâu xa bên trong của họ, vẻ đẹp mà không bị mất đi theo dòng thời gian, chắc chắn đó là một tình yêu hạnh phúc và bền vững.

Phải chăng yêu là không còn tự do?

Khi bước vào cõi đời, con người ta đã được Tạo hóa cho có tự do. Chính vì thế, tự do là điều căn cốt để làm nên tình yêu đích thực. Qủa thực, tình yêu mà không được soi đường chỉ lối bằng tự do thì con người như tạo cho mình một cái căn phòng vô hình, nơi ấy người bên ngoài không thể đi vào và kẻ ở trong cũng không thể bước ra. Khi hành động theo lương tâm ngay lành, theo lẽ phải thì con người mới thấy được tự do trong tình yêu cần thiết đến mức nào. Khi biết đặt tự do lên tình yêu, ta sẽ thấy tình yêu đòi hỏi nhiều điều kiện, và một trong số ấy là trách nhiệm. Trách nhiệm không đơn thuần là việc ta phải chu toàn mà là biết chấp nhận. Con người ta “bá nhân bá tính”, dù ta có nói yêu ai đó đến mấy, chắc chắn giữa hai người sẽ có những sự khác biệt và tự do đòi hỏi ta phải biết chấp nhận những sở thích, khuyết điểm, tính cách của người yêu.

Hơn nữa, tự do không có nghĩa là muốn hành động sao cũng được, mà tự do là chúng ta bị ràng buộc bởi sự tự do của người khác. Điều này có nghĩa là ta không ép người khác phải làm cái này, cái kia nhưng luôn để ý xem việc làm của ta ảnh hưởng ra sao đến người khác.

Ngoài ra, khát vọng còn ẩn chứa trong sự tự do của con người. Tuy nhiên, nếu không có lẽ phải thì khát vọng chỉ là phương thế để ta khơi dậy sự mâu thuẫn. Từ đó, tình yêu sẽ bị đồng hóa với những thú vui đến mức người ta cho rằng chưa chiếm được nhau thì đó chưa phải là yêu, chưa phải là hạnh phúc. Thái độ này sẽ làm cho con người ta chỉ mong làm sao được yêu, ít khi suy nghĩ làm sao để yêu. Nếu như vậy, con người sẽ mãi chỉ là những người nhỏ nhen, ích kỉ mà thôi.

Tình yêu và tu

Người tu sĩ có tình yêu không nhỉ?
Nếu nói không là những vật vô tri.
Nếu nói có là những kẻ tình si.
Không là không thứ tình ái li ti,
Có là có thứ tình yêu đại hải…
Có mà không, không mà có, thế mới kỳ” (khuyết danh)

Có lẽ điều liên tưởng đầu tiên của những người ngoài đời về người đi tu là những họ không lập gia đình, sống độc thân. Tuy nhiên, liên tưởng này không phải ai cũng hiểu được một cách thấu đáo. Tuy nhiên, vẫn có một tình yêu thật không giống ai, tình yêu giành cho người mà mình chưa bao giờ được thấy. Tưởng chừng như đó là chuyện cổ tích giữa đời thường, nhưng nó lại hiện diện trong chính thực tại cuộc sống này. Tình yêu ấy được ươm mầm bằng đức Tin, được nuôi dưỡng bằng lời của nhau. Nhiều người vẫn tỏ ra tỏ ra tò mò khi thấy những thanh niên trai tráng khoác lên mình bộ tu phục thay vì bộ đồ hàng hiệu mà họ đang mang, những thiếu nữ xinh xắn phải che đi mái tóc của mình, vốn là nét đẹp của người phụ nữ để mang trên mình chiếc lúp đen. Tình yêu ấy, tuy chủ thể không hiện diện hữu hình cho cặp mắt của ta có thể nhìn thấy, nhưng tự thẳm sâu, ta vẫn thấy lòng ta chạm đến những cung bậc cảm xúc và lòng ước ao trong một cuộc thần duyên. Ấy mới thấy được tình yêu của người đi tu là tình yêu bản chất của vẻ đẹp toàn thiện, không phải yêu hình thức bề ngoài. Sống trong một mối tình đã là cao thượng rồi, nhưng đây lại là sống trong một tình yêu vô vị lợi thì quả là thiêng liêng. Đó là minh chứng hùng hồn cho một ơn gọi của người Kitô hữu mà ta vẫn quen gọi là đi tu.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải những người đi tu mang tư tưởng chôn vùi, đè nén, hay giết chết tình cảm nhân loại. Trái lại, người đi tu phải là những người có tình yêu rộng lớn hơn ai hết, vì Tình yêu chính là điều răn mới của Đức Kitô: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35). Toàn bộ đời sống của người tu phải là chia sẻ tình thương cứu chuộc Thiên Chúa dành cho nhân loại, như châm ngôn nổi tiếng của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng: “Ơn gọi của tôi chính là tình yêu.” Tuy nhiên, Làm sao để có thể duy trì một tình yêu sung mãn là yêu Đấng mà ta không thấy? Làm thế nào để đối phó với những bản năng giới tính của con người, đối phó với nỗi khao khát yêu và được yêu?

Thánh Tôma từng nói: Ubi amor, ibi oculus – Tình ở đâu, con mắt ở đó. Tình cảm thế gian thường khởi đi từ những điều tốt đẹp của chủ thể được yêu, như yêu người xinh đẹp, tài giỏi, dễ thương. Tình yêu ấy thường với mục đích bổ sung những gì mình thiếu, hướng đến nhu cầu sở hữu và độc chiếm, muốn giữ làm của mình và chỉ của riêng mình mà thôi. Tuy nhiên, người đi tu được mời gọi yêu một tình yêu thiện hảo. Tình yêu ấy giành cho cho tất cả mọi người dù cho người đó có xấu xí, dốt nát hay tội lỗi. Để được tình yêu như vậy, đòi hỏi phải có sự trông cậy để tình yêu ấy đạt tới sự sung mãn. Điều đó nghĩa là phải sống một mối tương quan với mọi người và để cho tất cả số họ chạm đến con tim của ta. Ấy chính là lúc ta đã chiếm trọn được người mình yêu: Người tình Giêsu, và trong tình yêu ấy, ta có thể thưa lên lời Thánh Vịnh:

Con còn ai chốn trời xanh? 

Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham” (Tv 73, 25).

Tạm kết

Với những điều đã trình bày trên đây, tình yêu quả là không còn bị giới hạn bởi lý trí của con người qua những suy tư nữa, mà nó là mộ thực tại sống động, hiện hữu cách tự do. Mọi lời giảng giải, mọi bài suy tư, mọi vần thơ, điệu nhạc sẽ chẳng bao giờ là đủ cho hai chữ tình yêu. Có nói mãi về tình yêu cũng chẳng giúp con người có được một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối chi bằng dùng đôi dòng suy tư này để đạt đến những hành đọng đích thực cho ta một cảm nghiệm phần nào về tình yêu.

Tịch Liêu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *