Một linh mục cho rằng phép lạ của Thánh Giuse đã xảy ra khi máy bay gãy đôi mà không ai thiệt mạng

1. Một linh mục cho rằng phép lạ của Thánh Giuse đã xảy ra khi chiếc máy bay gãy đôi mà không ai thiệt mạng

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết Cha Gonzalo Mazarrasa, một linh mục người Tây Ban Nha, đã ghi công Thánh Giuse vì sự sống sót của tất cả hành khách trên chiếc máy bay mà anh trai ngài Jaime Mazarrasa đang lái vào năm 1992. Chiếc máy bay gặp nạn đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường quốc tế Granada.

Cha Mazarrasa, vào thời điểm đó, đang là một chủng sinh học ở Rôma và vừa hoàn thành 30 ngày cầu nguyện với Thánh Giuse về “những điều không thể xảy ra” thì cùng ngày hôm đó chiếc máy bay của anh trai ngài bị gãy làm đôi trên đường băng.

Theo báo chí địa phương, 26 trong số 94 hành khách bị thương nhưng không ai thiệt mạng. Chương trình truyền hình Tây Ban Nha El Hormiguero gọi nó là “chiếc máy bay thần kỳ”.

Trong một bài báo gần đây được công bố trên mạng truyền thông xã hội Công Giáo Hozana, Cha Mazarrasa đã kể câu chuyện về chiếc máy bay “máy bay thần kỳ” của hãng hàng không Aviaco và cho rằng đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse, vị thánh “có quyền lực rất lớn trước ngai Thiên Chúa”.

Vị linh mục nói: “Trong những ngày đó, tôi đang học ở Rôma vào năm 1992 và cư trú tại Trường Cao đẳng Thánh Giuse của Tây Ban Nha, nơi mà năm đó đã kỷ niệm một trăm năm thành lập”.

“Tôi đang hoàn thành buổi cầu nguyện 30 ngày để cầu xin Thánh Giuse cho những điều không thể xảy ra và một chiếc máy bay đã gãy đôi khi hạ cánh ở Granada với gần một trăm người trên máy bay: người phi công là anh trai tôi”.

“Chỉ có một người đàn ông bị thương nặng nhưng đã hồi phục. Từ hôm đó tôi xác tín rằng Thánh Giuse có rất nhiều quyền năng trước Ngai Thiên Chúa”, vị linh mục nói.

“Năm nay tôi đã một lần nữa cầu nguyện 30 ngày với Người phối ngẫu của Đức Maria vào tháng Ba, là tháng của ngài. Tôi đã làm điều đó ba mươi năm nay và Thánh Giuse chưa bao giờ làm tôi thất vọng, trái lại ngài đã vượt xa mọi kỳ vọng của tôi”.

“Tôi biết mình đã đặt niềm tin vào ai. Để bước vào thế giới này, Chúa chỉ cần một người phụ nữ. Nhưng cũng cần một người đàn ông chăm sóc bà và Con bà, và Thiên Chúa nghĩ đến một người con của Nhà Đavít: là Thánh Giuse.”

Vị linh mục khuyến khích mọi người cầu xin “Thánh Cả Giuse dạy chúng ta mang Mẹ Maria và Chúa Giêsu vào nhà của chúng ta, như Thánh Giuse đã làm, để chúng ta luôn sống trong ơn nghĩa với Chúa.”


Source:Catholic News Agency

2. Các quốc gia lớn ở Âu Châu đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca

Một số quốc gia châu Âu – bao gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha – đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca hôm thứ Hai do báo cáo về các cục máu đông nguy hiểm ở một số người nhận, mặc dù công ty và các nhà quản lý quốc tế nói rằng không có bằng chứng nào là do kết quả của việc tiêm vắc-xin này.

AstraZeneca là một trong ba loại vắc xin được sử dụng trên lục địa. Nhưng mối lo ngại leo thang là một trở ngại khác đối với chiến dịch tiêm chủng của Liên minh Âu Châu, vốn đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu hụt và các rào cản khác và đang tụt hậu rất nhiều so với các chiến dịch ở Anh và Mỹ.

Cơ quan quản lý dược phẩm của Âu Châu đã triệu tập một cuộc họp vào thứ Năm để xem xét việc phát hiện của các chuyên gia về AstraZeneca và quyết định xem có cần phải hành động hay không.

Sự phản đối diễn ra khi phần lớn Âu Châu đang thắt chặt các hạn chế đối với trường học và doanh nghiệp trong bối cảnh các trường hợp COVID-19 gia tăng.

Bộ trưởng Y tế Đức cho biết quyết định đình chỉ tiêm vắc-xin AstraZeneca được đưa ra theo lời khuyên của cơ quan quản lý vắc-xin nước này. Viện Paul Ehrlich đã kêu gọi điều tra thêm về bảy trường hợp xảy ra các cục máu đông trong não của những người đã được tiêm chủng.

“Quyết định hôm nay là một biện pháp phòng ngừa hoàn toàn”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp cũng sẽ ngừng cấp phát vắc-xin. Ý cũng công bố lệnh cấm tạm thời, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Slovenia cũng vậy.

Các quốc gia khác đã làm như vậy trong vài ngày qua bao gồm Đan Mạch, quốc gia đầu tiên, cũng như Ái Nhĩ Lan, Thái Lan, Hà Lan, Na Uy, Iceland, Congo và Bulgaria. Canada và Anh hiện đang đứng về phía vắc-xin.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Bộ trưởng Y tế và Dịch Vụ Xã Hội của Quebec là Christian Dubé đã lên tiếng chỉ trích Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada về lời khuyên đối với vắc xin của các ngài.

Các giám mục đề nghị người Công Giáo nên “ưu tiên” cho các loại vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna vì chúng có thể “được chấp nhận về mặt đạo đức” hơn những vắc-xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson sản xuất.

“Tôi cực lực phản đối tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada”, Dubé nói qua Twitter. “Tôi mời tất cả những người dân Quebec hãy tin tưởng vào các chuyên gia của chúng tôi và những người từ khắp nơi trên thế giới: tất cả các loại vắc xin mà chúng tôi quản lý đều có hiệu quả”.

Tuyên bố của Dubé được xem là sống sượng và có tính chất kích động dư luận chống các Giám Mục Canada. Thực ra, tuyên bố của các ngài không liên quan gì đến vấn đề hiệu quả hay không, các ngài chỉ đề cập đến tính chất hợp luân lý của việc phát triển các loại vắc xin khác nhau. Nay té ra, có hàng loạt nước cũng đang đặt vấn đề về AstraZeneca.


Source:AP

3. Brazil có số ca tử vong vì COVID-19 đạt kỷ lục khi bộ trưởng y tế mới chuẩn bị nhậm chức

Brazil hôm thứ Ba báo cáo số ca tử vong vì COVID-19 đạt đến kỷ lục ngay khi ứng viên Bộ trưởng Y tế mới của nước này cam kết tiếp tục các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Jair Bolsonaro, người đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này.

Những bình luận ban đầu của bác sĩ tim mạch Marcelo Queiroga, một ngày sau khi được Bolsonaro bổ nhiệm, làm tiêu tan hy vọng về sự thay đổi đáng kể nhằm hạn chế một đại dịch tồi tệ đã giết chết hơn 280,000 người ở Brazil, nơi đã có số người chết hàng tuần tồi tệ nhất trên thế giới trong tuần qua.

Vào chiều thứ Ba, lần đầu tiên Brazil ghi nhận 2,841 trường hợp tử vong chỉ trong 24 giờ.

Queiroga đã yêu cầu người Brazil đeo khẩu trang và rửa tay nhưng ông không ủng hộ việc giãn cách xã hội hoặc khóa cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Bàn về việc đeo khẩu trang và rửa tay, ông nói:

“Đây là những biện pháp đơn giản nhưng rất quan trọng, bởi vì mọi người có thể thực hiện những biện pháp này để tránh phải đóng cửa nền kinh tế của đất nước”, Queiroga cho biết trong một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Y tế sắp mãn nhiệm Eduardo Pazuello, một tướng lãnh đang tại ngũ.

Pazuello đã phải chịu áp lực khi số người chết tăng cao, mặc dù ông miễn cưỡng ủng hộ chính sách chống khóa cửa của Bolsonaro. Ông cũng ủng hộ việc tổng thống cho dùng thuốc chống sốt rét để điều trị COVID-19. Hiệu quả của thuốc này bị nhiều chuyên gia y tế tranh cãi.

Queiroga nói thêm rằng chính sách y tế tổng thể do tổng thống đặt ra và bộ trưởng ở đó để thực hiện nó.

Việc bổ nhiệm chính thức Queiroga, người đã vận động cho Bolsonaro vào năm 2018 và phục vụ trong nhóm chuyển tiếp của ông, đã diễn ra vào hôm thứ Tư. Queiroga là bộ trưởng y tế thứ tư của Brazil kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Queiroga, chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Brazil, đã chỉ trích việc sử dụng hydroxychloroquine chống sốt rét để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong một cuộc phỏng vấn trên báo vào hôm Chúa Nhật, nói rằng không có bằng chứng khoa học cho thấy nó có hiệu quả, nhưng ông nói thêm rằng các bác sĩ được tự do kê đơn thuốc.

Ông cũng nói rằng việc đóng cửa không phải là cách để ngăn chặn đại dịch, và lặp lại lập trường của Bolsonaro khi tổng thống thách thức các chuyên gia y tế công cộng và các thống đốc bang ở Brazil chứng minh cho ông thấy ích lợi của việc khóa cửa.


Source:Reuters

4. Giám mục Công Giáo Anh lo ngại Tiến Trình Công Nghị của Đức sẽ dẫn đến ‘cuộc ly giáo trên thực tế’

Một giám mục Anh cho biết ngài sợ rằng Tiến Trình Công Nghị ở Đức sẽ dẫn đến một “ly giáo trên thực tế”. Ly giáo trên thực tế có nghĩa là bề ngoài vẫn xưng danh là Công Giáo nhưng hệ thống tín lý đã hoàn toàn khác.

Đức Cha Philip Egan của Portsmouth nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng ngài tin rằng mình có nhiệm vụ lên tiếng về Tiến Trình Công Nghị kéo dài trong nhiều năm nhằm tập hợp các giáo dân và giám mục Đức thảo luận về bốn chủ đề chính: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.

Ngài nói: “Là một giám mục, tôi có trách nhiệm không chỉ đối với Giáo hội trong giáo phận này mà còn đối với Giáo hội hoàn vũ. Tôi có những người bạn Đức và giống như tôi, họ đã quan tâm đến Tiến Trình Công Nghị trong một thời gian”.

“Cách thức mà nó được thiết lập chắc chắn sẽ dẫn đến những kết luận thỏa hiệp về mặt đức tin và xung khắc với Truyền thống của Giáo hội”.

Đức Cha Egan, người đã lãnh đạo giáo phận miền nam nước Anh của ngài từ năm 2012, nói rõ rằng ngài không phản đối việc thảo luận về “các vấn đề nóng bỏng” do các nhà tổ chức của Tiến Trình Công Nghị lựa chọn.

“Tuy nhiên, một phương pháp đúng cách Công Giáo là cần thiết cho một cuộc thảo luận như vậy có thể xảy ra. Điều này sẽ trình bày rõ ràng đạo lý Công Giáo và làm rõ ý nghĩa và giá trị của những đạo lý ấy đối với con người ngày nay”.

Các giám mục Công Giáo Đức đang tiến hành Tiến Trình Công Nghị với sự hợp tác của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), một tổ chức giáo dân có ảnh hưởng tại quốc gia này.

Các nhóm công tác của Tiến Trình Công Nghị đang chuẩn bị các đề xuất cải cách về các vấn đề giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội về hôn nhân, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục và thay đổi giáo huấn về đạo đức tình dục.

Ban đầu người Đức cho rằng Tiến Trình Công Nghị này sẽ cho hệ quả “ràng buộc” tại Đức và cả trên toàn cầu khiến Tòa Thánh phải can thiệp.

Một số ít các giám mục Đức đã công khai bày tỏ quan ngại về tiến trình này.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln đã nói vào tháng 9 năm ngoái rằng kết quả tồi tệ nhất sẽ là Tiến Trình Công Nghị này “dẫn đến sự chia rẽ và do đó tách Giáo hội Đức ra khỏi tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ”.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA, Đức Hồng Y nói rằng ngài lo lắng rằng điều này sẽ tạo ra “một cái gì đó giống như một Giáo Hội quốc gia Đức”.

Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đã chỉ trích Tiến Trình Công Nghị Đức, cáo buộc các nhà tổ chức thiếu minh bạch.

Đức Cha Egan nói với CNA: “Nỗi lo lắng của tôi là chúng ta đang ở rất gần điểm không thể quay trở lại của Tiến Trình Công Nghị này – khi các giám mục và mọi người đưa ra các quan điểm khác với huấn quyền phổ quát và kỷ luật của Giáo hội, ví dụ như việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, cho người Tin lành rước lễ”

“Điều này sẽ dẫn đến một cuộc ly giáo trên thực tế sẽ rất khó sửa chữa (và phức tạp về mặt thần học)”.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *