Trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, người trẻ có nhiều cơ hội được học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng phải đối diện với những cám dỗ của thời đại mới như: nghiện ngập ma tuý, cờ bạc, sống thử, nạo phá thai, bạo lực ngày càng gia tăng đến mức nghiêm trọng. Các tệ nạn ấy không những ảnh hưởng đến sức khoẻ, khả năng lao động, học tập mà còn làm tan vỡ biết bao gia đình.
Là người từng làm công tác trong giới trẻ, tôi được các bạn tin tưởng tìm gặp và tâm sự về những vấn đề mình gặp phải khi có người chồng ham mê cờ bạc, rượu chè, hành xử bạo lực…Họ cảm thấy tủi hờn vì nhà cửa, con cái không được chồng đỡ đần, chia sẻ, những tổn thương về tinh thần và thể xác cứ ám ảnh ngày đêm. Nhìn cảnh chồng mình sáng say chiều xỉn, người phờ phạc đi khi đắm mình trong chiếu bạc khiến các em cảm thấy đau khổ, chán nản, tình yêu vì thế dần phai nhạt nên có người đã nghĩ đến giải pháp chia tay để mong thoát khỏi “nợ đời”.
Nghe họ nói, tôi rất thông cảm với những gì các em đang phải đối mặt. Ngoài việc lắng nghe, an ủi, động viên, tôi còn đưa ra ví dụ về một bạn trẻ mà chúng tôi đều quen biết như gương mẫu của người vợ son sắt, thuỷ chung. Em sống với một người chồng không có công ăn việc làm, nhưng thích uống rượu đến mức khó kiểm soát hành vi, nhiều lần uống vào là đập phá đồ đạc, nhà cửa, nhưng nhờ sự hy sinh, dịu dàng và nhẫn nại của vợ mà người chồng bây giờ đã thay đổi thấy rõ.
Khi ai đó làm chúng ta tổn thương, mất mát, đa phần mọi người chọn giải pháp chia tay, nhưng đối với em thì khác: yêu thương là không từ bỏ, là phải tìm đủ mọi cách để cứu người mình yêu thoát khỏi bùn nhơ. Những đêm chồng đi nhậu về khuya là những đêm em không ngủ, thao thức suy nghĩ và cầu nguyện để xin Chúa chỉ cho mình cách thức vượt qua sóng gió, cuối cùng em đưa ra quyết tâm: muốn chồng thay đổi thì bản thân mình phải thay đổi trước tiên. Thay vì trì triết, trách mắng em tập cách sống đồng hành cùng người bạn đời. Mỗi sáng sau khi đi lễ về, em lau lọt nhà cửa, cho con ăn sáng xong rồi nhờ chồng đưa chúng đi học, còn mình thì đi làm, buổi chiều về nhà lại lao vào cơm nước, giặt giũ…Không muốn chồng rảnh rỗi sẽ buồn chán mà tìm về lối cũ, ban đầu em nhờ chồng phụ mình làm một chút việc nhà, trông con, nếu có thời gian rảnh thì buổi tối cả gia đình lên khuôn viên nhà thờ tản bộ, vừa đi vợ chồng vừa chia sẻ những câu chuyện trong ngày, về tương lai của con cái…trước khi ra về không quên đọc kinh, cầu nguyện ngắn trước đài Đức Mẹ. Thời gian đầu chồng em tỏ ra rất khó chịu, bất hợp tác, vẫn lén đi nhậu nhưng em luôn kiên trì không bỏ cuộc, dùng tình yêu thương để lấp đầy những thiếu xót của người bạn đời. Muốn vun đắp hạnh phúc gia đình em phải hy sinh rất nhiều, cố gắng dành thời gian quan tâm, hỏi han, động viên chồng. Nhận thấy bạn bè xung quanh là một trong những tác nhân khiến ông xã khó bỏ rượu, em lấy cớ điện thoại mình bị hư rồi mượn của chồng sài để cắt đứt một nguồn liên lạc rủ anh đi nhậu.
Biết mình không thể dùng sức riêng mà chống lại sự dữ nên trước khi làm bất cứ việc gì, em cũng hướng lòng lên Chúa để xin Người ban cho mình thêm lòng trông cậy vững vàng, nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ canh tân và soi dẫn cho mình và người bạn đời thay đổi. Những lúc đau khổ, chán nản tưởng chừng như muốn bỏ cuộc thì em lại nhớ đến Lời Chúa qua dụ ngôn cỏ lùng (Mt13,24-43), khi thấy cỏ lùng xuất hiện trong ruộng lúa, đầy tớ đã xin chủ nhổ chúng đi, nhưng ông ngăn lại vì sợ rằng khi gom cỏ sẽ làm bật luôn rễ lúa… Lòng thương xót của Chúa luôn khoan dung, nhẫn nại, chờ đợi trong hy vọng đối nghịch với sự vội vàng của con người. Mỗi khi thấy điều xấu, chúng ta vội vàng kết án, loại trừ nhưng Chúa thì không, Người luôn chờ đợi với sự yêu thương, nhẫn nại và khoan dung, chính nhờ đó mà những người tội lỗi có cơ hội trở nên tốt lành hơn. Có những đêm không ngủ, em cầu nguyện trong nước mắt: “Lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành cỏ lùng, xin chăm sóc, cắt tỉa để để chúng con trở nên những bông lúa trĩu hạt”.
Em có lòng đạo đức như thế là nhờ có một người mẹ rất đạo hạnh, mỗi lần tiếp xúc với gia đình bà, tôi thấy họ toát lên lòng mến Chúa yêu người cách sâu xa. Biết con gái mình vất vả, ngoài việc hỗ trợ về kinh tế bà thường khuyên nhủ con gái: “Ai cũng có lần vấp ngã, thay vì nuôi hờn giận, con hãy nhìn chồng như một bệnh nhân đang đau bệnh cần được yêu thương, chăm sóc, chữa lành để kiên nhẫn và bao dung hơn. Cố lên mẹ sẽ luôn cầu nguyện cho các con”. Nhờ sự nỗ lực của mọi người, tôi thấy chồng em dần thay đổi, gần như bỏ hẳn rượu nên nhìn tươi tắn, mập mạp chứ không gầy gò, vật vã như trước. Nhìn cảnh cả nhà em quần áo tươm tất sánh vai nhau đi lễ, tôi cũng thấy vui lây.
Qua bài viết này, ước mong sao các gia đình hãy lấy Lòng thương xót Chúa mà đối đãi với nhau, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, mỗi người có thêm lòng Tin, Cậy, Mến mà vượt qua những yếu đuối, tuyệt vọng hầu đứng vững trước nghịch cảnh. Có Chúa và cùng với Chúa, tình yêu sẽ lên ngôi, lấp lánh toả sáng giữa cuộc đời này.
KimMary