Tại sao?
Không giống như trường hợp của Thánh Gioakim và Anna, chúng ta được biết rất ít về cha mẹ của thánh Giuse. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc chắn về thân phụ của ngài, thậm chí điều đó có thể khiến chúng ta lẫn lộn lúc ban đầu.
Trong Tin mừng Matthêu, Thánh Giuse được liệt vào danh sách là con của ông “Giacóp” (Mt 1,16). Tuy nhiên, theo Luca, thân phụ của Giuse được cho là “Êli” (Lc 3,23). Những thông tin giữa Tin mừng Matthêu và Luca liệu có khác nhau không?
Nhà hộ giáo Jimmy Atkin đã đưa ra lời giải thích hợp lý được nhiều học giả Kinh thánh chấp nhận:
“Nhà sử học Julius Africanus, người gốc Israel, thế kỷ thứ 2, đã ghi lại các thông tin được cung cấp bởi những gì còn sót lại của gia đình Chúa Kitô vào thời của ông. Theo gia phả, ông nội của Thánh Giuse là Mattan đã cưới bà Esta, người này sinh cho ông một người con tên là Giacóp. Sau khi Mattan chết, bà Esta tái giá với một người trong họ là Melchi (được kể trong Luca), và bà đã sinh một người con trai tên là Êli (với người Do thái vào thời điểm đó, hôn nhân giữa những người trong họ hàng với nhau rất phổ biến). Do đó, Giacóp và Êli là hai anh em cùng mẹ khác cha. Êli chết mà không có con, cho nên Giacóp kết hôn với quả phụ này và sinh ra Giuse. Xét về mặt sinh học Giuse là con của Giacóp nhưng là con của Êli theo luật”(Eusebius, Lịch sử Giáo hội 1: 6: 7).
Việc nhận con nuôi rất phổ biến trong văn hóa của người Do thái, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến phả hệ. Nếu một người được sinh ra trong một dòng tộc cụ thể, nhưng sau này người đó được nhận làm con nuôi thì anh ta cũng sẽ mang họ mới. Ngoài ra, theo giải thích của Akin, “việc nhận con nuôi có thể xảy ra ngay cả sau cái chết”. Nghĩa là “nếu một người đàn ông chết mà không có con, thì bổn phận của người anh (em) của ông là phải kết hôn với người chị (em) góa bụa đó và sinh con thay cho anh trai. Sau đó, người con trai này sẽ được “nhận làm con nuôi” bởi người đã khuất và coi như con của ông trong gia phả”.
Vì thế, nhiều người tin rằng Giacóp là cha “chính thức” của Thánh Giuse và là người đã nuôi dưỡng ngài trở thành “người công chính”.
Về phần thân mẫu của Thánh Giuse không có chứng từ nào nói về điều này, ngay cả trong các truyền thống xa xưa nhất. Mẹ Cecilia Baij, nhà ngoại cảm thế kỷ 18, tuyên bố rằng đó là bà “Rachel”. Khả năng điều này có thể đúng. Vì Rachel là cái tên rất phổ biến, dường như cũng nối kết cái tên Giuse này với “Giuse” đầu tiên trong Cựu ước, có cha là Giacóp (Israel) và mẹ là Rachel (x. St 35). Dù sao, những thị kiến của của Mẹ Cecilia Baij, được coi là “mạc khải tư” không được Giáo hội Công giáo chấp nhận.
Cho dù thân phụ mẫu của Thánh Giuse là ai, họ cũng đã nuôi dưỡng một người con đạo đức, người đã trở nên quan trọng trong lịch sử cứu rỗi và là cha nuôi xứng đáng của Chúa Giêsu.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ