1. Tử vong vì coronavirus tăng rất mạnh tại Bồ Đào Nha
Tử vong tại Bồ Đào Nha, lên đến 13,740 người, 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus
Tử vong tại Bồ Đào Nha, tính đến 6 tháng Hai, đã lên đến 13,740 người, trong số 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus. Đất nước này đang trải qua đợt bùng phát coronavirus lần thứ ba. Trong tuần qua, con số nhiễm bệnh hàng ngày ở khoảng 9,000 người nên đã có những lo ngại là hệ thống y tế có thể sụp đổ.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra tại một nhà quàn tại Lisbon. Các nhà quàn tại Bồ Đào Nha đã trở nên bận rộn hơn bao giờ. Một nhân viên làm việc ở đây nói:
Tình hình rối loạn, thực sự rối loạn. Quá nhiều người chết. Không có chỗ để đặt quá nhiều người chết. Mọi người nên cẩn thận. Họ cần phải biết rằng COVID-19 đang giết người, thực sự là như thế. Tôi đã mất dì tôi, anh em họ tôi, cha tôi và ông tôi.
Bồ Đào Nha có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Chỉ trong tháng Giêng vừa qua đã có hơn 5,500 người chết vì COVID-19.
Artur Palma, giám đốc điều hành nhà quàn Velinho nói: “Đây là một sự gia tăng đều đặn. Một gánh nặng rất lớn, một gánh nặng to lớn trong mọi lãnh vực. Thể lực, tâm lý. Chúng tôi ngủ rất ít khi cố ngủ. May mà chúng tôi có một phòng lạnh để bỏ các tử thi vào đó, nhưng chúng tôi đã đến mức giới hạn và chúng tôi không thể đưa các xác chết đến nhà thương vì không có thêm chỗ cho họ ở đó.
13,000 người đã chết ở quốc gia nhỏ bé này vì dịch bệnh.
Jose Santos, nhân viên nhà quàn Velinho nói: “Tình hình phức tạp. Và nó ảnh hưởng đến chúng tôi tại nhà và trong các gia đình. Họ ủng hộ chúng tôi, họ thông cảm tình hình mà chúng ta đang trải qua, họ giúp chúng tôi. Họ cố gắng, nhưng thực sự mà nói không dễ dàng gì. Nó chẳng dễ một chút nào.”
Source:AFP
2. Chuông nhà thờ vang lên kêu gọi người dân chích ngừa coronavirus
Tại ít nhất một quận của Paris, tòa thị chính đã được điều chỉnh thành trung tâm tiêm vắc xin. Đối với một số người không thể dễ dàng đến các trung tâm tiêm chủng, vắc-xin sẽ đến với họ.
Ở miền đông nước Pháp, chuông nhà thờ vang lên ở Mery-Premecy khi “Vacci’bus” kéo vào làng. Những người cao niên ở địa phương bước lên xe bus và ngồi xuống để nhận những mũi tiêm từ các thành viên của dịch vụ tiêm chủng địa phương.
“Đối với những người ở độ tuổi nhất định sống ở những ngôi làng xa xôi và không thể di chuyển dễ dàng, chiếc xe buýt này thực sự là một ân sủng Chúa ban đối với họ”, một người tiêm chủng trên tàu, Jeremy Miclo cho biết.
Trong khi đó, địa danh nổi tiếng nhất của Brazil đã trở thành một địa điểm tiêm chủng khác
Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, Brazil, đã sử dụng địa danh nổi tiếng nhất của mình để tiến hành tiêm chủng. Người dân đã nhận được vắc xin dưới bóng của bức tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố.
Các bác sĩ và y tá cũng đã đưa vắc-xin tới các trại tị nạn như trại này ở Jordan.
Người tị nạn Syria Fatima Ali nhận vắc xin khi ngồi trên chiếc xe buýt nhỏ đưa cô đến phòng khám ở Mafraq, Jordan. Cô chạy trốn khỏi cuộc chiến đang diễn ra ở đất nước của mình bảy năm trước cùng chồng và sáu đứa con, để tìm nơi trú ẩn trong một trại tị nạn gần Mafraq.
“Tôi rất vui vì đã được tiêm phòng”, cô ấy nói.
“Xin Chúa phù hộ cho tất cả mọi người và chấm dứt đại dịch này, để chúng tôi có thể trở về quê hương và gặp lại các con của mình”.
Sau 10 tháng đóng cửa bởi đại dịch, công viên giải trí Disneyland ở California rợp bóng cây cọ đã trở lại hoạt động như một trung tâm tiêm chủng, với mục tiêu tiêm 7,000 mũi mỗi ngày.
Source:AFP
3. Các bác sĩ Miến Điện dẫn đầu trong phong trào phản kháng sau cuộc đảo chính
Các lời kêu gọi tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự ở Miến Điện đã tăng tốc vào thứ Tư ngày 3 tháng 2 khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục lên án cuộc đảo chính của quân đội nước này và tuyên bố sẽ trừng phạt thêm các tướng lĩnh đứng sau vụ cướp chính quyền.
Miến Điện đã quay trở lại chế độ quân sự trực tiếp vào hôm thứ Hai khi binh lính bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác trong một loạt các cuộc đột kích rạng sáng 1 tháng Hai, kết thúc cuộc thử nghiệm ngắn ngủi với nền dân chủ của nước này.
Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. NLD đã giành được chiến thắng vang dội với vào tháng 11 năm ngoái nhưng quân đội tuyên bố có các gian lận trong cuộc bầu cử.
Với binh lính và xe bọc thép trở lại đường phố của các thành phố lớn, cuộc đảo chính đã không gặp phải bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào trên đường phố.
Nhưng các dấu hiệu của sự tức giận trong công chúng và các kế hoạch chống lại cuộc đảo chính đã bắt đầu xuất hiện.
Các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện trên khắp đất nước hôm thứ Tư thông báo rằng họ đang đeo dải ruy băng đỏ -là màu của NLD – và từ bỏ mọi công việc không khẩn cấp để phản đối cuộc đảo chính.
Các nhà hoạt động đã công bố các chiến dịch của họ trên một nhóm Facebook có tên “ Phong trào Bất tuân dân sự”, đến chiều thứ Tư đã có hơn 150,000 người theo dõi trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt.
Phong trào cho biết trong một tuyên bố rằng các bác sĩ tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế ở 30 thị trấn đã tham gia cuộc biểu tình.
Họ cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên những khó khăn của người dân trong đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 3,100 người thiệt mạng ở Myanmar, một trong những nơi có mức tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.
Tiếng ồn ào của xoong nồi – và tiếng còi xe – cũng vang lên khắp Yangon vào tối thứ Ba sau khi những lời kêu gọi phản đối được phát ra trên mạng xã hội.
Source:CNA
4. Não trạng bài Công Giáo của Facebook và Instagram trong vụ cấm sách bênh vực Đức Mẹ
Cuốn sách điều tra nguồn gốc của một “não trạng chống lại Đức Mẹ” trong đó cổ vũ cho phá thai và sự hủy hoại cuộc sống của vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Gần đây, cuốn sách đã có xu hướng trở thành sách bán chạy hàng đầu trong số các sách đề cập đến lý thuyết nữ quyền trên Amazon.
Gress chia sẻ trên trang Instagram của mình rằng Facebook đã triệt hạ các bài đăng trên nhiều tài khoản Facebook đề cập đến cuốn sách, và Instagram, thuộc sở hữu của Facebook, cũng đã cấm Gress bán cuốn sách này. Không mạng xã hội nào giải thích tại sao cuốn sách vi phạm chính sách thương mại của họ.
Amazon gần đây cũng đã thôi không làm trung gian bán cuốn sách này, nhưng sau đó đã khôi phục cuốn sách vào cửa hàng của mình sau khi nhà xuất bản của Gress liên hệ với họ nhiều lần.
Sự quan tâm đến cuốn sách đã tăng vọt sau khi người dùng mạng xã hội biết rằng nó đang bị cấm. Nhà phân phối sách Công Giáo theo truyền thống TAN Books tiết lộ rằng chỉ vài ngày sau khi có tin về việc kiểm duyệt cuốn sách, kho sách của họ đã bán hết.
Không rõ tại sao cuốn sách đã bị từ chối và bị cấm trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Một số người đã suy đoán rằng ít nhất một thuật toán nào đó phải chịu trách nhiệm một phần trong việc kiểm duyệt này. Nếu đúng như thế, nó đặt ra câu hỏi và những lo ngại về cách thức hoạt động của một chính sách như vậy. Tính đến thời điểm bài báo này được đăng tải, Facebook chưa phản hồi yêu cầu của LifeSiteNews về việc giải thích thông báo vi phạm.
Gress giải thích trong phần giới thiệu của cô ấy về cuốn sách rằng hai phần đầu tiên của cuốn sách được dành để tiết lộ “danh tính và những biểu hiện cố ý che đậy” của não trạng bài Đức Mẹ, cũng như vạch trần xuất xứ của chúng. Khi thảo luận về điều này, cô đề cập đến:
Chủ nghĩa nữ quyền cực đoan có liên quan đến những sai lầm của nước Nga như thế nào, mà năm 1917, Đức Mẹ Fatima đã cảnh báo sẽ lan rộng khắp thế giới nếu nước Nga không được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ.
Sự tham gia và ảnh hưởng của phong trào nữ thần và những điều huyền bí
Ảnh hưởng của các “nữ quỷ”, như Lilith và Jezebel
Những kiến trúc sư trưởng của chủ nghĩa nữ quyền cực đoan
Những nhóm phụ nữ có học vấn dấn thân cổ vũ phá thai, kiểm soát suy nghĩ của hầu hết phụ nữ thông qua truyền thông, chính trị, Hollywood, thời trang và các trường đại học.
Các gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông xã hội đều thường xuyên bị chỉ trích gay gắt vì những gì mà nhiều người chê bai là không nhất quán, thiếu mạch lạc hoặc thực thi chính sách kiểm duyệt không chính đáng.
Riêng Facebook đã có một lịch sử lâu dài trong việc kiểm duyệt các tổ chức và cá nhân dựa trên đức tin. Gã khổng lồ truyền thông xã hội đã buộc phải xin lỗi vì nhiều trường hợp triệt hạ các nội dung bảo thủ hoặc liên quan đến niềm tin Kitô, cáo buộc một cách vô lý là “gây thù hận” hoặc không phù hợp. Chỉ vài năm trước, Facebook đã kiểm duyệt hình ảnh ông già Noel quỳ gối trước Chúa Hài Đồng Giêsu, và gọi đó là có “nội dung bạo lực”.
Source:Life Site News