Tổng giáo phận Vitória, Brazil, cho biết một linh mục đang cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ 4 Mùa Quanh Năm hôm 31 tháng Giêng đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây ghi lại toàn bộ diễn biến này.
Một viên đạn lạc đã xuyên thủng mái tôn của một nhà thờ ở Brazil khi một linh mục Công Giáo đang cử hành thánh lễ. Giáo phận địa phương coi vụ này là dấu chỉ của bạo lực đáng lo ngại trong khu vực.
Cha Robinson de Castro Cunha đang cử hành Thánh lễ Chúa Nhật tại giáo xứ San José ở bang Vitória vào ngày 31 tháng Giêng. Ngài đang chuẩn bị kết thúc bài giảng của mình thì một viên đạn bắn trúng vào nhà thờ.
Giáo xứ báo cáo rằng viên đạn xuyên qua mái nhà tôn của nhà thờ vào khoảng 7:37 tối, và “rơi ngay dưới chân của linh mục”. Trong lúc giảng, vị linh mục có thói quen đi qua đi lại chứ không đứng nguyên một chỗ. Nếu ngài đứng yên một chỗ, có thể ngài đã qua đời. Thật vậy, vị trí viên đạn rơi xuống là chỗ ngài vừa đứng cách đó chỉ vài mươi giây. Nếu ngài không bước qua một bên, viên đạn có lẽ đã rơi trúng đầu ngài.
Cha Robinson đã nhặt viên đạn lên và giao cho điều phối viên cộng đồng, và tiếp tục cử hành Thánh lễ như bình thường.
Vụ việc đã được ghi lại trên camera và được chia sẻ rộng rãi ở nhiều nơi ở Brazil và Mỹ Latinh.
Tổng giáo phận Vitória đã đưa ra một tuyên bố than phiền về tình trạng thiếu an ninh trong khu vực.
“Ngay cả những ai không sống trong khu vực đang xảy ra các hình thái bạo lực dữ dội cũng cảm thấy bị đe dọa và bị ảnh hưởng bởi các hình thức bạo lực không ngừng,” tuyên bố cho biết.
Phát biểu với trang web “A Gazeta”, giám đốc truyền thông giáo xứ San José là cô Elaine Butter cho biết ngay khi xảy ra vụ việc, Cha Robinson nói với những người giúp lễ cứ bình tĩnh, và thánh lễ là quan trọng hơn hết.
“Bất chấp mọi thứ, ngài đã tiếp tục Thánh lễ như bình thường,” cô nói.
Cô Butter cũng nói rằng đạn lạc và bạo lực đang trở nên đe dọa hơn tại giáo xứ “vì giáo xứ phục vụ các khu vực lân cận như Bairro da Penha và Morro do Macaco,” là những điểm nóng đang diễn ra các hình thái bạo lực băng đảng và ma túy.
Tổng giáo phận Vitória, nằm cách Rio de Janeiro 524km về phía Tây Bắc, đã được Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 15 tháng 11, 1895 như một giáo phận trực thuộc giáo tỉnh Rio de Janeiro.
Ngày 16 tháng Hai, 1958, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận như hiện nay.
Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận có 1,050,000 người Công Giáo trong tổng số 1,924,500 dân, chiếm 55%. Tổng giáo phận hiện có 133 linh mục, gồm 81 linh mục triều và 52 linh mục dòng, coi sóc 82 giáo xứ, với sự hỗ trợ của 68 nữ tu và 70 nam tu sĩ không có chức linh mục. Bên cạnh đó còn có 44 phó tế vĩnh viễn.
Source:Catholic News Agency
2. Sắc lệnh về việc cử hành chung lễ ba Thánh Mátta, Maria và Lagiarô của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
Ngày 2 tháng Hai, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã công bố Sắc lệnh về việc cử hành chung lễ ba Thánh Mátta, Maria và Lagiarô trong lịch Phụng Vụ.
Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích
Sắc lệnh về việc cử hành chung lễ ba Thánh Mátta, Maria và Lagiarô trong Lịch Rôma chung
Trong ngôi nhà ở Bethany, Chúa Giêsu đã trải nghiệm tình gia đình và tình bạn với Mátta, Maria và Lagiarô, và vì lý do này, Phúc âm Thánh Gioan nói rằng Ngài yêu mến họ. Mátta quảng đại tiếp đón ngài, Maria chăm chú lắng nghe lời Ngài và Lagiarô nhanh chóng bước ra khỏi mồ theo lệnh của Đấng đã làm nhục cái chết.
Truyền thống của Giáo hội Latinh không chắc chắn về danh tính của ba người phụ nữ cùng có tên Maria – đó là bà Maria Mađalêna mà Chúa Kitô đã hiện ra sau khi Ngài sống lại, Maria em gái của Mátta, và bà Maria là một người tội lỗi đã được Chúa tha thứ – nên đã quyết định dành ngày ngày 29 tháng 7 kính riêng Mátta trong Lịch Rôma. Nhưng nghi vấn này đã được giải quyết trong các nghiên cứu gần đây, như được chứng thực bởi Tử đạo thư Rôma, trong đó kính nhớ Maria và Lagiarô vào chung ngày đó. Hơn nữa, trong một số lịch cụ thể, ba anh chị em đã được nhớ đến cùng một ngày.
Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi xem xét chứng tá Phúc âm quan trọng mà họ đã đưa ra khi chào đón Chúa Giêsu vào nhà mình, và chăm chú lắng nghe Ngài, với niềm tin rằng Ngài là sự sống lại và là sự sống, đã chấp nhận đề nghị của Bộ này, và ra quyết định rằng ngày 29 tháng 7 được chỉ định trong Lịch Rôma chung là Lễ Nhớ các Thánh Mátta, Maria và Lagiarô.
Do đó, Lễ Nhớ phải xuất hiện dưới tiêu đề này trong tất cả các Lịch và Sách Phụng vụ dành cho việc cử hành Thánh lễ và các Giờ kinh Phụng vụ; các biến thể và bổ sung sẽ được đưa vào các bản văn phụng vụ, kèm theo sắc lệnh này, phải được dịch, chấp thuận và, sau khi được xác nhận bởi Bộ này, sẽ được công bố bởi Hội đồng Giám mục.
Sắc lệnh này bãi bỏ bất kể điều gì trái ngược.
Từ Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ngày 26 tháng Giêng năm 2021, Lễ Nhớ Các Thánh Timothêô và Titô, Giám mục.
+ Đức Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng
+ Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche
Thư ký
Source:Holy See Press Office
3. Linh hồn Biden đang chờ cú điện thọai để được cứu rỗi
Có những Giám Mục ở Hoa Kỳ nói công khai rằng Biden không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo vì những tuyên bố và hành động công khai của ông ta liên quan đến phá thai, chẳng hạn như Đức Tổng Giám Mục Denver, Samuel J. Aquila, và Đức Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia, là Đức Cha Charles Chaput. Đức Tổng Giám Mục Chaput khẳng định một cách thẳng thắn rằng Biden không nên rước lễ vào lúc này.
Ngược lại, Đức Hồng Y Wilton D. Gregory, Tổng Giám Mục Washington DC, nói rằng ngài sẽ cho Biden rước lễ bất kể chính sách ủng hộ phá thai nào mà Biden sẽ áp dụng từ Phòng Bầu dục. Trong ngày nhậm chức của ông Joe Biden, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, chúc mừng ông nhưng các ngài đã bày tỏ sự chỉ trích mạnh mẽ đối với chính sách phá thai của ông. Hồng Y Blase Cupich của Chicago, đã phản kháng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và vận động Tòa Thánh chặn đứng tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Mỹ.
Hành động của hai Hồng Y Wilton D. Gregory và Blase Cupich gây ra một tai tiếng rất lớn cho Giáo Hội. Hai vị ấy đương nhiên biết phá thai là một tội ác nghiêm trọng. Nếu không biết như thế, họ đừng làm Hồng Y. Nếu đã biết như thế mà không nói thẳng với ông Joe Biden thì các vị ấy chứng tỏ cho thế giới thấy hình ảnh thảm hại của một Giáo Hội không có lòng thương xót, chỉ biết chạy theo các lợi thế chính trị của mình bất kể phần linh hồn của ông Joe Biden và sinh mạng của hàng triệu thai nhi vô tội.
Regis Martin là Giáo sư Thần học và Phó Khoa trưởng tại Trung tâm Veritas về Đạo đức học trong Đời sống Công của Đại học Steubenville của Dòng Phanxicô. Ông có bằng thạc sĩ và tiến sĩ thần học của Giáo hoàng Đại học St. Thomas Aquinas ở Rôma. Martin là tác giả của một số cuốn sách, trong đó có những cuốn bán rất chạy như Still Point: Loss, Longing, and Our Search for God, và The Beggar’s Banquet, do nhà Emmaus Road xuất bản. Cuốn sách gần đây nhất của ông, cũng được xuất bản bởi Emmaus Road, có tên là Witness to Wonder: The World of Catholic Sacrament. Ông cư ngụ tại Steubenville, Ohio, với vợ và mười người con.
Gần đây, thấy một số Giám Mục Hoa Kỳ phát biểu ý kiến bênh vực việc cho Biden rước lễ dù ông ta công khai và ương ngạnh chống lại các tín lý cốt lõi của Giáo Hội liên quan đến sự sống con người, tiến sĩ Martin viết một bài trên tạp chí Crisis, khuyên hai Hồng Y trên, đặc biệt Hồng Y Tổng Giám Mục Gregory Wilton, hãy bắt chước Đấng Đáng Kính Fulton Sheen, nhấc máy điện thoại gọi cho Biden: “Phải Tổng Thống không? Tôi cần nói chuyện với ông về phần linh hồn của ông”
Chắc hẳn ít ai từng được nghe nói về Heywood Broun, nhưng ông ta từng là một nhà báo nổi tiếng và là một người viết chuyên mục được đăng tải trên nhiều tờ báo. Ông viết về thế giới với đầy những hoài nghi, và khi viết về chủ đề tôn giáo, ông tỏ ra coi thường các định chế tôn giáo.
Trái lại ai ai cũng nghe nói về Fulton Sheen, nhà truyền giảng tin mừng trên truyền hình đầu tiên và nổi tiếng nhất thế giới, người mà việc xếp hạng trên truyền hình gần bằng với Milton Berle và Frank Sinatra. Berle từng nói: “Nếu tôi sắp sửa bị bất cứ ai đó hất khỏi việc đứng đầu bảng, thì tốt hơn tôi nên thua Đấng mà Giám Mục Sheen đang nói về”.
Ngoài hàng chục cuốn sách, khóa tĩnh tâm và tất nhiên, vô số chương trình truyền hình, Đức Tổng Giám Mục Sheen còn nổi tiếng là một người mang ơn hoán cải đến cho nhiều người, trong số những ơn hoán cải này, người ta thấy những người nổi tiếng như nhà viết kịch Clare Booth Luce, nhà kỹ nghệ Henry Ford II, nghệ sĩ violon và nhà soạn nhạc Fritz Kreisler. Nhưng có lẽ cái hạt khó đập bể nhất là Heywood Broun, người mà khó ai có thể tìm thấy bất cứ một liên hệ nào tới tôn giáo, dù là rất xa xôi. Một ngày nọ, Cha Sheen, lúc ấy vẫn chưa làm Giám Mục, gọi cho Heywood Broun và nói rằng ngài muốn gặp ông ta. “Về điều gì?” Broun hỏi, một cách cộc cằn như thường lệ. Cha Sheen trả lời “về phần linh hồn của ông”.
Một cuộc gặp gỡ sau đó đã được sắp xếp và kỳ lạ là chỉ trong vài phút, Broun đã thổ lộ toàn bộ cuộc sống của mình, tiết lộ bí mật sâu xa nhất, đen tối nhất: “Tôi không muốn chết trong tội lỗi của tôi”. Tất nhiên, điều làm cho vấn đề này trở nên khẩn cấp một cách đặc biệt là việc ông không còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, Cha Sheen nhào thẳng vào cuộc đua và sau một hoặc hai phiên gặp gỡ, ngài đã nhận ông vào Giáo Hội Công Giáo – Giáo hội “duy nhất” có ơn cứu rỗi, như Lenny Bruce, một người hoài nghi khác, đã nói nhiều năm sau đó. Trong vòng vài tháng Broun qua đời, và Cha Sheen nhận thuyết giảng trong Tang Lễ của ông, diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Saint Patrick vào tháng 12 năm 1939. Đúng 40 năm sau, trong cùng tháng 12 đó, chính Đức Tổng Giám Mục Sheen cũng sẽ đối diện với cùng một lệnh triệu hồi về với Chúa.
Khi nghĩ về việc trở lại của Broun, điều quan trọng là chúng ta không nên quên sự kiện này: Cha Sheen tự cảm thấy một điều rất cấp bách là phải vươn tay ra, phải nối vòng tay lớn, phải cố gắng giành lấy linh hồn của người đàn ông này cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên, sứ mệnh của ngài trực tiếp phát xuất từ Chúa Kitô, Đấng mà ngài đã hiến dâng cả cuộc đời và việc phục vụ trong chức linh mục của mình. Ngài từng đặt câu hỏi “Nếu Chúa Giêsu Kitô khao khát các linh hồn, há một Kitô hữu lại không khao khát hay sao? Nếu Ngài đến để đốt lửa lên trái đất, há một Kitô hữu lại không nhóm lửa lên hay sao?”
Không nhóm lửa lên trong trường hợp đó gần như là người không có đầu óc, bởi vì, chẳng phải đó là bản mô tả việc làm của mọi Kitô hữu hay sao? Chắc chắn đó là mô tả còn chi tiết và đòi buộc hơn nữa đối với các linh mục và giám mục. Ai trong số các vị lại không muốn rời khỏi thế giới này sau khi đã gửi được một số đông đảo các linh hồn tới thiên quốc trước? Thật vậy, để được đọc điếu văn bằng những từ ngữ rất giống những lời lẽ mà Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói trong ngày lễ kính cuộc tử đạo của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia — rằng đây là “một linh hồn sôi sục tình yêu thần thánh”? Liệu có cách nào khác, đáng tin cậy hơn để làm chứng cho ơn được thụ phong linh mục hay sao? Còn có gì khác để thắp lửa cho trí tưởng tượng và việc làm của một linh mục và một giám mục, nếu không phải là cứu các linh hồn? Cha Sheen vốn nói: “Trừ phi các linh hồn được cứu, không có gì được cứu cả”.
Các vị chắc chắn không được chọn vì các nhiệm vụ hành chính hoặc quản trị.
Hoặc để trao đổi các câu chuyện vui đùa trống rỗng, ăn uống bỡn cợt với các chính trị gia quyền thế.
Do đó, có phải là quá đáng hay không khi yêu cầu một hoặc hai trong số các vị nên bắt đầu với Joe Biden? Ngoài việc là tổng thống của các vị, ông ta còn là anh em của các vị trong Chúa Kitô, kẻ đang đứng trước nguy cơ mất linh hồn vì việc bác bỏ – một cách ương ngạnh và lâu dài – việc bảo vệ sự sống các thai nhi vô tội. Chẳng lẽ Joe Biden không có số điện thoại để các vị có thể gọi cho ông ấy hay sao? Thậm chí các vị còn có thể bắt gặp ông ta ngay trong lần tới khi ông ta vội vàng xuất hiện trong Thánh lễ?
“Tổng thống phải không? Tôi cần nói chuyện với ông. Về linh hồn của ông”.
Liệu điều đó có sớm xảy ra không, qúy vị nghĩ sao? Nếu câu trả lời là không thì điều này sẽ cho qúy vị biết mọi thông tin về tình trạng của Giáo hội ở đất nước này; về mức độ lãnh đạo tiên tri của giám mục đoàn.
Đức Hồng Y-Tổng Giám mục của Washington, D.C. sẽ phải trả giá bao nhiêu để thực hiện cú điện thoại đó? Để lên lịch trình cho một cuộc gặp mặt trong đó ngài, trong tư cách là mục tử sống trong cùng một khu phố, ngồi xuống với một thành viên trong đoàn chiên của ngài, người đã lạc lối và cố gắng đưa ông ta trở lại mối liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa Toàn năng? Ngài có thể bỏ ra một giờ trong ngày để nói lên sự thật trước quyền lực không? Không chỉ để cứu linh hồn ông ta, là điều vốn vô cùng quý giá, nhưng còn là để chấm dứt một vụ tai tiếng đang ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu ngài thành công, thì ngoài việc trở lại của Joe Biden, ngài còn mang lại sự an toàn cho các thai nhi trong bụng mẹ. Và, nếu ngài thất bại, xin Chúa đừng để xẩy ra điều này, thì thưa Đức Hồng Y-Tổng Giám Mục, ngài mất cái gì nào? Chắc chắn không phải linh hồn của ngài, linh hồn mà Thiên Chúa chắc chắn sẽ chúc phúc vì đã làm tất cả những gì bất cứ mục tử tốt lành nào cũng nên làm; là chu toàn nghĩa vụ quan trọng nhất mà ngài đã được giao phó.
Source:Crisis Magazine