Tình trạng sức khoẻ bất ngờ của ĐTC – Phóng sự đặc biệt về buổi hát Kinh Chiều Giao Thừa tại Vatican

 

Lúc 5g chiều ngày thứ Năm 31 tháng 12, theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với các vị trong giáo triều Rôma, và một cộng đoàn tín hữu rất giới hạn vì ảnh hưởng của đại dịch coronavirus.

Tình trạng sức khoẻ bất ngờ của ĐTC – Phóng sự đặc biệt về buổi hát Kinh Chiều Giao Thừa tại Vatican

Tuy nhiên, giờ chót vì tình trạng sức khoẻ ngài không thực hiện được. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết như sau:

Do chứng đau thần kinh tọa gây đau đớn, các cử hành vào tối nay và sáng mai tại Bàn thờ Ngai Tòa trong Đền Thờ Thánh Phêrô của Vatican sẽ không do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Buổi hát Kinh Chiều Đầu tiên và Kinh Te Deum, ngày 31 tháng 12, 2000 sẽ được chủ sự bởi Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn. Còn Thánh lễ ngày mai, 1 tháng Giêng, 2021, sẽ do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ tế.

Tuy nhiên, ngày mai, ngày 1 tháng Giêng năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin từ Thư viện của Dinh Tông Tòa, theo dự trù.

Buổi hát Kinh Chiều Giao Thừa là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.

Cố nhiên, trong năm 2020 này, thế giới, đất nước, gia đình và cá nhân chúng ta đều có những thiệt hại rất lớn về người và của vì đại dịch quỷ quái này. Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, trên toàn thế giới đã có ít nhất 73 triệu 300 ngàn người bị nhiễm bệnh với con số tử vong kinh hoàng là 1 triệu 630 ngàn người. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ít nhất chúng ta vẫn còn sống để dâng lời chúc tụng, tạ ơn và cầu nguyện cho những người không may chết vì đại dịch kinh hoàng này.

Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết đi” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta – để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.

Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y làm dấu thánh giá bắt đầu buổi cử hành. Rồi ngài đọc:

Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con.

Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,

tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

Ave, Maris Stella

Cộng đoàn đang hát bài Ave, Maris Stella, nghĩa là “Kính Mừng Mẹ Sao Bắc Đẩu” với những lời sau

Kính Chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu
Đấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời
Chói lòa trinh khiết gương soi,
Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung.
Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự
Gáp-ri-en thần sứ tặng ban,
Chữ “E-và” Mẹ đảo vần
Thành “A-ve” giữ bình an cho đời.
Xin cởi dây trói người tội lỗi,
Mở mắt ai tăm tối đui mù,
Đuổi xa hoạn nạn rủi ro,
Đổ tuôn hồng phúc tựa hồ mưa sa.
Xin khứng tỏ Mẹ là Từ Mẫu
Chuyển lời cầu đạt tới Hoàng Thiên,
Tòa cao Thánh Tử uy quyền,
Vua Trời Cứu Thế đã nên người trần.
Ôi Trinh Nữ siêu phàm khôn ví,
Ôi hiền hòa tuyệt thế Nữ Trinh,
Cứu đoàn con khỏi tội tình.
Trở nên thanh khiết hiền lành từ đây!
Xin giúp sống chuỗi ngày trong trắng,
Mẹ dẫn đường là chẳng phải lo,
Mai ngày gặp Chúa Giêsu,
Vui mừng hưởng phúc thiên thu chan hòa.
Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha từ ái,
Lạy Ngôi Con quảng đại vô lường,
Thánh Thần trải rộng tình thương
Ba Ngôi hiển trị thiên đường quang vinh.
Amen.

Thánh vịnh 147

Kính thưa quý vị và anh chị em, cộng đoàn đang hát Thánh vịnh 147

Hãy ca ngợi CHÚA đi!
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào!
Được tán tụng Người, thỏa tình biết mấy!
CHÚA là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.
Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.
Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường!
Kẻ thấp hèn, CHÚA nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.
Hãy dâng CHÚA bài ca cảm tạ,
gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta.
Chúa kéo mây bao phủ che kín cả bầu trời,
Người chuẩn bị cho mưa rơi xuống trên mặt đất.
Chúa khiến mọc cỏ xanh trên những miền đồi núi,
và các loài thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Chúa cho loài gia súc có đầy đủ thức ăn,
bầy quạ non kêu đói cũng luôn được no mồi.
Vó ngựa phi, Chúa không ưa chuộng,
chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh,
nhưng ưa chuộng những ai kính sợ CHÚA,
và trông cậy ở tình thương của Người.
Giê-ru-sa-lem hỡi, nào tôn vinh CHÚA!
Này Xi-on, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi!
Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc,
con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân.
Cõi biên cương, Người thiết lập hòa bình,
và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.
Người tống đạt lệnh truyền xuống đất,
lời phán ra, hỏa tốc chạy đi.
Tuyết tựa lông chiên, Chúa trải dài,
sương giá như tro, Người rải rắc.
Làm mưa đá, Chúa tung từng miếng nhỏ,
chịu nổi làm sao giá lạnh của Người!
Chúa phán một lời là băng giải tuyết tan,
thổi gió lên nước liền tuôn chảy.
Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en.
Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cộng đoàn đang nghe bài trích thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Galát

Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Hồng Y đã đọc bài giảng dọn sẵn của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Việc cử hành buổi tối này luôn có một khía cạnh kép: với phụng vụ, chúng ta bước vào lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đồng thời chúng ta kết thúc năm dương lịch với bài thánh thi ngợi khen tuyệt vời.

Khía cạnh đầu tiên sẽ được thảo luận trong bài giảng sáng mai. Tối nay chúng ta dành không gian để tạ ơn vì một năm sắp kết thúc.

“Te Deum laudamus”, “Chúng con ngợi khen Chúa, Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa”. Có vẻ như chúng ta bị buộc phải miễm cưỡng cảm tạ Chúa vào cuối một năm như thế này, được đánh dấu bởi đại dịch. Suy nghĩ của tôi hướng đến những gia đình mất đi một hoặc nhiều thành viên; chúng ta nghĩ đến những người đã bị bệnh, những người phải chịu đựng sự cô đơn, những người bị mất việc làm…

Đôi khi có người hỏi: một thảm kịch như thế này thì để làm gì? Chúng ta không nên vội vàng khi trả lời câu hỏi này. Ngay cả Thiên Chúa cũng không đáp lại những câu hỏi “tại sao” đau buồn nhất của chúng ta bằng cách viện đến những “lý do cao siêu”. Lời đáp của Thiên Chúa dõi theo con đường của nhập thể, như Điệp Ca cho bài Magnificat chút nữa đây sẽ hát rằng: “Vì tình yêu cao cả Người đã yêu chúng ta, mà Thiên Chúa đã sai Con Người đến trong thân xác phàm nhân”.

Một Thiên Chúa đã hy sinh con người cho một hoạch định tuyệt vời, ngay cả một thiết kế tốt nhất có thể đi chăng nữa, chắc chắn không phải là Thiên Chúa đã mạc khải Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta. Thiên Chúa là cha, “Cha đời đời”, và nếu Con Ngài trở thành người phàm, thì đó là vì lòng nhân từ bao la của Chúa Cha. Thiên Chúa là Cha và là mục tử, và người mục tử nào lại thí bỏ dù chỉ một con chiên, vì nghĩ rằng dù thế đi nữa mình vẫn còn lại nhiều con? Không, vị thần độc ác và tàn nhẫn này không tồn tại. Đây không phải là Thiên Chúa mà chúng ta “ca tụng” và “loan báo”.

Người Samaritanô nhân hậu, khi gặp người đàn ông sống dở chết dở ở bên đường, đã không diễn thuyết cho anh ta nghe một diễn văn giải thích ý nghĩa những gì đã xảy ra với anh ta, có lẽ là để thuyết phục anh ta rằng điều đó chung cuộc lại là điều tốt cho anh ta. Người Samaritanô, động lòng trắc ẩn, đã cúi xuống trước người lạ đó, coi anh ta như huynh đệ của mình và lo cho anh ta làm mọi việc trong khả năng của mình (x. Lc 10:25-37).

Ở đây, vâng, có lẽ chúng ta có thể tìm thấy một “cảm thức” về thảm kịch là đại dịch này, cũng như những tai họa khác ảnh hưởng đến nhân loại: đó là một cảm thức khơi dậy lòng trắc ẩn trong chúng ta và khơi dậy những thái độ, những cử chỉ gần gũi, quan tâm, đoàn kết, yêu thương.

Đây là điều đã xảy ra và cũng đang diễn ra ở Rôma trong những tháng gần đây; và trên hết vì điều này, đêm nay, chúng ta tạ ơn Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những điều tốt đẹp đã xảy ra trong thành phố của chúng ta trong thời gian cô lập và nói chung, trong thời điểm đại dịch, mà tiếc thay vẫn chưa đến hồi kết thúc. Có nhiều người, không hề gây ồn ào, đã cố gắng làm cho trọng lượng của thử thách này có thể chịu được. Với sự dấn thân hàng ngày của họ, được thúc đẩy bởi tình yêu đối với người lân cận, họ nhận ra những lời đó trong bài thánh thi Te Deum: “Mọi ngày chúng con cảm tạ và cung chúc tôn thờ, chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô”. Bởi vì lời chúc tụng và ngợi khen mà Thiên Chúa vui lòng nhất là tình anh em.

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe – bác sĩ, y tá, y công, tình nguyện viên – ở tuyến đầu, và vì điều này, họ đặc biệt được nhớ đến trong lời cầu nguyện của chúng ta và đáng được chúng ta biết ơn; cũng như nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, những người đã làm hết sức mình với lòng quảng đại và tận tụy. Nhưng đêm nay, lời cảm ơn của chúng ta xin gửi đến tất cả những ai đang cố gắng mỗi ngày để giữ cho gia đình của họ hoạt động tốt nhất và những người dấn thân phục vụ lợi ích chung. Chúng ta hãy nghĩ đến những người quản lý các trường học và các thầy cô giáo, những người đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, và những người phải đối mặt với một tình huống rất phức tạp. Chúng ta cũng nghĩ đến với lòng biết ơn những người quản lý nhà nước, những người biết cách quý trọng tất cả các nguồn lực tốt hiện có trong thành phố và trong lãnh thổ, những người không dính bén đến tư lợi hay lợi ích phe phái. Vì sao? Thưa: Bởi vì họ thực sự tìm kiếm lợi ích của tất cả mọi người, thiện ích chung, và những điều tốt đẹp bắt đầu từ những người thiệt thòi nhất.

Tất cả điều này không thể xảy ra nếu không có ân sủng, nếu không có lòng thương xót của Chúa. Chúng ta biết rõ điều này từ kinh nghiệm của mình là trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng ta bị cám dỗ để tự bảo vệ mình – điều đó là tự nhiên. Chúng ta có khuynh hướng bảo vệ chính mình và những người thân yêu, bảo vệ lợi ích của chúng ta… Như thế thì làm sao lại có rất nhiều người, không có phần thưởng nào khác hơn là được làm điều thiện, có thể tìm thấy sức mạnh để lo lắng cho người khác? Điều gì khiến họ phải từ bỏ những thứ thuộc về bản thân, sự thoải mái của họ, thời gian của họ, của cải của họ để trao những thứ ấy cho người khác? Rốt cuộc, cho dù bản thân họ không nghĩ về điều đó, chính sức mạnh của Chúa thúc đẩy họ, là điều còn mạnh hơn cả tâm lý ích kỷ của chúng ta. Vì lý do này, buổi tối hôm nay chúng ta ngợi khen Ngài, bởi vì chúng ta tin và biết rằng tất cả những điều tốt lành được thực hiện hằng ngày trên trái đất này, cuối cùng, đều đến từ Ngài, mọi điều thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa. Cầu xin lòng thương xót Chúa luôn ở với chúng ta, trong Chúa chúng con đã hy vọng. Lạy Chúa là niềm tin và hy vọng của chúng con

Bài Magnificat

Giờ đây cộng đoàn đang hát bài Magnificat với những lời sau:

Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn !
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Israen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.

Các lời nguyện

Đức Hồng Y kêu gọi cộng đoàn cầu nguyện:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô, là hòa bình của chúng ta,

Đấng đã đoàn kết thành một dân tộc mọi dân nước, mọi ngôn ngữ

Lạy Chúa, Đấng đã đến giữa chúng con để mạc khải tình yêu của Chúa Cha,

– Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết cảm tạ Chúa

Lạy Chúa, Đấng đã cho Đức Maria, Mẹ Chúa, được đầy ân sủng,

– Xin Chúa đổ đầy dư dật ân sủng Chúa cho tất cả mọi người chúng con.

Lạy Chúa đã mang tin vui cứu rỗi cho thế giới,

– Xin Chúa nhân lên các sứ giả và môn đệ của Lời Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, để là anh của chúng con,

– Xin Chúa dạy mọi người chúng con tình huynh đệ chân chính.

Lạy Chúa, là mặt trời công lý, xuất hiện trên đường chân trời của nhân loại,

– Xin Chúa chiếu soi ánh sáng ngàn thu cho những anh chị em đã khuất của chúng con để họ được hạnh phúc vĩnh cửu.

Kết thúc các lời nguyện, Đức Hồng Y xướng kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

Giờ đây Đức Hồng Y dâng lời nguyện kết thúc trước khi cộng đoàn cùng chầu Thánh Thể

Lạy Chúa, Đấng được Đức Maria trọn đời đồng trinh sinh hạ để mang đến cho loài người chúng con ơn cứu rỗi đời đời. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ trong những khi ngặt nghèo, để nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng con nhận được tác giả của sự sống, là Chúa Kitô Con Mẹ

Chúng con cầu xin nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô Con Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị, làm một cùng Chúa và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

Thánh thi Te Deum

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Thánh thi Te Deum, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa, là một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi có nhịp điệu tương tự như nhịp điệu của bài Gloria in Excelsis Deo, tức là Kinh Vinh Danh: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.

Nội dung thánh thi Te Deum như sau:

Lạy Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. / Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh! Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: / Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.

“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *