Giả vờ theo đạo để được cấp quy chế tị nạn, rồi đặt bom chính nhà thờ chính tòa thành phố

1. Giả vờ theo đạo để được cấp quy chế tị nạn, rồi đặt bom chính nhà thờ chính tòa thành phố

Các Giáo Hội sẽ ngây thơ nếu họ ủng hộ yêu cầu xin tị nạn của những người di cư Hồi giáo tìm cách tránh không bị trục xuất bằng cách cải đạo sang Kitô Giáo, một cựu giám mục Anh giáo cao cấp, nay là một linh mục Công Giáo, đã nói như trên một vụ đánh bom thất bại ở Liverpool.

Cha Michael Nazir-Ali cho biết các báo cáo rằng những kẻ buôn người đang khuyên người di cư củng cố đơn xin tị nạn của họ bằng cách trở thành Kitô Hữu là hoàn toàn “có cơ sở”.

Cha Nazir-Ali, cựu Giám mục Anh Giáo của Rochester, là người được thụ phong linh mục Công Giáo, cho biết mặc dù các Giáo Hội có vai trò trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo và các lời cố vấn, họ không nên có quan điểm ngây thơ nhất mực bênh vực phe ta trong việc đánh giá các yêu cầu tị nạn để khỏi bị lừa như trong trường hợp vừa xảy ra trong tuần trước.

Vị giáo sĩ gốc Pakistan cảnh báo các Giáo Hội rằng việc đánh giá tính hợp lệ của các đơn xin cá nhân là nghĩa vụ của nhà nước, mà theo ông, họ “phải tính đến lợi ích rộng lớn hơn của quốc gia và lợi ích chung”.

Ngài cho biết cuộc tấn công Ngày Tưởng nhớ đã thất bại ở Liverpool bởi kẻ đánh bom tự sát Emad Al Swealmeen, một người Jordan đã trở thành một tín hữu Anh giáo vào năm 2015, “đã đặt ra câu hỏi về vai trò của các Giáo Hội và liệu, ngoài mong muốn làm điều tốt, họ có thể ngây thơ trong việc ủng hộ các yêu cầu xin tị nạn của những người cải đạo sang Kitô Giáo”.

Ngài viết trên tờ Daily Telegraph rằng việc cải đạo sang Kitô Giáo đã cho phép những người di cư Hồi giáo có khả năng được tị nạn mong manh “nói rằng họ sẽ bị ngược đãi nếu trở về quê hương của mình” và như thế họ được nhảy lên hàng ưu tiên.

“Có phải đôi khi các Giáo Hội tin cậy một cách quá đáng không?” ngài hỏi. “Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo, các giáo sĩ và giáo dân phải phân biệt động cơ đằng sau những người đến với Giáo Hội và yêu cầu được rửa tội và gia nhập”.

“Một cách để đánh giá liệu một tuyên bố cải đạo có chính xác hay không là xem xét liệu mối quan tâm đến Kitô Giáo nảy sinh trước, hay sau khi một yêu cầu xin tị nạn đã bị từ chối”.

“Ví dụ, kẻ tấn công Liverpool đã cải đạo sau khi anh ta bị từ chối tị nạn. Các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng nên bảo đảm một cách hợp lý và có cơ sở rằng và bất kỳ người cải đạo nào cũng đã có sự chuẩn bị đầy đủ để trở thành thành viên của cộng đồng của mình. Họ có luôn làm điều này không? “

Cha Nazir-Ali, người theo đạo Công Giáo vào ngày 29 tháng 9 và được thụ phong linh mục trong Lễ Truyền chức tại Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham vào ngày 30 tháng 10, nói thêm rằng có nhiều Kitô Hữu ở nước ngoài đã bị đàn áp và tiếng kêu của họ bị chìm trong quên lãng giữa cảnh bách hại kinh hoàng.

Ngài nói: “Đất nước này đã không làm đủ để cung cấp nơi trú ẩn cho các tín hữu Kitô từ Syria hoặc Iraq, những người không thể sống trong các trại do Liên hợp quốc bảo trợ, nơi bị các phần tử Hồi giáo thống trị”

“Tương tự như vậy, những người bị đàn áp ở Pakistan, vì luật báng bổ, hoặc vì chế độ thần quyền của Iran, ít tìm được thiện cảm với các quy trình giải quyết người tị nạn của Anh.”

Nhận xét của ngài được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang “đánh lừa hệ thống” bằng cách chuyển đổi sang Kitô Giáo để có cơ hội ở lại Vương quốc Anh tốt hơn.

Al Swealman, 32 tuổi, đã thất bại trong đơn xin tị nạn và bị Bộ Nội vụ từ chối vào năm 2014 – một năm trước khi anh đến trình diện tại Nhà thờ Anh giáo của Liverpool để xin trở thành một Kitô Hữu.

Anh ta đã được rửa tội vào năm 2015 và được xác nhận vào năm 2017, nhưng sau đó anh ta hoàn toàn biến mất, chấm dứt mọi liên lạc với Anh Giáo vào năm 2018. Nhưng cảnh sát cho biết anh ta đã thờ phượng tại một nhà thờ Hồi giáo trong bốn năm qua – cho đến thời điểm anh ta thực hiện vụ tấn công.

Anh ta đã thiệt mạng khi quả bom khổng lồ, chứa đầy đạn bi, mà anh ta đang mang theo kích nổ trên một chiếc taxi trên đường đến mục tiêu đã định.

Theo báo chí đưa tin, chỉ riêng tại Liverpool, hàng trăm người di cư Hồi giáo đã được chào đón vào Anh Giáo trong những năm gần đây sau khi hoàn thành khóa học ngắn hạn kéo dài 5 tuần tại Nhà thờ Liverpool.

Bên cạnh việc cho phép họ tuyên bố rằng họ sẽ bị ngược đãi nếu bị trục xuất về nước, việc chuyển đổi sang Kitô Giáo cũng có thể là bằng chứng về sự thành công của một ứng viên trong việc hòa nhập vào xã hội phương Tây.

Theo Daily Telegraph, Giáo Hội Anh Giáo tại Liverpool đã tích cực hỗ trợ đơn xin tị nạn cho một số người tìm cách ở lại Vương quốc Anh.

Vụ tấn công khủng bố tại Liverpool đã thất bại như sau:

Một hành khách lên xe của tài xế anh hùng David Perry yêu cầu anh ta chở đến Nhà thờ Liverpool, nơi đang tổ chức Lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong vào hôm Chúa Nhật, với sự tham dự của 1,200 quân nhân. Buổi lễ nhằm tri ân các cựu chiến binh, bao gồm một số người gần đây đã phục vụ tại Afghanistan và Iraq. Các giao thức an ninh đã hạn chế dòng xe cộ gần địa điểm xảy ra sự kiện đã tạo ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn trên toàn thành phố. Vì thế, cuối cùng, người hành khách này đã yêu cầu Perry quay lại và đưa anh ta đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool.

Đó là khi Perry lần đầu tiên nghi ngờ hành khách có thể đang có ý định tấn công khủng bố. Sau khi người hành khách yêu cầu David Perry quay xe theo hướng ngược lại, để đến Bệnh viện Phụ nữ Liverpool, anh ta bắt đầu sinh nghi nên thường xuyên nhìn vào kính chiếu hậu và phát hiện người hành khách đang nối các dây điện vào quả bom. Anh tấp vào lề ở một khúc đường vắng vẻ. Nhảy ra khỏi xe, bấm remote control để khoá cửa xe, rồi vừa chạy vừa la làng. Tên khủng bố biết không xong, đã cho bom nổ. Sức công phá mạnh đến mức chiếc xe nổ tan tành, và một lực rất mạnh đập vào lưng anh, xô anh ngã sấp mặt xuống lề đường. May mắn là người tài xế anh hùng chỉ bị thương nhẹ.


Source:Catholic Herald

2. Tại sao khi người nhà đang hấp hối, cần thiết là chúng ta phải ở bên cạnh họ, nhiệt thành cầu nguyện cho họ và với họ?

Đức Ông Stephen Rossetti, linh mục trừ tà của Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ kể lại câu chuyện sau trong bài “Exorcist Diary #164: Mentally Tormented by the Devil”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 164: Bị ma quỷ dày vò về mặt tinh thần”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

“Cơn đau khổ của Thánh Antôn” được cho là bức tranh đầu tiên được biết đến của Michelangelo khi ông mới 12 hoặc 13 tuổi.

Tôi thấy rõ rằng nhiều người bị dày vò tinh thần bởi tội lỗi và những thất bại trong quá khứ thực sự đang phải chịu đựng những ám ảnh của ma quỷ.

Có một loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế rất thực, trong đó một người bị ám ảnh cứ nhai đi nhai lại về một thất bại có thật trong quá khứ hoặc thậm chí chỉ là do tưởng tượng mà ra. Điều này có thể thấy rất rõ nơi những người đi xưng tội cứ lặp đi lặp lại một tội lỗi đã xưng thú trước đó, như thể họ không tin vào quyền năng tha tội của ơn xá giải. Đó vẫn còn là nhẹ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, những suy nghĩ và cố gắng không thành công nhằm loại bỏ chúng có thể khiến người ấy suy nhược. Những người như vậy thường được điều trị tốt nhất bằng cách kết hợp với Liệu pháp Nhận thức-Hành vi và thuốc men.

Nhưng đôi khi, ma quỷ có thể ngụy trang một cuộc tấn công trong những cạm bẫy lừa đảo của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một nhà trừ tà có thâm niên ước tính rằng 25 phần trăm dân số đang phải chịu một số hình thức ma quỷ ám ảnh. Tôi không có lý do gì để tin rằng con số đó là phóng đại.

Ví dụ, “John” bị dày vò bởi những suy nghĩ xấu xa và bỉ ổi đến mức không thể hoạt động bình thường được nữa. Khi đứng trước một người phụ nữ, bất kể là ai, những suy nghĩ xấu xa và bỉ ổi lại bật lên, khiến anh lo sợ sẽ xúc phạm người ấy. Nhiều năm trị liệu tâm lý không hề thuyên giảm. Đáng chú ý là những ám ảnh này bắt đầu sau khi anh ta tái nghiện phim ảnh khiêu dâm. Xưng tội, sửa đổi cuộc sống, và một số phiên trừ tà giải thoát, tất cả hợp lại mới dập tắt được những ám ảnh tinh thần.

Tương tự như vậy, “Alicia” bị dày vò với những suy nghĩ về hận thù và tuyệt vọng, thường đưa cô đến bờ vực tự tử. Trong khi các liệu pháp tâm lý tỏ ra có chút hữu ích, các cuộc tấn công tinh thần rất dữ dội, trái ngược với trạng thái tâm lý bình thường của cô, xảy ra bất cứ khi nào cô cố gắng cầu nguyện hoặc đi lễ. Cô cũng chỉ tìm thấy sự nhẹ nhõm đáng kể thông qua các buổi cầu nguyện giải thoát sau đó.

Trong cả hai trường hợp, những ám ảnh về tinh thần không hoàn toàn biến mất, vì gốc rễ của chúng là ở những điểm yếu tâm lý bình thường của họ. Nhưng rõ ràng là Satan, là một kẻ cơ hội, đang khai thác những điểm yếu này của con người. Nó phóng đại những điểm yếu này đến mức hoàn toàn rối loạn chức năng, tuyệt vọng và tự tử. Giờ đây, Alicia và John trở lại là những người bình thường. Sự dữ dội của ma quỷ trong các cuộc tấn công đã tiêu tan.

Những ám ảnh ma quỷ có thể được phân biệt với những ám ảnh tâm lý bởi cường độ của chúng, không tương xứng với trạng thái của con người và thường xảy ra khi tham gia vào các thực hành thánh. Ngoài ra, thường có một sơ hở cho ma quỷ lợi dụng, có thể được xác định, đặc biệt là trong các thực hành tội lỗi gần đây hoặc các thực hành huyền bí. Cuối cùng, cường độ của các cuộc tấn công tinh thần tan biến sau những lời cầu nguyện giải cứu.

Vào cuối cuộc đời của một người, sự tấn công ám ảnh của ma quỷ không còn được che giấu. Khi một người bước vào cuộc phán xét cuối cùng, Satan, kẻ tố cáo vĩ đại, buộc tội linh hồn về tất cả sự bất trung của linh hồn ấy trong cuộc sống. Hắn ta muốn linh hồn ấy phải sa hỏa ngục. Như Thánh Catêrina thành Siena kể lại trong cuốn The Dialogue, Chúa đã mạc khải cho thánh nữ rằng: “Trong khoảnh khắc của cái chết… Ma quỷ buộc tội họ với nỗi kinh hoàng và bóng tối… Ma quỷ hành hạ linh hồn ấy bằng sự bất trung để đưa anh ta đến tuyệt vọng.”

Trong những giờ sau hết, sự cầu cứu của các linh hồn phải hết sức nhiệt thành và luôn luôn hướng đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta được cứu trong đời này, và đời sau, bởi Tình yêu của Thiên Chúa nhân từ của chúng ta.


Source:Catholic Exorcism

3. Đức Hồng Y Sarah kêu gọi các linh mục Công Giáo đổi mới tinh thần trong cuốn sách mới

Trong một cuốn sách mới, Đức Hồng Y Robert Sarah kêu gọi các linh mục đổi mới tâm linh, và nói rằng hoán cải sẽ không đến qua những thay đổi về cấu trúc, nhưng thông qua việc khám phá lại sứ mệnh và căn tính của linh mục, là sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới.

“Chúa Kitô không bao giờ tạo ra các cấu trúc. Tất nhiên, tôi không nói rằng chúng không cần thiết. Việc tổ chức là điều hữu ích trong xã hội, nhưng nó không phải là điều tối thượng,” Đức Hồng Y Sarah nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 11 với tuần báo Công Giáo Pháp Famille Chrétienne.

“Điều quan trọng nhất là lời đầu tiên của Chúa Kitô trong Phúc âm theo Thánh Máccô: ‘Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng’”.

Đức Hồng Y nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đã xuất bản cuốn “Pour l’éternité: Médences sur la figure du prêtre” (“Cho cuộc sống vĩnh cửu: Suy niệm về Hình ảnh của Linh mục”) ở Âu Châu vào ngày 17 tháng 11.

Cuốn sách, hiện chỉ có bằng tiếng Pháp, bao gồm các đoạn văn của các vị thánh và các Giáo phụ nhằm khuyến khích suy niệm về việc canh tân sứ vụ linh mục, mà theo Đức Hồng Y, là một bước cần thiết trên con đường giải quyết cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo.

“Nếu các linh mục, nếu xã hội nhìn vào Chúa, thì tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi,” ngài nói với Famille Chrétienne. “Nếu trái tim không thay đổi bởi Tin Mừng, chính trị sẽ không thay đổi, kinh tế sẽ không thay đổi, các mối quan hệ của con người sẽ không thay đổi. Chính Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, Đấng sẽ tạo ra những mối quan hệ nhân loại huynh đệ hơn, trong sự cộng tác, trong sự hợp tác”.

Các cấu trúc “cũng thường là một mối nguy hiểm, bởi vì chúng ta ẩn náu đằng sau chúng,” ngài nói. “Thiên Chúa sẽ không hỏi đến trách nhiệm của một hội đồng giám mục, một thượng hội đồng… Chính chúng ta, các giám mục, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước mặt Chúa: ngươi đã quản lý giáo phận của mình như thế nào, ngươi đã yêu thương các linh mục của mình ra sao, ngươi đã đồng hành với họ về mặt thiêng liêng như thế nào? “

Đức Hồng Y Sarah đã kết thúc nhiệm kỳ hơn sáu năm với tư cách là tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào tháng Hai vừa qua.

Đức Hồng Y Sarah năm nay 76 tuổi đến từ Guinea đã viết một cuốn sách về chức linh mục, luật độc thân linh mục và cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo, có nhan đề “From the Depths of Our Hearts”, nghĩa là “Từ Thẳm Sâu Trái Tim Chúng Ta”, vào năm 2020. Cuốn sách thu hút nhiều tranh cãi xoay quanh việc Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI có phải là đồng tác giả hay không.

Đức Hồng Y Sarah nói rằng trong cuốn sách mới của mình, ngài muốn bày tỏ tình cảm và sự khích lệ của mình đối với các linh mục đang gặp khó khăn và cả những người cảm thấy mạnh mẽ trong ơn gọi của mình.

Ngài giải thích: “Đó là về việc khuyến khích các linh mục đừng để mất Thiên Chúa, nhưng có can đảm theo Chúa Kitô như các ngài đã chấp nhận ngay từ đầu, vào ngày thụ phong. Bởi vì cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua ngày nay trong Giáo hội về cơ bản phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng của các linh mục.”

Đức Hồng Y cũng bình luận về các tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, và nói rằng Giáo hội “không được sợ sự thật”.

“Chúng ta phải cảm thấy tổn thương sâu sắc, đau khổ vì điều đó như Chúa Kitô đã phải chịu đựng khi Giuđa phản bội Người, khi Phêrô chối bỏ Người.” Ngài nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội và các linh mục của Giáo hội phải là các tấm gương, và chỉ cần một trường hợp lạm dụng thôi là đã quá nhiều.

“Việc khám phá ra rất nhiều tội lỗi đã phạm khiến chúng ta hiểu rõ hơn về kém hiệu quả rõ rệt của các Giáo Hội địa phương của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể đơm hoa kết trái khi căn bệnh ung thư như vậy đang gặm nhấm chúng ta từ bên trong? Chúng ta phải khám phá lại ý nghĩa của việc sám hối và ăn năn, thúc giục việc tôn thờ Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa để phạt tạ cho những tội lỗi đã xúc phạm hình ảnh của Ngài trong tâm hồn trẻ em.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Sarah nói thêm rằng người Công Giáo không nên ngã lòng vì phần lớn các linh mục đều trung thành, đó là lý do để tạ ơn Chúa.

Ngài nói: “Sự trung tín hằng ngày trong lặng lẽ của các ngài không gây ồn ào, nhưng nó âm thầm mang theo những hạt giống sâu sắc của sự đổi mới”.

Đức Hồng Y nhận định tiếp rằng: “Mọi việc tùy thuộc vào việc các linh mục phạm tội có bị trừng phạt hay không, có được chăm sóc, chữa lành, đồng hành hay không, để những hành vi như thế không xảy ra một lần nữa. Trên hết, chúng ta không được để những nỗi kinh hoàng này khiến các linh hồn xa lánh Chúa Giêsu Kitô và giam cầm rất nhiều nạn nhân vô tội trong đau khổ.”

Cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah dành riêng cho các chủng sinh và ngài nói rằng ngài cũng muốn khuyến khích họ, bởi vì họ đang học để trở thành linh mục vào một thời điểm khó khăn.

Đức Hồng Y cho biết ngài muốn nói với họ rằng nếu Chúa Kitô đã kêu gọi họ gia nhập chức tư tế Công Giáo, thì Chúa cũng sẽ ban cho họ phương tiện để thực sự theo Ngài.

“Hãy cố gắng thực hiện ơn gọi này một cách nghiêm túc. Chúa gọi bạn sẽ không để bạn một mình. Ngài sẽ ủng hộ bạn với ân sủng của Người, nhưng bản thân bạn phải là một người đàn ông nhận thức đầy đủ, một người đàn ông chân chính, trung thực, ngay thẳng và có tất cả các phẩm chất của con người.”

Ngài lưu ý, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các linh mục, khuyến khích mọi người mời các linh mục vào nhà để cầu nguyện và trò chuyện.

Ngài nói rằng một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ là điều cần thiết cho mỗi linh mục, trích dẫn gương của các thánh như Thánh Gioan Vianney, Cha Sở thành Ars.

Khi người phỏng vấn Đức Hồng Y chỉ ra rằng “nước Pháp của Cha Sở thành Ars không phải là nước Pháp của thế kỷ 21,” Đức Hồng Y Sarah trả lời: “Đúng thế, nhưng con người cũng vậy. Con người không thay đổi. Con người có cùng tham vọng, những khuyết điểm giống nhau, cùng những tệ nạn từ Adam cho đến tận ngày nay”.

“Chỉ có những hoàn cảnh mà chúng ta đã tạo ra có thể khiến chúng ta bối rối, nhưng con người không thay đổi,” ngài nhấn mạnh và nói thêm rằng “Người Pháp vào thời Cha Sở thành Ars là Người Pháp của ngày hôm nay, với sự khác biệt là Người Pháp ngày nay có điện thoại di động… Nhưng về tham vọng, về tệ nạn và về lỗi lầm của mình, cũng đều giống như nhau thôi. Chúng ta vẫn cần những linh mục thánh thiện được đồng nhất với Chúa Kitô”.

Đức Hồng Y cũng bình luận về cách mà Pháp và các nước phương Tây khác đã khép mình với Chúa.

“Nếu nước Pháp, nếu phương Tây, nhờ thừa tác vụ của các linh mục, tái khám phá ra rằng Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta, rằng Ngài yêu thương chúng ta, rằng Ngài muốn chúng ta được cứu rỗi, rằng Ngài muốn chúng ta tái khám phá sự thật và rằng sự thật này sẽ giúp chúng ta, thì sứ vụ truyền giáo là khả thi”.

“Nhưng đừng tuyệt vọng. Đó là lý do tại sao các linh mục phải tái khám phá sứ mệnh của mình, các linh mục phải khám phá lại căn tính của các ngài. Các ngài phải nhớ mình là sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa thế giới này. Nếu các ngài ứng xử tốt, nếu các ngài là sự hiện diện của Chúa Kitô, thì nước Pháp và phương Tây có thể dần dà tái khám phá Chúa Kitô”.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *