Trước khi bước vào phiên họp, anh cúi đầu xin lỗi mọi người. Tôi thấy những gương mặt giãn ra, như trút bỏ được những muộn phiền đè nặng bấy lâu nay.
Không giận sao được khi anh nói những câu như sát muối vào lòng người nghe. Ông bà ta có câu “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng nhiều khi ta không ý thức được điều đó nên cứ nặng lời khiến người nghe buồn lòng. Dù cho mục đích là gì thì giữa người với người, cần nói những câu nâng đỡ, khích lệ hơn là chỉ trích, kết án khiến đối phương thấy chán nản, thất vọng và không còn muốn cố gắng nữa.
Nhưng may mắn thay anh đã kịp nhận ra điều đó và sửa sai bằng một câu xin lỗi chân thành. Tôi nhìn hình ảnh ấy có chút cảm phục vì đâu phải ai cũng có can đảm cúi mình nhận lỗi trước mọi người như thế. Càng làm lớn thì lời xin lỗi càng khó thốt ra. Sai thì phải nhận, nhưng có những người lại khỏa lấp đi bằng những lời nói dối khác nhằm biện minh cho mình, để rồi sai càng thêm sai.
Sai lầm trong cuộc đời ai cũng mắc phải, nhưng để nói được câu xin lỗi không phải là chuyện dễ dàng bởi cái tôi cản bước, hoặc sợ uy tín của mình bị giảm sút đi. Nhưng đối với tôi, xin lỗi là thực thi đức công bằng để trả lại phẩm giá mình đã tước đoạt của người khác, nối lại sợi dây yêu thương mình đã cắt đứt khi làm tổn thương anh chị em, và trên hết là dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm mình đã gây ra. Để làm được điều này cần có lòng khiêm nhường thẳm sâu. Hành động của anh đã giúp tôi hiểu rằng: Nếu phạm sai lầm, hãy nói câu xin lỗi và phải biết sửa sai, sẽ đau đấy nhưng nó giúp ta được một bài học khắc cốt ghi tâm.
Nhưng có người chị đã dạy tôi một bài học lớn lao hơn đó là trong một số trường hợp, hãy biết nhận lỗi ngay cả khi mình không làm sai. Chị nói: “Có những chuyện đúng sai phải để thời gian trả lời, bởi vì hai người đứng ở hai góc độ khác nhau nên cách nhìn nhận cũng khác. Em cứ lấy sự khoan dung, rộng lượng mà đối đãi với họ, đó cũng là một biểu hiện của yêu thương”. Lời chị nói khó có thể chấp nhận, đúng là đúng, sai là sai sao có thể làm như thế? Nhưng càng cố gắng dành phần thắng về mình, tôi càng mất bình an. Có khi tôi đem chuyện của mình kể với người này người kia mong tìm được sự đồng tình của họ, cuối cùng lại gây chia rẽ trong cộng đoàn. Vậy rốt cuộc tôi phục vụ vì cái gì? Vì Chúa, vì anh chị em hay vì cái tôi của mình?
Để thử nghiệm lời chị nói, tôi tập cách im lặng trước những điều trái ý xảy ra nhưng lòng luôn dậy sóng, chỉ muốn bỏ cuộc cho nhẹ người. Những lúc ấy tôi lại chạy đến với Chúa, xin người cho mình ơn can đảm và lòng mến để vượt qua. Cuối cùng sự kiên nhẫn của tôi đã được đền đáp, người trách tôi ngày xưa bây giờ cũng rơi vào hoàn cảnh y như tôi ngày trước, lúc đó họ mới nhận ra vấn đề và nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm hơn. Nhường nhịn một tí để việc dữ hóa lành, việc to hóa nhỏ chẳng tốt hơn sao. Lúc ấy tôi mới cảm nhận sâu sắc câu nói của mẹ Têrêsa: “Nếu con khiêm tốn, thì chẳng có điều gì có thể đụng chạm đến con, kể cả lời tán dương hay nhục mạ”. Trong cuộc sống, nếu như chuyện gì cũng làm cho ra ngô ra khoai thì người mệt mỏi nhất chính là mình. Vì vậy không nhất thiết phải khắt khe với mọi người, cứ sống rộng lượng để thấy lòng bình an hơn.
Tuy nhiên phải can đảm thừa nhận rằng: có những khi tôi làm sai mà thời điểm đó tôi không nhận ra. Vì vậy trong mọi vấn đề, tôi luôn cầu xin Chúa ơn được biết mình, vì chỉ khi biết mình, con người ta mới hành động đúng được. Phải trải qua nhiều va vấp, nhiều học hỏi với sự uốn nắn của nhiều người, tôi mới nhận ra những khiếm khuyết của bản thân để kiên nhẫn hơn trước những lỗi lầm của người khác và để nỗ lực xây dựng tình đoàn kết giữa anh chị em trong Huynh đoàn với nhau. Vấp ngã không quan trọng, quan trọng là sau những vấp ngã đó mình rút ra được điều gì. Và để trở thành một người trưởng thành hơn, tôi bắt đầu học cách sống khiêm tốn để có thể nói câu xin lỗi.
Lạy Chúa, giữa một thế giới luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân thì việc nói câu xin lỗi thật khó biết bao. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống khiêm tốn để có thể đón nhận anh chị em với những tính cách riêng của họ. Và chỉ khi biết mở lòng ra, chúng con mới có thể phục vụ người khác được. Xin Chúa nhận lời chúng con Amen.
KimMary